Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Nhân tố latte" của cha

Mợ gọi điện, hỏi thằng Lỳ có gọi tôi không, nó lại đi đâu hôm qua giờ mà không thèm báo cho cậu mợ. Lý do thì muôn thuở đó, cãi nhau với cha hắn. Cậu bây chửi hắn con nhà lính, tính nhà quan. Với cả thứ làm một tiêu mười, ném tiền qua cửa sổ, sau ni vợ con cạp đất mà ăn. Nó gân cổ cãi lại, ba tiết kiệm cả đời thì mẹ con con cũng có sướng sung chi mô. Thế là cậu bây tát nó.

 

Tôi ậm ừ vì đã quen với những cuộc gọi thế này. Dăm bữa nửa tháng, nhà cậu mợ lại ồn ào, dù chỉ ba người với nhau. Lỳ bằng tuổi tôi, khi tôi đã làm cha hai đứa trẻ thì nó vẫn còn “lông bông” và “không biết nghĩ” như cậu hay nói. Tôi với Lỳ vừa là bạn bè chí cốt, vừa là anh em họ. Học cùng nhau, chơi cùng nhau từ nhỏ, tôi không lạ gì tính nết của nó. Lỳ là đứa thích tự do, thích thoải mái, một tâm hồn nghệ sĩ thích phiêu bạt, thích trải nghiệm này kia. Nó đàn hát hay, học cũng được nhưng chẳng chú tâm vào bất cứ điều gì. Nhưng, cái căn bản khiến nó và cậu tôi hay cãi nhau nhất chính là sự phóng khoáng của nó đối lập với tính dè sẻn, tiết kiệm của cậu tôi.

Cậu là bộ đội về hưu. Tuổi thơ khốn khó, cộng với đặc thù nghề nghiệp nên tính cậu luôn kỷ luật, nghiêm khắc. Hồi Lỳ còn nhỏ, cậu ở xa, thời gian bên con rất ít. Mỗi khi về nhà, thay vì dẫn con đi công viên, đi mua đồ chơi hay đi nhà sách các kiểu, cậu dành thời gian để “thẩm tra” Lỳ, hỏi nó những chuyện ở nhà, học hành thế nào, phụ giúp gì cho mẹ. Lỳ bảo với tôi, tao là con chứ có phải là lính của ông đâu mà lúc nào cũng phải báo cáo. Cha con Lỳ từ nhỏ đã hay xích mích, nhỏ thì giận dỗi bỏ cơm, chuyện to thì Lỳ bỏ qua nhà tôi ngủ. Mợ than, mợ đặt tên nó là Lỳ do hồi đó quá ngày quá tháng mà chẳng chịu ra, ai ngờ chừ kiểu lì lợm, cha nói chi cũng không nghe.

Hồi đó, chỉ có mình Lỳ nên mợ khá cưng. Bà ngoại lên ở cùng, phụ mợ chăm cháu. Ở với ngoại, ngoại càng chiều nên đúng là Lỳ thường phụng phịu, hay đòi hỏi, lớn lên thì kiểu bất cần, cố chấp. Mợ tôi cũng khổ, khóc hết nước mắt vì nhà có hai cha con nhưng tính tình đối lập, người nóng người lạnh. Ba bữa nửa tháng cậu từ đơn vị về thì nhà cửa lại um sùm vì cha con khắc khẩu.

Minh họa: Kim Duẩn

Minh họa: Kim Duẩn

Thực ra Lỳ nói do cậu cứ hà khắc quá, tiết kiệm quá nên nó cố tình làm trái ý, thành ra là… quen vậy. Nó kể năm học lớp ba, khi xin tiền mua cặp mới, tưởng ba từ đơn vị về, thấy cặp con cũ rách sẽ dẫn đi mua. Ai ngờ trình bày xong, cậu kêu nó đem cặp ra cậu xem. Cậu ngồi hì hụi khâu vá lại và bảo nó vẫn xài được ít nhất một năm nữa. Rằng chúng ta nên tiết kiệm, trong khi nhiều người còn khốn khó hơn, nhiều em bé còn chẳng được đến trường, chẳng có cái ăn, cái mặc. Những lời sau Lỳ nghe bùng bùng lỗ tai. Năm lớp sáu, Lỳ xin mua dép mới, lâu lắm nó mới xin cậu mua vì đợt đó mợ ốm, không ai chở nó đi mua. Cậu cũng khâu giày lại cho nó, vì gấp nên nó phải mang lên lớp. Hôm đó, thằng bạn cùng bạn cúi xuống nhặt bút, thấy đôi giày của Lỳ, nó phán, nhà mày nghèo tới vậy luôn hả. Cả buổi hôm đó, nó ngồi một góc, lấy chân trái che chân phải, sợ bạn bè nhìn thấy giày. Mấy chuyện hồi nhỏ đó hệt như một vết thương đối với nó, nó nói tổn thương bởi sự tằn tiện của cha. Nó nghĩ đáng ra chỉ có mình nó là con thì ba phải khác chứ.

Tính của cậu, tôi cũng chẳng lạ chi. Cậu hay nhắc chuyện xưa, hay kể chuyện thời ăn cơm độn, đốt đèn dầu, rằng ngày xưa cực khổ ra sao, nay sướng sung thế nào. Thế mà tụi trẻ bây giờ không biết quý trọng, sống quá hoang phí. Phí thời gian, phí tiền của, công sức của mẹ cha. Rằng đối với cuộc đời của những người bình thường, muốn thay đổi, muốn tiến bộ thì chỉ có hai cách, một là tu chí học hành, hai là tiết kiệm. Tôi đồng ý với cậu, nhưng tôi muốn cậu hiểu rằng, có thể tiết kiệm nhưng đừng hạ thấp chất lượng cuộc sống của mình và của người thân. Trời nóng, cậu không dám bật điều hòa vì sợ tốn điện. Thằng Lỳ nằm điều hòa, cậu la, bảo thanh niên chút nóng còn không chịu được thì ra đời làm sao. Mợ tính bỏ đồ vào máy giặt, cậu can, để đó cậu giặt tay, có mấy cái bỏ vào máy giặt chi tốn điện, giặt đồ coi như thể dục luôn. Mỗi lần cậu về nhà, cậu càm ràm từ nhà ra ngõ, mợ nói nhiều khi cảm tưởng đang sống với bà mẹ chồng khó tính chứ không phải với chồng. Mà trước khi cậu bây về, tau thu vén cửa nhà, đơn hàng nào đặt là hoãn nhận rồi đó chứ. Vậy mà cậu về, thằng shipper đứng trước cửa, tau nháy nó không kịp. Lại nghe cậu càm ràm, mua hàng trên mạng về có xài được không mà cứ mua, cần chi ra chợ mua, thử đo chất lượng đàng hoàng, đỡ phí tiền. Mợ nói tau sống gần ba mươi năm nay quen rồi, cứ nhịn rồi qua hết nhưng thằng Lỳ thì không. Mà lạ, cha hắn tiết kiệm bao nhiêu thì công nhận thằng này phung phí bấy nhiêu.

Là nó cố tình làm vậy, làm trái ý cậu, một cách để tỏ thái độ phản kháng. Nó nói, tưởng tau không nghiên cứu về tiết kiệm à. Tau cũng biết cái “nhân tố latte” mà chưa chắc ba tau đã nghe tới. Tau cũng nhìn ra cái “nhân tố latte” của ba tau, đó là nước trà. Ví dụ, thử tính mỗi ngày ba tau uống năm nghìn tiền trà đi, một năm gần hai triệu, uống rứa mấy chục năm là mất khoản tiền mua một chiếc xe tay ga rồi. Tôi nghe lùng bùng, nói chi chẳng hiểu. Lỳ giải thích, “latte factor” tạm dịch là “nhân tố latte” là tên một cuốn sách, một khái niệm được nhắc tới trong sách của hai nhà tài chính người Mỹ. Đại ý hai ông ấy phân tích những khoản chi tiêu nhỏ, đều đặn hàng ngày, kéo dài năm này sang năm khác, tưởng chừng như không đáng kể như chi phí ly cà phê, thuốc lá… khi gộp lại sẽ thành khoản lớn. Như ba tau uống nước trà mỗi ngày còn vợ mày là uống trà sữa vậy đó, tính dài rộng ra nhiều năm là uống đứt một chiếc xe máy, có khi chiếc ô tô chứ chẳng chơi. Nghe Lỳ phân tích xong tôi ôm bụng cười. Thằng này nhiều khi có đọc có nghĩ nhưng hồn nhiên hết nói nổi. Đồng ý là cái latte chi đó như mày nói nhưng khi phản biện như thế, cậu không tức mới lạ. Cậu tiết kiệm từng đồng từng cắc, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, ga, nhặt từng chai nhựa, hộp giấy… chắt chiu từng đồng bạc lẻ trong nhà thì cái tiền uống nước trà đó chẳng đáng chi. Còn Lỳ, biết latte này nọ đó mà có tiết kiệm để mua nổi xe máy không, hay là tiết kiệm nhỏ nhỏ đó nhưng nổi hứng đi đặt cái loa nghe nhạc bạc triệu, cái điện thoại mười mấy triệu, rồi áo quần, nước hoa. Đàn ông đàn ang, bớt bớt đi ông ơi. Khi nào có vợ con, mày sẽ biết cái chi cần và cái chi không cần, cái nên ưu tiên và cái nên dẹp bỏ.

Tau nghi ba tau có hộp vàng cất kỹ lắm, cái hộp đó đẹp, hôm trước la nạt tau xong thấy ông vô phòng giở ra coi rồi giấu giấu diếm diếm. Chắc là vàng thỏi ở trong đó. Ông khi mô cũng nói buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện. Cả đời tiết kiệm như thế chắc là tiền của, vàng bạc cũng không ít. Lỳ đánh trống lảng một hồi. Tôi hỏi mày tính làm chi, chưa chi đã nhìn tài sản rồi, mỗi mình mày là con nhưng biết đâu cậu mợ còn có kế hoạch khác.

Đùng một cái, cậu đột quỵ. Người khỏe khoắn, hay vận động, chẳng rượu bia như cậu, tự nhiên bị đột quỵ khiến người ta lo sợ. Cậu được cấp cứu kịp thời nhưng vẫn hôn mê. Mợ khóc hết nước mắt. Cậu mới về hưu chưa lâu, cha con chồng vợ gần nhau chưa bõ thời gian xa cách. Lỳ khóc rấm rứt, giọt nước mắt hối hận của thằng con trai luôn trái ý cha, tận sâu trong tâm, tôi biết nó là đứa có hiếu. Nó bảo cậu mà có mệnh hệ chi chắc nó ân hận cả đời.

Bác sĩ nói tình hình của cậu chẳng dám đoán trước được điều gì. Hồi phục và đi lại được thì sẽ là kỳ tích, cũng nhiều người được vậy. Hoặc là tỉnh nhưng có thể sẽ bán thân bất toại, nói chung cái này chẳng ai dám nói trước, tùy vào may mắn, vào nội lực, ý chí của bệnh nhân nữa. Người nhà cứ chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất.

Cậu nằm viện được mười ngày thì có người lạ tìm đến. Người đàn bà nhìn dáng vẻ vất vả dắt theo hai đứa nhỏ, một đứa tầm mười tuổi, đứa kia mới lên ba. Mợ như chết lặng, người run bần bật. Mợ bấu lấy tay tôi, không lẽ cậu bây có vợ khác, có con nữa. Mợ run lẩy bẩy khi nghe người kia hỏi thăm cậu, thằng Lỳ cũng không giấu nổi hồi hộp. Mấy chuyện này thường lắm, đàn ông xa nhà, cứ kiểu cuối đời thể nào cũng có người về tìm, hoặc lúc trăng trối sẽ nhắn nhủ vợ con rằng tôi có đứa con ở nơi này nơi kia. Mỗi người một tưởng tượng khác nhau cho đến khi cô ấy cất lời. Chị và cháu đừng hiểu lầm, mẹ con em mang ơn anh, anh là ân nhân của gia đình em. Theo lời chị kể, chồng của chị là cấp dưới của cậu, đã mất do tai nạn. Lúc đó, chị mới sinh em bé. Nhà chị nghèo, cha mẹ hai bên không nhờ cậy được ai. Từ đó đến nay, mỗi tháng chị đều nhận được một triệu để lo cho hai đứa nhỏ. Hỏi thì được nói là tiền của đơn vị gửi, phụ cấp cho mấy mẹ con nhưng tìm hiểu mới hay là tiền túi của anh. Anh giúp mẹ con chị một cách âm thầm, lâu lâu anh còn gửi quà cho hai đứa. Em bé lớn của chị bị bệnh tim, anh mới lo liệu chạy vạy để cháu phẫu thuật xong, nay trộm vía cháu khỏe rồi. Thường tới kỳ đóng học phí cho bé lớn, anh sẽ nhắn tin hỏi chị và gửi thêm tiền học cho cháu. Mấy ngày rồi, tới kỳ đóng tiền học cho con mà chưa thấy anh nhắn chị cũng thấy lạ. Chị điện lên đơn vị cũ hỏi thì mới nghe hung tin nên lật đật vào thăm. Chị bảo giờ con bé sau đã lớn, chị có thể đem gửi trẻ để đi làm, kiếm thêm tiền nuôi con nên không dám phiền anh nữa. Anh cũng đâu giàu có gì. Nghe chuyện, ai nấy đều ngạc nhiên quá đỗi. Mợ lấy làm lạ, tiền đâu mà cậu bây đem nuôi con thiên hạ, nghĩ quá lạ, người tiết kiệm tằn tiện cả đời mà thế ư. Hóa ra, ở với nhau lâu chưa chắc đã hiểu nhau.

Những ngày cậu nằm bất tỉnh, điện thoại của cậu reo liên tục. Người này người nọ hỏi thăm. Mợ giao điện thoại cho Lỳ, bảo nó trả lời tin nhắn giùm cậu. Lần đầu cầm điện thoại, Lỳ vô Facebook của cậu, đăng một dòng trạng thái đại ý cảm ơn và thông báo tình hình sức khỏe hiện tại của ba để những đồng đội bạn bè ba có thể yên tâm. Có vài tin nhắn gửi đến, tò mò, Lỳ vào đọc. Là tin nhắn trong nhóm “Nuôi em”, một dự án mà Lỳ có nghe qua trên tivi. Cậu đang nuôi hai đứa trẻ ở Tây Bắc, còn lên thăm và tặng quà cho chúng nữa. Những chuyện này sao chưa bao giờ nghe ông kể với hai mẹ con. Lỳ nhớ lại, mỗi cuối năm học, ba thường kiểm tra sách vở của nó rồi lấy đem đi cho con người ta, cả áo quần, cặp sách hay giày dép cũng vậy. Lỳ tưởng ba chỉ cho người ta chừng đó thôi, không ngờ còn bỏ tiền để nuôi những đứa trẻ không quen. Hình như đây mới là “nhân tố latte” của ba nó.

Cậu tỉnh lại như kỳ tích, rất minh mẫn nhưng tạm thời chưa vận động được. Cậu được cho về nhà tịnh dưỡng, rồi tập vật lý trị liệu từ từ để có thể đi lại được. Cậu gọi Lỳ vào phòng, trao cho nó cái hộp gỗ cất kỹ bao năm qua. Đó là tất cả những thứ mà cậu trân quý, cậu muốn đưa trực tiếp cho nó, sợ lỡ bề có chuyện chi thì không trao tận tay được. Mở chiếc hộp ra, Lỳ tìm thấy một tờ lịch của ngày nó chào đời, ít tóc máu và cái cuống rốn khô quắt khô queo, vài bộ đồ con nít đã cũ, một đôi dép nhỏ xíu, một cuốn vở với những nét chữ xiên xẹo… Những thứ đầu tiên của Lỳ. Cậu nói đó là gia tài của cậu. Lỳ kể với tôi mà mắt rơm rớm, nó nói cứ nghĩ cái hộp ấy cất vàng trong đó, ai dè, với ba, tau còn quý hơn vàng.

 D.A

 

DIỆP ANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 356

Mới nhất

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

5 Giờ trước

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Những “nữ tướng” của bản làng

19/11/2024 lúc 08:26

Thay vì kết hôn sớm, quẩn quanh với nương rẫy, một số phụ nữ Vân Kiều đã lấy việc

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/11

25° - 27°

Mưa

25/11

24° - 26°

Mưa

26/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground