Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dưới mái nhà của mạ

Tới lúc gần nghỉ thở, có khi cậu bây vẫn chận thằng Nghi. Kể mà được đi Mỹ chắc chi đã hay, phải không bây. Mạ nhai trầu, đưa tay vén chút nước trầu tứa ra quanh miệng rồi nhai chóp chép, nói thủng thẳng như thể đây là lần đầu tiên, tôi được nghe những lời này.

Lời đó nói ra có chút nhẹ bẫng vì nó không xảy ra. Những chuyện không xảy ra, chẳng ai khẳng định được nó sẽ thế này hay thế nọ, tốt hay không tốt nên đôi khi người ta muốn nói chi cũng được, nhất là mạ, những lúc này, cơn tỉnh cơn mê chẳng còn phân biệt. 

Có mấy chuyện trong nhà, mạ nói tới lui hàng tỷ lần, thế nhưng chuyện cần nhất có khi chẳng mở lời. Trong lòng mạ, nhiều khi thương em út còn hơn cả con cái. Cậu bằng tuổi anh Nghi. Khi anh Nghi đã lùm lùm trong bụng mạ thì cũng là lúc bà ngoại nghén mà không hay biết, còn mần việc rầm rầm. Ai cũng kêu cậu tôi lỳ lợm từ trong bụng là vậy. 

Ông ngoại hồi đó khắt khe lắm, phải ráng đẻ cho được thằng con trai mới nghỉ. Cả bầy tám đứa con gái hóa ra chẳng nghĩa lý gì. Mạ tôi là chị đầu, lấy chồng dựng nhà trên mảnh đất sát bên vách nhà ngoại. Hai mạ con nằm ổ cách nhau nửa tháng. Hồi đó, nghe nói ngoại xấu hổ với làng xóm, với bà con ghê lắm. Ai đời, hai mạ con có bầu rồi đẻ gần nhau, thiệt khó coi. Thế nên, ngoại đẻ cậu được mấy bữa thì bồng qua cho mạ tôi chăm để đi làm nuôi bầy con đông đúc. Rồi cũng vì lao lực mà ngoại ốm yếu và mất không lâu sau đó. Mạ tôi bồng cậu về nuôi, coi như con mình. 

Hồi nhỏ, anh Nghi và cậu hay đánh nhau, lắm khi xưng mi tau dù bị mạ nạt. Đi học cùng lớp, cậu ngại khi tụi trong lớp biết là cậu cháu mà bằng tuổi. Nên cậu tôi nghỉ học sớm, dù rất sáng dạ. Mạ tôi biết cậu bỏ học, lấy cây củi phang cho cậu một trận. Trước khi nhắm mắt, ngoại chỉ nhờ mạ lo cho cậu ăn học đàng hoàng. Cậu lỳ đòn, chẳng bao giờ khóc khi bị đánh. Anh Nghi lao vô, đỡ cho cậu vài roi mà khóc ré lên. Tôi cách họ  chục tuổi, lờ mờ trong trí nhớ đôi chút ký ức hồi đó. Có những lần, đám trẻ con trong xóm chơi tích tè, cậu và anh luôn mỗi người một phe, bắn nhau rôm rả. Trò chơi con nít không ngờ tới lúc lớn lại thành thiệt. 

Cậu quen con gái nhà giàu ở dưới huyện. Rồi vì cô gái đó mà bỏ đi lính. Lúc cậu bỏ nhà đi, chẳng ai biết cậu đi đâu. Ai cũng nghĩ đơn giản là cậu bỏ đi chỉ vì tình yêu, vì người con gái nào đó mà người trong nhà chẳng ai biết mặt hay nghe tiếng. Mạ thắp hương vái ông mệ phù hộ, sợ cậu trúng bom trúng đạn chứ không hề nghĩ cậu đi học rồi mần phiên dịch cho người ta. Đợt đó, anh Nghi cũng đi bộ đội được một thời gian. 

Có lần anh Nghi về phép, mạ nói bây đi vậy nhớ nhìn cho kỹ, lỡ gặp cậu bây. Cùng ăn chung mâm, chung đọi, cùng lớn lên dưới mái nhà này, nếu lỡ rút súng ra thì nhìn cho kỹ. Anh Nghi khó chịu, biết cậu đi hướng nào mà mạ cứ lo. Mạ nghe nhiều chuyện oái ăm mà mấy người trong làng kể nên bất an lắm. Mạ nói trời đất thênh thang, chiến trận ngổn ngang nhưng ở đời là vậy, nếu có chuyện trái ngang thì người ta bị đày vào những cảnh tượng bây không nghĩ tới được mô. 

Đúng là không ai nghĩ tới chuyện mợ Lài một thân một mình tìm về làng, tự nhận dâu con trong nhà. Cậu bảo mợ về gặp mạ, kèm một lá thư. Trong thư cậu nhắn mạ chăm lo vợ con giùm cậu, chừng nào yên ổn cậu về làm đám cưới cho người ta, dù chi họ cũng rời bỏ gia đình để đi theo cậu. Mợ Lài trắng trẻo, xinh gái, đúng kiểu tiểu thư khuê các con nhà giàu. Mợ nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng, người như thế bảo sao cậu tôi không mê mệt. Anh Nghi nghe chuyện, đêm đó anh về nhà. Chẳng hiểu anh nói với mạ và mợ chuyện chi mà sáng ra, tôi ngủ dậy đã chẳng thấy mợ nằm cạnh bên. 

Sau này, nghe nói mợ Lài lên sân bay Ái Tử, xin vô làm việc ở sở Mỹ. Nơi chốn đó, ngày trước chẳng có chi hay ho. Chỉ những người đàn bà có chồng chết trận hoặc đi lính xa, cùng đường lắm mới vô đó làm. Công việc chính là giặt giũ, nấu cơm, dọn dẹp phòng ốc cho lính Mỹ. Sau này, nhiều đứa con lai ra đời, đôi người lính Mỹ thương thực lòng vài người đàn bà ở đây, họ cho tiền xây nhà, cho con cái của những người đàn bà đó ăn học. Họ có con chung, con riêng. Bụng mợ Lài bắt đầu lùm lùm lên khi vô đó làm không lâu. Bởi cái bụng đó nên tới khi về thăm nhà, mấy dì tôi trừng nguýt và nói mợ không ra chi. Mạ im lặng, chẳng bênh vực cũng chẳng giải thích, chỉ bảo mợ qua bên nhà ở cho tiện, khi nào sinh đẻ còn có chị em lo. 

Tôi hay qua nhà chơi với mợ. Có mợ về ở, nhà cửa đỡ quạnh quẽ. Mợ lo hương khói cho ông bà ngoại, thu vén nhà cửa sạch sẽ gọn gàng. Con gái nhà giàu như mợ vậy là quá giỏi. Có lần, khi nhận được thư của cậu, mợ khóc rồi bảo làm đàn bà là khổ lắm. Lúc đó tôi còn nhỏ, chưa hiểu hết những nỗi lòng sâu rộng của đàn bà, những tủi hờn của mợ. Cũng không hiểu lắm về thời thế, không hiểu tại sao anh Nghi lại khó chịu với mợ về mọi lẽ. 

Người nhà mợ không còn ai ở đây, chỉ có mợ ở lại, là vì cậu. Hồi đó, ở làng, đàn bà đi làm sở Mỹ toàn bị xì xầm to nhỏ, chịu điều tiếng dữ dội. Thế nên khi mợ sinh ra đứa con gái, người ta đồn con bé da trắng, tóc vàng. Xì xầm, oan ức hoàn toàn có thể giết chết người ta, mợ bồng đứa bé bỏ làng đi, không kịp chờ cậu về. Bận đó mạ tôi ốm liệt giường, nằm mấy ngày chẳng biết chuyện chi. Chắc trời bắt tội cậu bây, bắt tội cả mạ. Mạ nói bằng sự tuyệt vọng, bởi chẳng thể làm chi được.

Ngày tôi lấy chồng, cậu vẫn chưa về. Cậu bặt tin đến mấy năm sau đó, khi trong làng, người đi xa đã trở về gần hết, dù về bằng xác thân không mấy vẹn nguyên hay bằng những tờ giấy báo tử. Còn cậu tôi, tới khi về được nhà, mạ mừng tủi khóc thương đứa em út chưa được bao lâu thì có giấy gửi xuống, triệu tập cậu. Mấy chuyện đó xảy ra đã lâu. Người trong nhà, chẳng ai muốn nhớ lại những ngày đó, nhất là mạ. Mỗi người có một lý do để khước từ, thậm chí phi tang luôn quá khứ nếu có thể. Năm đó, nếu mạ không bỏ ăn bỏ uống, khóc lóc bảo anh Nghi phải xin xỏ hoặc làm cách chi để cậu không phải đi cải tạo thì có lẽ mọi chuyện biết đâu êm xuôi hơn. 

Hình như, thời gian đó cậu cũng đi nhưng về sớm hơn người khác. Thế nên sau này, nghe nói khi xin giấy tờ để qua bên kia, người ta báo rằng cậu không đủ tiêu chuẩn để đi. Lý do là thời gian cải tạo của cậu không đủ. Cậu lấy cớ đó trách mạ, trách anh Nghi, có đợt còn không nhìn mặt. Tui không mượn mấy người kéo tui ra. Sau này, oán hận không thành lời, không thành câu chuyện bên bàn trà hay giữa mâm cơm, cậu im lặng cất trong lòng, chất chứa ngút ngàn qua ngày tháng. 

Tính nết thay đổi, cậu đâm ra khó chịu, cáu bẳn và hầu như không tiếp xúc với ai. Cậu làm cái hàng rào, chặn ngang giữa nhà tôi với bên đó. Mạ muốn qua, phải đi vòng ra phía ngoài, chứ không te tái qua lại dễ dàng như lâu nay. Mạ kêu cậu tới bữa thì qua bên nhà ăn cơm, đàn ông một thân một mình lóc cóc nấu ăn chi cho mệt. Cậu không chịu thì mạ bưng qua, mạ cứ chăm bẵm như thể cậu là đứa em bé bỏng ngày xưa. 

Nhà đã cũ, anh Nghi sửa sang đôi chút chứ không có điều kiện đập bỏ xây mới như người ta. Bao nhiêu tiền của tích cóp, anh dồn vào đầu tư cho mấy đứa con ăn học. Những tấm huân chương, bằng khen của anh Nghi và giấy khen của mấy đứa nhỏ đã lấp trọn bờ tường cũ, chi chít những vết nứt. Anh thường tự hào về điều đó. Còn thở dài, bảo nếu cậu không thế này thế kia thì công việc của anh đã trọn vẹn và suôn sẻ hơn nhiều. Mạ nghe vậy, nói lại vài ba câu, thế là mạ con, cậu cháu cứ hằn học nhau qua bao năm. 

Tôi lấy chồng xa, cũng như những người đàn bà bé mọn khác, chỉ cắm cúi lo cho chồng con mình, tập trung vào gia đình nhỏ của mình, đôi khi quên mạ, quên cậu. Lâu lâu rảnh, tạt qua thăm hỏi, lại thấy buồn bã suốt cả đường về. Mạ đã già, tới lui lẹt xẹt trong nhà, nói nhiều và càm ràm không thôi về bầy gà, bầy vịt. Lâu lâu, lôi chuyện cậu và anh Nghi ra nói rồi lại thở dài vài chuyện mai mốt. Mai mốt tau chết, mần chén chè ném cúng tau là được, khỏi soạn mâm đọi nhiều. Bà con ai tới thắp hương thì chỉ cần cám ơn thôi. Mai mốt tau chết, chỉ mong cậu cháu hắn vui vẻ với nhau. Mấy năm gần đây, mạ rơi vào cơn lẩn thẩn. Có lúc gọi anh Nghi bằng tên của cậu, cháu chắt đứa nhớ đứa quên. Cậu cũng già hơn, vẫn lọm khọm một mình trong căn nhà cũ, khó chịu với tất cả những ai muốn đến gần. 

Lần mới đây, mạ kêu tôi dắt qua nhà cậu. Hồi nhỏ, tôi thấy hai vách nhà gần lắm mà sao bao năm lại cảm giác xa hơn. Có lẽ, ngày trước không hàng rào, con nít chạy ào từ cửa bên này qua bên kia chỉ trong chốc lát. Chừ có tuổi, vòng từ nhà đi ra hết con ngõ nhỏ rồi vạch hàng rào nhà bên cạnh, đi hết lối vào đầy cỏ rậm, nên thấy xa. Nhà ẩm mốc, tối thui. Lui sau giàn bếp, mạ chỉ chỗ cho tôi trèo lên, lấy ra một gói đồ mốc meo, cũ mèm. Một túi vải được cột cẩn thận, bên trong thêm nhiều lớp vải và nilon chồng lớp khác, mở ra là ba khâu vàng cùng lá thư ngả màu, rách nát. Nội dung lờ mờ nhắn gửi mạ chuyện chăm lo cửa nhà của đứa em dâu. 

Mạ tỉnh táo lạ thường, quay qua cậu và nói rõ ràng, con bây tóc đen, mặt y như bây hồi nhỏ. Lời đó mạ tính nói lâu rồi nhưng mở miệng định nói là cậu chặn họng, không cho nói. Kêu chị đừng có nhắc, cấm chị nhắc tới. Gột rửa được điều đó, âu cũng nhẹ lòng. Khúc mắc giữa hai chị em dâu vì lý do chi không rõ, có khi là những lời xót xa kiểu vì mợ nên cậu mới bỏ nhà đi, mới dẫn tới cảnh cậu cháu hai bên chiến tuyến, cửa nhà xáo trộn, mợ còn đi làm mấy việc tào lao để thiên hạ làng xóm đồn thổi. Không biết những khúc mắc và lời trách móc đó khiến mợ bỏ đi hay là ngợp những lời cay nghiệt của làng xóm, của những ngày vô vọng chờ cậu mà bặt tin tức, của nỗi cô đơn, tủi hờn, hối hận chất chồng. Cậu giận mạ cũng vì khúc mắc đó, chị ở nhà mà không lo giùm vợ con tui, hay chị ở nhà nói chi phật lòng người ta. Trách móc, dằn vặt vốn không tuôn ra thành lời, cậu và mạ rưng rưng, chỉ có tiếng tôi khóc thút thít vì nhớ những ngày cùng mợ Lài trong ngôi nhà này. Hồi đó, tôi quá non dại để có thể trở thành một người bạn của mợ, có thể ủi an và giúp mợ vượt qua những nghi kỵ của người đời. 

Có nhiều chuyện xảy đến chỉ là cái cớ. Anh Nghi bảo anh không hề chạy vạy xin xỏ gì về thời hạn cải tạo của cậu. Cậu có đi Mỹ hay đi đâu cũng không phải là chuyện đáng nói. Cái đáng nói là cậu hà khắc, cáu bẳn với mọi người vì sợ phiền hà, thương hại khi thân tâm đều bệnh tật. Hóa ra, cậu giấu bệnh trong người, chẳng cho ai biết. Tháng trước, bằng những dằn hắt, bực bội, nạt nộ và to tiếng, anh Nghi nhất định chở cậu đi khám vì thấy cậu ho nhiều, người gầy gò hẳn. Cậu đinh ninh vợ con còn sống, chắc đang ở bên Mỹ. Thế nên cậu mới mộng sang đó tìm, chứ thiết tha qua bên đó làm chi. Hồi mới về, nghe tin mợ bồng con đi, cậu đoán mợ tìm đường qua bên ấy, vì bên đó có cả đại gia đình của mợ. Mấy chục năm nay, cậu nhờ người tìm tung tích gia đình mợ mà chưa thấy. Cậu chỉ ước gặp lại đứa con gái mà mình chưa bao giờ thấy mặt rồi nhắm mắt cũng thỏa lòng. Nhưng rồi, khi phát hiện mình bị bệnh, cậu không muốn tìm kiếm nữa, sợ tìm được lại vô tình thành gánh nặng cho người ta. 

Cuộc đời trớ trêu vậy đó, lúc thiết tha tìm thì tìm hoài không thấy, tới khi chẳng còn mong muốn gặp lại thì người tự dưng tìm về. Là nhờ dịch giã, qua cơn sinh tử, mới nhận ra chẳng gì quan trọng nữa, oán hận hờn tủi trong lòng giờ đâu đáng chi. Chỉ mong cho cha con nhận nhau, con bé Cúc lấy chồng, có hai đứa con rồi. Từ ngày có chồng có con, nó mới khao khát hỏi về ba nhiều hơn. Mợ Lài đã tính ôm chuyện đó vào quá khứ mãi mãi nhưng năm rồi, sau những ngày nằm thoi thóp vì dịch bệnh, ngỡ cái chết đã đến gần, ngỡ có người tới dẫn về thế giới bên kia nhưng hình như còn việc gì chưa làm được, mợ quay về để làm nốt. Có thể là việc này, để cha con gặp nhau. 

Cậu tưởng mình đang mơ, cậu gọi cho tôi rồi khóc nức nở. Bảo tôi mua giùm cậu cái điện thoại có màn hình, rồi cài đặt để bên đó gọi về, cậu nhìn mặt mũi con cháu. Tôi biết mạ hay tin đã thấy lòng nhẹ bẫng, như thể trút bỏ mọi áy náy và day dứt tâm can trong suốt cuộc đời. Chừ về gặp ngoại, mạ cũng không lo nữa. Dưới mái nhà của mạ, có yên ả có bão giông, có vui có buồn, nhưng những gì đã qua, xem như cũng qua hết rồi.

  D.A

 

DIỆP ANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 344

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground