Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thị xã Quảng Trị vững bước trên con đường hội nhập và phát triển

Nằm trên châu thổ sông Thạch Hãn, ở phía Nam của tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị cách thành phố Đông Hà 12 km, là vùng đất có vị trí giao thông thủy, bộ thuận lợi, nằm trên các trục giao thông huyết mạch của cả nước về đường bộ và đường sắt Bắc - Nam; hội tụ những yếu tố lịch sử - văn hóa - kinh tế - quân sự quan trọng, có diện tích tự nhiên 7.402,78 ha, dân số trên 22 ngàn người, với 5 đơn vị hành chính trực thuộc. Là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đặc biệt đã làm nên chiến công oanh liệt trong trận quyết chiến chiến lược 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, viết nên bản anh hùng ca bất tử về tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh lớn lao của đồng bào và chiến sỹ cả nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, một thời là dinh lỵ của tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị được nhiều thế hệ nối tiếp nhau xây đắp, vun bồi. Từ lâu đời, vào thời đại Hùng Vương, mảnh đất thị xã Quảng Trị ngày nay được xác lập trong phạm vi của bộ Việt Thường (1 trong 15 bộ của nước Văn Lang), tiếp đến thuộc về Châu Ô của Vương Quốc Chăm Pa, rồi sau tình sử Huyền Trân công chúa đã thuộc về Châu Thuận và xứ Thuận Hóa, thị xã Quảng Trị từng là một trong những “viên ngọc quý” trong sính lễ của cuộc hôn nhân có ý nghĩa mở mang bờ cõi quốc gia. Nhà Trần đổi châu Ô làm Thuận Châu, châu Lý làm Hóa Châu. Vùng đất thị xã Quảng Trị ngày nay thuộc Thuận Châu. Năm 1466 vua Lê Thánh Tông đổi 2 châu Thuận và Hóa thành 2 phủ Tân Bình và Triệu Phong thuộc xứ Thuận Hóa. Phủ Triệu Phong gồm 2 huyện Vũ Xương và Hải Lăng. Vùng đất thị xã Quảng Trị thuộc huyện Hải Lăng.

Sau khi lên ngôi hoàng đế năm 1802, vua Gia Long lập dinh Quảng Trị ở phần đất của các huyện Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh và Đạo Cam Lộ. Dinh lỵ Quảng Trị đóng ở làng Tiền Kiên huyện Đăng Xương. Năm 1809 dinh lỵ Quảng Trị dời từ Tiền Kiên tới đóng tại xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, tức vị trí của thị xã Quảng Trị ngày nay và tổ chức xây thành, đắp lũy. Năm 1827 dinh Quảng Trị đổi là trấn Quảng Trị. Năm 1832 trấn Quảng Trị đổi thành tỉnh Quảng Trị. Ở vị trí hội tụ những yếu tố địa lý, lịch sử - văn hóa - kinh tế - quân sự rất quan trọng, dinh lỵ Quảng Trị là đất căn bản, là trọng trấn để vua chúa nhà Nguyễn dựng nghiệp lớn theo lời khuyên của bậc hiền triết:“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Năm 1809 được ghi vào sử sách là thời điểm chính thức hình thành và xây dựng dinh lỵ Quảng Trị, mở đầu cho sự phát triển đến thị xã Quảng Trị hôm nay.                                                           

Từ năm 1827 đến năm 1900, nhiều lần dinh Quảng Trị được đổi thành trấn, tỉnh, được hợp nhất thành đạo rồi lại tách thành tỉnh. Ngày 17 – 2 - 1906, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập trung tâm đô thị Quảng Trị là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị đã nhanh chóng trở nên sầm uất, trở thành trung tâm buôn bán tấp nập và hấp dẫn với nhiều sản vật quý, giao thương thuận lợi. Chính đặc điểm kinh tế, xã hội này đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở thị xã Quảng Trị trong các giai đoạn phát triển của riêng mình hướng tới sự gắn kết và hội nhập với chuỗi các đô thị miền Trung Việt Nam ra đời trước đó chỉ vài năm như Vinh, Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết…

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, thị xã Quảng Trị và thị xã Đông Hà hợp nhất thành một đơn vị hành chính lấy tên là thị xã Quảng Trị, trung tâm đóng tại Đông Hà. Một vùng đất thị xã Quảng Trị trở thành huyện lỵ của huyện Triệu Phong. Tháng 1 - 1977, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định thành lập thị trấn Triệu Phong trên vùng đất thị xã Quảng Trị. Tiếp đó, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng hợp nhất thành huyện Triệu Hải, thị trấn Triệu Phong được đổi thành thị trấn Triệu Hải. Ngày 18 - 5 - 1981, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập thị trấn Quảng Trị, bao gồm thị trấn Triệu Hải và xã Hải Trí.

Đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân thị xã xây dựng một đô thị xứng đáng với tầm vóc và vị thế lịch sử, ngày 16 – 9 - 1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định thành lập thị xã Quảng Trị. Ngày 19 - 3 - 2008, đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình mới, Chính phủ ra Nghị định v/v điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hải Lăng, huyện Triệu phong để mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị, điều chỉnh địa giới hành chính các xã, phường để thành lập phường thuộc thị xã Quảng Trị, với cơ cấu 4 phường và một xã.

Trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thị xã Quảng Trị đã cùng dân tộc phát huy mạnh mẽ tinh thần quật khởi của các cuộc khởi nghĩa và các phong trào yêu nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, nhân dân thị xã Quảng Trị phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Trị là một địa bàn chiến tranh diễn ra khốc liệt, thị xã Quảng Trị là một trong những chiến trường khốc liệt nhất, là nơi diễn ra nhiều trận đánh dữ dội nhất mà tiêu biểu là trận quyết chiến chiến lược 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị từ ngày 28 - 6 đến ngày 16 – 9 - 1972, để đẩy lùi các cuộc hành quân tái chiếm tỉnh Quảng Trị của Mỹ - ngụy. Trên địa bàn thị xã với diện tích chưa đầy 3 km2, Mỹ - ngụy đã trút xuống một lượng bom đạn khổng lồ có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản. Hàng vạn chiến sĩ giải phóng quân đã quyết tử giữ vững Thành Cổ. Thành Cổ Quảng Trị trở thành một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khát vọng hòa bình. Cùng với thắng lợi ở các chiến trường khác, cuộc chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì và bền bỉ của ta trên bàn hội nghị Pari, làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari cam kết rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân miền Nam tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau chiến tranh, mảnh đất thị xã Quảng Trị bị hủy diệt hoàn toàn, những thành quả lao động sáng tạo trong hàng trăm năm của các thế hệ con người thị xã Quảng Trị chỉ còn lại trong tro tàn và phế tích. Song chiến tranh đã để lại trên mảnh đất này nhiều di tích mang tầm vóc thời đại, biểu hiện tinh thần đấu tranh anh dũng, ý chí phi thường và sự hy sinh to lớn của dân tộc. Mỗi tên đất, dòng sông, bến nước, mỗi chứng tích còn lưu giữ đều đã đi vào huyền thoại. Sau ngày đất nước thống nhất, vượt lên trên tất cả sự hy sinh mất mát lớn lao và khó khăn chồng chất, Đảng bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị một lần nữa phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, truyền thống 200 năm lịch sử, tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo dựng cuộc sống, tái thiết quê hương, tập trung xây dựng thị xã theo hướng đô thị hóa. Trên vùng đất lửa hoang tàn đổ nát, sau hơn 40 năm xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Quảng Trị đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nhiệm kỳ 2010 - 2015 tỷ trọng các ngành là: Thương mại dịch vụ 51,8%, Công nghiệp - xây dựng 37,9%, Nông - lâm - thủy sản 10,3 %. Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 9,07%, trong đó thương mại - dịch vụ tăng 8,3%, công nghiệp xây dựng tăng 10,3%, nông - lâm - thủy sản tăng 5,89%. Ngành thương mại, dịch vụ phát triển khá cao, giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách địa phương và góp phần quan trọng vào sự ổn định, tăng trưởng kinh tế của thị xã. Sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiêp (CN - TTCN) phát triển. Giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2015 đạt 350 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 11%; chất lượng sản phẩm được nâng cao, thị trường được mở rộng; một số cơ sở sản xuất được hình thành và phát triển. Ngành nông - lâm - thủy sản phát triển. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, quy mô sản xuất ngành nông – lâm - thủy sản của thị xã tăng lên. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể; xã Hải Lệ hoàn thành các tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 tăng 1,75 lần so với năm 2010. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 9,75%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 là 828 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Từ một thị trấn nông nghiệp thuần túy, đến hôm nay thị xã Quảng Trị đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng với tốc độ tương đối nhanh. Nhiều công trình kinh tế - xã hội quan trọng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Đặc biệt, để tri ân sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ (AHLS), đồng thời thể hiện tình yêu quê hương, khát vọng hòa bình, từ nhiều nguồn hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, các nhà tài trợ và bạn bè gần xa, thị xã Quảng Trị đã xây dựng nhiều công trình tôn vinh tưởng niệm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Quảng trường giải phóng, Tháp chuông, Nhà hành lễ - bến thả hoa, nghĩa trang liệt sỹ, Đài tưởng niệm AHLS, Tượng đài chiến thắng của Sư đoàn 325...

 Lĩnh vực văn hoá - xã hội chuyển biến tích cực, chất lượng cuộc sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Thị xã đã được tỉnh công nhận đơn vị điển hình Văn hóa giai đoạn 1 vào năm 2009. Hệ thống thiết chế văn hóa từ thị xã đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. Các phong trào văn hóa, văn nghệ - TDTT phát triển đều khắp và khá vững chắc. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Trường học được đầu tư xây dựng kiên cố hoá, cao tầng hoá, theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng dạy và học được nâng cao. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo thị xã phát triển mạnh, vững chắc, một số mặt đi trước so với mặt bằng chung của tỉnh. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh từng bước được chú trọng, mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở y tế trên địa bàn được quan tâm đầu tư theo hướng từng bước hiện đại, cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm. Công tác chăm lo cho đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện chu đáo. Các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” được nhân dân hưởng ứng và tham gia rộng rãi. Các phong trào: Xóa đói giảm nghèo, Xoá nhà ở tạm bợ dột nát, thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”... được tổ chức rộng rãi, ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ các phong trào, thị xã đã vận động xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo. Từ năm 2012 - 2015, bằng các nguồn kinh phí hỗ trợ, vận động đóng góp, thị xã đã xây dựng 108 nhà “Đại đoàn kết” và nhà“Tình nghĩa” với tổng kinh phí 3,377 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở tạm bợ dột nát và một số hộ gia đình có khó khăn về nhà ở. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố và tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường Quốc phòng – An Ninh, công tác xây dựng Đảng được thường xuyên chăm lo trên tất cả các mặt chính trị tư tưởng và tổ chức. Công tác chính trị tư tưởng được chú trọng, đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong xã hội được giữ vững. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tạo những chuyển biến tích cực, nhất là trong việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tổ chức bộ máy cán bộ trong hệ thống chính trị thường xuyên được kiện toàn củng cố, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên. Công tác kiểm tra giám sát được tăng cường. Công tác dân vận được chú trọng. Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có hiệu lực hiệu quả. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và đội ngũ cán bộ đảng viên được nâng cao, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Sức mạnh khối đại đoàn kết trong Đảng được tăng cường. Kết quả phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng năm 2015 có: 31/33 tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh (trong đó có 06 Chi, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu); 02 Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; không có Chi, Đảng bộ yếu kém; đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 15,24%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ 75,77%.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2005, Đảng bộ nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Và để biểu dương những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thị xã, thị xã Quảng Trị đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 vào năm 2007, Huân chương lao động hạng nhì năm 2009, Huân chương lao động hạng nhất vào năm 2012.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, trải qua hơn 200 năm ghi tên mình vào lịch sử dân tộc Việt Nam, từ dinh lỵ Quảng Trị được thành lập vào những năm đầu thế kỷ XIX đến thị xã Quảng Trị ngày nay, dù trải qua những biến động thăng trầm về tên gọi, đơn vị hành chính, song lịch sử thị xã Quảng Trị là một dòng chảy xuyên suốt, với những khúc tráng ca đậm màu huyền thoại nhưng rất đổi kiêu hãnh và tự hào, là bản anh hùng ca về tinh thần quả cảm và sự hy sinh anh dũng - hợp xướng hòa vào cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH của dân tộc Việt Nam vĩ đại, đồng thời là một bức tranh sống động trong bức tranh tổng thể phản ánh quá trình phát triển đi lên của quê hương, đất nước.

Chặng đường phía trước dẫu còn lắm chông gai và thử thách, song phát huy sức mạnh và truyền thống hơn 200 năm lịch sử, tiếp nối khí phách anh hùng của những thế hệ cha anh từ thuở khai sơn phá thạch đến thời kỳ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương đất nước, Đảng bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị quyết tâm phấn đấu xây dựng thị xã Quảng Trị ngày càng văn minh, giàu đẹp, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cơ bản các tiêu chí đô thị loại 3, xứng đáng vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Trị, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng tỉnh nhà, cùng cả tỉnh, cả nước vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

N.T.H

NGUYỄN TRẦN HUY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 262

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground