Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đường làng thênh thang

Vĩnh nhớ nỗi xấu hổ lớn nhất của mình là đã học ba năm lớp một. Tất cả là do mạ.

Năm đầu tiên, mạ cho Vĩnh học thêm một năm vì anh nhỏ con quá, mạ nói anh cọt nhất lớp, lên lớp hai cứ thấy tội tội, sợ bạn bè ăn hiếp, sợ mang sách vở không nổi. Năm sau, Vĩnh ốm một trận dài nên nghỉ học gần nửa năm, cô giáo du di bảo sẽ xin cho cháu lên lớp vì dù sao năm trước cháu cũng học rồi, chữ nghĩa cháu cũng biết hết rồi. Thế nhưng mạ bảo không, bậy, không đi học mà cho lên chi cô, cô cứ cho cháu học thêm một năm nữa cũng không can chi. Kể lại vụ này để khẳng định rằng, tính mạ xưa chừ khẳng khái, ngay thẳng không ai bằng, đã quyết chi là quyết cú một. Khổ nỗi, mạ ăn to nói lớn, nổi tiếng hàm hồ cả làng cả xã đều hay.

Mọi người gặp mạ đều không dám nói chuyện quá lâu, vì chi chi cũng sơ hở để mạ có cớ nạt. Con nít sợ nhất gặp mạ. Lỡ chào to sẽ bị nạt, “chào mà như nạt họ rứa bây”. Chào nhỏ cũng bị nạt, “chào hỏi người lớn thì nói to lên, nói lí nhí chi trong miệng rứa hả”. Mà không chào càng bị nạt, “con cái nhà ai gặp người lớn không chào đây”. Nên gặp mạ, tụi con nít bấm nhau tránh đi cho khỏe. Thấy mạ phía trước, tụi con nít núp trong bụi cây, chờ mạ đi qua là xong chuyện.

Mấy ông ngồi nhậu chỗ quán mụ Vui ở ngã ba, gặp mạ đi qua hay chọc ghẹo, “O ơi còn chè không, còn thì đem vô Sài Gòn bán”. Mạ đứng lại, thả gánh chè xuống, xắn tay áo lên, tư thế của mạ trong mọi cuộc chuẩn bị chửi la người ta luôn là thế. Mấy chú ngồi cúi mặt, im bặt, bấm tay nhau, bẹo cái người vừa cất tiếng lúc nãy, dại chi mà dại, dây dưa với mụ hàm hồ nớ chi rứa trời. Đại loại mấy chú đó bị la vì đi mần không lo về sớm phụ vợ con mà còn ngồi đó nhậu nhẹt rồi ăn nói ba láp ba xàm. Có điều, không phải vì bị nạt mà họ ghét mạ. Có thể là do mọi điều mạ la nạt đều có lý, nên người ta không ghét. Hoặc là người làng này bao dung, biết tính mạ vậy nên không ai chấp trách chi.  

Vĩnh nghĩ mạ con mình không bị ghét vì chè mạ bán vẫn rất đông khách. Gánh chè bán ở chợ tầm mười giờ là đã hết sạch. Buổi chiều, mạ gánh chè đi quanh mấy làng mấy xóm lân cận cũng vậy, hiếm khi chè còn. Mấy năm gần đây, mạ nhận nấu xôi chè ngày rằm và nấu mâm cúng cho nhà nào kị giỗ trong làng. Mạ lục đục trong bếp từ sáng tới tối. Lúc nào không thấy mạ trong bếp thì ở ngoài vườn làm cỏ, nhổ rau, bó rau đi bán. Mạ trồng rau theo mùa, vườn lúc nào cũng xanh um. Chắt chiu từng thứ một, mình mạ nuôi Vĩnh ăn học nên người. Vĩnh không biết mặt ba, nhà chỉ có ảnh thờ ông bà ngoại nên Vĩnh đoán có lẽ ba còn sống ở đâu đó. Anh không hỏi, xưa chừ vẫn vậy, anh không bao giờ hỏi những điều mạ không muốn nói. Đôi lần Vĩnh thắc mắc không biết tại hàm hồ nên mạ không có chồng hay do không chồng nên mạ phải hàm hồ để không bị ức hiếp.

Hồi nhỏ Vĩnh hay xấu hổ vì mạ cứ nói lớn tiếng, đám đông nào có mạ xuất hiện là chộn rộn ồn ào cả lên. Mạ nói chuyện bình thường mà cứ như sắp đánh nhau tới nơi. Một lần nọ, Vĩnh chứng kiến ông chú đến mua chè và buông lời khiếm nhã. Ông chú nói chơi chơi, lấy cho anh chục gói. Mạ nói nhà mấy người mà lấy cho lắm, lấy một người một bịch thôi, bỏ lâu ăn đau bụng rồi chửi tui. Ông chú cười hi hi, giá mà lời em nói cũng ngọt như chè em bán, vừa nói vừa cố tình đưa tay quẹt vào tay mạ. “Tui táng cho cái nơi miệng chừ, ai em út chi nhà ông.” Mạ hất tay ông ta và hét to lên, mấy người ở chợ nghe thấy quay qua nhìn chằm chằm khiến ông chú xấu hổ cúi mặt đi luôn. Vĩnh nghĩ, tính mạ rứa cũng hay, anh không phải lo lắng người ta ức hiếp mạ.

Hôm rồi, trước khi quyết định, mạ có gọi điện hỏi ý Vĩnh, chừ mạ cắt chừng đó đất cho làng để làm nhà văn hóa thì ý Vĩnh thế nào? Vĩnh ngạc nhiên, từ nhỏ đến lớn hình như đây là lần đầu tiên mạ hỏi ý kiến anh một cách trực tiếp và thẳng thắn như vậy. Bởi chuyện này không phải chuyện nhỏ, cắt đất hiến tặng giữa thời buổi này nghe thật khó tin. Đất đang lên giá, bữa trước Vĩnh nghe bạn bè xôn xao bây giờ có tiền cũng khó mua đất ở quê, cò đất ngày nào cũng lảng vảng quanh xóm gạ nhà này nhà nọ bán đất. Mạ nói nhà cửa đất đai sau này là của Vĩnh, mạ chết cũng không đem đi theo được. Đành rằng đất chừ có giá, bán cũng được tiền nhưng xã đang chủ trương xây dựng nông thôn mới, quá trình này đã thay đổi bộ mặt của làng, giờ chỉ thiếu tiêu chí một cái nhà văn hóa khang trang. Vĩnh cười chọc mạ nắm chủ trương rõ quá, anh bảo tùy mạ, mạ quyết gì anh cũng ủng hộ nhưng anh hỏi nhỏ mạ không tiếc ư. Mạ cười hiền, làng đã luôn bao dung với mạ con mình nên mạ tiếc chi.

Khi trưởng thôn thông báo, mạ là người đầu tiên ký giấy hiến đất xây nhà văn hóa, cả xóm đã chộn rộn. Mấy bữa rồi, mấy người cò đất đi về ngó nghiêng, đất đợt này lại sốt giá mà cắt đất cho xã, chỗ đó bán chắc cũng được nửa tỉ bạc chơ chẳng chơi. Cả xóm bàn ra tán vô, ngã ba quán mụ Vui thường ngày đã đông nay còn xôm tụ hơn. Cánh đàn ông đàn bà tụ tập nói chuyện xây nhà văn hóa.

Thấy mạ về, họ ới mạ vào, mỗi người túm lại hỏi một câu. Mạ nói:

- Xã chủ trương rứa, thiếu mỗi cái nhà văn hóa là đạt chuẩn nông thôn mới, làng mình đi sau về muộn chứ mấy chỗ khác đều được công nhận nông thôn mới hết rồi.

- Chị không tiếc à? - Mụ Vui lên tiếng.

- Như hồi trước tui nói rồi đó, có đường làng khang trang thì mình đỡ vất vả, con nít đi học khỏe re, người lớn buôn bán thuận tiện, nửa đêm ngộ nhỡ ai đau ốm cũng chạy đi viện nhanh. Giờ có nhà văn hóa thì xã đạt chuẩn, nay mai huyện đạt chuẩn, khi đó đất đai càng có giá. Với lại tiền bạc biết mấy cho đủ.

Mạ nói oang oang để giải thích cho đám đông đang xôn xao bàn luận.

- Phong trào gì cũng vậy, có người tiên phong thì sẽ dễ dàng thuận tiện hơn. Chị luôn là người tiên phong trong mọi công cuộc đổi mới của làng. - Tiếng một ông chú từng trong đám chọc ghẹo mạ lên tiếng. - Tui là tui nể chị lắm. - Chú nói thêm.

Vĩnh là con nhưng cũng nể mạ lắm. Hai năm trước, mạ cũng khiến cả xã ngạc nhiên khi hiến đất ruộng để làm đường. Nhờ sự đóng góp không ngần ngại của mạ, thêm bốn hộ gia đình đã gật đầu đồng ý hiến đất ruộng để mở rộng đường. Bây giờ không ai nghĩ mạ lại hiến thêm đất ở. Trong cuộc họp gần nhất, trưởng thôn vui vẻ thông báo đã có thêm hai hộ gia đình đăng ký hiến đất để xây nhà văn hóa. Nay mai dự án sẽ sớm bắt đầu và cần sự chung tay của đông đảo bà con dân làng.

- Khi mô cũng ồn ào nhưng biết nghĩ cho việc chung ghê hi.

- Thiệt, họ đàn bà mà còn làm được rứa, mình đàn ông đàn ang phải đóng góp cho quê hương bằng mọi cách.

- Nhà đó hai mạ con mà biết sống, thằng con cũng kêu gọi đóng góp mô trên mạng đó.

Mạ kể với Vĩnh, cuộc họp mấy hôm trước thì cãi nhau om sòm, cứ đụng đến tiền bạc đóng góp thì bao giờ cũng thế. Nhưng hôm nay khi nghe một số hộ gia đình đồng ý hiến đất, chắc bà con đã nghĩ lại. Mạ ngồi dưới nghe người làng bàn tán sôi nổi, họ nói rứa đó, có người khều mạ chọc chuyến ni mạ được lên ti vi nêu gương.

Vĩnh đã viết một bài trên trang Facebook của làng, kêu gọi anh chị em con cháu trong làng ở xa cùng chung tay đóng góp tiền của xây nhà văn hóa. Vĩnh thấy vui khi ai cũng vui vẻ đồng tình chuyển khoản đóng góp. Mấy tháng sau, công trình được hoàn tất khang trang đẹp đẽ. Mạ gọi thanh niên đến bứng gốc nhãn lâu năm trong vườn ra trồng gốc sân công trình cho mát. Thấy vậy, những nhà khác cũng mỗi nhà góp một cây tạo thêm nhiều góc xanh ở sân nhà văn hóa.

Bây giờ, mỗi tối khi gọi điện thoại nói chuyện, mạ quay cho Vĩnh thấy cảnh các dì các mệ đang nhảy dân vũ ở sân nhà văn hóa. Ngày làm mệt mô không thấy nhưng tối tối chị em gặp gỡ nhau chuyện trò nhảy múa thấy vui khỏe, đi xong về ngủ ngon. Sân nhà văn hóa rộng rãi, chỗ thì người lớn nhảy múa, chỗ con nít chạy chơi, chỗ thì thanh niên đánh cầu lông. Nghe tiếng mạ cười sảng khoái, bà con chòm xóm vui vẻ đoàn kết mà Vĩnh vui lây.  

Mạ hỏi lễ Quốc khánh này Vĩnh về nhà không. Hỏi chừng vậy thôi chứ mạ biết có lễ nào mà Vĩnh không về. Vĩnh về để đón nhận sự bất ngờ. Một người đàn ông hiện diện trong nhà. Ông chào Vĩnh, xưng ba một cách tự nhiên. Mạ chẳng giải thích chi, như thể để hai người đàn ông trưởng thành tự phân bua giãi bày với nhau. Câu đầu tiên Vĩnh hỏi ông thật tình rất con nít:

- Do mạ dữ quá nên ba bỏ đi phải không?

Ông cười, nói giọng nam lơ lớ:

- Đâu có, mạ con hiền khô, dễ thương hết sức mà. Là ba luôn mộng giang hồ nuôi chí lớn, ba muốn rong ruổi nơi này nơi kia làm ăn còn mạ thì chỉ muốn ở làng.

Lời giải thích thật hời hợt và khó tha thứ, vậy những năm qua sao ba không về thăm con, không phụ mạ nuôi con. Vĩnh tính hỏi dồn ép thật nhiều nhưng nghĩ lại thôi. Vĩnh biết mạ là người không bứt ra được quê. Hồi Vĩnh nói ước mơ mai mốt kiếm thật nhiều tiền rồi mua nhà phố đón mạ vô ở. Mạ nói không, con ưng ở phố thì ở chứ mạ ở đây thôi. Cái miệng mạ đi nơi khác ở họ ghét, chỉ có ở đây bà con mới thương. Hóa ra mọi chuyện đâu chỉ chừng đó, mụ Vui kể năm đó Vĩnh ốm nặng, ba đi làm xa để kiếm tiền chữa bệnh cho Vĩnh nhưng rồi ông cũng bệnh thập tử nhất sinh. Ông tự nguyện xa hai mẹ con, bảo mạ Vĩnh ở nhà kiếm người khác đi. Nửa đêm Vĩnh sốt co giật, mạ lấy mâm gõ, vừa gõ vừa hét kêu cứu. Bà con làng xóm chạy sang chở Vĩnh đi cấp cứu kịp thời, hồi đó đường sá ổ gà ổ vịt tối tăm, lên tới bệnh viện nghe bác sĩ nói chậm tí là không cứu nổi. Chuyện này chẳng có chi vui nên bà con chòm xóm dặn nhau không được nhắc tới trước mặt hai mạ con Vĩnh, sợ mạ nhớ tới lại buồn tủi. Vĩnh trầm ngâm nghĩ, hèn chi mạ cứ luôn dặn Vĩnh mình mang ơn làng xóm.

- Làng giờ thay đổi quá, đường rộng, sạch đẹp, không còn bùn đất như xưa. Cái cổng làng cũng hoành tráng, đẹp ghê. - Ba nói thao thao bất tuyệt rồi chìa cái ảnh đứng chụp ở cổng làng khoe với Vĩnh. Cuộc trở về của ông nhẹ nhàng đơn giản và nhàn tênh vậy đó.

Đường làng giờ thênh thang, hai bên hoa mười giờ nở rộ đẹp nên thơ lắm. Hôm rồi, có cặp đôi trong làng ra đó chụp ảnh cưới. Nghe nói chú rể công tác bên Đoàn thanh niên, cô dâu thì làm bên Phụ nữ, hai người nên duyên từ lúc cùng nhau làm nên con đường này. Có nhiều chuyện Vĩnh được nghe trong buổi lễ xã đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Rồi nghe đâu trong công cuộc đóng góp xây nhà văn hóa hôm bữa, ba Vĩnh cũng đem một ít tiền về chung tay. Mạ hình như chẳng oán thù trách móc chi, chỉ có lòng Vĩnh đầy những câu hỏi. Nhưng rồi anh tự nhủ, cứ như người làng mình cũng hay, chẳng chấp trách hỏi han chi mấy chuyện cũ, mình đàn ông đàn ang để ý chi nữa. Vĩnh nghĩ đến chuyện sẽ về quê làm việc. Bây giờ tỉnh nhà phát triển, có nhiều cơ hội việc làm, anh cũng muốn cống hiến trí tuệ sức trẻ của mình cho quê hương. Về nhà gần mạ, để được đi giữa đường làng thênh thang thoáng gió chứ không phải chen chúc trong những con đường ngột ngạt đầy xe ở phố. Đời sống rồi sẽ đi lên, tương lai ngày sau sẽ tươi đẹp hơn ngày trước.

K.V

 

KHÁNH VY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 360

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

13 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground