Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vĩnh Linh tổ chức lễ hội 60 năm truyền thống quê hương trên nền tảng văn hóa và truyền thống lịch sử

PV: Thưa đồng chí! Vĩnh Linh là một địa phương có bề dày văn hóa và truyền thống lịch sử. Trước hết, xin đồng chí cho biết xuất xứ tên gọi Vĩnh Linh cũng như nét văn hóa đặc trưng của đất và người Vĩnh Linh.

Từ xa xưa, miền quê này là một phần đất của Bộ Việt Thường, một trong 15 Bộ của nước Văn Lang. Thời nước ta bị nhà Tống xâm lược, có một nước ChămPa được thành lập ở phía Nam đèo Hải Vân đem quân chiếm vùng đất này từ tay nhà Tống và đặt cho cái tên là Châu Ma Linh (thuộc ChămPa). Từ năm 1064 thời Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt đem quân đánh chiếm kinh thành ChămPa và bắt được vua Chế Củ. Để được tha, vua Chế Củ đã dâng 3 châu phía Bắc cho Đại Việt. Tên gọi Minh Linh được đặt cho mảnh đất này (năm 1065) rồi Chiêu Linh (1885) và Vĩnh Linh (1889) cho đến tận bây giờ.

Cảnh quan Vĩnh Linh có thể ví von bằng mấy câu: “Lưng tựa dãy Trường Sơn/ Mặt biển Đông khát vọng/ Bến Hải hiền con sóng/ Gió Hiền Lương reo cười”. Vĩnh Linh có cả rừng núi, trung du, đồng bằng cùng dải đất cát, đất đỏ kéo ra tận chân sóng biển. Hệ thống ao hồ, lưu vực của các con sông Sa Lung - Hồ Xá cùng dòng sông Bến Hải đưa nước nguồn hòa nước biển khơi tại Cửa Tùng. Nơi cửa biển có một bãi tắm với khí hậu trong lành và cảnh quan thiên nhiên đẹp mà thiên nhiên ban tặng, Cửa Tùng từng được gọi là Nữ hoàng của các bãi tắm.

Con người nơi đây thông minh, cần cù sáng tạo và đoàn kết, luôn yêu chuộng hòa bình và khát khao một ngày mai no ấm. Họ đã từng chung lưng đấu cật để chinh phục thiên nhiên và thú dữ (truyền thuyết Làng bắt cọp Thủy Ba). Họ cũng từng sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa mà điển hình đặc trưng là tài ứng tác: chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, chèo cạn Tùng Luật… Đó vừa là kết tinh của sự thông tuệ, vừa là nguồn động lực để con người nơi đây nối tiếp nhau vượt qua bao thử thách và làm nên những kỳ tích trong những chặng đường phát triển lịch sử.

PV: Văn hóa dân gian trong đời sống làm cho con người Vĩnh Linh lạc quan, kiên trì, anh dũng để vượt qua khó khăn và hiểm nguy. Xin đồng chí cho biết những điểm nhấn lịch sử quan trọng giúp mảnh đất này được mệnh danh là "lũy thép".

Từ thế kỷ XIII, người dân nơi đây đã cùng cả nước ủng hộ Trần Nhân Tông quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, tiếp đó theo Lê Lợi đánh bại quân Minh, rồi ủng hộ phong trào Tây Sơn đập tan các đội quân xâm lược. Dù trong hoàn cảnh nào, người dân nơi đây luôn tích cực tham gia các phong trào đánh giặc cứu nước và chống lại áp bức, bạo tàn của chế độ thực dân phong kiến. Thế nhưng phong trào yêu nước của người dân Vĩnh Linh chỉ trở thành tự giác đến cao trào từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đầu năm 1931 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, 3 chi bộ Thượng Lập, Huỳnh Công, Quảng Xá đã được thành lập, làm tiền đề cho sự ra đời của Phủ ủy Vĩnh Linh (nay là Đảng bộ huyện Vĩnh Linh).

Thành công đầu tiên của Đảng bộ Vĩnh Linh khi đảm đương sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trên mảnh đất này là đã giác ngộ cách mạng và tổ chức cho quần chúng công nông, trí thức theo Đảng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh và lợi quyền cho người lao động, hướng đến mục tiêu dài lâu “độc lập dân tộc và CNXH”.

Từ kinh nghiệm và thành công của phong trào biểu tình gồm 4000 người từ Vĩnh Linh kéo vào thị xã Quảng Trị tham gia dự thảo dân nguyện, rồi tổ chức đón và trao nguyện vọng cho Gô Đa - đại diện Chính phủ Pháp tại cầu Hiền Lương, Đảng bộ Vĩnh Linh đã lãnh đạo củng cố phát triển tổ chức Đảng, tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và các điều kiện khác tiến hành tổng khởi nghĩa trên toàn khu vực Vĩnh Linh thắng lợi vào ngày 23/8/1945.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ đã sớm quyết định xây dựng Chiến khu Thủy Ba (1947), triển khai các chủ trương “Hạ Sơn”, “Rào làng chiến đấu”… Xã Vĩnh Hoàng được Bác Hồ gửi thư khen và được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Chiến thắng Hạ Cờ - Chấp Lễ năm 1950 của quân dân Vĩnh Linh làm nức lòng quân dân cả nước. Đảng bộ cũng tổ chức lực lượng tham gia bộ đội, dân công hỏa tuyến, TNXP tham gia chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở 3 nước Đông Dương.

Sau Hiệp định Giơnevơ, nước ta tạm thời chia làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 nằm trên dòng sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến quân sự tạm thời. Bằng sự can trường và lòng dũng cảm, quân và dân Vĩnh Linh đã bắn rơi B52 đầu tiên và buộc đế quốc Mỹ phải thừa nhận đã trải qua những thất bại nặng nề (293 máy bay các loại, 7 pháo đài bay B52 bị bắn rơi trên mảnh đất này). Chiến công ngày 11/11/1966 với 6 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Vĩnh Linh đã trở thành ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ. 

Khi sự hủy diệt của kẻ thù đến mức bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn, những xóm làng trắng những khăn tang, Trung ương và Bác Hồ cho triển khai chiến dịch K8, K10 để đưa người già, trẻ em sơ tán ra miền Bắc học tập và sinh sống. Còn đồng bào ở lại trên mảnh đất Vĩnh Linh vẫn dũng cảm quên mình đối mặt với mưa bom bão đạn để chiến đấu và chiến thắng, giữ cho lá cờ Tổ quốc trên kỳ đài Hiền Lương kiêu hãnh tung bay, để đất nước khải hoàn trong bài ca thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà.

PV: Thưa đồng chí! Được biết sắp tới huyện nhà sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm đặc khu Vĩnh Linh - 60 năm truyền thống Vĩnh Linh với nhiều hoạt động nổi bật. Xin đồng chí có thể chia sẻ với Cửa Việt một vài nét được xem là điểm nhấn về Lễ hội năm nay?

   Trước hết, nói về tầm vóc của sự kiện. Kỷ niệm 60 năm truyền thống Vĩnh Linh năm nay gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước như 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, 60 năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ 20/7... Có thể nói chính từ những sự kiện lịch sử này đã dẫn đến sự ra đời của giới tuyến quân sự tạm thời, đặt ở vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, chia cắt hai miền Nam - Bắc, hình thành đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc Trung ương, mảnh đất tuyến đầu miền bắc XHCN.

Bên cạnh đó, Vĩnh Linh vừa được tỉnh công nhận là huyện Điển hình về Văn hoá và được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - thành tựu nổi bật nhất trên chặng đường xây dựng và phát triển quê hương kể từ khi bước ra khỏi cuộc chiến bi hùng. Gắn với nhiều sự kiện trọng đại ấy, Vĩnh Linh chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 60 năm truyền thống quê hương với kế hoạch khung mang ý nghĩa văn hoá và truyền thống cách mạng sâu sắc.

Khác với những năm trước, lần này kỷ niệm 60 năm, Vĩnh Linh tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, cụ thể là huyện gấp rút hoàn thành 3 chủ trương lớn mà BCH Đảng bộ huyện khoá XVII đã đề ra, gồm: xây dựng Nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở và giảm nghèo bền vững cho 11 bản vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều miền tây huyện. Hoàn thành phong trào điểm nhấn “thắp sáng đường quê” cùng nhiều chương trình KT-XH quan trọng khác như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tăng nguồn thu ngân sách, hoàn thành các công trình xây dựng trọng điểm... Phấn đấu về đích một số chỉ tiêu KT-XH, QP-AN của nhiệm kỳ 2010-2015 vào cuối năm 2014, gồm: 3-4 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 - 28 triệu/người; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của toàn huyện dưới 7%; các lĩnh vực VHXH, QPAN phát triển toàn diện và vững chắc.

   Đối với chương trình lễ hội, ngay từ giữa năm 2013, huyện đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị cũng như các ban ngành chuyên môn cấp tỉnh. Phát động phong trào thi đua “20 tháng hướng về kỷ niệm 60 năm truyền thống Vĩnh Linh” (từ tháng 1/2013 đến tháng 8/2014) rộng rãi trong toàn huyện. Theo đó, từ huyện đến cơ sở, các phòng ban ngành đoàn thể, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân phải có một công trình, phần việc ý nghĩa để hướng đến chào mừng kỷ niệm. Hoàn thiện các công trình trọng điểm của huyện để chào mừng kỷ niệm 60 năm như Trung tâm Hành chính huyện, trụ sở Huyện uỷ mở rộng, các tuyến giao thông thuộc dự án của Arập Xêut, JICA, lát blog vỉa hè các tuyến đường lớn ở trung tâm thị trấn Hồ Xá,…

Để sớm triển khai các hoạt động theo chương trình đề ra, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã Thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ lễ kỷ niệm. Tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh, làm việc với Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài truyền hình QĐND về xây dựng chùm phim tài liệu “Vĩnh Linh luỹ thép luỹ hoa”. Mở trại sáng tác văn học nghệ thuật viết về Vĩnh Linh, trại sáng tác ca khúc âm nhạc, sáng tác biểu trưng của Vĩnh Linh, xuất bản ấn phẩm văn học “Vĩnh Linh - tình đất tình người”… Đối với Chương trình nghệ thuật chào mừng, Vĩnh Linh được trung ương quan tâm, dành hẳn một chương trình nghệ thuật đặc biệt, do Cục Biểu diễn Nghệ thuật Trung ương thực hiện, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, Học viện âm nhạc quốc gia, Trường Cao đẳng múa Việt Nam, trường Đại học VHNT Quân đội và đoàn Nghệ thuật Quảng Trị. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài trong 2 giờ, được truyền hình trực tiếp trên sóng QTV và một số đài địa phương trong nước. Bên cạnh đó còn có các hoạt động nổi bật khác như Lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ, ngày hội văn hoá huyện, hội trại thanh niên, các chương trình gặp mặt toạ đàm, thăm các địa phương miền bắc đã từng nuôi dưỡng đồng bào K8, K10 Vĩnh Linh, lễ hội pháo hoa tầm thấp, liên hoan văn nghệ quần chúng, các hoạt động thể thao…

Có thể nói, các hoạt động của lễ kỷ niệm 60 năm đã và đang được huyện, các cơ sở khẩn trương thực hiện. Chúng tôi chủ trương tổ chức Lễ hội trên nền tảng văn hóa - lịch sử của vùng đất. Đây là dịp ý nghĩa để phát huy những giá trị truyền thống về văn hoá và cách mạng của quê hương luỹ thép anh hùng, tiếp tục vượt lên khó khăn, thách thức để xây dựng Vĩnh Linh ngày càng giàu đẹp.

   PV: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Huyện uỷ với những chia sẻ cùng Cửa Việt và bạn đọc.

                                                   P.V thực hiện

NGUYỄN ĐĂNG QUANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 239

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground