Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phát huy truyền thống hai trăm năm lịch sử xây dựng Thị xã Quảng Trị ngày càng trưởng thành và giàu đẹp

L

à một phần của sử thi của đất nước được dân tộc Việt Nam viết bằng máu và hoa trong các thời kỳ dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, thị xã Quảng Trị đã trải qua hai trăm năm hun đúc các giá trị lịch sử, văn hóa với tất cả tinh thần và ý chí của một vùng đất được nhiều thế hệ tiếp nối nhau vun bồi. Hai trăm năm vừa qua, biết bao người đã làm vẻ vang sông núi, tiếng thơm lịch sử và văn hóa của thị xã Quảng Trị để mỗi khi khấn nguyện tổ tiên, người dân thị xã Quảng Trị không thẹn với cha ông hoặc mỗi lần gặp gỡ bạn bè muôn phương vẫn nguyên vẹn lòng tự hào sâu đậm về quê nhà. Với hiện thực và những cảm xúc tốt đẹp đó, các tầng lớp nhân dân và toàn thể cán bộ, đảng viên thị xã Quảng Trị vui mừng kỷ niệm hai trăm năm thị xã Quảng Trị thân yêu của mình - một thị xã trầm tĩnh, hiền hoàsoi bóng dòng Thạch Hãn vinh quang.

Được xác lập trong phạm vi của bộ Việt Thường vào thời đại Hùng Vương, tiếp đến thuộc châu Ô của vương quốc Chăm Pa rồi sau tình sử Huyền Trân công chúa đã thuộc về châu Thuận và xứ Thuận Hóa, thị xã Quảng Trị từng là viên ngọc quý trong sính lễ của cuộc hôn nhân có ý nghĩa mở mang bờ cõi quốc gia, là một phần của thực tiễn đời sống ở các địa phương nổi tiếng với “chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, mọi người ra sức” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sau khi lên ngôi hoàng đế vào năm 1801, vua Gia Long lập dinh Quảng Trị ở phần đất của hai huyện Hải Lăng, Đăng Xương với dinh lỵ Quảng Trị đóng ở làng Tiền Kiên, huyện Đăng Xương. Tháng Hai (©m lịch), Kỷ Tỵ-Năm 1809, vua Gia Long cho dời dinh lỵ Quảng Trị tới làng Thạch Hãn, huyện Hải Lăng- tức vị trí của thị xã Quảng Trị ngày nay, và tổ chức xây thành, đắp lũy tại đây. Ở vị trí hội tụ những yếu tố địa lý-lịch sử-văn hóa-kinh tế-quân sự rất quan trọng, dinh lỵ Quảng Trị là đất căn bản, là trọng trấn để vua chúa nhà Nguyễn dựng nghiệp lớn theo lời khuyênHoành sơn nhất đới, vạn đợi dung thân của bậc hiền triết. Với sự kiện này, năm 1809 được ghi vào sử sách là thời điểm chính thức hình thành và xây dựng dinh lỵ Quảng Trị, mở đầu cho sự phát triển đến thị xã Quảng Trị hôm nay. Từ năm 1827 đến 1900, nhiều lần dinh Quảng Trị được đổi thành trấntỉnh, được hợp nhất thành đạo rồi lại tách thành tỉnh. Ngày 17/2/1906, toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định thành lập thị xã Quảng Trị là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Trước những biến động lớn lao của lịch sử và những đổi thay về quy mô hành chính, thị xã Quảng Trị luôn là miền đất khoan hòa với những con người biết giữ đạo nhân nghĩa cương thường, trung tín. Ở giữa vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng màu mỡ nhưng người dân thị xã Quảng Trị vẫn không ngừng tăng phì nhiêu cho đất sau mỗi vụ trồng lúa, trồng khoai, trồng ngô, trồng dâu... Theo tâm sức vun trồng để góp phần bổ ích cho phong hóa trong muôn một của những con người thuần hậu, thị xã Quảng Trị đã là nơi đất lành chim đậu như tác giả của sách Ô châu cận lục ghi: Ngoài vườn Thạch Hãn chim về lũ lượt. Bên cạnh đó, tiếp giáp Quốc lộ 1A nối liền hai miền Nam-Bắc của đất nước, ở ven châu thổ sông Thạch Hãn chuyên chở phù sa từ thượng nguồn về trong dòng nước mà không thơm cũng thể hương đàn kết hợp con sông đào Vĩnh Định xuôi ra Cửa Việt, Hội Yên, Đông Hà và cửa Thuận An (Thừa Thiên-Huế), thị xã Quảng Trị đã nhanh chóng trở nên sầm uất, trở thành trung tâm buôn bán tấp nập và hấp dẫn với nhiều sản vật quý, giao thương thuận lợi. Chính đặc điểm kinh tế-xã hội này đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở thị xã Quảng Trị trong các giai đoạn phát triển của riêng mình hướng tới sự gắn kết và hội nhập với chuỗi các đô thị miền Trung Việt Nam ra đời trước đó chỉ vài năm như Vinh, Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết...

Cùng dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược để giành lại độc lập, tự do, nhân dân thị xã Quảng Trị tin tưởng lựa chọn đường lối cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt ngày càng sâu sắc chủ nghĩa Mac-Lênin và phát huy tinh thần quật khởi của các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Thúc Loan, Trần Quý Khoáng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đặng Tất, Đặng Dung và các phong trào yêu nước Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội... Đặc biệt, từ phong trào đấu tranh của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở thị xã Quảng Trị theo đường lối cách mạng vô sản trong những năm từ 1926-1929, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã ra đời vào tháng 4/1930. Bắt đầu từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường, bất khuất, giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Đoàn kết xung quanh Đảng và với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhân dân thị xã Quảng Trị đã bền bỉ đấu tranh anh dũng, nhất tề đứng lên thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 23/8/1945, góp phần vào thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ trong lịch sử Việt Nam. Trước vận mệnh mới của dân tộc và trách nhiệm mới đối với nước nhà, người dân thị xã Quảng Trị hăng hái tham gia bình dân học vụ để diệt giặc dốt, tích cực lao động để diệt giặc đói như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đồng thời nô nức xây dựng Hũ gạo tiết kiệm, hưởng ứng Tuần lễ vàng và xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ chính quyền. Trước âm mưu xâm lược đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, thị xã Quảng Trị bước vào cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện và trường kỳ kháng chiến với 9 năm chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi thử thách cam go và nhiều hy sinh anh dũng để cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vào tháng 5/1954. Âm mưu bá quyền đã khiến đế quốc Mỹ phá Hiệp định Giơnevơ, không công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trên đất nước Việt Nam. Vĩ tuyến 17 ranh giới tạm thời chia cắt đất nước ta. Từ đó, đế quốc Mỹ tìm mọi cách biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do chống đế quốc Mỹ xâm lược, tỉnh Quảng Trị là một địa bàn đặc biệt quan trọng và thị xã Quảng Trị đã được lịch sử lựa chọn làm chiến trường khốc liệt nhất, là nơi diễn ra những trận đánh dữ dội nhất mà điển hình là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam được viết tiếp bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà huân chương khó đủ từng viên gạch. Từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, để đẩy lùi các cuộc hành quân tái chiếm tỉnh Quảng Trị của Mỹ-ngụy sau thất bại trước sức mạnh tiến công của quân và dân ta trong chiến dịch Xuân-hè 1972, thị xã Quảng Trị đã trở thành một thành phố tuẫn đạo của thế giới. Trên địa bàn thị xã Quảng Trị chưa đầy 3km2, Mỹ-ngụy đã trút xuống một lượng bom đạn có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản và hàng vạn chiến sĩ giải phóng quân đã quyết tử giữ vững Thành Cổ Quảng Trị bằng chính lòng quả cảm, ý chí và nghị lực phi thường của “những con người Việt Nam với truyền thống bốn ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (Cè Tổng Bí thư Lê Duẩn). Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm đánh bại cuộc phản kích của Mỹ-ngụy, giữ vững Thành Cổ, bảo vệ thị xã Quảng Trị vừa được giải phóng là thiên anh hùng ca khiến nhân loại tiến bộ khâm phục ý chí Việt Nam; Cùng với các chiến trường khác, ta thắng lớn buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris cam kết rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, thị xã Quảng Trị lần lượt trở thành huyện lỵ của huyện Triệu Phong, một phần của huyện Hải Lăng và sau này là của huyện Triệu Hải trực thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Nêu cao ý chí cách mạng, Đảng bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống. Ngày 1/7/1989, Chính phủ ra quyết định lập lại tỉnh Quảng Trị và thành lập thị xã Quảng Trị vào ngày 16/9/1989, mở ra giai đoạn phát triển mới của thị xã bên dòng Thạch Hãn. Trên mảnh đất đã bị bom đạn chiến tranh hủy diệt đến 200%, người dân thị xã Quảng Trị từng bước “giành lại không gian nhân văn cho cuộc sống con người và thiết kế lại cuộc sống trên ấm no, công bằng và nhân phẩm” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Ngày 19/3/2008, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa của đơn vị hành chính đang phát triển và nhu cầu chính đáng của nhân dân, Chính phủ đã có quyết định mở rộng địa giới hành chính của thị xã Quảng Trị với việc sát nhập một phần diện tích một số xã của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Từ ngày lập lại, thị xã Quảng Trị đã cã những bước tiến quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội. Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 59 tỷ đồng với các sản phẩm cơ khí, thép cán, vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến nông sản... có sức cạnh tranh trên thị trường; tổng giá trị bán lẻ đạt hơn 296 tỷ đồng; năng suất bình quân lúa đạt 51,3 tạ/ha/vụ, tổng sản lượng lương thực đạt 1.707 tấn; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 174 tấn; tổng thu ngân sách đạt 41.504 triệu đồng; 100% hộ gia đình có điện sinh hoạt và sản xuất; 100% trường học trên địa bàn được kiên cố hóa và cao tầng hóa; thị xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1991, đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học cơ sở vào năm 1998 và đến nay đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về phổ cập trung học; 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm các loại vaccine phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống còn 12,4%; mạng lưới y tế được xây dựng đều khắp ở tất cả các phường đến thị xã với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, được khám và chữa bệnh của nhân dân, không để dịch bệnh xảy ra; 80% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, 100% khu phố và thôn được công nhân là khu phố văn hóa, làng văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%; thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; nhiều tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; lịch sử và hiện thực đời sống của thị xã là đề tài sáng tác vô tận của văn học-nghệ thuật và để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc những người con gan vàng dạ ngọc của đất nước đã hy sinh trên Thành Cổ, thị xã Quảng Trị xây dựng trung tâm tôn vinh-tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đồng thời thể hiện tình yêu quê hương, khát vọng hòa bình, tự do trường tồn của các tầng lớp nhân dân thị xã với Bảo tàng Thành Cổ, Đài Tưởng niệm chiến sĩ Thành Cổ, Đài Chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành Cổ, Tháp chuông Thành Cổ... Ghi nhận tinh thần dũng cảm, những đóng góp quan trọng và sự hy sinh anh dũng của đồng bào và chiến sĩ trên mảnh đất đã đứng vững qua máu lửa của chiến tranh, vào năm 2005, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Quảng Trị danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Đồng thời, biểu dương thành tích dựng xây và phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, Nhà nước đã tặng thị xã Quảng Trị Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2009.

Từ dinh lỵ Quảng Trị được thành lập vào những năm đầu thế kỷ XIX với các thôn, xóm dần dà có nhiều thêm những nhà tranh, vách đất đến tỉnh lỵ sầm uất của tỉnh Quảng Trị, thành nơi đụng đầu lịch sử trong cuộc chiến tranh ác liệt và thị xã Quảng Trị như ngày nay, thị xã Quảng Trị đã trải qua hai trăm năm ghi tên mình vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong bất cứ thời điểm lịch sử nào, thị xã Quảng Trị cũng cố gắng xứng đáng là mảnh đất ở giữa chiều dài của đất nước, ở giữa lòng dân tộc Việt Nam anh hùng. Nghĩ đến công lao gian khổ của cha ông đã khai mở miền quê thuần hậu, đền đáp công ơn cứu nước thương dân của lãnh tụ Hồ Chí Minh và sự cống hiến xương máu lớn lao của bao anh hùng liệt sỹ, người dân thị xã Quảng Trị gắng sức lập nên những kỳ tích của quê nhà. Từ trong độ lửa hủy diệt của 81 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, những người con thân yêu của thị xã Quảng Trị đã vượt lên hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của hoang tàn đổ nát, của đói nghèo và lạc hậu để xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thị xã ngày một tươi vui, vững bền. Bước ra từ thế đứng sinh tử trong cuộc đấu tranh oanh liệt và bi tráng vì độc lập, tự do và thống nhất của non sông, thị xã Quảng Trị bắt đầu cuộc sống mới trong sự tuyên dương vinh quang của đất nước trên nền cũ Cổ Thành, bên chứng tích chiến tranh và âm hưởng của những chiến công mãi ngân vang. Với hai trăm năm hình thành và phát triển, thị xã Quảng Trị đã vươn mình lớn dậy bằng chính mồ hôi, tâm sức và cả xương máu của con Lạc cháu Hồng. Tiếp nối khí phách anh hùng của những thế hệ cha anh, phát huy sức mạnh của hai trăm năm lịch sử, Đảng bộ và nhân dân thị xã không ngừng vun đắp cho kỳ đạt hiện thực thị xã ngày càng văn minh và giàu đẹp. Phấn đấu đến trước năm 2020 là đô thị loại 3, thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Trị.

                  P.V.P

 

Phan Văn Phong
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 180 tháng 09/2009

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground