TCCVO - Ngày 7/11/2024, tại Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch và UBND huyện Cam Lộ phối hợp tổ chức khai trương không gian trưng bày tư liệu, hiện vật về vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương đồng thời ra mắt cuốn sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Algery”.
Sách do Tiến sĩ Amandine Dabat, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi biên soạn. Đây là công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger. Cuốn sách khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Cuốn sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Algery” đã cung cấp nhiều tư liệu mới, làm sáng tỏ cuộc đời và tâm hồn của vị hoàng đế đặc biệt Hàm Nghi.
Cuốn sách gồm có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ được dịch từ bản gốc tiếng Pháp "Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger" do Nhà xuất bản Sorbonne ấn hành năm 2019.
Theo tác giả Amandine Dabat, để thực hiện công trình nghiên cứu trên, bà dựa vào 2 bộ sưu tập quan trọng: Thứ nhất là 2.500 tài liệu chủ yếu là thư từ, có cả thư nhà vua nhận và các bản thảo thư do nhà vua viết trong thời gian lưu đày; thứ hai là tài liệu của chính quyền Alger chứa đựng những văn bản hành chính và các dự án chính trị của chính phủ Pháp liên quan đến Vua Hàm Nghi.
Bà Amandine Dabat khẳng định, qua phân tích phong cách các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi từ những bức tranh sơn dầu đến các tác phẩm điêu khắc đã giúp bổ sung và làm sáng tỏ thêm những tài liệu lưu trữ.
Dịp này, các hậu duệ của vua Hàm Nghi cũng đã trao tặng cho Đền thờ vua Hàm Nghi tại huyện Cam Lộ nhiều kỷ vật quý giá, gồm: Ống điếu hút thuốc bằng gỗ khảm xà cừ Vua Hàm Nghi thường dùng trong thời gian ở Pháp; bát và đũa ăn cơm, ống đựng tăm vua Hàm Nghi dùng trong thời gian bị lưu đày ở Algery; 29 bức tranh (bản sao) do vua Hàm Nghi vẽ khi ở Pháp và trong thời gian bị lưu đày ở Algery...
Huyện Cam Lộ tiếp nhận các hiện vật của Vua Hàm Nghi - Ảnh: Đăng Đức
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, việc tiếp nhận các kỷ vật và ra mắt sách về vua Hàm Nghi là sự kiện tri ân vị vua yêu nước, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở; hướng đến kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban “Dụ Cần Vương”.
Được biết, hơn 140 năm về trước, Triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng nên Thành Tân Sở với định hướng trở thành “Kinh đô kháng chiến” phòng khi có biến cố ở kinh thành Huế.
Ngày 5/7/1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng tùy tùng đã xuất bôn ra căn cứ này. Tại đây, vua Hàm Nghi đã ban “Dụ Cần Vương” hiệu triệu mọi tầng lớp nhân dân phò vua, chống Pháp, trở thành đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống ách đô hộ của Pháp nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.
Thành Tân Sở, nơi ban “Dụ Cần Vương” trở thành nơi xuất phát, trung tâm dấy nghĩa để phong trào Cần Vương phát triển và lan rộng khắp cả nước.
Khai trương không gian trưng bày hiện vật Vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương - Ảnh: Đăng Đức
Căn cứ Thành Tân Sở đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia. Trải qua 140 năm với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các công trình thành lũy cùng những kiến trúc khác của Căn cứ Thành Tân Sở xưa không còn dấu tích như những hiểu biết, tư liệu về tòa thành này.
Vì vậy huyện Cam Lộ đã quy hoạch Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở với diện tích 25,4 ha (bao gồm 22,9 ha khu vực di tích, 2,5 ha khu vực bảo vệ di tích) với mong muốn từng bước phục hồi, tôn tạo di tích để xứng tầm với vai trò, vị trí lịch sử của một “Kinh đô kháng chiến” của triều đình nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX.