Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Cảnh Trà - Nhà thơ suốt đời sống miền biên viễn"

K

hoá V Trường bồi dưỡng của Hội nhà văn tổ chức ở Quảng Bá, Hà Nội từ mùa hè năm 1972, có gần 40 nhà văn trẻ từ nhiều tỉnh, thành phố về theo học. Đã được hơn một tháng, hôm ấy chúng tôi được nghe nhà văn Nguyên Hồng giảng trên lớp thì có một học viên nữa xin vào lớp. Anh người thấp đậm, quần áo lấm bụi đường vai đeo chiếc túi dết. Đó là nhà thơ trẻ Cảnh Trà, công tác ở đặc khu Vĩnh Linh. Phụ trách khóa bồi dưỡng là nhà văn Nguyên Hồng và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Lớp học tạm dừng vài phút, hai ông tiếp nhận Cảnh Trà, và cũng có hỏi anh giấy giới thiệu của địa phương cùng lý do đến học muộn. Cảnh Trà thưa, anh phải đi bộ từ Vĩnh Linh ra, lại đúng thời kỳ không lực Mỹ tăng cường đánh phá dữ dội hơn trước nhiều lần, đến mức máy bay B52 ném bom rải thảm ra cả vùng Hàm Rồng, Thanh Hóa, nhiều chặng phải vòng lên miền tây, đi theo đường chiến lược 1B, nên thời gian đi đường kéo dài thêm quá nhiều. Thay cho việc trình giấy tờ, Cảnh Trà trật túi dết khỏi vai, vạch áo cho lộ bờ vai đỏ tướp máu do quai túi nghiến nhiều ngày. Và không chỉ nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh mà tất cả chúng tôi ở lớp bồi dưỡng viết văn trẻ hôm đó, đã ghi nhận bờ vai bị quai túi nghiến nhiều ngày là lý do chính đáng cho việc anh tới lớp muộn… Đã hơn ba mươi lăm năm qua, đến nay, suy ngẫm để viết về đời và thơ Cảnh Trà, chúng tôi bỗng nhớ lại cái buổi đầu tiên gặp anh ở Quảng Bá mùa hè năm 1972 ấy. Một Cảnh Trà chân chất và nhiều khổ nhọc.

Cảnh Trà sinh năm 1937 tại quê hương Nam Hoành, Nam Đàn, Nghệ An. Năm 16 tuổi anh vào bộ đội chống Pháp, chiến đấu mấy năm liền trên chiến trường Bình Trị Thiên. Thời gian ở bộ đội, Cảnh Trà đã hay làm ca dao, hò vè, thứ ca dao, hò vè đầm đậm và chất phác của miền Trung. Sau đó, anh làm thơ cổ động bộ đội, nhân dân những nơi đơn vị đóng quân. Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, có một chặng ngắn xuất hiện những bài thơ trên báo tường của các đơn vị bộ đội những năm cuối cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và những năm đầu hòa bình lập lại. Một số sách báo có ghi nhận phong trào này, gọi là Thơ đại đội. Từ phong trào đó, Cảnh Trà được chọn về làm công tác văn hóa thông tin của đặc khu Vĩnh Linh, năm 1960. Nửa nước phía Bắc tạm thời có cuộc sống hòa bình vài năm, nhưng duy nhất ở miền Bắc, Vĩnh Linh bên bờ dòng sông Bến Hải giới tuyến, là điểm nóng bỏng nhất trên nước Việt Nam ta. Để sống được nơi đây, ngoài lòng dũng cảm, người ta phải thật sự tin yêu cuộc đời, lòng tin yêu đó thể hiện rất cụ thể qua tình thương yêu, đùm bọc nhau, thương yêu làng quê, xóm mạc ruộng vườn… Với Cảnh Trà, lòng tin yêu cuộc đời còn được anh thể hiện qua những bài thơ. Anh là một trong những nhà thơ xuất hiện giai đoạn đầu thời chống Mỹ cứu nước. Thời ấy, không ai nói đến Vĩnh Linh mà không nói đến đạn bom kẻ thù dội xuống, đủ các loại bom. Bình quân mỗi đầu người phải chịu ba, bốn trăm quả bom! Thơ Cảnh Trà, vừa tỏ rõ ý chí con người Vĩnh Linh, vừa là sự kìm nén kín đáo trong lòng nỗi gian khổ vô bờ bến:

Trên đất này

Chờ bom dứt là điều mơ mộng

Tất cả đều là trong báo động

Tất cả như là trong báo yên…

Kẻ thù đã bằng mọi cách, muốn xóa trắng Vĩnh Linh đi. Vĩnh Linh phải bám trụ, để sống và đánh lại. Con người phải sống, và còn phải cho đất giới tuyến này có sự sống. Chẳng hạn đồng ruộng phải sống được, phải đơm bông kết hạt. Ruộng lúa chín rục bên một chiếc cầu tre, mà bom vẫn không hề ngớt. Cảnh huống cuộc sống này thành thơ Cảnh Trà: Đêm đêm lòng người đau nhức/ Thương hạt lúa mình giặc giết bên cầu tre… tình thương ấy khiến năm anh, chị dân quân đêm khuya đi gặt lúa dưới ánh sao. Đêm ấy, bom đạn giặc giết cả năm anh, chị. Nhưng đêm sau năm dân quân khác lại: Tay vằng tay hái/ Băng ánh sao khuya/ Xuống chân ruộng bên cầu tre gặt dở… Đó là hình ảnh chân thực, cụ thể về con người trong cuộc giành giật vô cùng quyết liệt, để được sống; và nó chất chứa sự hy sinh vô tận của người Việt Nam ta cho chủ quyền của một phần đất nước nhiều máu lửa và đau thương. Không đâu như Vĩnh Linh vẻ đẹp của đất trời, con người được tiếp nhận một cách hiếm hoi, như phải gạn lọc từ rất nhiều cực nhọc mới có được. Khi ban đêm, trên một lối mòn: Trăng đã lên đèn trong từng bụi cỏ. Và khi thấy một bầy chim sẻ trên quê hương quá nhiều khói lửa:

Đàn sẻ từ đâu rật cánh bay về

Cùng đậu xuống một nhành cây dại…

Không gian bỗng chốc bình yên

Tiếng ríu ra ríu rít của bầy chim

Đã tưới xuống làm mềm khu đất cháy.

Không đâu như Vĩnh Linh, sự sống được nâng niu và giữ gìn với một quyết tâm ghê gớm:

Vĩnh Linh nuôi gà dưới hầm

Lót ổ ở trong hốc đất

Đẻ xong, từng trứng cất riêng

Phòng lúc bom rung khỏi vỡ…

Thơ Cảnh Trà không có những câu, chữ tài hoa, không có những câu từ đặc sắc, nhưng thường có những hình ảnh nhân bản và sâu sắc. Những hình ảnh sống và sinh động như vậy, nhà thơ tìm thấy được không nhờ tài hoa hay tri thức, mà do nhà thơ phải sống cật ruột trong môi trường đặc biệt của Vĩnh Linh; và sức sống phi thường của đất này thấm vào anh một cách tự nhiên, rồi nó thành một giọng thơ thuần phác, bình dị của anh. Cảnh Trà có được vị trí trong làng thơ Việt Nam từ thời chống Mỹ cứu nước, chính là nhờ có được giọng thơ ấy. Vài năm nay, chúng tôi hay ngẫm ngợi về đường đời, đường thơ của một số nhà thơ bạn bè, thân quen, như là việc ngoái nhìn lại con đường đã qua xem nghĩa lý của nó nông, sâu thế nào. Chúng tôi có suy nghĩ về thơ ca nước ta từ sau năm 1955, nền thơ đi vào xu thế chú trọng chất liệu đời sống cụ thể, tỉnh táo, khỏe khoắn cho phù hợp với đề tài công nông binh. Xuân Diệu, thi sĩ nổi tiếng về những bài thơ tình ái vồ vập và say đắm trước kia, đến giai đoạn này cũng luôn luôn nêu cao lối thơ chân chân chân, thật thật thật. Xu thế có tính định hướng như vậy, đã có ảnh hưởng mạnh đến những cây bút trẻ đương thời. Nay nhìn lại, thấy xu hướng thơ chân chân chân thật như đêm ấy đã không tạo nên thành tựu nào đáng kể. Cho đến khoảng năm 1965 trở đi, thơ trẻ Việt Nam có những bứt phá và tạo nên thành công mới cho văn học. Có những hiện tượng thơ tiêu biểu, như Lưu Quang Vũ tài hoa và hết sức đa cảm, như Bằng Việt dồi dào sức liên tưởng mới mẻ, như Phạm Tiến Duật với ngôn ngữ thơ bạo dạn và sinh động… Ở đây chúng tôi muốn nêu thêm trường hợp thơ Cảnh Trà với những bài thơ có nhiều hình ảnh sự sống nhân bản và sâu sắc, như chúng tôi vừa nói tới ở trên.

Hơn ba mươi năm trước với đôi mắt xanh tinh tường, nhà văn Hoài Thanh đã thấy thơ của Cảnh Trà: “...đã có giọng thơ dân gian”. Theo thời gian, giọng dân gian trong thơ anh ngày càng đậm thêm. Cụ thể ở thơ Cảnh Trà là cái giọng dân gian xứ Bắc Trung Bộ, ca dao thì vần điệu và cảm xúc đều nằng nặng; hò, vè thì tiết tấu gập ghềnh khó nhọc rất hợp với sự kể lể những chuyện đời ở xứ này. Chẳng hạn bài Gánh hàng rong Cảnh Trà viết về người mẹ của anh, thấy khá rõ giọng dân gian ấy: Mẹ từng vào tận trong Gôi/ Khi sang chợ Liệu, lúc xuôi chợ Rồng/ Vai gầy quẩy gánh hàng rong/ Đè lên tóc rối tang chồng, tang con. Thơ lục bát, kể chuyện mồ hôi nước mắt của một bà mẹ xứ Nghệ, mặn xót lòng người đọc: Phong trần thổi suốt kiếp người/ Một manh áo mỏng giữa trời gió đông…/ Tinh mơ đầu bạc đẫm sương/ Trừa hè cát lún chiều vương mưa ngàn. Lời thơ kể chân thực, cụ thể, nhưng sau những con chữ ta thấy công lên ngàn xuống bể của người mẹ, và cũng thấy một mối thương cảm thật lớn của người con đang kể về mẹ mình:

Tre thưa tiền lọt xuống sàn

Gió qua nhà trống thổi khàn tiếng ho

Đêm đêm nghe tiếng gọi đò

Ngỡ như tiếng vạc, tiếng cò

Mẹ ơi!

Cuộc đời Cảnh Trà, từ niên thiếu đã vào bộ đội ở Bình Trị Thiên khói lửa. Những năm tuổi trẻ, anh sống ở Vĩnh Linh gan góc và lắm cực nhọc. Từ một cán bộ văn hóa, anh thành nhà thơ, rồi lại làm phóng viên, có lẽ hết chiến tranh, Cảnh Trà có thể chuyển về quê Nghệ An, hoặc vẫn ở Vĩnh Linh, sẽ được sống gần họ hàng ruột thịt. Con đường số phận đâu chấp nhận chữ nếu! Sau khi đất nước thống nhất, anh lại đi xa thêm hàng ngàn cây số, vào làm việc ở Đài phát thanh truyền hình miền Nam, rồi thường trú ở Tây Ninh, vùng biên giới Tây Nam đất nước. Lại trụ ở vùng biên viễn gian khổ, và như vậy, trong thời đại của chúng ta, duy nhất có Cảnh Trà suốt đời sống và viết ở miền “biên tái”. Gọi là viết ở miền “biên tái”, để so sánh cho vui, giữa nhà thơ đời nay với một số nhà thơ Trung Hoa xưa hay viết thơ “biên tái” với những hình ảnh núi xương, sông máu, rượu rót tràn cung mây, uống cho quên đời. Những năm vào sống ở vùng ven biên giới Tây Nam, thơ Cảnh Trà đã rất khác thơ anh thời bám trụ ở tuyến lửa Vĩnh Linh. Không có những hình ảnh máu lửa nữa, nhiều khi câu thơ khoáng đạt và sảng khoái: Không có đèo/ Tên ấp nghe tiếng vó ngựa trời chiều/ Bước thấp, bước cao/ Trồi, trụt…(Bài Ấp Lồ Cồ). Một không khí đời sống phương Nam xa xôi dễ dàng lay động anh, và thành bài thơ Mùa lúa chín: Tiếng cười rúc rích của trai gái/ ghẹo nhau/ quấn quýt vào nhau/ Mùa động cỡn. Dù không nhiều, nhưng thơ Cảnh Trả cũng có những câu thơ mang dấu ấn của niềm vui thú. Thấy rất rõ, một hồn thơ vừa ra khỏi máu lửa, đau thương, nên vồ vập lấy hạnh phúc cuộc sống: Mùa lúa đẹp no nê/ Nồng nàn, đa tình/ Hương lúa thơm như môi em/ Đê mê, lim dim/ Nóng sực… Tuy nhiên, miền biên viễn vốn chất chứa nguồn thương cảm rất đặc thù của nó, khi nhà thơ đến sống ở đây: Nghe em hát ca trù/ Tiếng đàn đáy u u âm âm/ Giọng em gập ghềnh thăm thẳm/ Mắt em dại đờ xa xăm…(Bài Ca trù). Khi Cảnh Trà hiểu rằng, mình sẽ sống suốt cả đời ở đây, thì quê hương và cuộc đời những người thân thích lại luôn luôn trổi lên, lay động tâm hồn anh. Và dĩ nhiên, nó thành thơ anh. Bài Gánh hàng rong mà chúng tôi nói tới ở phần trên là một bài thơ hay về người mẹ, Cảnh Trà viết được khi từ mảnh đất cuối trời Nam ngóng vọng về quê hương, gốc rễ đời mình. Cội nguồn của anh, có bà nội, một câu dạy của bà: giàu không hà tiện, khó liền tay, khó không hà tiện, khó ăn mày đã ám ảnh anh suốt đời. Và rồi, khi không còn phải lo đói khổ nữa, anh viết được bài Đêm ngủ ở nhà bà nội, như một hoài niệm buồn trong trẻo. Có thể thấy rõ, Cảnh Trà luôn luôn ngóng vọng về cố hương, và thổ lộ những nhớ thương trong lòng qua những bài thơ. Bài Chị tôi, viết về người chị đã già yếu, gặp em, thương quá mà không nói được, chỉ để nước mắt lăn trên gò má tuổi già và đưa tay sờ vào tóc em, vào mắt, vào da. Bài thơ viết về người cha, qua đời từ thuở anh còn nằm trong tả lót, giờ bữa cơm có miếng ngon cũng không biết đọi của cha đâu mà gắp!... Cảnh Trà viết về người anh trai góa vợ, mấy đứa em xúm nhau đi hỏi vợ mới cho anh. Anh viết những câu thơ tươi trong và dân dã về O Chắt: Tướng sang như bà hoàng/ Nghe nói hồi còn trẻ/ O đẹp nhất nhì làng. Anh cũng viết những câu giàn giụa nước mắt, vì tưởng lâu lắm được về thăm quê, được gặp chú Hường, ngờ đâu lại phải đi thăm mộ chú:Thu tàn, mưa lất phất bay/ Rú Ngang, đá lạnh, đường lầy bùn trơn… Cái giọng thơ dân gian có trong thơ Cảnh Trà, như Hoài Thanh đã nhận định xưa kia, nay đã thành một phẩm chất chủ yếu của anh. Thơ viết về làng quê, con người xứ Nghệ với những câu chữ dân giã, nhiều phương ngữ được dùng thật sự nhuần nhuyễn, nào là đọi cơm rang, đĩa dưa muối, quả cà, thìa tương ngọt mặn, bánh đúc đỏ, trái khế chua, ít cọng đọt rau lang… Ngay cả những địa danh của vùng quê miền Trung, được Cảnh Trà đưa vào thơ rất nhiều, mà người đọc đã tiếp nhận thật tự nhiên, là chợ Liệu, chợ Rồng, Gôi, Rào Cả, Bố Đức, rồi là Vạn Rú, chợ Vực, chợ Ngang, Rú Hốc, Hoành Sơn…Những địa danh đó, như những niềm nhớ thương sâu xa trong tâm tưởng Cảnh Trà, anh viết, như lay gọi cho nó thức dậy, thành thơ anh. Những địa danh đó có những con người sống lam lũ, sống cật lực để dựng đời, sống nhân nghĩa để con cháu nhớ thương, nên nó thành thơ cho mọi người đọc và thấy trong thơ ấy nghĩa lý cuộc đời. Thơ Cảnh Trà, giọng kể ngất ngưỡng miền Trung, hình ảnh sự sống cũng bền bỉ, kiên cường miền Trung:

Đàn bò bước chênh vênh ngoạm lá cỏ cằn

Xác xơ trên kẽ lá

Những bụi sim gồng mình trong nắng lửa

Lá rung rinh, gió thổi phì phào…

Và, giọng đồng giao miền Trung đã ngấm vào đời sống tinh thần Cảnh Trà từ thời thơ ấu, năm mươi năm sau, nó nhập vào bài thơ Hái sim của anh, lũ trẻ chăn bò bên triền rú Hốc, vừa hái sim vừa hát:

Bọ bò phần cha

bạc da phần mẹ

bẹ bé phần em

lọm lem bỏ mồm!

Cảnh Trà hiểu thấm thía rằng, đời sống ở các làng quê miền Trung vẫn còn lắm buồn khổ, nhọc nhằn. Và, anh là một nhà thơ viết rất chân thực về đời sống nơi làng quê ấy, khiến người đọc phải nghĩ ngợi, cảm kích, như trường hợp các bài thơ O Hoàn, Cúng nước sông Lam… Ngôn ngữ thơ Cảnh Trà không mới, không bay bổng, không kỳ khu. Vẫn như cá tính bền chắc của anh, cái hay của thơ Cảnh Trà là những hình ảnh sự sống mang ý nghĩa nhân bản, sâu sắc. Đời thơ Cảnh trà có hai chặng, dễ nhận ra. Chặng đầu, thơ anh viết những năm bám trụ ở Vĩnh Linh, đã được xuất bản trong các tập Nơi giáp mặt (in chung, năm 1972), Cành mận trắng ­(năm 1975). Còn chặng thơ thứ hai, viết những năm vào sống ở vùng biên giới Tây Ninh, mãi gần đây anh mới xuất bản trong các tập Những cọng rau tập tàng (năm 2006) và Những cơn mưa (năm 2007). Chặng đầu, thơ anh nói nhiều đến cái chung, như xu thế thơ ca những năm ấy. Còn chặng sau, Cảnh Trà viết nhiều về đời thường, nhất là cuộc sống thường tình với những gì thật cụ thể mà anh yêu thương, gắn bó. Bãn lĩnh thơ đã ổn đinh cùng những nếm trải thật sự của một con người luôn sống nơi đầu sóng ngọn gió cuộc đời khiến thơ anh nhiều khi chứa đựng những bài học cuộc sống có sức nặng. Ví như bài Chảy ngôn ngữthơ tinh giản: Không chảy làm sao có bèo dạt mây trôi/ làm sao có bên lở bên bồi/ làm sao có phù sa để bờ xôi ruộng mật/ có mênh mông, có bát ngát… câu kết làm bật lên ý tứ sâu sắc của bài thơ: Chảy là nghề/ là định mệnh của sông! Những vấn đề cuộc sống mà Cảnh Trà đặt ra, đôi khi có sức khái quát lớn, như trường hợp bài Tạo hóa cho ta rất nhiều, thật sự là nhiều quá chừng: Đất đấy/ Trời kia/ Và thiên hà nữa/ Cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Sau những câu thơ chứa đựng một lẽ tự nhiên, là thấp thoáng một nụ cười hiền triết:

Tạo hóa cho, đến khi đòi lại

Từng sợi lông tơ, từng chút da chân…

Tất tần tật, cạn tàu ráo máng

Trả ta về với con số không!

Cuộc sống đã rất nhiều từng trải, nên Cảnh Trà có khả năng đặt ra những vấn đề có sức lay động mạnh trong một bài thơ bình dị, như bài Quả ổi. Một em nhỏ ngây thơ thấy quả bom ổi, ngỡ là quả ổi thật, nhặt lên. Quả bom nổ! Chiến tranh kết thúc từ lâu rồi, vậy mà bom vẫn còn nổ. Vậy mà, vẫn còn người đàn bà nằm thiếp trên giường tre, như thơ Cảnh Trà mô tả. Chị vẫn phải chịu đựng cuộc chiến tranh mà ta tưởng là lùi xa đi rồi. Nằm ngủ thiếp trên giường tre, chị vẫn mơ thấy người yêu xưa, cơn mơ chứa đựng rất nhiều tình yêu, rất nhiều khổ não. Và trong cơn mơ, có cả những lời trách cứ:

Sao ngày ấy anh không chịu nghe em

Xin thầy me cho làm lễ cưới

Hay vụng trộm trong lùm trong bụi

Để lại cho em đứa con?...

Đó là một tình yêu hết sức chân thực và dám bất chấp tất cả của người đàn bà. Với một tình yêu như vậy, chị sẽ phải sống suốt đời chịu đựng cuộc chiến tranh, cái cuộc chiến tranh đã gọi người đàn ông chị yêu ra đi mãi mãi… Đó là quy luật của tình yêu, quy luật của những nổi khổ đau. Thơ Cảnh Trà hay nói về những đau thương, khổ nhọc trong đời. Quả thực, với kinh nghiệm văn học của mình, chúng tôi đã nghĩ, nàng thơ từ xưa xa đến nay được người đời nuôi sống chỉ bằng hai món thôi, là khổ đau, hoặc hạnh phúc. Nhà thơ Cảnh Trà cũng đã mô tả chính cuộc đời mình trong qui luật muôn thuở qua bài Chiều buồn. Những câu thơ bình thản như không, mà thấm đẫm hơi thở cuộc sống trần thế:

Trưa đã qua lâu, ngày sắp cạn

Đài phát thanh đưa chậm bản tin chiều

Mái rạ cũ khói vật vờ tóc trắng

Đàn kiến bò lặng lẽ mé tường rêu.

Bình thản, thấm đẫm cuộc sống nhân thế, và cũng da diết thương đời:

Nắng gượng níu vệt sáng buồn tím sẫm

Phía trời tây sương giăng trắng la đà

Cô hàng xóm đợi thư người xa vắng

Trước hiên nhà lòng thờ thẩn vào ra.

Bài thơ kết cấu gọn, đẹp cổ điển, cũng chứa đựng những lẽ đời sâu xa, cổ điển:

Mặt trời đã chìm sâu về nẻo khuất

Tiếng cuốc kêu tha thiết tiễn ngày đi

Đám ruộng cạn gió thổi nhàu rơm mục

Rượu đắng đầy nâng nhấp cạn ly.

Đã hơn ba mươi lăm năm trôi qua, kể từ ngày chúng tôi chia tay nhau ở Quảng Bá, Hà Nội. Thời gian thật dài và đường đời dằng dặc. Rất ít dịp được gặp nhau, nhưng chúng tôi vẫn hay nhớ đến anh, một Cảnh Trà chân chất và nhiều khổ nhọc. Và chúng tôi vẫn dõi theo con đường thơ của anh, năm mươi năm cầm bút, là năm mươi năm trời sống ở miền biên viễn. Một đời thơ thuần phác, bình dị và thấm đượm phong vị dân gian miền Trung gập ghềnh gian khổ. Giờ đây, viết về thơ Cảnh Trà, chúng tôi hay nghĩ tới những lời của danh sĩ lớn Âu Dương Tu (thế kỷ XI – Trung Quốc) khi ông bàn về thơ: “Ta nghe đời thường hay nói, nhà thơ hiển đạt thì ít, mà cùng khổ thì nhiều. Lẽ nào lại như vậy! Phải chăng, những vần thơ hay mà đời lưu truyền phần lớn là thơ của những người cùng khổ?...”. Ghi lại lời bàn của Âu Dương Tu, là để khép lại bài viết này, và chúng tôi cũng muốn tặng riêng cho Cảnh Trà nữa!

 

A.C

 

 
 
Anh Chi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 188 tháng 05/2010

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

7 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground