Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiết kiệm trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Sinh thời, Bác Hồ đã nói với chúng ta như vậy.

Chúng ta, và cả bạn bè năm châu đã nói nhiều, viết nhiều về sự nghiệp cách mạng, về đạo đức, phong cách của Bác Hồ, thể hiện hình ảnh của Người trên mọi lĩnh vực của đời sống nghệ thuật, nhưng có lẽ là không bao giờ đủ. Bác rất ít nói về mình và cũng không nhiều người trong chúng ta được một lần trực tiếp gặp Bác, nhưng chắc ai cũng cảm nhận được tình yêu và khát vọng của Bác về Tổ quốc, đồng bào. Tất cả đều được mỗi người con của dân tộc đón nhận như một lẽ tự nhiên. Và có lẽ mỗi chúng ta khi nói về lí tưởng sống và phẩm giá tốt đẹp của một con người thì không ai lại không nghĩ đến Bác Hồ. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là đi theo con đường Bác đi, làm theo lý tưởng Bác từng theo đuổi, mà cụ thể là thấm nhuần bài học cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư Bác đã từng răn dạy và nêu gương. Cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm gương về nhân cách sống của Bác là cả một pho tư liệu về lịch sử đồ sộ mà đã suốt hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày Bác ra đi về cõi vĩnh hằng đến nay, các nhà hoạt động chính trị cùng đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học cũng như mọi người dân chúng ta vẫn chưa có điều kiện thể hiện được một cách đầy đủ. Cũng chính vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ xin phép thổ lộ vài suy nghĩ có tính cảm xúc về hành trình chúng ta đi tìm nội hàm của khái niệm “kiệm” mà suốt cuộc đời Bác luôn lấy làm kim chỉ nam cho mọi hành vi của mình.

Ý nghĩ thoạt đầu chúng tôi nhận thấy, ở Bác Hồ luôn có sự thống nhất trong quan điểm và hành vi. Về bản chất, với Bác, đó là quan điểm về tính giá trị trong vấn đề tiết kiệm. Tiết kiệm là sử dụng, chi tiêu một cách hợp lý. Sự hợp lý ở đây có thể nhận ra từ những vấn đề cụ thể đến những sự kiện mang tầm vĩ mô, được xuyên suốt mọi thời gian. Tiết kiệm là bản chất của tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc, là thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm với cộng đồng. Bác từng nói về mối quan hệ giữa cần và kiệm: “Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được, mà vật gì đã không tiến tức phải thoái, cũng như cái thùng chỉ đựng được ít nước nếu không tiếp tục đổ thêm vào lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần cho đến khi khô kiệt. Cần mà không kiệm thì làm chừng nào xào chừng ấy, cũng như cái thùng không có đáy, nước đổ vào chừng nào chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không”. Với Bác, tiết kiệm không có nghĩa là hà tiện, là ki bo, là bủn xỉn. Tiết kiệm không có nghĩa là những việc cần tiêu mà không dám tiêu.

Chúng ta thấy, Bác không nói nhiều về lý luận nhưng Bác luôn nhắc nhở mọi người bằng chính việc làm của mình. Đất nước khó khăn một hạt thóc cũng quý, cũng góp phần làm nên chiến thắng giặc giã, đói nghèo. Bác vẫn thực hiện việc nhịn ăn mỗi tuần một bữa như mọi người một cách nghiêm túc. Nếu đúng bữa nhịn mà phải tiếp khách hay đi công tác, Bác sẽ nhịn bù vào hôm sau. Dẫu ai cũng đều biết rằng, việc Bác nhịn ăn sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của Người. Và nếu nói một cách khoa học thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc của Bác - linh hồn của cuộc kháng chiến. Chúng ta đã từng được nghe kể về bát cháo khoai tây Bác ăn trong câu chuyện bữa cơm cuối cùng của Bác tối 12/8/1969. Sau khi ra khu nhà nghỉ Hồ Tây thăm phái đoàn ngoại giao từ Paris về gặp mưa, Bác bị cảm nặng, phải ăn cháo. Tay Bác cầm thìa không còn vững làm ít cháo khoai rơi xuống. Mọi người muốn nấu bát cháo khác cho Bác nhưng Bác ngăn lại. Bác nói “mưa gió thế này lúa màu của người dân mất hết, làm sao Bác có thể lãng phí được” (Hoàng Chí Bảo - kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ).

Chúng ta có thể nhìn thấy cuộc sống sinh hoạt cá nhân của Bác trong kháng chiến, trong nhà sàn Phủ Chủ tịch. Chúng ta có thể nhận ra trong các hình ảnh Bác đi kháng chiến, về thăm và làm việc với các tổ chức, các đơn vị quân đội, các địa phương,… với những bộ trang phục giản dị và không ít trường hợp đã mang theo cơm nắm. Và chúng ta, không ai dám chắc có thể biết hết những câu chuyện cảm động về việc làm tương tự của Bác. Dù bộn bề công việc, nơi chiến khu hay trong Phủ Chủ tịch, Bác vẫn tranh thủ tăng gia. Chúng ta cũng đã từng được nghe kể bởi những người được may mắn nhiều năm tháng bên Bác, được chứng kiến không ít nhà báo, nhà nghiên cứu chính trị, nghiên cứu nghệ thuật (trong và ngoài nước) với những trang viết xúc động, thể hiện sự ngưỡng mộ, thán phục về một vị lãnh tụ đặc biệt như Bác Hồ.

Bác Hồ cuốc đất, trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch - Ảnh tư liệu

Bác Hồ cuốc đất, trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch - Ảnh tư liệu

Có người cho rằng, hành vi tiết kiệm của Bác Hồ trong sinh hoạt hàng ngày là một sự khắc khổ chịu đựng quá mức cần thiết của một người đang gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề, cần phải có sự hỗ trợ của tiện nghi nhất định nhằm bảo đảm sức khỏe tốt để làm việc. Sự khắc khổ của cá nhân người lãnh đạo như Bác phải đánh đổi cả những vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia là không thỏa đáng. Về logic thông thường chúng ta đều thấy điều đó. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cũng cần chiếu theo một logic khác. Sản phẩm lớn nhất thu được chính là sự thuyết phục mọi người bởi hành vi đó. Hành vi trở thành tấm gương thì nó biến thành động lực, và sản phẩm thu được (cả tinh thần và vật chất) sẽ được nhân lên gấp bội. Đó chính là tính giá trị của hành vi nêu gương. Tấm gương của Bác đã truyền lửa cho mọi người dân yêu nước, thuyết phục được cả những người có cơ hội hưởng cuộc sống đủ đầy ở nước ngoài trở về chia sẻ gian khổ, khó khăn, thậm chí hy sinh cùng với đồng bào trước vận mệnh của đất nước. Hàng chục, hàng trăm nhà khoa học, nhà tư sản đã tự nguyện đứng bên chính phủ Hồ Chí Minh để phục vụ kháng chiến kiến quốc. Họ đã vì kính trọng Bác Hồ mà ủng hộ kháng chiến, bởi họ nhận ra Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc, của Tổ quốc. Hình ảnh của Bác Hồ đã gắn chặt với hình ảnh của đất nước Việt Nam. Sự thể hiện nhận thức và đặc biệt là hành vi tiết kiệm không chỉ ở việc tiết kiệm về tiền bạc, vật dụng mà còn ở tất cả các phương diện của đời sống xã hội. Chúng ta đã từng thấy rõ trong tinh thần, thái độ của Bác về tiết kiệm điện, tiết kiệm thời gian, kiệm lời,… và đã có bao câu chuyện cảm động, gây ấn tượng mạnh về các trường hợp đó. Nhưng có lẽ không ai kìm nén được nước mắt khi biết được ý nguyện của Bác về vấn đề di hài của mình sau khi qua đời. “Nếu như tôi đã qua đời mà miền Nam vẫn chưa giải phóng thì xin được hỏa thiêu, bỏ tro cốt gửi cho đồng bào miền Nam một hộp, miền Trung một hộp, miền Bắc một hộp, tìm đồi cao mà chôn cho đỡ tốn đất ruộng. Trên mả không cần bia đá tượng đồng mà mỗi người đến viếng chỉ cần trồng một cây, trồng cây nào sống cây ấy,… vừa đẹp cho phong cảnh vừa tốt cho nông nghiệp…”. Không ai có thể tưởng tượng nổi một vĩ nhân như Bác Hồ, một người dành cả cuộc đời vì nước vì dân mà trước lúc đi xa, trên ngực áo không một tấm huân chương, trong túi tiền (ông Vũ Kỳ giữ cho Bác) chỉ vỏn vẹn mấy đồng bạc. Bác đã cho hết tất cả.

