Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vì ngày mai

1.

Mặc dù có địa hình tự nhiên đa dạng với đồi núi, ruộng đồng, sông hồ, có lịch sử hào hùng với truyền thống bắt hổ dữ và chiến đấu kiên cường chống ngoại xâm, và người dân cần cù siêng năng, nhưng Vĩnh Thủy xưa là vùng đất nghèo khó vì thường xuyên bị hạn hán, lụt lội. “Mục lục châu bản triều Nguyễn” (Nxb Văn hoá Thông tin 2020) còn lưu giữ châu bản 59 là Chiếu của vua Gia Long ban hành ngày 26 tháng 2 năm Gia Long 16 (tức là năm 1817) về việc phát chẩn cho dân đói kém, nội dung ghi rõ: “Chiếu: Công đường quan doanh Quảng Trị được rõ: (...) các tổng An Mỹ, An Xá, Thủy Ba huyện Minh Linh dân tình đói khổ. Nay chuẩn cho đem một vạn phương thóc thuế năm trước để phát chẩn”.

Vì nghèo khó về kinh tế nên Vĩnh Thủy xưa cũng nghèo khó cả về mặt văn hoá: cả vùng đất Thủy Ba xưa hầu như không có người nào được học hành tử tế và đỗ đạt cao, không có ngôi đình, chùa, miếu, đền... nào lớn được xây dựng và lưu giữ lại cho đời sau như một chứng tích về văn hoá và lịch sử.

2.

 Từ ngày hòa bình lập lại (1954) và đặc biệt là từ sau công cuộc đổi mới (1986), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự cố gắng vươn lên của chính quyền và Nhân dân địa phương, bức tranh kinh tế - xã hội của Vĩnh Thuỷ đã dần dần đổi khác.

Xã Vĩnh Thủy xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Vĩnh Thủy xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Hiện nay, Vĩnh Thủy là một trong những xã thuộc tốp đầu về phát triển kinh tế của huyện Vĩnh Linh, cảnh đói nghèo xưa đã dần dần bị xoá bỏ, nhiều gia đình đã khá giả, có của ăn của để. Đời sống văn hoá, xã hội của Vĩnh Thủy cũng có nhiều biến đổi: xã đã có trường tiểu học và phổ thông cơ sở khang trang, có trạm y tế và các nhà văn hoá phục vụ người dân. Tất cả trẻ em ở Vĩnh Thủy đều được đến trường, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, nhiều con em Vĩnh Thủyđã trở thành các nhà quản lý, nhà khoa học, sĩ quan quân đội... có đóng góp cho xã hội (theo Lê Đức Tiết, Thủy Ba - Làng bắt hổ và bắn hạ máy bay Mỹ, Nxb Pháp Lý, 2018).

Tuy nhiên, nếu so sánh với nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung và ở tỉnh Quảng Trị nói riêng, Vĩnh Thủy hiện nay về cơ bản vẫn là một xã cận nghèo, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 53 triệu VNĐ/người, chưa đạt mức trung bình của tỉnh Quảng Trị năm 2021 (~57 triệu VNĐ/người), còn khá xa mức trung bình chung của cả nước (83 triệu VNĐ/người: https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_sach_đơn_vị_hanh_chính_Việt_Nam_theo_GRDP_bình_quân_đầu_người), nguồn thu ngân sách eo hẹp, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Nếu vẫn tiếp tục phát triển với mô hình đang có hiện nay, Vĩnh Thủy khó vượt lên, nếu không nói là có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

 Vậy làm thế nào để Vĩnh Thủy có thể trở nên giàu có hơn?

3.

Thực tiễn và bài học phát triển của nhiều địa phương ở Việt Nam cũng như của các quốc gia trên thế giới cho thấy muốn phát triển và trở nên thịnh vượng phải biết dựa vào thế mạnh của mình cả trong quá khứ (truyền thống, lịch sử) và hiện tại (điều kiện tự nhiên, xã hội và con người) và chọn được hướng đi đúng.

Ninh Bình trước đây là một tỉnh nghèo, nhưng từ khi tách tỉnh đã tận dụng thế mạnh về lịch sử và điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch, trở thành một tỉnh giàu có. Hàn Quốc 60 năm trước vốn là một quốc gia nông nghiệp nghèo khó, nhưng cùng với việc đầu tư vào giáo dục, khoa học, kỹ thuật để hiện đại hoá đất nước đã biết dựa vào truyền thống văn hoá và lịch sử, vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng để phát triển các ngành công nghiệp giải trí và du lịch, góp phần làm giàu đẹp cho xứ Kim Chi. Mà không chỉ dựa vào thế mạnh, Hàn Quốc còn biết khai thác các hạn chế của mình, biến hạn chế thành điểm mạnh để phát triển kinh tế - văn hoá. Ai có dịp đến biên giới Nam - Bắc Hàn sẽ thấy Hàn Quốc đã biến cái vùng đất bị chia cắt đau thương bằng các hàng rào dây thép gai, các đường hào và đồn bốt quân sự này thành các địa điểm du lịch hấp dẫn để “móc tiền” từ túi khách du lịch trong nước và quốc tế.

 Mặc dù Vĩnh Thủy không phải là một tỉnh như Ninh Bình hay một quốc gia như Hàn Quốc nhưng không phải vì thế mà không rút ra được bài học dựa vào lợi thế để phát triển.

4.

 Vậy thì Vĩnh Thủy có những lợi thế gì có thể và cần khai thác và phát huy để phát triển?

 Nói đến Vĩnh Thủy có lẽ ai cũng thống nhất đó là vùng đất có những điểm mạnh sau:

 -  Về đặc điểm tự nhiên: Vĩnh Thủy là xã có diện tích tương đối rộng (gần 50 km2), tỷ lệ phân bố dân cư thấp (~125 người/km2), chưa bằng 1/2 mức trung bình của cả nước (290 người/km2), địa hình khá đa dạng, vừa có núi đồi (đồi 74 và nhiều vùng đồi ở phía Tây), vừa có đồng ruộng, nương vườn, sông hồ (như sông Sa Lung, hồ La Ngà).

- Về vị trí địa lý: Mặc dù không nằm ở gần các trung tâm lớn hay gần giao điểm của các tuyến giao thông chính, nhưng Vĩnh Thủy không quá xa với các địa danh nổi tiếng khác của tỉnh Quảng Trị như: Bãi biển Cửa Tùng, các khu di tích Cầu Hiền Lương, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn...
- Về truyền thống và lịch sử: Vĩnh Thủy là vùng đất gắn liền với truyền thuyết tạo sơn lập địa của tỉnh Quảng Trị (Truyền thuyết về thần Thồ Lồ và sự hình thành động Lòi Reng và đảo Cồn Cỏ), nổi tiếng với nghề bắt hổ dữ (đã đến các tỉnh miền Trung để bắt hổ ác bảo vệ dân làng theo lệnh vua) và kiên cường chống ngoại xâm (chiến khu Thủy Ba nức tiếng thời chống Pháp, hay cùng bộ đội bắn hạ 6 máy bay xâm lược Mỹ ngày 11/11/1966).   

 - Ngoài những ưu thế khách quan trên đây, Vĩnh Thủy cũng có ưu thế về mặt chủ quan là con người và xã hội: Người dân Vĩnh Thủy chất phác thật thà, cần cù chăm chỉ, thân thiện và hiếu khách, đặc biệt rất cởi mở về tư duy, dễ dàng tiếp nhận cái mới.  Xã cũng như các thôn trong xã có tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể vững mạnh cả về tổ chức và hoạt động thực tiễn. Đây là những điều kiện rất quan trọng để các thế mạnh về tự nhiên, vị trí địa lý,  truyền thống và lịch sử được khai thác và phát huy.

5.

Tuy nhiên, những ưu thế khách quan của Vĩnh Thủy tự nó chưa đủ làm cho Vĩnh Thủy trở nên giàu mạnh, vì:

  - Vĩnh Thủy có diện tích tương đối lớn, địa hình khá đa dạng, vị trí địa lý tương đối thuận lợi về giao thông... nhưng không đủ lớn, đa dạng và thuận lợi đến mức để trở thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp hay công nghiệp lớn, khi so sánh với nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

-  Vĩnh Thủy có các cảnh đẹp thiên tạo và nhân tạo như: đồi 74, sông Sa Lung, hồ La Ngà, các cánh đồng lúa và vườn cây của Đức Xá và Thủy Ba... nhưng chưa phải là một thắng cảnh đủ mức hấp dẫn một cách tự nhiên du khách từ khắp nơi đổ về để thưởng ngoạn.

- Vĩnh Thủy nổi tiếng với truyền thuyết về thần Thồ Lồ và động Lòi Reng, với truyền thống bắt hổ và các chiến công chống ngoại xâm trong lịch sử, nhưng tất cả chỉ tồn tại trong những câu chuyện kể để dần dần biến thành giai thoại mà không hề có một chứng tích lớn nào về mặt vật chất vừa có giá trị lịch sử (để ghi nhận truyền thuyết hay sự kiện), vừa có giá trị văn hoá cao, đủ sức thu hút khách du lịch như ở nhiều địa phương khác.    

Vậy làm thế nào để khai thác và phát huy hết các ưu thế trên đây mở đường cho Vĩnh Thủy phát triển trong tương lai? 

6.

Trả lời được câu hỏi này là một việc khó, nhưng có một vấn đề rõ ràng là Vĩnh Thủy sẽ khó phát triển nhanh và trở nên giàu có nếu không có một mô hình phát triển mới, trong đó các ưu thế trên đây được kết nối và khai thác để tạo nên động lực. Theo tôi, mô hình phát triển mới này là mô hình DU LỊCH + DỊCH VỤ, bổ sung cho mô hình truyền thống hiện nay là NÔNG NGHIỆP

Theo mô hình phát triển này, Vĩnh Thủy cần định hướng phát triển các sản phẩm du lịch - dịch vụ chính sau đây:

- Xây dựng tuyến du lịch tâm linh + sinh thái lấy đồi 74 là trung tâm:

+ Trên đồi 74 từ đỉnh cao nhất đến đỉnh thấp hơn cho xây dựng các công trình kiến trúc ghi dấu các sự kiện truyền thuyết, lịch sử và tri ân các vị thần linh và người có công, theo trình tự có thể là: Đền thờ thần Thồ Lồ (vị thần khai sinh ra ddộng Lòi Reng, sông Sa Lung...) > Đền thờ hoặc khu tưởng niệm Nghề săn bắt hổ > Đền thờ hoặc khu tưởng niệm các Liệt sĩ và bia kỷ niệm chiến thắng 11/11/1966.     

+ Kết nối giữa các công trình trên là một tuyến đường đi bộ (làm bậc thang nhưng không xây xi măng, chỉ rải cát, sỏi đá nhỏ, đi len lỏi giữa rừng cây, hạn chế phá cây và đá núi) bắt đầu từ đồi Tròn (ngay Cổng chào) lên các đồi tiếp theo và điểm cuối cùng là ở đỉnh cao nhất của đồi 74.

Đây là quãng đường để du khách vừa lên thăm các khu tưởng niệm vừa ngắm cảnh thiên nhiên.

 +  Xây dựng khu dịch vụ ăn uống, bán hàng (sản phẩm địa phương, đồ lưu niệm), bãi đỗ xe ở khu vực hai bên cuối đồi 74, phía dưới đường liên huyện.

-  Xây dựng tuyến du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng lấy hồ La Ngà và sông Sa Lung làm trung tâm kết hợp các địa điểm tham quan khác ở khu vực xung quanh.

- Xây dựng hệ thống vườn tược, ao hồ, đồng ruộng đẹp để phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với homestay (cùng ở và tham gia các hoạt động làm đồng, làm vườn, bắt cá, chăn nuôi...) ở các thôn Đức Xá, Thủy Ba Đông, Thủy Ba Tây, Thủy Ba Hạ...

- Sản xuất, bán các đặc sản nông nghiệp, các đồ lưu niệm của địa phương, tổ chức tốt các dịch vụ ẩm thực, giải trí, đi lại cho khách du lịch.

Với các sản phẩm du lịch trên đây (và có thể còn nhiều sản phẩm khác nữa), Vĩnh Thủy có thể trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Du khách có thể đến Vĩnh Thủy theo các tour riêng hoặc kết hợp với tour ở các địa điểm khác (như Cầu Hiền Lương, Bãi biển Cửa Tùng...) trong khoảng thời gian một vài ngày mà vẫn cảm thấy thú vị.

Tất nhiên để có được các sản phẩm du lịch đó, biến Vĩnh Thủy từ một xã thuần nông thành một trong những trung tâm du lịch của Quảng Trị, từ ý tưởng đến hiện thực còn là một con đường dài, đầy khó khăn. Xã phải có kế hoạch, được Nhân dân ủng hộ, phải có dự án được phê duyệt đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư, phải có nhà đầu tư bỏ tiền vào, v.v...

Đó là những việc khó, nhưng tôi tin rằng với truyền thống bất khuất, kiên cường của mình, nếu quyết tâm, Vĩnh Thủy sẽ làm được và làm tốt, không chỉ để rạng danh quá khứ hào hùng của các bậc tiền nhân, mà còn cho một tương lai rực rỡ của cháu con.

NGUYỄN VŨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 337

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

1 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground