Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tiết xuân, cây thị bên vườn chùa nở lộc mướt mát. Sớm mờ sương, lá thị xanh ngoi ra trong cái màn trời màu nước vo gạo, đẹp như tranh thêu. Đấy là lúc chú tiểu Từ Chân thư thả nhất, đỡ quét một vạt sân chùa. Chốc chốc mới có được một cái lá rớt xuống cho chú tiểu nhặt, đỡ tẻ. Tán cây thị nở xòe, những chi cành vươn đều các hướng. Một cái lộng xanh che khoảng sân cho người đi qua.

Độ ấy người đến chùa đông nhất. Họ vãn cảnh chùa, lễ bái Phật và xin được hộ niệm cầu an đầu năm. Qua hành lang rường gỗ là đến thư phòng của sư trụ trì. Thầy ngồi sau một cái bàn gỗ, trên đặt ống tre đựng bút. Khách sẽ đến chỗ bàn gỗ, chấp tay vái và bạch tên tuổi để thầy vào danh sách cầu an.

Gần trưa, mẹ con Liên lên chùa. Qua gốc thị, mẹ khen chú tiểu dễ thương, “chắc cỡ tuổi con”. Liên đi bên cạnh, xách chiếc làn, ngúng nguẩy đầu, “nhưng tóc con dài hơn”.

Từ Chân chấp hai tay trước ngực, cúi chào lễ phép. Thưa:

- Sắp tới giờ chỉ tịnh. Thầy con cần nghỉ.

Mẹ Liên vén tay áo xem giờ. Vẻ lấn cấn từ tốn.

- Mẹ con tôi đi chơi Tết, tiện thể có duyên ghé chùa. Không biết giờ chỉ tịnh. Thôi, chú cho tôi vào gặp thầy chút. Tết mà.

Đúng là Tết người ta có câu nệ giờ giấc gì đâu. Chỉ có ngôi chùa này vẫn tụng đủ ba thời kinh, bất kể đất trời lễ tiết, và những khuôn phép nguyên tắc theo đó cũng giữ.

“Tết mà”. Hai chữ nghe có chút thỏa hiệp. Xuề xòa một chút chắc cũng không sao. Đôi khi cũng nên thơi thơi một tí, thầy từng dặn thế. Sáng giờ người ra người vào chộn rộn, Từ Chân thấy vui vui, như có hơi xuân ấm áp. Giờ thì vắng ngắt, cũng hụt hẫng.

- Con ở đây chơi với chú tiểu cho đỡ buồn. Mình mẹ vào đỡ phiền thầy.

Dặn xong, mẹ cầm cái làn mây, đi vào căn thất. Chỉ còn lại Liên và Từ Chân, hai đứa trẻ lên mười, làm quen nhau nhanh. Từ Chân cũng không giữ vẻ cung cách của một chú tiểu nữa. Tới lúc ấy, cái tính trẻ thơ của đứa trẻ mới trở về đúng nghĩa.

- Chùa có chi vui mà ở?

- Âm thanh thì chuông mõ kinh kệ, trò chơi thì cây lá trong vườn. Chẳng có chi đáng vui!

Lúc mẹ trở ra, Liên và Từ Chân đang chơi trò thi nhau nhặt lá. Hai khuôn mặt ngước lên nhìn tán thị, xem ai tinh mắt hơn. Lá thị thì nhỏ và mỏng, thoảng rơi khẽ. Nắm lá lượm nãy giờ, Liên gom cả vào cái làn mây rỗng. Vừa đi ra cổng cô bé vừa hồn nhiên rải từng chiếc xuống. Lá thị hình lông ngỗng.

Chính những cái Từ Chân kêu không đáng vui lại hấp dẫn được Liên. Thỉnh thoảng chiều cuối tuần cô bé lại lên chùa chơi với Từ Chân. Gặp thời kinh thì vào chánh điện cùng chấp tay. Thấy thầy trò đang xới vườn cô lại xắn áo cùng làm.

Bên nương chùa có đường sắt, tàu ngày qua về mấy bận. Nghe kể lại xửa xưa khi sư tổ vào đây khai khẩn lập thảo am đã dự cảm cho đệ tử rằng mai này sẽ có con quái vật suốt ngày trườn qua bò về quấy động cửa thiền. Suốt mấy chục thế hệ nối tiếp nhau chẳng thấy quái vật xuất hiện. Mãi đến thế kỷ hai mươi lồ lộ ra con đường sắt. Nghe thầy kể vậy, nên lần nào nhìn thấy tàu chạy qua, chú tiểu cũng tránh xa, sợ sệt, tưởng như nó ngoạm luôn mình đi. Liên chê Từ Chân nhát gan, chú tiểu gì mà yếu vía quá.

Sư thầy bảo con bé này không khéo có căn tu. Bữa nghe vậy, điệu Chân nhanh nhảu: “Hay là thầy cho cô ta vô chùa mình luôn”. “Không được. Nếu muốn, phải đi vào một cái chùa ni dành cho nữ giới”.

Cả vùng này, như Từ Chân biết đâu có còn ngôi chùa nào nữa. Ngoài chuông của thầy trò Từ Chân, không nghe một tiếng chuông nào khác. Nếu Liên mà vào một cái chùa ni nào đó, Từ Chân sẽ mất bạn. Nghĩ thế, Chân không lộ ý của sư thầy cho Liên biết.

“Con gái mà nghịch quá trời”. Lần nào nghe sư thầy mắng câu này Liên cũng cười, không chút sợ sệt. Biết thầy thương mà quở thôi. Từ Chân cũng cười, thưa lại:

- Nó là con quỷ quái vật đó thầy!

Rồi hai đứa trẻ, cũng không cần chấp nhất giới tính giới luật, rượt đuổi nhau trong khu vườn bên chùa. Vạt đất mà thầy gọi chỗ để gieo hạt, quanh năm luôn có rau trái. Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà. Mơn mởn xanh. Rau trái hai thầy trò ăn không hết, thầy nhủ điệu Chân đem ra ngoài đổi những thứ chùa không có.

Rau cải xếp từng bó mỏng vào giỏ, mang sang chợ đổi gạo. Từ Chân xách được một đoạn kêu mỏi tay. Liên chê chú tiểu yếu ớt quá. "Tại tui ăn chay", Từ Chân chống chế. Liên giật lấy cái giỏ cải, đi ngon lành dứt khoát tới tận chợ.

Tiểu thương nhận giỏ cải, lấy bao đong gạo. Nói đổi là tượng trưng thôi, người ở chợ nhận rau chùa như một chút lộc, rồi cúng dường gấp cả chục lần. Từ Chân đứng ngắm cái lon gạo lật đáy lia lịa, nói:

- Thôi bà ơi, nhiều quá xách không nổi.

- Hai đứa luôn mà.

- Con bé này không ở trong chùa.

Liên hích cùi tay vào lưng Từ Chân. Lúc về hai đứa trẻ xỏ gậy tre vào quai giỏ, khiêng gạo về. Liên nói chú tiểu gì mà khờ quá.

"Khờ nhưng trắng trẻo dễ coi, hơn con nhà giàu mà đen thui". Từ Chân vặc lại được một câu khịa. Liên trề môi, "da ngăm thôi, rồi tui sẽ đi thẩm mỹ".

Có lần thầy sai đệ tử sang bên làng Đại Xá. Nhảy lên một cái đò ngang qua sông là tới làng. Một ngôi làng đúng thật cảnh quê bình dị chứ đâu có gì, nhưng lần nào qua sông Từ Chân cũng háo hức. Vì ở đó có người, có những túp nhà, không vắng vẻ như vùng bán sơn địa chỗ ngôi chùa của Chân.

Mải chơi cả chiều, nhớ ra thầy giao việc đi kiếm mấy nhánh nè về cắm cho cây đậu leo. Từ Chân hấp tấp vào đại một cái nhà, đổi đùm cà trắng lấy mớ nè. Chủ nhà cho chòm nè, không lấy cà. “Công quả nhà chùa, cúng dường không hết, ai nỡ lấy”.

Đặt chùm nè lên kịp chuyến đò cuối chiều, mình chú tiểu với người lái đò. Từ Chân nói thầy con có cho mấy đồng bạc, con gửi tiền công bác chèo chở. Người lái đò cũng nói cái ý như nhà lúc nãy. Từ Chân giả vờ để quên đùm cà trong khoang đò.

Đò gần vào bến, Từ Chân thấy Liên đứng ở trên bờ. Áng chừng nước còn ngang tầm ngực, chú tiểu nhảy ùm xuống sông. Nhưng Liên không tỏ vẻ gì lo lắng sốt sắng, khoanh tay trước ngực. Chấp luôn.

Từ Chân bơi khéo, vào tới bờ trước cả đò, chứng tỏ ta cũng hoạt bát. Lúc lên bờ, nước ròng ròng chảy xuống mép vải dưới chân, lưng quần tuột xuống. Chắc đói rồi, bụng xẹp lép.

Ngắm điệu bộ Từ Chân vừa đi vừa một tay kéo quần, một tay ôm chòm nè, Liên đứng trên bờ cười, nhại giọng trêu: Con cu mà đậu nhành nè / Chữ thập chữ tứ hắn đè chữ tâm. Hai câu này bữa ghé chùa Liên nghe Từ Chân ngồi đọc lúc thảo chữ Đức.

- Con quỷ, không biết xấu hổ hả?

- Chú tuột quần ra đấy tui còn không ngại.

Ha hả cười, rồi Liên cũng tới túm lấy chòm nè kéo về, để chú tiểu sẵn tay túm quần.

*

Mười bốn tuổi, Từ Chân thọ giới Ứng pháp Sa-di. Chân đã hết tuổi đuổi quạ, sư thầy tính chuyện cho đệ tử đi vào miền Nam. Trong đó nhiều chùa, lại có viện Phật học. Sư phụ phác một cái giấy ủy, kèm địa chỉ, dặn Từ Chân vào ngôi chùa ấy, trình cái giấy cho vị trụ trì.

Từ Chân phục đầu.

- Thầy cho con ở lại. Con ở đây học đạo với thầy chưa tới đâu.

Sư thầy cười.

- Thế ta mới đưa con vào trong đó học cho tới nơi tới chốn. Ở đây mải chơi, dễ đi lạc.

- Con nguyện từ nay chăm trì kinh chú.

- Chừng đó chưa đủ đâu. Tu không phải chỉ đọc mồm mà nên.

- Con ở lại phụng dưỡng thầy.

- Thân ta, thân con đều là giả hợp. Tâm mới khó chăm dưỡng. Hãy coi sóc cái tâm của con trước đã.

Tối đó hai thầy trò cùng sửa soạn đồ đoàn hành lý. Đâu có gì nhiều, áo quần tư trang của một chú tiểu toàn đồ mỏng mảnh. Thư của sư thầy Từ Chân kẹp vào cuốn vở tập của Liên để quên hôm bữa. Cuốn tập bên ngoài có ghi tên Liên, mang theo chỉ để nhớ một cái tên. Trong ruột tập toàn những trang trắng, chưa viết gì cả, kỷ niệm tinh khiết.

Khuya, thầy chia tay đệ tử chỗ sân. "Đi đi con, ngắn đường tiễn dài đường đi". Cuối năm, thị rụng đầy một sân lá, trong đêm quờ tay vốc được một nắm. Từ Chân vừa đi vừa vãi. Lá thị thấm sương, lạnh và vương tay.

Từ Chân tiếc không kịp gặp Liên để tạm biệt. Chỉ còn không mấy ngày nữa đã hết năm. Tết này chắc Liên sẽ lên chùa xin cầu an như mọi năm. Không có Từ Chân, biết tâm Liên có được an.

Con tàu chạy qua về bên chùa ấy, ngờ đâu có ngày lại đưa chú tiểu đi. Ôi con quái vật.

*

Mỗi năm có một lần Từ Chân về chùa cũ miền Trung thăm sư thầy. Vị trụ trì trong miền Nam không cấm, nhưng chính sư thầy ngoài này lại cấm. Thầy nói tu thì có gì phải luyến nhớ, ở trong mà ráo chí tu học.

Từ Chân thường về mùa thị chín. Hương thơm phảng phất quanh chùa. Cái mùi hương ấy khiến Chân chỉ mới qua cổng đã gợi lên những thân quen ngày cũ.

- Bạch thầy. Liên có hay lên chùa không?

- Bận lòng chi con. Đừng để tâm một đằng trí một nẻo. Mà người ta khác lắm rồi. Khác lắm.

Không rõ chữ khác của thầy là có ý gì. Khác trong cái nghĩa vô thường biến chuyển, người hôm nay không phải người hôm qua. Hay khác là thay lòng đổi dạ, thay đạo bỏ đời. Từ Chân cũng không hỏi thêm nữa.

Lần nào về chùa cũ cũng nán ở thêm một đôi hôm, nhặt sân không để vương lá thị nào, Từ Chân vẫn không gặp được Liên.

*

Ba mươi tám tuổi, đại đức Từ Chân hồi hương.

Nói hồi hương có vẻ không đúng lắm, vì quê hương của người xuất gia là đất Phật. Càng không đúng vì Từ Chân được bỏ rơi dưới gốc thị, sư phụ bắt gặp một sớm ra mở cổng, chẳng biết quê quán chú này ở đâu, đành khai sinh ở đây. Như một quả thị rụng xuống, thầy ví chuyện Từ Chân có mặt ở chùa là vậy. Nên nói hồi hương là thầy Từ Chân về lại gốc thị, phụng đạo giúp đời.

Sư ông viên tịch năm ngoái, xuân vừa rồi chùa vắng hoe. Người chăm chùa kể lại vậy. Bữa thầy Từ Chân về lá rụng đầy sân, nghĩ mình phải ở lại đây mà nhặt.

Đại đức Từ Chân lại ngồi sau cái bàn gỗ khi xưa của sư phụ. Cảnh chùa không khác gì nhiều, chỉ tu sửa vài chỗ xuống cấp bằng bê tông cốt thép. Mấy đồ mộc trước không biết làm từ gỗ gì mà chắc nụi, chấp hết mối mọt mưa gió. Muốn tới chỗ thầy ngồi vẫn phải đi qua một cái hành lang rường gỗ cổ kính.

Người đàn ông trung niên nho nhã, chân đi giày đen, sơ mi khoác vét hơi rộng, hai tay xỏ túi quần viếng chùa một vòng rồi vào chỗ thầy Từ Chân.

- Bạch. Thầy kê cho con tên: Nguyễn Thị Liên. Con muốn cầu siêu cho người này.

Vị thí chủ đọc luôn ngày tháng năm sanh, quê quán. Trời ơi, Liên đây rồi mà Liên đâu rồi Liên ơi! Thầy Từ Chân vừa ngoáy viết, chậm rãi run run từng nét. Cố gắng để nét chữ đừng giống cái nét viết ở bìa cuốn tập, xưa chính Từ Chân đã viết giúp cho Liên vào cái bìa ấy.

Cúi mặt, giữ tư thế điềm nhiên để kìm giữ cơn cảm xúc, thầy hỏi:

- Cầu siêu thì cần ngày húy nữa. Liên mất lúc nào?

- Bạch. Ngày cô ấy đổi mạng cho con, Nguyễn Thiện Ly. Nhưng con an rồi, khỏi cầu. Chỉ cầu cho cô Liên ấy, hồi trước.

Giọng thí chủ tới đây bị mắc nghẹn, như muốn khóc mà không khóc được, sợ quấy động cửa thiền. Nước mắt thì vướng tục, không siêu thoát. Mà an rồi ai lại khóc.

Thầy ngẩng đầu lên. Thiện Ly với Thị Liên nhìn qua đâu còn nét gì từa tựa nhau. Khen ai khéo sửa cho nên thế. "Người ta khác lắm rồi", thầy Từ Chân chợt nhớ lời sư phụ, chữ khác đơn giản vậy thôi sao. Thầy định nhắc thí chủ cái ý của sư phụ hồi trước, rằng thân ta chỉ là giả hợp, tâm mới quan trọng. Nhưng thôi.

Hôm đó cuối thu, thị chín rụng đầy sân. Quả thị vàng thơm, để ngửi chứ không ăn, vậy nên cây thị chỉ trồng mấy chỗ đền chùa. Nghe đồn thế.

• Truyện đăng trên Cửa Việt chuyên đề CĐ 5+6 (6/2022)
• Minh họa: Trương Đình Dung
• Thiết kế: Nguyên Quý

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground