“Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, người ơi nước mắt hoen mi rồi…” - Đó là một lời ca bài bát “Ướt mi”. Bài hát ra đời năm 1958. Từ bấy đến nay, nó mãi ngân nga trong lòng lớp trẻ của bao thế hệ. Buồn lắm! não nề lắm! Nhưng nỗi buồn cứ sang trọng làm sao. Là giữa giải bày lê thê trong cái mong manh hy vọng – “còn mưa trong đêm nay, lòng em buồn biết mấy, trời sao chưa thôi mưa…” thế mới thấy cái da diết của những đêm mưa xứ Huế. Nó là sự nhắn nhủ, sự gửi gắm tâm sự của nhiểu thiếu nữ thế hệ trước truyền qua thế hệ sau. Trịnh Công Sơn đã nói dùm họ. “Buồn ơi trong đêm thâu, ôm ấp dùm ta nhé…người ơi đem về tình ấm hồn em thêm say mê”. Ở đó có một lời khuyên, một điểm “tựa” cho những tâm hồn thơ trẻ. “Đừng khóc trong đêm thâu đừng than trong câu ca”. Lời ca bổng trở nên có sức sống kỳ lạ. Bản nhạc là sự báo hiệu cho một tài năng lớn sắp định hình trên nền trời âm nhạc Việt
Có một Trịnh Công Sơn trong phong trào đấu tranh của sinh viên Miền
Ngày hôm nay chúng ta còn ngồi bàn luận để gìn giữ bản sắc dân tộc trong văn hóa Việt Nam, thì điều ấy, từ lâu đã vang lên trong ca khúc của anh lời khẩn cầu, lời phẫn uất trước thực trạng bị xâm lăng về văn hóa của chế độ miền Nam trước năm 1975. “Dạy cho con nói tiếng thật thà, mẹ mong con chớ quên màu da, con chớ quên màu da nước Việt xưa” hoặc “gia tài của mẹ một bọn lai căng, gia tài của mẹ một lũ tội tình”. Điều ấy, không phải chỉ thể hiện trong một ca khúc, ngày xưa anh từng có một tuyển tập những tình khúc da vàng, mà đâu đó trong một bài hát, chất nhạc thì réo rắt mà lại sục sôi, lời ca đau thương, ai oán của người dân nô lệ. Phải, cái chất văn hóa quật cường của cha ông đã dấy lên trong lời ca của anh – “Ôi bom đạn cày trên thân xác, trên đồng lúa hôm nay bỏ hoang, ôi da vàng Việt Nam vỡ nát, xương thịt đó thiêng liêng vô cùng”, để rồi lại bùng lên một khát khao hy vọng cho ngày mai – “Đêm thôi dài cho mai này người Việt Nam hái lúa trên đồng chín, đêm no lành, đêm thanh bình cho người Việt Nam thấy tương lai rất gần”. Hoặc “Một màu vàng trên da thơm, nên giữ gìn màu lúa chín quê hương”. Cái tủi nhục của người dân mất nước nhiều khi thể hiện thật quyết liệt – “Người nô lệ da vàng ngồi yên… ngồi yên quên nước quên non, ngồi yên xin áo xin cơm” hoặc “Từng ngày sống không vui, từng ngày chết cho ai…từng ngày sống âm u, một đời sống ao tù, từng ngày trong bóng tối” chất dân gian thấm đẫm trong từng lời ru được anh thể hiện rất mượt mà, nó chan chứa tình cảm quá sức da diết và rất Việt Nam- “Một đời ru nên mắt u buồn…con ngủ giấc hiền mưa nhỏ ngoài đêm…đời mẹ ru con bao lâu mỏi mòn… Bây giờ mẹ nằm lá đổ ngoài sân”.
