Đ/c Lê Cảnh Biên: Sử sách ghi năm Mậu Ngọ 1558, Nguyễn Hoàng cùng gia quyến và quan quân Thanh Nghệ vào trấn thủ xứ Thuận Hóa theo chỉ dụ của vua Lê Anh Tông đã chọn vùng đất Ái Tử - Trà Bát thuộc huyện Đăng Xương nay là xã Triệu Ái và xã Triệu Giang huyện Triệu Phong để lập dinh trấn. Chúa Tiên gắn bó với vùng đất lập nghiệp Triệu Phong, Quảng Trị cho đến lúc qua đời vào năm 1613, truyền cơ nghiệp lại cho con trai là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Các chúa Nguyễn đóng dinh ở Triệu Phong trong vòng thời gian 68 năm từ năm 1558 đến năm 1626, đã có ba lần dựng đặt dinh trấn tại ba địa điểm. Lỵ sở đầu tiên đóng ở Ái Tử từ năm 1558 - 1570, lỵ sở thứ hai dời về Trà Bát tồn tại từ năm 1570 - 1600, lỵ sở thứ ba đặt ở Dinh Cát từ năm 1600 - 1626.
Vùng “tam dinh” là vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên vùng đất Thuận Hóa vào giữa thế kỷ XVI. Vị thế, quy mô, vai trò của ba dinh trấn Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát không chỉ là những đồn binh, nặng về bố phòng quân sự, mà nó còn là những trung tâm kinh tế, thương mại quan trọng; đặc biệt nhờ chính sách đối ngoại khoan hòa, rộng mở của chúa Nguyễn đã biến Ái Tử - Trà Bát nói riêng Đàng Trong nói chung thành nơi đô hội, giao thương, buôn bán tấp nập một thời.
Từ tầm nhìn phi thường của chúa Tiên, chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo lập và phát triển vùng đất Thuận Hóa thành bàn đạp vững chãi cho sự nghiệp kinh dinh, tạo ra thế và lực cho công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn về phương Nam tiếp sau đó. Trong sự nghiệp mở rộng cương vực đó không thể không kể đến vai trò của vùng đất dựng nghiệp Ái Tử - Trà Bát ở Triệu Phong.
PV: Hiện nay trên đất Triệu Phong còn lại những di tích lịch sử văn hóa nào ghi dấu thời chúa Nguyễn Hoàng đóng đô và hướng quy hoạch, đầu tư tôn tạo các di tích này trong thời gian tới?
Đ/c Lê Cảnh Biên: Trải qua một thời gian dài của lịch sử trên một vùng đất vốn chịu nhiều biến động, thiên di bởi các cuộc chiến tranh binh lửa và sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai đã xoá nhòa hầu hết những chứng tích về thời chúa Nguyễn Hoàng đóng đô trên đất Triệu Phong. Các địa điểm dinh phủ của lỵ sở dinh chúa Nguyễn năm 1996 tuy đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích cấp tỉnh nhưng do chưa xác định địa điểm và chưa có khoanh vùng bảo vệ đất đai nên chịu nhiều tác động từ nhu cầu dân sinh làm thay đổi, biến dạng hiện trạng của các yếu tố gốc.
Cách khu vực dinh Ái Tử không xa, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng miếu Trảo Trảo Phu Nhân thờ vị thần sông đã có công giúp Nguyễn Hoàng đuổi quân Mạc giữ yên bờ cõi. Ngôi miếu này nay thuộc địa phận tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, nhưng chỉ còn lại phế tích. Ngôi chùa Liễu Bông là nơi thờ phụng các công thần theo phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu dựng nghiệp cũng đã mất dấu.
Về di tích Bến Ghềnh Phủ: Sử sách ghi lại khi di dời dinh trấn từ Ái Tử về Trà Bát, nhận thấy lợi thế khúc quanh của sông Thạch Hãn chảy qua trước khu vực dinh và quãng đường từ Cửa Việt vào đây rất thuận lợi, Nguyễn Hoàng đã huy động nhân dân và binh lính vận chuyển đá xây đắp thành bến thuyền Ghềnh Phủ. Thời bấy giờ Ghềnh Phủ là một thương cảng sầm uất nhất Đàng Trong. Dấu tích còn lại ở khu vực Ghềnh Phủ là những tảng đá lớn nằm ở mép sông và nhiều mảnh chum, gốm sứ.
Hiện vật liên quan đến chúa Nguyễn Hoàng còn nguyên vẹn là pho tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đang được thờ trong ngôi miếu nhỏ ở làng Trà Liên, xã Triệu Giang. Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - tước Uy Quốc công là cậu ruột của Nguyễn Hoàng, là người thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu xây dựng cơ đồ ở Đàng Trong. Tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ là pho tượng đẹp, quý về chất liệu, có giá trị cao về mặt nghệ thuật và lịch sử.
Ngoài những di tích thời chúa Nguyễn Hoàng ở khu vực Ái Tử - Trà Bát, theo sử sách triều Nguyễn và tư liệu tại địa phương, thì trong một lần chúa Tiên vào khai phá lập trấn thủ ở xứ Thuận Hóa, trên đường xuôi về Nam thì quân Trịnh đuổi theo, trong lúc vô cùng nguy hiểm, bà Phạm Thị Tôm đã hiến hai cuộn tơ để làm quai chèo cứu chúa. Nhớ tới công lao bà, chúa Nguyễn đã phong chức “Thị giá Phu Nhân”. Lăng mộ bà Phạm Thị Tôm hiện tại làng An Mô, xã Triệu Long.
Hiện nay, di tích lịch sử các địa điểm lỵ sở Dinh chúa Nguyễn năm 1558 - 1626 xã Triệu Ái, Triệu Giang, thị trấn Ái Tử đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích Quốc gia. Miếu Trảo Trảo Phu Nhân, lăng mộ bà Phạm Thị Tôm đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Riêng Tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đang chuẩn bị làm hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật Quốc gia.
Để có kế hoạch tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích xứng đáng với tầm vóc, sự đóng góp của các chúa Nguyễn với vùng đất Triệu Phong - Quảng Trị, tháng 7/2017, UBND huyện Triệu Phong phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh Quảng Trị hoàn thành đề tài nghiên cứu “Luận cứ khoa học lịch sử xác định vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh và khoanh vùng bảo vệ phục vụ quy hoạch các di tích lịch sử văn hóa thời chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong”.
Từ các kết quả nghiên cứu đã xác định, các địa điểm thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát cùng các địa điểm liên quan khác nằm trên khu vực thuộc các xã Triệu Ái, thị trấn Ái Tử và xã Triệu Giang của huyện Triệu Phong hiện tại là thuộc không gian Lỵ sở Dinh chúa Nguyễn. Vì thế quy hoạch không gian này phải tạo ra sự nối kết giữa các địa điểm di tích thành phần để tạo thành một hệ thống, một chỉnh thể thống nhất, không tách rời nhau. Mục đích quy hoạch là tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử văn hóa và tâm linh mới để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận, khu vực.
Giải pháp là tập trung vào việc hoàn thiện quy hoạch, xúc tiến đầu tư, tôn tạo một số công trình chính yếu để tạo ra không gian lưu niệm sự kiện lịch sử thời chúa Nguyễn phù hợp; đồng thời kết hợp với việc bảo tồn các yếu tố gốc có được từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học cùng với việc phục hồi, phục dựng một số công trình vốn đã bị xóa dấu vết.
Bên cạnh các phương án bảo tồn, đầu tư tôn tạo các di tích, sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá hệ thống di tích chúa Nguyễn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa thời chúa Nguyễn, qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc xã hội hóa và phát huy giá trị của di sản; nâng cao niềm tự hào, vinh dự của người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản văn hóa thời chúa Nguyễn.
PV: Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 26/4/2018 của HĐND huyện về việc thông qua Đề án “Phát triển du lịch huyện Triệu Phong đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cho thấy huyện đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ cần thực hiện theo Nghị quyết này đối với các di tích lịch sử văn hóa thời chúa Nguyễn Hoàng?
Đ/c Lê Cảnh Biên: Huyện Triệu Phong có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn khá đa dạng, phong phú. Tuy vậy, trong những năm qua, công tác phát triển du lịch chỉ mới dừng lại ở việc tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên mà chưa có quy hoạch, định hướng khai thác, phát triển lâu dài. Ngày 26/4/2018, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án “Phát triển du lịch huyện Triệu Phong đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; liên kết, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch. Ưu tiên đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch chủ yếu: du lịch lịch sử cách mạng, du lịch lịch sử văn hóa tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Đối với các điểm di tích lịch sử chúa Tiên Nguyễn Hoàng được xếp vào loại hình du lịch lịch sử văn hóa tâm linh, thời gian tới huyện sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các điểm di tích chúa Nguyễn. Tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ xây dựng kế hoạch bảo vệ, phục dựng một số di tích thời chúa Nguyễn nhằm phục vụ loại hình du lịch tìm hiểu các giá trị lịch sử văn hóa tâm linh. Trước mắt xúc tiến xây dựng quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư xây dựng một số di tích tiêu biểu nhằm phục vụ du lịch tham quan. Gắn kết phát triển du lịch cụm di tích chúa Tiên Nguyễn Hoàng với phát triển du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang; đồng thời kết nối hệ thống di tích này vào cụm di tích lịch sử văn hóa phía Nam Quảng Trị.
Tập trung vào việc quy hoạch để tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử về thời kỳ các chúa Nguyễn, cũng đồng thời tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử văn hóa và tâm linh mới để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Triệu Phong. Cụ thể, nghiên cứu xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả các tour, tuyến du lịch theo lộ trình: Các di tích chúa Nguyễn Hoàng - chùa Sắc Tứ Tịnh Quang - Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn - Tượng đài chiến thắng Cửa Việt - biển Nhật Tân; hoặc Các di tích chúa Nguyễn Hoàng - chùa Sắc Tứ Tịnh Quang - khu du lịch sinh thái hồ Ái Tử - Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn - thưởng thức ẩm thực chợ Sãi. Đồng thời kết nối với các tour, tuyến du lịch trong tỉnh theo lộ trình: Các di tích chúa Nguyễn Hoàng - chùa Sắc Tứ Tịnh Quang - Nhà thờ La Vang - Thành Cổ Quảng Trị - Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn - thưởng thức ẩm thực chợ Sãi - biển Nhật Tân; hoặc tuyến tham quan chùa Sắc Tứ Tịnh Quang - Các di tích chúa Nguyễn Hoàng - chợ Đông Hà - Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải - Vịnh Mốc - Cửa Tùng - Cửa Việt.
Các di tích thời chúa Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong có chiều sâu văn hóa độc đáo, khi được đầu tư tôn tạo xứng đáng và khai thác có hiệu quả sẽ tạo ra cái mới cho du lịch Triệu Phong nói riêng, du lịch Quảng Trị nói chung. Tạo cơ hội để có thể kết nối hệ thống di tích này vào tour du lịch “Con đường di sản miền Trung”, làm phong phú thêm và nhân lên giá trị cho con đường di sản này.
Hy vọng với sự tâm huyết, nỗ lực của các cơ quan chuyên môn và sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác bảo tồn, đầu tư phục dựng và phát huy giá trị các di tích, di vật thời chúa Nguyễn ở Triệu Phong sẽ khẳng định chiều sâu lịch sử văn hóa của vùng đất, góp phần ghi nhận, tôn vinh xứng đáng những đóng góp của chúa Tiên và vùng đất Triệu Phong - Quảng Trị với sự nghiệp mở cõi của dân tộc.
PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí.
PV. thực hiện