LTS: Kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27 - 7 - 2016 và chuỗi hoạt động về Di sản văn hóa – lịch sử 2016, Tạp chí Cửa Việt xuất bản số báo chuyên đề “Đất thiêng Quảng Trị” (số 262 tháng 7 - 2016). Chuyên mục Sự kiện và đối thoại lần này đăng bài phỏng vấn ông Phan Văn Linh - TUV, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Trị về kết quả thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Chuyên mục cũng trân trọng đăng bài viết của ông Nguyễn Trần Huy - TUV, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Quảng Trị về những đổi thay trên vùng đất lửa Thành Cổ
PV: Thưa ông! Sau 26 năm đổi mới và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các sở, ban, ngành, đoàn thể và của UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng sự đoàn kết, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, đã tập trung, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng. Nhân dịp này, đề nghị ông cho biết việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, tập trung giải quyết các tồn đọng và các chế độ ưu đãi cho người có công với nước trên địa bàn tỉnh được giải quyết như thế nào?
Ông Phan Văn Linh: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là một mặt trận ác liệt nhất. Nhiều địa danh đã gắn liền với sự hy sinh cao cả và chiến công ngời sáng của cả dân tộc như: Vĩnh Linh, Hiền Lương, Thành Cổ Quảng Trị, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh... Quảng Trị có 18.898 liệt sĩ, có hơn 11.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, Quảng Trị còn thay mặt cả nước chăm sóc hơn 54.400 phần mộ liệt sĩ con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và yên nghỉ trên mảnh đất hùng thiêng này.
Những năm qua, ngành Lao động - TB&XH, các địa phương trong toàn tỉnh đã luôn phấn đấu thực hiện tốt các chính sách người có công. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện cơ bản hoàn thành công tác giải quyết các chính sách tồn đọng. Hàng chục ngàn người có công đã được xác nhận và giải quyết quyền lợi theo đúng quy định của Nhà nước. Trong quá trình xác nhận, ngành Lao động -TB&XH đã tranh thủ được ý kiến đóng góp của nhân dân địa phương để giải quyết một cách khách quan, chính xác, đúng người, đúng chế độ chính sách.
Thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 – 7 - 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngành Lao động - TB&XH đã giải quyết 29.077 hồ sơ các loại, trong đó: Xác nhận mới 9.838 đối tượng người có công với cách mạng (1.132 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng của toàn tỉnh lên 2.159 mẹ; 85 liệt sĩ; 431 thương binh; 1.389 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 2.276 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học...). Giải quyết 19.239 hồ sơ hưởng trợ cấp khác (15.408 hồ sơ thờ cúng liệt sĩ, 3.831 hồ sơ mai táng phí). Thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng đúng, đủ, kịp thời cho 20.882 người có công và thân nhân của họ với tổng số tiền chi trả hàng tháng trên 29 tỷ đồng. Thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước cho hơn 19.890 đối tượng chính sách với số tiền trên 8,9 tỷ đồng/năm. Mua, cấp hơn 31.000 thẻ BHYT cho người có công, thân nhân người có công với tổng số tiền trên 17,6 tỷ đồng/năm…
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27 – 10 - 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, tỉnh Quảng Trị đã rà soát 33.264 phiếu người có công các loại. Qua đó đã tổng hợp 6.757 đối tượng phản ánh hưởng chưa đầy đủ chính sách ưu đãi, tập trung vào các phản ánh: Chưa hưởng tiền thờ cúng liệt sĩ: 4.926 trường hợp, chưa được hỗ trợ về nhà ở: 1.479 trường hợp, thân nhân người có công chưa được mua thẻ BHYT: 184 trường hợp; hưởng chưa đầy đủ chế độ trợ cấp, phụ cấp: 168 trường hợp.
Sau rà soát, ngành Lao động - TB&XH đã tập trung chỉ đạo các địa phương quyết liệt giải quyết. Đến nay đã cơ bản giải quyết hết những tồn tại nêu trên. Hiện còn lại 1.067 trường hợp chưa được hỗ trợ về nhà ở do Trung ương chưa phân bổ kinh phí.
Như vậy, có thể khẳng định, ngành Lao động - TB&XH đã tập trung giải quyết tốt công tác chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ, qua đó góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
PV: Những năm qua, hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành trách nhiệm, tình nghĩa và đạo lý của mỗi người dân Quảng Trị. Đề nghị ông cho biết thời gian qua, việc huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ, các bia ghi công, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ… trên địa bàn tỉnh đã được triển khai như thế nào?
Ông Phan Văn Linh: Song song với việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước. Các chương trình, phong trào tình nghĩa đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân và trở thành một hoạt động chính trị - xã hội mang tính xã hội hoá cao.
Phong trào huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và “Xây dựng nhà tình nghĩa” được khởi động từ năm 1995, đến năm 2002 đã phát triển thành một chương trình rộng lớn. Quỹ ”Đền ơn đáp nghĩa” đã được thành lập từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn bằng sự đóng góp của cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh, sự hỗ trợ của các đơn vị doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong cả nước ủng hộ. Giai đoạn 2012 - 2016, Quỹ ”Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được trên 39,57 tỷ đồng, theo đó đã xây dựng mới 737 nhà và sửa chữa 175 nhà tình nghĩa.
Chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được thực hiện đồng thời với nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả. Bố, mẹ liệt sĩ neo đơn được nhận đỡ đầu, chăm sóc. Hàng ngàn thương binh và con liệt sĩ được nhận đỡ đầu, giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; theo đó hàng nghìn gia đình chính sách neo đơn, hộ chính sách thuộc diện nghèo được ưu tiên ruộng tốt, ruộng gần, giúp đỡ về vốn, giống, vật nuôi, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh... tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình người có công phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2005, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Báo Lao động phát động phong trào “Chung tay chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị”. Phong trào đã được các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Riêng gi a i đoạn 2012-2016, toàn tỉnh đã huy động trên 162,9 tỷ đồng từ các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Tính đến nay, từ nguồn quỹ huy động được đã tôn tạo, nâng cấp: 48 nghĩa trang liệt sĩ, 45.000 mộ liệt sĩ và nhiều nhà bia tưởng niệm, công trình tri ân liệt sỹ khác.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác chăm sóc người có công vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Một bộ phận người có công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; một số gia đình người có công vẫn đang phải sống trong những căn nhà thiếu kiên cố; việc giúp người có công, con em gia đình chính sách có việc làm ổn định cũng đang có nhiều hạn chế, việc xác nhận một số đối tượng là người có công vẫn chưa kịp thời... Đây là những vấn đề cần được chỉ đạo, quán triệt hơn trong thời gian tới.
PV : Đề nghị ông cho biết, để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh các phong trào ‘‘Đền ơn đáp nghĩa’’, trong thời gian tới chính quyền địa phương các cấp, ngành Lao động - TB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm như thế nào?
Ông Phan Văn Linh: Tỉnh Quảng Trị, mảnh đất một thời khói lửa chính là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ của cả dân tộc, Quảng Trị đã trở thành “cõi thiêng” trong tâm thức mỗi một người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: ‘‘Chăm sóc người có công với cách mạng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ về đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài’’. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh các phong trào ‘‘Đền ơn đáp nghĩa’’, trong thời gian tới chính quyền địa phương các cấp, ngành Lao động - TB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi); Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước ’’Bà mẹ Việt Nam anh hùng’’; giải quyết tốt các vấn đề còn tồn đọng; cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi để người có công được hưởng thụ các chính sách ưu đãi của Nhà nước chính xác, đầy đủ, kịp thời; thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác chính sách; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để người có công, thân nhân người có công tích cực trong học tập, công tác, lao động sản xuất - kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của gia đình, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu...
Tiếp tục thực hiện vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huy động các nguồn lực để tiếp tục xóa nhà tạm cho gia đình chính sách; đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc, nâng cấp mộ, nghĩa trang và nhà bia tưởng niệm liệt sĩ; tổ chức phục vụ tốt các đoàn, khách và thân nhân liệt sĩ đến thăm, viếng, tìm kiếm, di dời hài cốt liệt sĩ…
Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời nhân rộng những gương người có công, thân nhân người có công điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ‘‘Đền ơn đáp nghĩa’’ tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công; gắn công tác ‘‘Đền ơn đáp nghĩa’’ với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thường xuyên thực hiện “Đối thoại với nhân dân về công tác chính sách người có công”, từ đó tham mưu với Đảng, Nhà nước những chính sách đối với người có công phù hợp với tình hình mới, góp phần ổn định tình hình chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
PV thực hiện