Bên cạnh nhận thức về tính giá trị trong vấn đề tiết kiệm, thiết nghĩ “kiệm” trong quan điểm và hành vi của Bác Hồ có sự thống nhất giữa tính thực tại và tính hiện đại. Những lời khuyên dạy của Bác, những việc Bác làm không chỉ phù hợp cho hôm qua mà còn mang tính thời sự, vẫn mới mẻ cho sự ứng xử của chúng ta hôm nay và mai sau. Sự hợp lý trong chi tiêu, sử dụng ở đây có thể nhận ra từ những vấn đề nhỏ, cụ thể đến những sự kiện mang tính vĩ mô. Tiết kiệm tài nguyên (đất đai, khoáng sản, nước,…), tiết kiệm sức người, tiết kiệm máu xương. Điều này đã được thể hiện cụ thể trong những trường hợp cụ thể mà chúng ta được chứng kiến qua sự ứng xử của Bác về những trường hợp diễn ra trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tính hợp lý trong quan điểm về vấn đề tiết kiệm của Bác Hồ còn thể hiện ở ý chí của người lãnh tụ trước vận mệnh của dân tộc. Nó luôn là vấn đề có tính thời sự trong các ứng xử của Bác. Một giọt máu, một giọt mồ hôi, một hạt lúa, củ khoai,… là tài sản quý giá, phải được trân trọng, giữ gìn. Với người lái xe thì yêu xe như con, quý xăng như máu. Người nông dân thì coi “tấc đất là tấc vàng”,… Khi chủ quyền của Tổ quốc, sự bình an của cuộc sống người dân bị đe dọa thì trong sâu thẳm ý chí của Bác sẵn sàng chấp nhận một sự đánh đổi. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song người Việt Nam quyết không sợ”; “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Máu xương, tiền bạc, tài sản… đều quý nhưng tất cả đều có thể hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho sự bình yên hạnh phúc của nhân dân. Quan điểm, ý chí đó đã truyền cảm hứng cho mọi người dân “xe chưa qua, nhà không tiếc”… Ở đây, tính thời sự và tính giá trị của nội hàm khái niệm tiết kiệm trong quan điểm của Bác đã hòa quyện vào nhau. Tư tưởng của Bác Hồ đã trở thành sức mạnh của toàn dân tộc trong tất cả các thời kỳ, mọi hoàn cảnh của đất nước.

Cũng có ý kiến cho rằng hành vi tiết kiệm của Bác Hồ trong sinh hoạt hàng ngày sinh thời chỉ phù hợp với một thời gian khổ, khó khăn, thiếu thốn trong buổi đầu mới giành độc lập, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như những năm tháng cả nước đang vừa đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa dồn tất cả sức người sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc tiết kiệm như vậy sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường mà ở đó kích thích tiêu dùng của xã hội cũng là một giải pháp để phát triển kinh tế. Chúng ta không có điều kiện để bàn luận một việc có tầm vĩ mô về mối quan hệ này mà có lẽ vấn đề chỉ dành riêng cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rõ một sự thật là, về bản chất, tiết kiệm và phát triển là hai phạm trù không hề mâu thuẫn với nhau. Điều đó đã được Bác Hồ nói rất thuyết phục về mối quan hệ giữa cần và kiệm. Để góp phần chứng minh cho nhận thức này, có lẽ chúng ta cũng cần chia sẻ một thực tế: Ở phương Tây, các quốc gia có nền kinh tế phát triển người ta đang có các giải pháp để kích thích tiêu dùng (thậm chí cho vay để tiêu dùng). Tuy nhiên, có thể khẳng định trong sinh hoạt, người dân của họ hết sức tiết kiệm. Thậm chí nhà nước họ đã có những chế tài cụ thể, đủ mạnh cho những hành vi lãng phí.

Chẳng thể nào nói được một cách đầy đủ ý nghĩa của những điều Bác Hồ răn dạy. Chẳng thể nào kể hết được những việc Bác làm cho chúng ta. Chỉ biết rằng, cuộc đời của Bác mãi là tấm gương soi cho mọi thế hệ người con đất Việt. Lời của Người là kho di sản quý giá để lại cho muôn đời con cháu chúng ta. 

TRẦN VĂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 356

Mới nhất

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/12

25° - 27°

Mưa

12/12

24° - 26°

Mưa

13/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground