LTS: Trước thềm Lễ kỷ niệm 30 năm ngày lập lại tỉnh Quảng Trị (1/7/1989 - 1/7/2019), phóng viên tạp chí Cửa Việt có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Chính - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu quan trọng của tỉnh nhà đạt được trong quá trình tái thiết, xây dựng quê hương, và triển vọng phát triển thời gian tới. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn (đầu đề do Tòa soạn đặt).
PV: Thưa đồng chí, vậy là 30 năm đã trôi qua kể từ ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại, được trở về với tên gọi thân thương của mình. Nhìn lại chặng đường nỗ lực xây dựng và phát triển, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu nổi bật gì?
Đồng chí Nguyễn Đức Chính: Tỉnh Quảng Trị tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII ngày 30 tháng 6 năm 1989. Nhớ lại buổi đầu tỉnh nhà được lập lại, chồng chất những khó khăn, thách thức, đó là điểm xuất phát của nền kinh tế quá thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và xuống cấp, tất cả đều “vạn sự khởi đầu nan”. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với khát vọng và ý chí vươn lên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân; sau 30 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Trị đã vươn lên mạnh mẽ và đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.
Nhìn tổng thể, nền kinh tế tăng trưởng khá, GRDP bình quân đạt 7,8%/năm. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,5%; khu vực dịch vụ tăng 9%, nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,6%; Quy mô nền kinh tế tăng 188 lần, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tăng gấp 7,6 lần so với năm 1989.
Nông nghiệp từ chỗ canh tác lạc hậu, năng suất thấp, đến nay đã áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi liên kết giữa từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như vật liệu xây dựng, công nghiệp năng lượng nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương. Hiện nay đã có 02 nhà máy sản xuất gỗ MDF có công suất 200.000 m3/năm, hàng chục nhà máy gỗ ghép thanh, 02 nhà máy sản xuất bia, nước giải khát và nhiều nhà máy sản xuất khác đang hoạt động; đặc biệt có 08 nhà máy thủy điện, 01 nhà máy điện gió, với tổng công suất 153,9 MW đi vào hoạt động. Trong năm 2019 sẽ đưa vào vận hành 01 nhà máy điện gió và 01 nhà máy điện mặt trời với công suất 79,5 MW; đã cấp chủ trương đầu tư 11 dự án điện gió, 02 dự án điện mặt trời với tổng công suất 381 MW; đã trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch 35 dự án điện gió và 05 dự án điện mặt trời.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, những năm qua, hạ tầng các khu, cụm, điểm du lịch được quan tâm đầu tư. Đã từng bước xây dựng và phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch địa phương có thế mạnh như: Tour du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, tour Khu phi quân sự (DMZ), du lịch tâm linh, du lịch biển, đảo..., bước đầu kết nối có hiệu quả các tour du lịch trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và các tỉnh Bắc miền Trung. Đặc biệt trong thời gian gần đây, đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược đến khảo sát và xây dựng các công trình phục vụ du lịch hứa hẹn tạo thêm nhiều động lực phát triển mới cho du lịch Quảng Trị.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển quan trọng, nhất là hệ thống giao thông. Từ nhiều nguồn lực, tỉnh đã tiến hành đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 7.200 km đường lộ, xây dựng nhiều cây cầu lớn, đường nhựa đã kết nối đến tất cả các trung tâm xã trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện giao thương phát triển sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng quy hoạch và hình thành 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp, 17 cụm công nghiệp. Thành phố Đông Hà là đô thị loại III đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí theo quy định để trở thành đô thị loại II trước năm 2020.
Cơ sở vật chất ngành Giáo dục đào tạo, Khoa học công nghệ, Thông tin Truyền thông, Y tế, Văn hóa xã hội, Du lịch, Thể dục thể thao và các ngành dịch vụ khác đều được tăng cường đầu tư đáp ứng được nhu cầu tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho người dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn có bước phát triển khá nhanh. Tính đến năm 2018, 100% số xã có đường ô tô đến tận trung tâm; 100% xã có trạm y tế xã và có 97,9% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã có trường tiểu học; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia, 101/141 xã có nhà văn hóa - trung tâm thể thao. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đạt được những kết quả toàn diện và thiết thực, đến nay đã có 52/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%. Hệ thống thông tin liên lạc, báo chí ngày càng phát triển.
Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,77% năm 2018. Diện mạo vùng miền núi có nhiều khởi sắc, cùng với việc thực hiện chính sách dân tộc, tỉnh đã ưu tiên kinh phí, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho đồng bào định canh, định cư, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Là tỉnh chịu nhiều mất mát đau thương trong chiến tranh, vì vậy Quảng Trị luôn quan tâm chăm lo và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và đối tượng chính sách xã hội. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” diễn ra sâu rộng và có hiệu quả thiết thực. Hầu hết các nghĩa trang được xây dựng, nâng cấp đảm bảo sự tôn nghiêm, khang trang và sạch đẹp. Quảng Trị đã thay mặt cả nước chăm sóc gần 65.000 mộ liệt sỹ; việc đón tiếp các đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, đón tiếp các thân nhân liệt sỹ cả nước về Quảng Trị được thực hiện chu đáo, nghĩa tình.
PV: Văn hóa là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội. Xin đồng chí cho biết lĩnh vực văn hóa - văn học nghệ thuật của tỉnh ta 30 năm qua đã đạt được kết quả gì nổi bật?
Đồng chí Nguyễn Đức Chính: Song song với việc phát triển kinh tế xã hội, 30 năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Đời sống văn hóa, môi trường văn hóa có bước chuyển biến tích cực; những giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy.
Quảng Trị có hệ thống di tích khá dày đặc về mật độ, phong phú về loại hình, tầm cỡ về nội dung và quy mô. Trong những năm qua, hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp có hiệu quả. Đến nay, Quảng Trị có 523 di tích, trong đó có 4 di tích Quốc gia đặc biệt, 21 di tích Quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh đã và đang phát huy giá trị, trở thành tiềm năng phát triển du lịch.
Công tác sưu tầm để bảo tồn, phát huy nhằm làm sống lại những giá trị văn hoá phi vật thể đã làm được một số công trình có ý nghĩa như: Hội cù ở xã Gio Mỹ, Chuyện trạng Vĩnh Hoàng, Tục đi Sim của đồng bào Vân Kiều, Hò Như Lệ, Hội Bài chòi... Nhiều đề tài nghiên cứu văn học dân gian xuất bản công phu bổ ích phục vụ đồng bào công chúng, có các tập sách: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh Quảng Trị (1995); Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị (1997); Lễ tang, cưới xin của các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều; Dân ca Trị Thiên... là sự tiếp nối mạch nguồn văn học dân gian đã góp phần không nhỏ cho việc lưu truyền, bảo lưu những giá trị văn hoá phi vật thể, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ dân tộc.
Đã lập hồ sơ đưa vào danh mục kiểm kê 134 di sản văn hóa phi vật thể gồm các loại hình tiếng nói, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 03 bảo vật Quốc gia, gồm: 02 Phù điêu lá nhĩ, Tượng thần Uma Dương Lệ.
Công tác khôi phục, bảo tồn lễ hội truyền thống, hình thành lễ hội mới được quan tâm. Quảng Trị có 27 lễ hội với 3 loại hình chính: lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội cách mạng và lễ hội tôn giáo. Nhiều hoạt động lễ hội mới hình thành, tạo nét riêng mang thương hiệu Quảng Trị như “Thống nhất non sông”, “Nhịp cầu xuyên Á”, “Hoa đăng trên dòng Thạch Hãn”... để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng trong nhân dân. Nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục. Hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật ngày càng khởi sắc, đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Đội ngũ văn nghệ sỹ Quảng Trị luôn bám sát thực tiễn cuộc sống và sự nghiệp đổi mới của đất nước, quê hương, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Hiện nay, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có trên 200 hội viên, bên cạnh các văn nghệ sỹ trưởng thành trong kháng chiến đã hình thành lực lượng sáng tác trẻ nhiều triển vọng.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” trước đây, nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phát triển sâu rộng và đạt kết quả tốt. Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những tấm gương hiếu học từ gia đình cho đến dòng họ. Người dân có ý thức chấp hành tốt các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thông qua việc xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước ở cộng đồng, đơn vị…
“Xây dựng nền văn hóa và con người Quảng Trị phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Xây dựng và phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững quê hương, đất nước”, là mục tiêu được đề ra trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
PV: Sau 30 năm lập lại tỉnh, chúng ta đã có thể nhìn rõ hơn tiềm năng, thế mạnh. Để Quảng Trị cất cánh đi lên cùng cả nước, xin đồng chí cho biết những định hướng phát triển để phát huy các lợi thế của tỉnh nhà?
Đồng chí Nguyễn Đức Chính: Có thể nói rằng, tỉnh Quảng Trị đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới với nhiều tiềm năng, lợi thế.
Thứ nhất, Quảng Trị nằm ở giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, khi giao thông phát triển, khoảng cách với các trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước sẽ được thu hẹp. Là tỉnh “đầu cầu” của Việt Nam trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến Biển Đông.
Thứ hai, Quảng Trị có nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau thích ứng với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Vùng đất đỏ bazan thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây dược liệu cao cấp, cây công nghiệp dài ngày. Vùng gò đồi rộng lớn rất hiệu quả trong phát triển gỗ rừng trồng, cây ăn quả, vùng đồng bằng chủ động tưới tiêu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nhiều loại cây trồng ngắn ngày, cho giá trị cao, sản lượng lớn. Vùng cát ven biển có độ ẩm lý tưởng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nuôi trồng thủy hải sản.
Thứ ba, Quảng Trị là một địa phương ven biển, có nguồn cát thạch anh với trữ lượng dự báo khoảng 124 triệu tấn, thành phần SiO2 đạt trên 98%, đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất các sản phẩm thủy tinh cao cấp và các loại vật liệu xây dựng; Có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo theo chủ trương kêu gọi đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến tiềm năng phát triển điện gió khoảng 3.000 MW, điện mặt trời khoảng 600 MWp.
Thứ tư, Quảng Trị có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng và du lịch tâm linh.
Thời gian qua lãnh tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp quảng bá, đối ngoại, xúc tiến thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư bằng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng… Nhờ cơ chế chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, Quảng Trị đang và sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để Quảng Trị cất cánh đi lên cùng cả nước, trong thời gian tới, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; tranh thủ thời cơ, vận hội mới; nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ, sức sáng tạo và khả năng cống hiến của cán bộ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tập trung giải quyết đồng bộ nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, chuyển mạnh nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp dựa vào tiềm năng, thế mạnh, nhất là công nghiệp năng lượng. Tập trung phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cần có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh để Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tăng cường hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.
Phấn khởi trước những thành tựu đạt được sau 30 năm lập lại tỉnh nhưng chúng ta không được thỏa mãn mà cần phải tiếp tục phấn đấu, trước mắt là phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục đưa Quảng Trị tiến lên trở thành tỉnh phát triển khá so với các tỉnh trong khu vực. Với bề dày truyền thống của một vùng đất anh hùng, tin tưởng rằng Quảng Trị chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, vững bước đi lên cùng cả nước.
PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí.
P.V (thực hiện