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đi đầu trong những ca khúc phản chiến ở miền
Trịnh Công Sơn có một tấm lòng thật bao dung nhân ái. Từ hình tượng con người bình thường nhất cũng trở thành nguồn cảm hứng lớn lao trong anh- “Người phu quét lá bên đường, quét cả nắng vàng, quét cả mùa thu… quét cả gió nồm, quét cả mùa đông “ để rồi dồn nén đau thương – “mùa xuân lót lá em nằm quét cả hầm lót đạn bom, người phu thôi quét bên đường, quét chỗ nằm quét cả mùa xuân”, Anh thương một hay thương nhiều “Một người cũng thế thôi. “thương ai về xóm vắng đêm nay thiếu ánh trăng, đôi vai gầy ướt mềm lạnh lắm hay không”. Tình thương nó cao thượng lắm sao. Anh thương cả sự u mê, thương cả sự bội bạc- “ ru em cùng những u mê, ru em phụ rấy trong ra” rồi đẩy tới cao trào “ yêu em yêu thầm tình phụ, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Anh thương tất cả người Việt
Chất nhạc của Trịnh Công Sơn có thể chưa được cao siêu, thanh thoát như Văn Cao, nhưng trong từng nốt nhạc lấp lánh của anh thể hiện một sự mượt mà, sang trọng, sâu lắng rất riêng biệt và rất “Huế”. Trong từng hơi thở của từng bản nhạc đều ẩn náu một nỗi buồn của Huế. Huế trong sự reo rắt. Huế trong sự rã rời. Huế trong những âm thanh huyền ảo về đêm. Huế trong những buổi sớm mai yên bình. Huế trong sự thánh thót diệu kỳ mùa xuân; nỗi buồn ngay trong nắng cháy mùa hè bỗng cơn giông ập đến. Huế ảm đạm những đám mây chiều đông. Huế não nề trong đêm dài mưa dầm lạnh buốt. Vâng, trong chất nhạc của anh tất cả đều là Huế, bởi chỉ có nỗi buồn mà chỉ Huế mới có được; có những điều không diễn tả được thành lời chỉ có người Huế mới hiểu. Huế có trong “Ướt mi” đến “Diếm xưa”. Huế trong “Hạ trắng”, “Biển nhớ”. Huế trong “Cát bụi – Tình xa” trong “Một cõi đi về”, trong “Dấu chân địa đàng” trong “Phôi pha”, trong “Lời thiên thu gọi”...
Điểm mạnh trong ca khúc Trịnh Công Sơn là lời bài hát, nó vừa trải dài của sự mượt mà, của sự lắng sâu trong suy tưởng triết lý, khiến người hát lắm lúc phải suy ngẫm chẳng hiểu mình vừa hát cái gì và hát về ai. Có lẽ đây là điều mà anh hơn các nhạc sĩ khác. Anh triết lý với cỏ cây, hoa lá, triết lý với tình yêu, với mọi lẽ sống trên đời…và với cả nhân gian tạo hóa. Người ta chẳng thể thờ ơ được bỗng một chiều nghe “mùa xuân là loài sâu ngủ quên trong tóc chiều, cuộc đời đó nghĩ gì ư khi ta lại nghe”, “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời, lòng thật lệ rơi, lòng không buồn mấy...” giật mình tỉnh dậy mới thấy cuộc đời thật đẹp. Có mà không, không mà có. Đúng, con người ai chẳng yêu cuộc sống. Trong lời ca của Trịnh Công Sơn luôn có lời khẩn cầu, mong cuộc sống đẹp hơn lên, hãy yêu nhau mà sống – “Đêm nghe gió tự tình, đêm nghe đất trở mình… đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai, nghe trong tiếng ngậm ngùi, nghe lăng miếu trùng vây”- để rồi “Xin trên những đường dài cho nghe bước rộn vui xin trên những nụ cười rạng rỡ mặt trời”, “ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu, ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau”
Trong thế kỷ XX này, ở Việt Nam có lẽ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ dẫn đầu về số lượng ca khúc được nhiều người yêu thích, và có khả năng lưu danh hậu thế. Anh có hàng trăm bài hát được người đời biết đến. Lớp trẻ thích anh bởi anh có quá nhiều ca khúc nói về tình yêu, mà nói rất dịu dàng, đằm thắm. Hồn nhạc của anh tha thiết, dễ đi vào lòng người. Hình như ai cũng tìm thấy mình trong bài hát của anh.
Huế, tháng 8.1995 V.H.