Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành Trung ương, địa phương hai nước Việt Nam - Lào; các cơ quan ngoại giao, đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến làm rõ tính khả thi và hiệu quả của việc hình thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung; chính sách, cơ chế, giải pháp xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Lào.
Hơn 300 đại biểu tham gia hội thảo
Được biết, theo đề án cơ bản đã được thống nhất, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung về phía Việt Nam, sẽ bao gồm khu vực Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích 15.854 ha; phía Lào bao gồm khu vực Khu thương mại biên giới Densavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu) có chiều dài 19 km dọc theo sông Sê Pôn và tuyến Đường 9, chiều rộng khoảng 1 km, gồm 13 bản.
Khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Densavan
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Tổ trưởng Tổ Công tác xây dựng đề án Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung tỉnh Quảng Trị cho biết: Dự thảo Đề án dự kiến xây dựng mô hình “hai nước một khu kinh tế”; có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Trên cơ sở tuân thủ yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế, Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan thống nhất trong một quy hoạch khu vực chung, tổ chức và vận hành chung, xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm, cơ sở hạ tầng kết nối trong và ngoài khu trung tâm; tạo thuận lợi cho kết nối vận tải, logistics xuyên biên giới; thiết lập và triển khai cơ chế “ba trong một.” Đó là đồng chính sách, đồng quy tắc, đồng tiêu chuẩn và “một chung” là chung một khu; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại hai nước. Các cơ chế chính sách đặc biệt mới, hấp dẫn về đầu tư, giải pháp “phi thuế quan” của hai nhà nước Việt Nam - Lào sẽ khắc phục những rào cản, tạo thuận lợi về lao động, thủ tục đầu tư, vay vốn cho các dự án, thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Tổ trưởng Tổ Công tác xây dựng đề án Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo
Khẳng định tầm quan trọng của việc thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Densavan - Lao Bảo, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet Xẻn-xắc Su-ly-xắc nhấn mạnh, Ủy ban chính quyền tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để khu kinh tế chính thức được thành lập. Đồng thời nhấn mạnh, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung được thành lập sẽ trở thành biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước Lào - Việt Nam, tăng cường và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị. Là tiền đề quan trọng khuyến khích và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tốt hơn.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet Xẻn-xắc Su-ly-xắc khẳng định Ủy ban chính quyền tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan chính thức được thành lập
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Cần xây dựng một chương trình xây dựng và phát triển khu kinh tế thương mại xuyên biên giới mang tính tổng thể; trong đó, bao gồm cả các dự án phát triển các trung tâm và các tọa độ ưu tiên chiến lược khác, như: sân bay Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy, đô thị Đông Hà... cùng các tuyến giao thông kết nối. Ngoài ra, Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan cần định hướng tới hình mẫu “Khu thương mại tự do” kiểu mới để xác định các nhiệm vụ cụ thể.
PGS.TS Trần Đình Thiên tham gia ý kiến tại hội thảo
Theo định hướng này, về nội dung cấu trúc, khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung sẽ không đơn thuần chỉ là một trung tâm giao dịch thương mại được “nâng cấp” hay được hiện đại hóa, mà còn phải bao gồm (được định hướng thành) trung tâm logistics quốc tế “thế hệ mới”, khu công nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn “phát triển xanh” gắn kết với đô thị hiện đại, thông minh và sáng tạo. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, quyết định triển vọng của khu kinh tế biên giới.
Một góc Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo
Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Savannakhet cũng đã dành thời gian trao đổi với các doanh nghiệp, đại biểu về nội dung dự thảo Hiệp định về thí điểm xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào. Tỉnh Quảng Trị kỳ vọng ở đề án là xây dựng vùng biên giới Lao Bảo - Densavan trở thành điểm nhấn ở đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, là mô hình kiểu mẫu về thương mại xuyên biên giới quốc gia, theo đúng Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia.