LTS: Ngày 29/7/2015, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015. TCCV trân trọng đăng bài phát biểu của đ/c Nguyễn Hoàn - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Đầu đề do Tòa soạn đặt.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đánh giá rất cao vai trò của văn học nghệ thuật và luôn khẳng định đây là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong thực tiễn, văn học nghệ thuật đã tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; thông qua cái đẹp của các hình tượng nghệ thuật, hướng độc giả, công chúng vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, với tính chiến đấu và tính nhân văn cao cả, sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Ngày nay, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản vô giá, là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện tha hóa về đạo đức trong xã hội, thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả.
Cách đây hơn 8 năm, tại Lễ kỷ niệm trọng thể 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng ta đã phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Để tuyên truyền, cổ vũ cho Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phát động Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã tiến hành 2 đợt sơ kết, tổng kết, trao tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sáng tác, quảng bá tác phẩm về chủ đề này, trong đó có những văn nghệ sĩ Quảng Trị. Có thể khẳng định, qua các đợt tham gia cuộc vận động sáng tác này, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã góp phần quan trọng làm cho hình ảnh mảnh đất và con người Quảng Trị kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, hăng say, sáng tạo trong lao động dựng xây quê hương đất nước đến với đông đảo công chúng, bạn đọc trong tỉnh và cả nước. Thay mặt lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tôi trân trọng biểu dương và chúc mừng những kết quả tiêu biểu, xuất sắc của văn nghệ sĩ tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa quý anh chị văn nghệ sĩ!
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, thiết thực chào mừng thành công của Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, hôm nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tiếp tục phát động cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 3; coi đây vừa là sự thể hiện tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ, vừa là trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trong quá trình sáng tác, đề nghị quý anh chị văn nghệ sĩ bám sát chủ đề toàn khóa XI của Đảng là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” và chủ đề năm 2015: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Tổ chức công bố, xuất bản những tác phẩm có chất lượng nhằm chuyển tải những giá trị cao đẹp của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đối với các chuyên ngành văn học nghệ thuật, căn cứ vào tính đặc thù của mỗi chuyên ngành, tôi đề nghị như sau.
Đối với Văn học
Tư tưởng là linh hồn, là hạt nhân của tác phẩm, là kết tinh của những cảm nhận, suy nghĩ về cuộc đời... Biêlinxki cho rằng: “Tư tưởng thơ, đó không phải là phép tam đoạn luận, không phải là giáo điều mà là một ham mê sống động, đó là cảm hứng”.
Tư tưởng tác phẩm văn học là sự khái quát của cả hai phương diện: lý giải, nhận thức và khát vọng của nhà văn thể hiện trong tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật. Sự lý giải chủ đề có thể được biểu hiện trong tất cả những yếu tố của tác phẩm nhưng nhìn chung thường được xem xét trên 2 mặt: những lời thuyết minh trực tiếp của tác giả, của nhân vật và tính khách quan của hình tượng nghệ thuật, lôgic của sự mô tả. Hai mặt này nhìn chung thống nhất với nhau. Chủ đề luôn được xây dựng từ một đề tài nhất định. Nói cách khác, chủ đề không phải là một cái gì bên trên, bên ngoài đề tài mà xuất phát từ ý đồ, từ những gợi ý của hiện thực cuộc sống thông qua cái nhìn, quan niệm của nhà văn. Chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thể hiện sự thống nhất hữu cơ giữa hiện thực khách quan và tư tưởng chủ quan của nhà văn. Vì vậy, cùng viết về một đề tài, nhà văn, nhà thơ vẫn nêu lên được những vấn đề sâu sắc khác nhau, tùy thuộc vào tài năng, khả năng thâm nhập thực tế, vốn sống và lý tưởng thẩm mỹ của tác giả. Phát huy tính sáng tạo, ngoài trách nhiệm xã hội, còn là tình cảm kính trọng đối với Bác; khai triển đề tài ở những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc để làm phong phú, khẳng định sự trường tồn của những giá trị mang ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn, đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đối với Mỹ thuật
Xã hội ngày càng phát triển, trình độ dân trí, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân ngày càng cao, nếp suy nghĩ, tâm lý, thị hiếu của công chúng đã và đang tạo nên những chuẩn mực mới trong thị hiếu thẩm mỹ, trong tiếp nhận văn hóa, thẩm mỹ… đây cũng là thử thách mới đặt ra đối với mỹ thuật hiện nay trong quá trình sáng tạo tác phẩm về mọi chủ đề, trong đó có chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Tất nhiên, trong cuộc đời và nghệ thuật nói chung và mỗi tác giả nói riêng, cũng như tính đương đại của nghệ thuật luôn có tính đa chiều: Có quá khứ để hồi tưởng. Có hiện tại để nếm trải. Có tương lai để ước mơ.
Tính đương đại là một phẩm chất nghệ thuật cực kỳ quý báu, làm nên giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm mỹ thuật, thuộc nhiều xu hướng, loại hình.
Chẳng phải chúng ta đã có một quan niệm đúng được coi như phương châm trong sáng tạo nghệ thuật là “xưa và nay”, “ngoài và trong”, “truyền thống và hiện đại” đó sao? Một bài học vỡ lòng mỗi khi cầm bút vẽ, mỗi khi đưa ra những quan điểm để thẩm định nghệ thuật, nếu không muốn sai lầm về phương pháp luận, cần loại bỏ những quan niệm không xuất phát từ đời sống thực tiễn mỹ thuật dân tộc.
Đối với các họa sĩ, để thể hiện chân thực đề tài này là một điều tuy khó khăn nhưng với lòng yêu quê hương đất nước, đặc biệt là trân trọng vùng đất miền Trung “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng và với tấm lòng kính trọng Bác Hồ kính yêu, mỹ thuật đã có những tác phẩm đạt giải cao về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cần phấn đấu tiếp tục sáng tác để có những tác phẩm đẹp, đúng chủ đề được thể hiện dưới nhiều góc nhìn độc đáo khác nhau.
Đối với Âm nhạc
Âm nhạc là một quá trình vận động, biến đổi không ngừng của khúc thức, giai điệu. Việc tìm kiếm những ngôn ngữ mới, những phương tiện biểu hiện mới của mỗi nghệ sĩ trước chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là công việc thôi thúc niềm say mê sáng tạo của người nghệ sĩ.
Cùng với sự tiếp thu những kỹ thuật sáng tác hiện đại, tác phẩm âm nhạc biểu hiện về đề tài Bác Hồ không nên chạy theo hình thức, biến giá trị truyền cảm của âm nhạc thành một trò chơi âm thanh, với sự lạ tai, thậm chí khó hiểu, kỳ quặc. Hiện đại, mới mẻ đến đâu vẫn không xa lạ với mạch nguồn dân tộc.
Sự tác động hai chiều giữa âm nhạc và cuộc sống được tất cả các nhà khoa học và học giả thống nhất rằng không gì đẩy lùi cái xấu bằng chính bản thân cái đẹp; đứng bên cạnh cái đẹp, cái xấu sẽ trở nên lố bịch, thậm chí có thể chết yểu từ trong trứng.
Hình tượng
Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm. Nhạc sĩ
Thuận Yến đã nói: “
Trong mỗi chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác nên chỉ cần một bài hát nào đó nói lên được những tình cảm ấy là họ chấp nhận... Đó là đề tài vô tận không bao giờ vơi cạn trong mỗi người sáng tác”. Riêng Thuận Yến đã có tới 26 bài hát viết về Hồ Chí Minh. Nhiều cuộc thi sáng tác ca khúc về Hồ Chí Minh đã được tổ chức để nêu cao tinh thần cách mạng và tấm gương đạo đức của Bác, qua đó nhằm nâng cao vai trò quan trọng của đạo đức trong mỗi công dân.
Đối với Nhiếp ảnh
Nhiếp ảnh là nghệ thuật của con mắt tinh đời để nhìn thấy bản chất của hiện thực, nhìn thấy vẻ đẹp của cuộc sống, của con người. Người làm nghệ thuật nhiếp ảnh phải có tình yêu lớn, phải hiểu sâu, biết rộng và phải có tài năng để có thể nắm bắt trong khoảnh khắc những dáng vẻ, những nét đẹp của cuộc sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình tượng rất đẹp trong những tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nên chăng sáng tác bộ ảnh gồm các tác phẩm khắc họa hình ảnh người chiến sỹ hôm nay trong huấn luyện, chiến đấu, hình ảnh cuộc sống đời thường lạc quan, yêu đời? Thông điệp đẹp đẽ nhất của tác phẩm là người chiến sỹ hôm nay tiếp nối truyền thống cha ông đi trước và họ là những người có tri thức cách mạng, biết tiếp thu những tinh hoa của dân tộc và nhân loại để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, hết lòng vì nhân dân trong tất cả mọi nguy nan và khó khăn. Hoặc khai thác chủ đề gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Cuộc đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh được đánh dấu bằng những khoảnh khắc bất chợt trong cuộc sống. Nhờ khoảnh khắc đó mà họ đã có những bức ảnh để đời. Điều kỳ diệu của nhiếp ảnh là giúp bạn đứng lại nhiều hơn, nhìn ngắm nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn. “Sức mạnh của nhiếp ảnh là ở sự quan sát, không phải là ứng dụng của công nghệ”. Nhờ việc quan sát tỉ mỉ, suy nghĩ và tìm kiếm, sẽ có cơ hội chụp những gì độc đáo nhất. Nhiếp ảnh là tìm kiếm và kiên nhẫn tìm kiếm. Hãy đi ra ngoài, để tìm kiếm xung quanh, cùng với sự kiên nhẫn chờ đợi ánh sáng phù hợp và cộng với niềm cảm hứng. Có rất nhiều bức ảnh được chụp sau nhiều năm nhà nhiếp ảnh chỉ quan sát một đối tượng, tìm hiểu khi nào trông nó tốt nhất và ngoạn mục nhất. Điều này cho thấy, những nhiếp ảnh gia thực sự đã thực hiện những điều phi thường như thế nào. Và họ kiên nhẫn hơn những người kiên nhẫn như thế nào.
Đối với Sân khấu
Đề tài chiến tranh cách mạng nói chung và đề tài Bộ đội Cụ Hồ nói riêng quá gần gũi, quen thuộc, khán giả có trong đó, ẩn trong đó, chia sẻ sâu sắc trong đó, đồng hành trong đó, vì thế để có tính mới lạ là vô cùng khó, đầu tiên phải là tài năng của người nghệ sĩ, rồi thứ nữa là sự chân thực của tác phẩm kịch bản sân khấu. Muốn chân thực thì tác giả phải có góc nhìn chân thực, góc nhìn nhân văn, góc nhìn chia sẻ, góc nhìn trân quý quá khứ và lịch sử, góc nhìn đồng cảm.
Để cuốn hút độc giả, khán giả, tác giả xây dựng kịch bản sân khấu về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cần lọc kỹ muôn vạn chi tiết, muôn vạn vốn sống, muôn vạn câu chuyện, muôn vạn phận đời, dùng cảm xúc cháy bỏng mà đưa đẩy, mà thăng hoa, mà lôi kéo người xem, lôi kéo bằng sự chân thành, bằng xúc cảm mạnh mẽ của người viết, chắt chiu từng chi tiết dù là rất nhỏ, nâng niu từng chi tiết thật đời, thật trong trẻo, thật gần gũi. Trong xử lý xung đột kịch, giữa cái thật và cái giả, mặt sáng và mặt tối, đạo đức và phi đạo đức v.v… các tác giả nắm chắc nguyên lý “chống để xây”, tất cả vì sự chiến thắng của điều thiện, của cái đẹp.
Đối với Văn nghệ Dân gian
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ở trong trái tim đồng bào các dân tộc thiểu số nên bất cứ dân tộc nào đều nhớ ơn Người. Khi đến với mỗi một làng quê, mỗi một vùng đồng bào dân tộc, chúng ta đều có thể sưu tầm những tác phẩm được cộng đồng sáng tạo, trau chuốt như những viên ngọc quý. Văn nghệ dân gian cần sưu tầm, nghiên cứu những bài thơ ca dân gian về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện giờ, sức lan tỏa của các tác phẩm dân gian rất mạnh vì bất cứ ở vùng nào cũng có các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi việc làm tốt theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu vốn cũ dân gian, Phân hội Văn nghệ dân gian cần có những sáng tác mới về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những sáng tác này sử dụng các làn điệu dân ca truyền thống. Khi có điều kiện, sẽ hình thành bản thảo những tác phẩm văn nghệ dân gian, những sáng tác mới dựa trên làn điệu dân ca, bản thảo công trình nghiên cứu về văn nghệ dân gian… để xuất bản.
Đối với Kiến trúc
Thưởng thức tác phẩm kiến trúc luôn mang tính dân chủ, không thể ép buộc; vì vậy muốn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của công chúng thì kiến trúc sư phải cung cấp những sản phẩm có chất lượng, gần gũi với nhân dân, phù hợp với sinh hoạt, tập quán của nhân dân, sát với nhu cầu hưởng thụ của người dân. Xã hội ngày càng phát triển, trình độ dân trí, nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao, nếp suy nghĩ, tâm lý, thị hiếu của công chúng đã và đang tạo nên những chuẩn mực mới trong thị hiếu thẩm mỹ, trong tiếp nhận văn hóa, thẩm mỹ, tác giả phải suy nghĩ để tác phẩm kiến trúc làm theo lời Bác là một công trình đòi hỏi để nhiều tâm huyết, mang tính dân tộc mà hiện đại… đây cũng là thử thách mới đang đặt ra đối với đội ngũ kiến trúc sư tỉnh nhà trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Tuyển tập thiết kế “Mẫu nhà ở nông thôn mới tỉnh Quảng Trị” đã giành được Giải B của Ban Tuyên giáo Trung ương trong năm 2015 là một minh chứng để chúng ta có quyền tự hào, tiếp tục sáng tác nâng cao theo hướng này.
Đối với Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số
Tiếp tục nghiên cứu sáng tác và xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, nội dung gắn với cuộc sống, xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc thiểu số. Khai thác mảng đề tài lễ hội của dân tộc thiểu số, đề tài ca, múa, nhạc làm theo lời Bác. Chú ý đến việc bảo tồn ngôn ngữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị truyền thống trong thời kỳ hội nhập. Tích cực đi sâu sưu tầm, nghiên cứu vốn văn học nghệ thuật dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số về hình ảnh Bác Hồ, bên cạnh việc nghiên cứu một cách hệ thống, bài bản những sáng tác mới trong thời kỳ hiện đại. Khai thác nét đặc trưng trong tình cảm đối với Bác Hồ của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Trị trong suốt quá trình vận động và phát triển, đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số được mang họ Bác Hồ.
Tin tưởng rằng, dù thời gian phát động sáng tác đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 3 không dài (từ nay đến 30/12/2015), nhưng chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt đẹp, chắc chắn chúng ta sẽ có được nhiều hơn nữa các tác phẩm tốt, có nội dung sâu sắc, sống động, đầy triết lý nhân văn.
Cuối cùng, xin kính chúc các đồng chí, quý vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và có nhiều thành công mới. Kính chúc quý anh chị văn nghệ sĩ dồi dào sức khoẻ và bút lực sáng tạo, làm cho vườn hoa văn học nghệ thuật Quảng Trị ngày càng thêm giàu hương sắc, có nhiều tác phẩm chất lượng về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đóng góp xứng đáng vào nền văn học nghệ thuật của tỉnh và cả nước.
Xin trân trọng cám ơn!