Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thực hiện 3 đột phá để thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế đang mở ra cơ hội cho Quảng Trị phát triển

(TCCVO) - Tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên khoảng 4.700 km2 , dân số khoảng 640.000 người, xếp thứ 57 về dân số nhưng xếp thứ 37 về GRDP/người so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trong 10 năm (2011 - 2020), tuy mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra (tăng bình quân 12 - 13%/năm) nhưng cũng đạt được bình quân 7,3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (bình quân GRDP tăng 5,9%/năm).

Chế biến gỗ rừng trồng là một thế mạnh của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: PV

Chế biến gỗ rừng trồng là một thế mạnh của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: PV

Phát triển kinh tế dựa trên 5 trụ cột chính

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị vẫn còn là địa phương trong nhóm những tỉnh nhận hỗ trợ ngân sách từ trung ương và đang đứng trước nhiều thách thức trên con đường phát triển nhưng Quảng Trị đang có những cơ hội để biến khó khăn thành lợi thế phát triển. Do đó, trên cơ sở các tiêu chí và điều kiện cụ thể nền kinh tế tỉnh Quảng Trị trong 10 năm tới cần phát triển dựa trên 5 trụ cột chính sau:

1. Công nghiệp chế biến, chế tạo dựa vào lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ và hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp

Bên cạnh các ngành công nghiệp như cơ khí, điện tử, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành công nghiệp sản xuất, gia công như dệt may, da giày... cần phải ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp. Cụ thể là công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp chế biến gỗ (tiến tới chấm dứt xuất khẩu dăm gỗ); công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghiệp chế biến thực phẩm... Cần thu hút các doanh nghiệp chế biến nông - lâm - ngư nghiệp làm hạt nhân để quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp”.

Cần đặt mục tiêu, thời gian trong việc lấp đầy các khu công nghiệp đã có và kế hoạch triển khai các khu mới (không để các nhà đầu tư lợi dụng về ưu đãi miễn tiền sử dụng đất mà không quan tâm đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp). Tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất có thể được để đưa Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đi vào hoạt động với mục tiêu từ năm 2023 có sự tăng trưởng đột biến về giá trị sản xuất công nghiệp. Cần có chủ trương nhất quán hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu đàn, thực hiện vai trò “con sếu đầu đàn” thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) trong việc đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (ITC) gắn với khởi nghiệp, sáng tạo. Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa thể xem là trụ cột kinh tế của Quảng Trị nếu dựa trên các tiêu chí và điều kiện ở trên. Vấn đề ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng 4.0; kinh tế kỹ thuật số hay đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp... chỉ là cách thức để phát triển nhanh 5 trụ cột kinh tế của tỉnh.

2. Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Nắng và gió thể hiện sự khắc nghiệt của tự nhiên đối với con người theo cách nhìn thuần túy về tự nhiên. Trên thực tế, bao đời nay vùng đất Quảng Trị vẫn là địa bàn không thuận lợi cho sự phát triển của một xã hội nông nghiệp theo kiểu truyền thống. Chính vì vậy, người dân Quảng Trị đến nay chủ yếu vẫn tìm cách thích ứng với điều kiện tự nhiên bằng cách trồng những cây, nuôi những con vật thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng nên khó có mức sống khá giả được. Nhưng thế giới đang đứng trước tai họa về biến đổi khí hậu do quá trình công nghiệp hóa gây ra, trong đó có sự “đóng góp” to lớn của nhiệt điện than nên sự chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch là con đường tất yếu của chiến lược về năng lượng ở tất cả các quốc gia. Do đó, “nắng và gió” đang trở thành nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển năng lượng tái tạo và đây chính là lợi thế khác biệt của Quảng Trị so với nhiều địa phương khác. Trong quy hoạch đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch quốc gia, khai thác lợi thế về tiềm năng khí không chỉ là hướng đi đúng cho định hướng phát triển của Quảng Trị mà còn phải là chiến lược năng lượng của quốc gia. Tuy nhiên, điều kiện để biến tiềm năng trở thành hiện thực phải bao gồm 2 chính sách:

- Về mặt quốc gia phải có sự chuyển hướng chiến lược về năng lượng: Từ nhiệt điện sang năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, nâng cao tỉ trọng điện gió và điện mặt trời trong cơ cấu điện quốc gia. Lộ trình đoạn tuyệt với điện than cần được rút ngắn.

- Về mặt chính sách: Cần xem các điều kiện tự nhiên và gió ở một số địa bàn tỉnh Quảng Trị là tài nguyên năng lượng tái tạo nên cần công khai, minh bạch đấu thầu cạnh tranh để thu hút đầu tư nhằm kích thích sự ứng dụng công nghệ mới và giảm giá thành sản phẩm.

Chế biến gỗ rừng trồng là một thế mạnh của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: PV

Chế biến gỗ rừng trồng là một thế mạnh của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: PV

3. Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng và giá trị

Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp không đóng góp lớn vào tốc độ tăng GRDP và tỉ trọng ngày càng giảm trong cơ cấu kinh tế nhưng trong dài hạn vẫn là lĩnh vực nền tảng về KTXH. Nông - lâm - ngư nghiệp không chỉ cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường mà quan trọng hơn là cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo mô hình xây dựng các “cụm sản xuất nông - công nghiệp”. Đối với Quảng Trị cần khai thác lợi thế của đất rừng, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến gỗ quốc gia, nâng cao giá trị sử dụng đất.

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của Quảng Trị chiếm đến 96,7% diện tích đất tự nhiên nhưng Quảng Trị không phải là địa bàn có lợi thế sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa. Tôi cho rằng thế mạnh của Quảng Trị vẫn là hơn 285.000 ha đất lâm nghiệp (chiếm gần 70% diện tích đất nông nghiệp), nếu đầu tư và có chính sách đồng bộ về trồng và chế biến gỗ thì giá trị gia tăng của quỹ đất này vô cùng to lớn.

Về chính sách cần hỗ trợ việc nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, nhất là con giống, thu hút các nhà đầu tư trang trại trồng trọt công nghệ cao; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; thu hút các nhà đầu tư là những “con sếu đầu đàn” trong lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản.

4. Khai thác thế mạnh về du lịch nhân văn - tự nhiên và lịch sử; liên kết phát triển vùng du lịch

Với sự khởi sắc của hoạt động du lịch trong vài năm gần đây cần có sự bứt phá để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là ngành kinh tế tổng hợp nên cần có sự phối hợp đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động trên cả 4 lĩnh vực: Lưu trú (bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng); dịch vụ hưởng thụ, ẩm thực và mua sắm.

Quảng Trị có tiềm năng du lịch nhân văn và tự nhiên khác biệt so với các địa phương khác. Những địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử như Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh, Tam giác du lịch: Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ... Hình thành tour du lịch theo vùng: Huế -Đông Hà - Đồng Hới, tạo những sản phẩm du lịch đặc sắc của của dải đất Bình -Trị -Thiên. Xây dựng Quảng Trị thành điểm du lịch “3 tốt” (An ninh tốt; môi trường tốt và quan hệ cộng đồng tốt) và “3 không” (Không chém chặt về giá cả; không giựt dọc và không có người ăn xin).

5. Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa

Quá trình đô thị hóa của Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng sẽ diễn ra rất mạnh mẽ trong 2 thập niên tới, khi dân số đô thị tăng từ khoảng 35 % lên 60% dân số.

Ngoài thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và vùng phụ cận, các thị xã mới sẽ hình thành, các khu dân cư phát triển theo đường ven biển đang mở rộng, các khu dân cư hình thành gắn với các khu công nghiệp...đang là dư địa rất lớn để phát triển thị trường bất động sản và các ngành dịch vụ đô thị. Quá trình đô thị hóa cũng là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách nhà nước; giải phóng lực lượng lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện để tập trung quy mô đất đai phục vụ cho sản xuất lớn trong nông nghiệp.

Tôi đồng tình với báo cáo của Nhóm lập quy hoạch Quảng Trị là: Trong những năm tới cần hướng mục tiêu trọng tâm phát triển: Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo; Cụm đô thị Đông Hà - Cam Lộ và phụ cận; tam giác du lịch - dịch vụ Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Xác định 3 khâu đột phá tạo động lực

Thật ra 3 đột phá chiến lược từ giai đoạn 2011 - 2020 (hoàn thiện thể chế kinh tế; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng) đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra và tiếp tục khẳng định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nên vẫn còn nguyên giá trị đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Tuy nhiên, đi vào cụ thể của tình hình hiện nay, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra và khai thác có hiệu quả 5 trụ cột kinh tế thì trong những năm tới cần tập trung vào những giải pháp mang tính chất đột phá nào? Trên cơ sở nhận định về những tồn tại và trở lực phát triển, tôi cho rằng trong 10 năm tới cần tập trung vào 3 khâu đột phá sau đây:

 

Thứ nhất: Cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo nên một làn sóng đầu tư chưa từng có ở Quảng Trị.

Hiện nay có nhiều thuận lợi hơn về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không và những ưu đãi về giá đất, thuế các loại...Với cơ hội mà những lợi ích do các hiệp định FTA song phương và đa phương mang lại, các nhà đầu tư đang tìm kiếm những địa bàn có lợi thế sản xuất hàng xuất khẩu nên Quảng Trị xem đây là cơ hội vàng. Nội dung bao gồm những công việc như:

Cần truyền khát vọng phát triển từ lãnh đạo đến cả hệ thống chính trị và Nhân dân; sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị thể hiện sự đồng thuận về mục tiêu phát triển và giải pháp thực thi của lãnh đạo tỉnh (Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh) và cả hệ thống chính trị.

Sự minh bạch trong công tác quy hoạch, các quyết định đầu tư, sự lựa chọn nhà đầu tư, chính sách ưu đãi... sẽ tạo cơ sở cho sự đồng thuận khi thực thi.

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân về lợi ích phát triển và sự công tâm của bộ máy chính quyền.

Phải chứng minh cho người dân thấy được lợi ích khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế; thay đổi nghề nghiệp ở các vùng dự án.

Tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ dân ở các vùng dự án. Vấn đề quan trọng nhất đối với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa là làm sao chuyển được nghề nghiệp của nông dân, tạo đời sống ổn định thông qua việc làm ổn định.

Xây dựng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và trách nhiệm cộng đồng của người dân. Trọng tâm hướng tới là nền công vụ phục vụ chính quyền thực sự đóng vai trò “bà đỡ” cho thị trường.

Thứ hai: Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển từ địa bàn “xuất cư” sang “nhập cư”.

Về nguồn nhân lực đang có 3 thách thức lớn: (1) Thiếu lao động có chất lượng cao tại chỗ cho các ngành đang phát triển mạnh như: Du lịch, công nghiệp ITC và nông nghiệp công nghệ cao; (2) Sự di chuyển lao động có trình độ đại học, cao đẳng vào vùng Đông Nam Bộ như một xu hướng không tránh khỏi; (3) Thiếu lao động kể cả phổ thông tại chỗ đối với những doanh nghiệp gia công thâm dụng lao động. Quảng Trị hiện nay vẫn là địa phương “xuất cư” chứ không phải “nhập cư”, nếu xét về biến động dân số cơ học. Do đó, những giải pháp về nguồn nhân lực phải tập trung vào những tồn tại nêu trên:

Dự báo thị trường nhân lực chất lượng cao sẽ cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới, cả doanh nghiệp trong nước lẫn FDI và Quảng Trị sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao.

 

Tập trung vào tạo ra nguồn cung tại chỗ, phát huy vai trò của các trường đại học trong vùng: Đại học Huế, Đà Nẵng và mở rộng hợp tác đào tạo.

Ưu tiên 2 lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch; gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Có chính sách ưu tiên đào tạo lao động trình độ trung cấp và nghề. Xây dựng tinh thần “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” trong các tầng lớp dân cư.

Tỉnh nghiên cứu chính sách thu hút lao động chất lượng cao, trong đó cần quan tâm đến chất lượng công chức, viên chức của tỉnh.

Nghiên cứu chính sách chuyển hướng “lao động xuất tỉnh” sang “lao động trở về tỉnh”. Lao động vẫn là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của tỉnh.

Thứ ba: Tập trung nguồn lực và đa dạng hóa các hình thức đầu tư để cải thiện hạ tầng giao thông

Khắc phục những hạn chế về hệ thống giao thông kết nối vùng và cảng biển, cảng hàng không đòi hỏi một nguồn lực đầu tư lớn và mất nhiều năm, nhưng đây chính là yếu tố mang tính đột phá để Quảng Trị có thể thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng đang có.

Trước mắt, với tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu, đường bộ cao tốc; Quốc lộ 1 nắn tuyến sang phía Tây, Quốc lộ 9, đường ven biển hiện hữu và đang xây dựng...chưa tạo được sự đột phá cho Quảng Trị. Trong tương lai gần, khi đường bộ cao tốc phía Đông thông suốt sẽ rút ngắn cự ly giữa Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng và Quảng Bình. Nhưng để thu hút được đầu tư cần đến 3 công trình hạ tầng giao thông mang tính đột phá: Sân bay Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy và cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Đây là những công trình tạo “cú hích” để phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo.

Lâu nay về hỗ trợ phát triển đối với các địa phương khó khăn thường áp dụng chính sách ưu đãi về thuế, giá đất nhưng quan trọng hơn là hỗ trợ về đầu tư hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Chính 2 yếu tố này mới có tác dụng quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, thu hút các nhà đầu tư.

Tóm lại, với khát vọng đưa Quảng Trị thành nhóm các địa phương có trình độ phát triển khá của cả nước vào năm 2030 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn tỉnh trong 10 năm tới phải đạt mức bình quân khoảng 8,5%/năm. Với quy mô kinh tế còn rất nhỏ (năm 2020 - tính theo giá hiện hành chỉ đạt khoảng 34.000 tỉ đồng), thì mục tiêu trên không phải bất khả thi. Vì thế, việc thực hiện 3 đột phá để thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế đang thực sự mở ra cơ hội cho Quảng Trị phát triển.

TS TRẦN DU LỊCH, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.Hồ Chí Minh
http://www.baoquangtri.vn/Kinh-te/modid/419/ItemID/167403/title/Thuc-hien-3-dot-pha-de-thuc-day-5-tru-cot-tang-truong-kinh-te-dang-mo-ra-co-hoi-cho-Quang-Tri-phat-trien

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground