Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được thành lập theo Quyết định số 708/QĐ-UB ngày 18/11/1992 của UBND tỉnh Quảng Trị. Hội trở thành ngôi nhà chung của những người lao động sáng tạo tự nguyện vì mục tiêu lớn lao, dân giàu, nước mạnh, vì sự tươi sáng của xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”, vì một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Dùng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị phát biểu tại tọa đàm
Từ chỗ chỉ có vài ba chuyên ngành đúng nghĩa, đến năm 2025 đã hình thành đầy đủ các chuyên ngành và 2 đơn vị trực thuộc. Ngoài ra còn có 10 chi hội Trung ương trên địa bàn liên hiệp với Hội VHNT tỉnh. Đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. Từ ngày lập lại tỉnh chỉ có 56 hội viên, rất ít hội viên chuyên ngành Trung ương, đến nay có 264 hội viên, trong đó có 102 hội viên các chuyên ngành Trung ương. Sau ngày đất nước thống nhất xuất hiện nhiều tên tuổi rất tài năng được cả nước biết đến. Hội Văn học Quảng Trị vinh dự có cố Nhà văn Xuân Đức được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 4 hội viên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật…
Bên cạnh việc củng cố tổ chức, phát triển đội ngũ, Hội còn tổ chức các hoạt động VHNT thiết thực, có hiệu quả. Hoạt động nổi bật nhất là: Liên tục tổ chức các Trại sáng tác và tổ chức các Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT.
Với niềm tin mãnh liệt, Hội VHNT tỉnh với đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết sẽ tiếp tục phát huy bề dày truyền thống, càng lớn mạnh và trưởng thành, xứng đáng là đội quân tiên phong trên mặt trận văn hoá, văn nghệ, có sứ mệnh cao cả góp phần phát triển nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; đóng góp vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và đội ngũ văn nghệ sĩ tập trung thảo luận, đánh giá khái quát giá trị lý luận, thực tiễn, vai trò của VHNT và thành tựu VHNT Quảng Trị 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà Quảng Trị đã và đang gặp phải. Đồng thời cùng nhau phân tích, đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo, quản lý văn hoá, văn nghệ của các cơ quan chức năng và địa phương hiện nay. Trao đổi những kinh nghiệm, đề ra những giải pháp thiết thực để phát huy vai trò của các cơ quan quản lý văn học nghệ thuật, nhằm xây dựng nền văn hoá, văn nghệ, con người Quảng Trị đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong kỷ nguyên mới.