B |
a mươi ba năm trước, khi Bác Hồ bước vào cõi vĩnh hằng, giáo sư - cố vấn Viện nghiên cứu A Châu (Cu Ba) Mighen Đêxtêphanô, viết: “Tấm gương Bác Hồ mãi mãi là nguồn cảm hứng để không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điểm đã đạt được mà luôn tiến lên về phía trước. Người không phải là một kỷ niệm của quá khứ mà là một sự diệu kỳ cho mọi thời đại”. Các công trình nghiên cứu về Người đã khẳng định sự lỗi lạc trong tư cách là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa… Kỷ niệm lần thứ 112 ngày sinh của Người, những ai làm khuyến học vô cùng tự hào và cảm kích khi thực tế cho thấy: Chính Bác Hồ là người đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp khuyến học hiện đại hôm nay!
Sự thuyết phục lớn về khuyến học ở người thầy vĩ đại này trước hết là chính cuộc đời của Người. Bác là một tấm gương rực sáng về ý chí tự học, ý chí tự vươn lên chính mình và cảnh ngộ. Đúng như lời Bác nói ở Trường đại học Băng Đung (Inđônêxia) 1959: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường đại học”, Ngày lên đường xuất dương tìm đường cứu nước, Bác là một phụ bếp trên Tàu Latouche Treville cũng là lúc Bác bắt đầu tự học. “Mỗi ngày đến 9 giờ tối công việc mới xong, anh Ba mệt lữ nhưng trong khi mọi người ngủ hay đánh bài thì anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ, có khi suốt đêm”. Sang đến Pháp, thân phận đơn côi nơi đất khách quê người, vừa học vừa làm để kiếm sống (bằng nghề ảnh và nghề báo), vừa sôi nổi tham gia các cuộc hoạt động cách mạng nhưng ngày cũng như đêm rấ ít khi Người vắng mặt ở thư viện Richevlicu (nơi mà Nghị sĩ quốc hội Pháp P.V. Couturier cho mượn thẻ đọc), Một khối lượng không lồ, từ các trước tác của Mác - Ăng Ghen, Lê Nin đến các tác phẩm nỗi tiếng của Đông – Tây, Bác đã đọc và nghiền ngẫm tại đây. Lịch sử sẽ còn ghi nhớ mãi phút giây đặc biệt khi Bác bắt gặp “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê Nin, mà như Bác nói: “Tôi xúc động đến mức phát khóc lên”. Bởi vì đó là lúc người cầm lái đã nhìn thấy bờ cho con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ cập bến. Cho nên khi Người nói: “Còn sống còn học và con hoạt động cách mạng” là Người nói từ chính sự trải nghiệm của đời mình. Hoàn toàn có cơ sở khi nói Bác đã đến với chủ nghĩa Mác – Lê Nin bằng con đường tự học. Vì chính Người khi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, trả lời câu hỏi về trình độ Tiểu học? Trung học? Đại học? Người trả lời: “Tự học”. Câu hỏi tiếp theo “Trình độ ngoại ngữ” Người ghi: “Tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Ý, Nga” (Có tài liệu nói Bác biết 18 ngoại ngữ). Suốt cả quá trình sau này, dù công việc bề bộn nhưng Bác chưa bao giờ ngơi nghỉ học hành. Bác nói: “Học hành là việt phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, đã biết hết rồi… Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học”. Xúc động biết bao khi một trí tuệ uyên thâm như Người mà lại nói: “Chúng ta là đảng viên già… so với đảng viên trẻ bây giờ, chúng ta còn dốt lắm… Tôi cũng dốt lắm. Thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải học và hành tiến bộ kịp nhân dân”.
Có thể nói: Từ người thấy giáo Nguyễn Tất Thành (Dục Thanh – Phan Thiết) đến nhà ái quốc Nguyễn Ái Quốc (ở Pháp), đồng chí Lý Thụy (ở Trung Quốc), Thầu Chín (ở Thái Lan), già Thu (Pắc Bó) và rồi lãnh tụ Hồ Chí Minh sau này, cuộc đời Bác Hồ là một quá trình học tập. Nếu như Bác thường nhắc lời dạy của Lê Nin: “Học, học nữa, học mãi” và lời Khổng Tử “Học không biết mệt dạy không biết chán” thì chính cuộc đời của Người làm tấm gương nhất quán nguyên lý đó.
Ngay từ buổi đầu tiên bước vào con đường cách mạng, một trong những trăn trở và xót xa lớn nhất của Bác là hậu quả nguy hiểm trước chính sách ngu dân của thực dân Pháp đối với nước ta. Trong “Bản án” giành cho thực dân Pháp, Bác Hồ đã kết án: “Thực dân Pháp đã gieo rắt một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa”. Cho nên khi trực tiếp ký vào bản yêu sách thay mặt hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, giữa Hội nghị Vécxay 18/ 01/ 1919, Người nói: “Quyền tự do giáo dục, quyền thành lập các trường kỹ thuật, chuyên nghiệp ở các tỉnh”. Trong lịch sử đã có những minh quân tận tụy với việc đào tạo các bậc hiền tài cho đất nước nhưng chưa bao giờ có một trái tim quảng đại “ham muốn đến tột bậc” cho toàn dân “ai cũng được học hành” như Bác Hồ. Luôn nhất quán với chủ trương chiến lược “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, xem “nội lực là quyết định”. Trong 24 năm (02.9.1945 – 02.9.169) Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đóng góp lớn lao nhất cho sự nghiệp khuyến học – khuyến tài. Tư tưởng vĩ đại của Bác, tấm lòng cao cả của Bác cùng với những quyết sách cụ thể cũng như chính tấm gương từ bản thân Người mãi mãi soi sáng cho chúng ta. Đọc lại bài “Tìm Tài Đức” của Bác, chúng ta gặp ở đây không chỉ là một nhãn quan chiến lược mà con là một tấm lòng thật thiết tha: “Nước nhà kiến thiết. Kiến thiết phải có nhân tài. Trong hai mươi triệu đồng bào chắc không thiếu người tài đức. E chính phủ nghe không đến, thấy không khắp nên bậc tài đức không thể xuất hiện. Khuyết điểm đó tôi xin nhận”. Sức “khuyến” mạnh biết bao sau lời xin lỗi chân tình này của Người cha già dân tộc. Trong phiên họp chính phủ ngày 03.9.1945, Bác nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Tôi đề nghị mở một chiến lược xóa mù chữ”. Trong buổi trứng nước với muôn ngàn thử thách khó khăn, Bác chủ trương phải đồng thời chống cả giặc ngoại xâm, cả giặc đói và giặc dốt chứng tỏ Người thiết tha cho sự học của dân đến mức nào. Chính vì vậy mà Nghị quyết của Chính phủ đã tập trung vào 4 nội dung lớn: “Kiến thiết ngoại giao – Kiến thiết kinh tế - Kiến thiết quân sự - Kiến thiết giáo dục”. 1946, nói chuyện tại Hải Phòng Người đã nói như một khát vọng cháy bỏng. “Phải làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc thông thái”. Trong dịp khai trưởng của năm học đầu tiên dưới chính thể mới, Bác căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước qua đài vinh quang hay không chính là nhờ một phần lớn vào công sức học tập của các em”. Đi suốt theo chiều dài của lịch sử những năm đánh Pháp, đánh Mỹ, xây dựng CNXH ở miền Bắc, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác đã có hàng trăm các quyết sách đúng đắn để khuyến học, khuyến tài. Tại mọi hội nghị, mọi cuộc gặp gỡ, khi đến với các ngành, các địa phương với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào, ở đâu và bao giờ Bác cũng không quên nhắc nhở việc học hành, rèn luyện và trách nhiệm phát triển nền giáo dục nước nhà. Với Bác “Muốn xây dựng CNXH trước hết phải có con người XHCN”. Mà muốn vậy: “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Bác đưa ra những cách thức vô cùng thiết thực để khuyến học “Người chưa biết chữ thì gắng sức mà học. Vợ chưa biêt chữ thì chồng bảo, em chưa biết làm thì anh bảo, người làm chưa biết chữ thì chủ bảo”. Để khuyến khích những chiến sĩ bình dân học vụ, Bác gọi họ là “vô danh anh hùng”. Bác cảnh báo rằng: “Cái gì biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của sự học”. Những người có may mắn được gần Bác lại càng được Bác khuyến khích học tập, rèn luyện để trưởng thành. Khi nhà thơ Tố Hữu nói “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta” thì ánh sáng được “tỏa” ấy có ý chí tự học và sự khuyến khích học tập của Bác. Ngay cả với tướng Nguyễn Sơn – vị tướng nổi tiếng ở cả hai chiến trường, Việt – trong thư “Gửi Sơn đệ” của Bác, Bác cũng nhắc: “Tâm dục tế - Đảm dục đại – Trí dục viên – Hành dục phương” (Lòng phải tinh tế - Gan phải lớn – Trí phải toàn diện – Hành động phải đúng hướng). Khi bom rền đạn nổ, Bác dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Khi hòa binh xây dựng, Bác dạy: Lao động chân tay phải kết hợp với lao động trí óc, nếu không theo Bác là “bán thân bất toại” Trong cả đời mình Bác đã chăm lo cho sự phát triển dân trí, khuyến khích, động viên, nhắc nhở và tạo điều kiện để mọi người được học, được tiến bộ. Xúc động biết bao cho đến giờ phút lâm chung, biết bao nỗi trăn trở về những vấn đề “sống còn” của đất nước, Bác vẫn không quên lưu tâm về việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đã có một đội ngũ cán bộ, những nhà khoa học và bao tài năng khác trên nhiều lĩnh vực nhờ vào chủ trương, chính sách và những khích lệ khuyến học của Bác Hồ mà được trưởng thành để cống hiến tài năng cho đất nước. Nền giáo dục cách mạng Việt Nam với sự đóng góp trực tiếp của Bác Hồ mà đã đạt được những thành tựu quan trọng. Vì vậy, nếu xếp theo thu nhập bình quân, nước ta bị xếp ở nhóm cuối của thế giới nhưng theo chỉ tiêu phát triển người (HDI) chúng ta được xếp ngang với một số nước phát triển.
Có một điều rất đang tự hào. Tư tưởng khuyến học của Bác Hồ là hết sức đúng đắn và hiện đại. Bởi vì khuyến học từ xa xưa đã là một chính sách của nhiều vương triều, là hành động đạo lý và nghĩa tình của nhiều gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư. Nhưng đó là khuyến học cho năm phần trăm dân cư đi học. Ngày nay, khi nhân loại bước vào kỷ nguyên trí tuệ, mỗi nước ra sức phát triển nền kinh tế trí thức thì nội dung, cách thức và yêu cầu của khuyến học cũng khác trước. Năm 1996, Liên hiệp quốc đã công bố đề án của chiến lược phát triển giáo dục thế kỷ XXI của nhân loại. Chúng ta vô cùng tự hào vì trước đó 50 năm, bằng cách diễn đạt giải dị hơn nhưng chính Bác đã có ý tưởng đó. Ngày nay, thế giới kêu gọi xây dựng “nền giáo dục cho mọi người” thì từ năm 1945 Bác đã chủ trương xây dựng nền giáo dục nhân dân “ai cũng được học hành”, “dân tộc trở nên một dân tộc thông thái”. Thế giới kêu gọi học thường xuyên, liên tục, suốt đời thì từ năm 1948 Bác đã nói: “Đường đời là một cái thang không có nấc chót. Việc học là quyển vở không có trang cuối cùng”. Thế giới xác đinh: “Học để biết, để làm, cùng nhau chung sống và để tự hoàn thiện bản thân mình” thì cả đời Bác bao giờ cũng gắn với hành, học là để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn. Thế giới cho rằng “Quan trọng nhất là mỗi người phải thích học và biết cách học” thì từ năm 1951, Bác đã chủ trương “lấy tự học làm cốt. Thảo luận và chỉ đạo giúp thêm vào”. Thế giới kêu gọi “xây dựng xã hội học tập” thì cả đời Bác đã làm điều đó. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng IX viết: “Đẩy mạnh khuyến học… Cả nước thành một xã hội học tập”, chúng ta hiểu đó chính là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các nhà nghiên cứu về Bác Hồ cho rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh không ở trên câu chữ. Nó ở bên trong, ở đằng sau câu chữ. Nó vượt qua được những câu chữ thông thường. Đó là một nhà hiền triết mà tư tưởng ở giữa hai dòng chữ. Vì vậy, hiểu cho hết chiều sâu tư tưởng khuyến học của Bác là điều không dễ. Dù vậy, chúng con những học trò, con cháu của Người ở vùng quê nghèo Quảng Trị cũng quyết tâm làm khuyến học với cả “Chí” và cả “Minh” mà chúng con đã tiếp nhận từ Người, góp phần biến ý nguyện của Người thành hiện thực.
T.S.T