ĐỪNG MẠO DANH ANH CHẾ LAN VIÊN
Trong kháng chiến chống Mỹ, một xe tải chở đoàn nhà văn đi tuyến lửa trở về Hà Nội. Đến phà Ghép xe tắc. Trong lúc chờ phà, anh Chế Lan Viên rủ tôi xuống xe, đi dạo. Một đoàn xe tải chở cam từ Vinh ra, cũng nối đuôi sau xe chúng tôi. Một tốp trẻ con chăn trâu, nhảy lên xe lấy cắp cam. Người lái xe chụp được một chú bé, giật lại quả cam và đánh bé. Chế Lan Viên xông đến, ôm anh lái xe và nói: “Đừng đánh trẻ con. Tôi sẽ đền cam”.
- Mày là ai mà dám đồng lõa với kẻ cắp? - Lái xe quát lên - Dơ nắm đấm dứ dứ đe dọa - Mày là kẻ cắp phải không?
- Không. Tôi là Chế Lan Viên.
Anh lái xe thộp ngực áo Chế Lan Viên đây mà day:
- Chế Lan Viên là nhà thơ. Tao biết. Mày đừng mạo danh Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên đứng đực ra. Nhưng anh cũng chẳng biết mình có thật mình là Chế Lan Viên hay không. Biết thanh minh thế nào đây. Vì trên thùng xe gió lộng, trời rất rét. Chế Lan Viên lấy phu la trùm kín đầu. Tôi và Phạm Tường Hạnh xông vào cố giằng Chế Lan Viên ra khỏi đôi tay rắn như thép của anh lái xe. Từ trên thùng xe các nhà văn Võ Huy Tâm, Anh Thơ, Phạm Hổ cũng kêu lên:
- Đừng đánh Chế Lan Viên!
Anh lái xe buông áo nạn nhân, lùi ra xa ngắm, rồi xông vào ôm chầm lấy Chế Lan Viên:
- Anh tha lỗi cho em nhé. Bởi vì… Bởi vì em chưa gặp Chế Lan Viên bao giờ…
VIẾT LÁCH MÀ THUA…
Thuở ấy người ta có “mốt” đeo huân chương vào những ngày Lễ, Tết. Nhà thơ Nguyễn Đình - một cây bút châm biếm, đả kích nổi tiếng, nhân dịp ngày quốc khánh, ông đeo huân chương đi dạo phố, chẳng biết huân chương trên ngực Nguyễn Đình bị kẻ cắp lấy hay rơi đâu đó, ông về viết thông báo lên cái bảng đen trước sân Hội nhà văn: “Nguyễn Đình tôi có mất một huân chương… hạng… Ai nhặt được xin cho lại. Xin đa tạ”.
Chế Lan Viên chợt thấy mấy dòng đó, khúc khích cười rồi lấy viên phấn viết lia lịa dưới phần thông báo của Nguyễn Đình:
Nhà thơ đả kích mất huân chương
Nghe chỉ buồn cười chẳng thấy thương
Viết lách mà thua thằng kẻ cắp
Huân chương xin chớ diện ra đường
Chiều đến đọc mấy hàng chữ đó (mặc dầu Chế Lan Viên cố viết cho khác chữ mình) Nguyễn Đình vẫn phát hiện ra:
- Cái giọng thơ đả kích này là của thằng Hoan (tên tục của Chế Lan Viên). Được rồi! Ông sẽ cho mày biết tay!...
CHẾ LAN VIÊN BỊ BỎ ĐÓI
Khi ở trại viết Quảng Bá, tôi ngồi cách Chế Lan Viên hai phòng. Một buổi sáng, tôi chưa kịp ra phòng ăn thì nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Tôi nghĩ có ai gọi phòng Hà Minh Đức bên cạnh, nên ngồi im, lát sau nghe tiếng Chế Lan Viên hỏi:
- Tấn có trong đó không?
Tôi chạy đến mở cửa, Chế Lan Viên thò đầu vào:
- Ông qua tôi nhờ cái này tý.
Chắc có việc gì quan trọng đây, tôi liền bước theo Chế Lan Viên. Vào phòng, giữa bàn của anh đã bày sẵn bánh mỳ nhồi thịt, cốc sữa, bánh bích quy, chuối.
- Ngồi xuống. Ăn đi! Chế Lan Viên bảo.
Thấy vẻ mặt anh lầm lỳ, khó hiểu. Tôi rụt rè hỏi:
- Anh ăn sáng rồi ạ?
- Ừ. Ông ăn hết mọi thứ giùm tôi.
Không muốn phật ý anh. Tôi đang đói nên ngồi xuống chén tì tì.
Tính Chế Lan Viên là thế. Không muốn ai trái ý mình. Về sau này, khi đi sơ tán ở chợ Chì, có được mớ nếp ai cho, anh bảo tôi: “Cậu lấy cả đi mà ăn sáng. Mình nhịn quen rồi”. Hay lúc Mỹ ném bom ở Hà Nội, gặp anh từ phòng Bảo Định Giang bước ra. Anh móc hết túi quần, túi áo được một nắm giấy bạc, liền đưa hết cho tôi: “Mình vừa mới được nhuận bút. Cậu lấy hết đi về mua gạo, nuôi cháu”. Anh nói thẳng toạc ra như thế nhưng nếp ấy, tiền ấy, khi anh đã cho mà không nhận là chẳng xong. Rất hiểu tính nết của anh nên tôi đã ngồi ăn hết mọi thức ăn bày giữa bàn. Anh nằm xoài giữa chiếu nhìn tôi ăn, bỗng vùng dậy, hai tay tự đấm vào ngực mình, giọng giận dữ:
- Tao quyết bỏ đói thằng này. Tao không cho nó ăn, nó uống sữa. Suốt ngày hôm qua, đêm qua đến sáng nay nó chẳng viết được dòng nào cả. Tao quyết giam đói nó…
Để mặc anh tôi chuồn lẹ ra khỏi phòng. Lòng no nhưng băn khoăn: “Mình đã chén hết thức ăn của Chế Lan Viên rồi”. Chế Lan Viên chốt cửa và ở lì trong đó. Cho đến tận ba giờ chiều, tôi nghe tiếng anh gọi hỏi người đầu bếp: “Thủy ơi! Xem có cái gì ăn đỡ đói được không?”.
Hẳn lúc đó Chế Lan Viên đã viết được đôi dòng rồi chăng?
XUẤT XỨ CỦA MỘT BÀI THƠ
Gia đình nhà thơ Chế Lan Viên vào
Mắc bảy ngàn tiền nợ
Lấy gì trả bây giờ
Bán đi bảy tấm ván
Bạn cho làm trần nhà
Cảm thông nhà thơ nghèo
Nửa cho và nửa bán
Sợ nhà lợp mái tôn
Chạy trời không khỏi nắng
Những trưa hè nóng bức
Nghĩ nhiều càng thương thân
Tuổi lớn vẫn viết được
Miễn nhà có cái trần
Chung quanh bọn tham ô
Xây biệt thự lớn nhỏ
Lại lên lớp cho thơ:
Cần chịu đựng gian khổ (!?)
Sáng ta viết ngoài sân
Nhờ cây che bóng mát
Trưa ăn cơm trước thềm
Mồ hôi có gió quạt
Dù sao cũng khoái chí
Được nhiều người cực hơn
Khen: - Anh còn khổ thế
Việc quái gì em buồn!
Bài thơ không gửi in, không phổ biến. Nhưng sao lọt đến tai công nhân cao su. Vậy là một hôm, có một chiếc xe tải của Công ty cao su Đồng Nai tìm về nhà Chế Lan Viên. Mấy người nhảy xuống xe cùng những cái đanh, tấm ván, những thùng sơn do công nhân gom góp. Họ dựng thang, cưa xẻ, đóng ráp rầm rầm một buổi, sơn phết xong rồi lùi xe, rút về. Sáng hôm sau hai căn nhà có trần, mát rượi. Vợ chồng mừng đến rơi nước mắt như đang nằm mơ thấy cái trần nhà trắng phau, mát mẻ. Anh Chế Lan Viên chợt kêu lên với vợ:
- Ủa! Có lúc nào anh nghe công nhân cao su hứa làm trần nhà giúp mình đâu, Thường nhỉ?
T.C.T
Rút trong tập truyện “Hậu trường làng văn”