Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tọa đàm văn học trẻ: bàn luận quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm

Gặp gỡ các cây bút trẻ Tạp chí Cửa Việt năm 2017 là cuộc hạnh ngộ những bạn viết thân thiết của tạp chí, trong đó có những cây bút đang được chú ý trên văn đàn cả nước, có những gương mặt mới tin yêu chọn Cửa Việt là nơi bắt đầu cho ước mơ văn chương. Trong không khí gần gũi và cởi mở của cuộc tọa đàm, các bạn viết trẻ cùng nhau hâm nóng thao thức sáng tạo, chia sẻ về con đường sáng tác, quan điểm về văn chương nghệ thuật, vai trò của tạp chí văn nghệ địa phương với việc phát hiện bồi dưỡng các cây bút trẻ; những vấn đề tìm tòi, đổi mới nghệ thuật và nỗ lực làm mới, làm khác của người viết trẻ, về cách trợ lực cho các cây bút trẻ trong xã hội thông tin và kinh tế thị trường.

Trong bài phát biểu đề dẫn “Cửa Việt - đất lành của những cây bút trẻ”, nhà báo Thùy Liên - Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt đã đánh giá tổng quan về đội ngũ văn nghệ sỹ góp công định hình phong cách Tạp chí Cửa Việt qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, trong đó có đóng góp quan trọng của lực lượng sáng tác trẻ. Phác thảo diện mạo, lĩnh vực sáng tác, cá tính sáng tạo riêng của từng cây bút trẻ xuất hiện trên Cửa Việt và tin tưởng rằng Tạp chí Cửa Việt mãi là mảnh đất lành để các tác giả trẻ tin yêu gửi gắm tác phẩm của mình.

Tiến sĩ Phan Tuấn Anh, cây bút trẻ hiện sống tại Thừa Thiên Huế đã từng dự nhiều hội thảo về văn chương nhận định rằng văn học trẻ miền Trung, cụ thể là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình có rất nhiều tài năng, tuy nhiên cơ hội để xuất hiện và giới thiệu các tài năng là rất hiếm hoi. Các tác giả trẻ miền Trung thường khiêm nhường, lặng lẽ, ít thể hiện mình trên văn đàn, trong khi ở hai đầu đất nước thì các cây bút trẻ tận dụng tối đa những lần xuất hiện trước công chúng để nói lên tiếng nói của mình, thông qua đó tiếp thị tác giả, tiếp thị ý tưởng sáng tác. Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế cũng là những địa phương có ít các nhà xuất bản, hội chợ sách, số lượng người bỏ tiền mua sách… nên các tác giả trẻ gặp khó khăn khi tìm đầu ra cho tác phẩm. Phan Tuấn Anh cũng nêu ra hai xu hướng nổi bật của văn học trẻ hiện nay là: Văn học thị trường (xuất bản nhiều và bán chạy) và Văn học hàn lâm (sáng tác đi vào chiều sâu bản thể, giàu tính nghệ thuật và giá trị tư tưởng nhưng khó bán). Anh cho rằng nếu biết kết hợp cả hai xu hướng, tức là tạo ra tác phẩm được thị trường đón nhận mà vẫn đảm bảo tính nghệ thuật thì mới là tương lai của văn học trẻ, kế tục được giá trị của thế hệ đi trước.

Cùng bàn luận về nghịch lý giữa hai dòng văn học thị trường và văn học hàn lâm, nhà văn Hoàng Thụy Anh đến từ Quảng Bình cho rằng: Với những cây bút đã thực sự xem viết văn là một nghề, sống với văn chương như chính cuộc đời mình thì tất yếu sẽ nâng niu, chăm chút cho con đường hàn lâm. Trong cuộc đua văn chương, con đường hàn lâm là con đường đi lâu dài, bền bỉ hơn cả. Hoàng Thụy Anh vừa làm công việc lý luận phê bình vừa sáng tác thơ, về ý kiến cho rằng người viết lý luận phê bình khô khan thì không thể làm thơ, chị chia sẻ: Giữa lý luận phê bình và thơ có chiếc cầu nối. Người viết lý luận phê bình thông qua việc đánh giá người khác để thể hiện năng lực chính mình, nhưng không hoàn toàn thể hiện được bản năng của người nghệ sỹ. Khi gặp vướng mắc họ gặp gỡ ở thơ, vì thơ chính là kênh chuyển tải rõ nhất bản năng của con người.

Xã hội thông tin và kinh tế thị trường đang tạo ra nhiều thách thức lên đời sống văn học, cây bút trẻ Lê Như Tâm không coi văn chương là công việc mưu sinh mà anh viết văn vì niềm đam mê và là cách để khám phá bản thân mình.

Cũng bắt nguồn từ tình yêu với văn chương, Yên Mã Sơn là một cây bút trẻ không chuyên nhưng đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và sáng tác. Với Yên Mã Sơn, văn chương là sản phẩm được chiết ra từ nỗi đau của người cầm bút nhưng nó lại là liều thuốc bổ cho người đọc. Chính vì nó được chiết ra từ tiếng rên số phận nên nghề văn là nghề cực kỳ khó.

Các cây bút Hoàng Hải Lâm, Diệu Ái, Ngô Diệu Hằng xuất hiện và thành công ở mảng sáng tác truyện ngắn trên Tạp chí Cửa Việt nhưng họ có quan niệm khác nhau về văn chương. Hai cây bút Hoàng Hải Lâm, Ngô Diệu Hằng tự nhận mình viết văn đơn thuần theo bản năng. Theo Hoàng Hải Lâm, sáng tác văn chương không nên học hỏi quá nhiều, người viết không có năng lực sẽ dễ bị lai tạo. Vì thế bản thân người viết nên nỗ lực lao động tự thân để vươn xa hơn trên hành trình sáng tạo văn chương, ngay từ lúc mới bắt đầu nghề viết anh thích thử thách với những đề tài mới lạ. Cây bút trẻ Ngô Diệu Hằng hướng ngòi bút về đề tài cuộc sống, đặc biệt là về thân phận những người phụ nữ sống nội tâm, gặp hoàn cảnh éo le. Chị quan niệm văn học là sự tái hiện cuộc sống ở góc độ nghệ thuật, phân tích nội tâm con người và hướng đến khát vọng nhân văn.

Trong tham luận “Người viết trẻ: luôn học hỏi và bớt kỳ vọng”, tác giả trẻ Diệu Ái lại quan niệm văn chương là một cuộc chơi đặc biệt, đòi hỏi sự chịu khó, thái độ nghiêm túc và tỉ mỉ. Nghề văn vốn khắc nghiệt nên ngoài đam mê nếu không chịu khó thì không dễ để gắn bó lâu dài. Thêm nữa, sự sáng tạo ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự rèn luyện, với nghề viết sự rèn luyện lại càng cần thiết, phải đọc nhiều, lắng nghe nhiều hơn để soi xét hạn chế của mình.

Chia sẻ về công việc sáng tạo, cây bút nữ Đoàn Phương Nam tâm sự khi ra trường chị làm công tác báo chí, có nhiều sự việc trong cuộc sống khiến cảm xúc lắng đọng mà không thể viết báo, một cách vô thức chị gửi gắm vào tạp bút và truyện ngắn như để vơi bớt nỗi lòng. Về dự định sắp tới, Đoàn Phương Nam cho biết hiện chị đang quan tâm đến mảng đề tài lịch sử, ký sự vùng đất và dự định thực hiện một bộ truyện dài về dã sử. Viết sử là một công việc khá vất vả, buộc phải đọc nhiều tư liệu để có nền tảng kiến thức khoa học, tránh sai sót khi trích dẫn lại lịch sử.

Lê Vũ Trường Giang là một cây bút trẻ của Thừa Thiên Huế thành công với những sáng tác văn học khai thác chất liệu lịch sử. Trong tham luận “Lịch sử như là nguồn khai phóng của mạch viết”, tác giả cho rằng: Quyền năng để lý giải lịch sử, dung truyền lịch sử còn có đường ray dành riêng cho văn chương. Hàng nghìn nhân vật, sự kiện, thời kỳ, bí mật, biến cố lịch sử đã được tạo dựng từ những hư cấu văn học và tất cả đã sống dậy từ những trang viết cạy cục, miệt mài của những nhà văn ký thác hồn mình trong miên man ký ức của nhân loại. Các bạn viết trẻ nên nhắm vào những thể tài gần gũi để chuyển tải những thông điệp lịch sử từ văn chương, lý giải lịch sử theo cách của văn chương, tô sáng những điểm mờ còn chưa tỏ trong dòng chảy lịch đại bất tận.

Hầu hết ý kiến của các cây bút trẻ đều đánh giá cao việc Tạp chí Cửa Việt tổ chức cuộc gặp gỡ trang trọng và trân trọng dành cho những cây bút trẻ, tạo cơ hội để những người viết trẻ được nói lên tâm sự nghề nghiệp và lắng nghe kinh nghiệm của nhau. Sự quan tâm của tạp chí là niềm động viên, khích lệ tinh thần, giúp người trẻ giữ mãi ngọn lửa đam mê, lao động nghiêm túc với văn chương.

Cuộc gặp gỡ các cây bút trẻ Cửa Việt thêm ý nghĩa và trọn vẹn khi vinh dự có sự hiện diện của các nhà văn đi trước, những người đã góp công định hình phong cách Tạp chí Cửa Việt qua hơn 20 năm hình thành và phát triển. Đây là cơ hội để những người viết trẻ được lắng nghe, trò chuyện với những tác giả giàu kinh nghiệm. Một sự trao truyền vô tư giữa các thế hệ vì sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật tỉnh nhà Quảng Trị.Từng có thời gian làm Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, nhà văn Xuân Đức dành nhiều tình cảm cho các cây bút trẻ. Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, nhà văn trao truyền những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ nhà văn tiền bối, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc đời cầm bút của mình và nhắn nhủ các cây bút trẻ đừng đặt ra trước mình những thác đồ kỳ vĩ mà nên viết những gì mình “thuộc” nhất. Nghề văn không phải là học để viết giống người khác mà hãy học những gì mình còn thiếu. Nhà văn cho rằng, văn học Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế không hề thua kém hai đầu đất nước, không phải là “ga xép”. Ông cũng đặt nhiều kỳ vọng vào các cây bút trẻ với sức trẻ, văn hóa mới và sức sáng tạo dồi dào sẽ trở thành các cây bút trụ cột của nền văn học tỉnh nhà.

Nhà báo Nguyễn Hoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh hoan nghênh và đánh giá cao việc Tạp chí Cửa Việt tổ chức chương trình gặp gỡ các cây bút trẻ. Cuộc hạnh ngộ của lực lượng sáng tạo trẻ sẽ tạo ra một dấu ấn, sức bật cho tạp chí nâng cao chất lượng nội dung. Thực hiện tôn chỉ của một tờ tạp chí văn nghệ địa phương, Cửa Việt đã làm tốt vai trò là vườn ươm dưỡng nuôi, nâng đỡ những cây bút trẻ. Đồng chí cũng hi vọng các cây bút trẻ tiếp tục duy trì nội lực, sức viết của mình để tham gia vào sân chơi dài lâu cùng Tạp chí Cửa Việt.

Cuộc tọa đàm gặp gỡ sôi nổi, nhiều ý kiến thể hiện sự đa dạng của văn học và đa chiều của xu hướng làm nghệ thuật. Những câu chuyện tại tọa đàm không dừng lại ở mỹ học cá nhân, mà mở rộng ra các vấn đề đang diễn tiến trong văn học trẻ hiện nay. Tựu trung, những người trẻ đều nói lên quan niệm chững chạc của mình về văn chương, họ thể hiện trí tuệ và bản lĩnh, giàu nhiệt huyết và cần mẫn nghiêm túc với lao động văn chương. Đây là những gương mặt trẻ tiêu biểu sớm dự phần vào sự vận động, phát triển của đời sống văn học.

Mang trên mình trách nhiệm đào tạo, giới thiệu và thử thách thế hệ cầm bút trẻ trên mảnh đất đầy thương, nặng khó Quảng Trị, cuộc tọa đàm gặp gỡ cũng là cơ hội để Tạp chí Cửa Việt lắng nghe, tiếp thu những chia sẻ tâm huyết của các cây bút trẻ nhằm làm tốt hơn nữa sứ mạnh ươm mầm tài năng, góp phần tạo nên một thế hệ văn chương trẻ kế tục xứng đáng truyền thống văn học - nghệ thuật của tỉnh nhà. Hi vọng và tin tưởng rằng, sau cuộc hạnh ngộ lần này, các cây bút trẻ sẽ tiếp tục tin yêu đồng hành cùng Tạp chí Cửa Việt trên hành trình sáng tạo nghệ thuật.

P.V

PV.
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 275 tháng 08/2017

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

9 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground