Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một cách nhìn toàn cảnh về đề tài nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

T

ừ sau đổi mới đến nay, văn xuôi nói chung và tiểu thuyết viết về nông thôn nói riêng đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc, giới nghiên cứu. Đã có một số bài viết khá phong phú, in rải rác trên các tạp chí, báo chuyên ngành và những công trình sách, luận văn, luận án đã hoặc chưa xuất bản. Từ thực tế trên, chúng tôi hệ thống để có một cái nhìn tương đối toàn cảnh về lịch sử nghiên cứu của đề tài nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2012. Qua đó, thấy được bước ngoặt chuyển mình của tiểu thuyết viết về nông thôn ở giai đoạn này.

1. Những ý kiến khẳng định sự đổi mới, hồi sinh của đề tài nông thôn

Ở mảng văn xuôi nông thôn, Trần Cương có bài Văn xuôi viết về nông thôn từ nửa sau 80. Từ điểm nhìn tổng quan, tác giả đã khái quát được những nét cơ bản về nông thôn từ 1930 - 1975, nhìn chung bức tranh hiện thực nông thôn thuộc phần “bề nổi” của cuộc sống, đó cũng chính là những phần bức thiết bấy giờ. Đến giai đoạn tiền đổi mới, trong bối cảnh Việt Nam sau chiến tranh với những tổn thất nặng nề, nền kinh tế tự cung tự cấp, cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp ngày càng bộc lộ nhiều khuyết tật… nên tâm lý chung của toàn xã hội là truy tìm nguyên nhân của những yếu kém xuống cấp. Đứng trước những trăn trở đó, văn xuôi và tiểu thuyết nông thôn bắt đầu chuyển mình và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, thế nhưng thật sự đổi mới phải bắt đầu sau Đại hội Đảng lần VI. Sự đổi mới có được nhờ từ hai phía: sự chuyển mình của nông thôn và sự chuyển đổi điểm nhìn từ chính bản thân của mỗi nhà văn. Khác với Trần Cương, trong bài Tiểu thuyết mở đầu thế kỷ XXI trong tiến trình văn học Việt Nam từ tháng 8-1945, Phong Lê không đi sâu tìm hiểu văn xuôi viết về nông thôn. Ở đây, tác giả đã nhìn truyền thống văn học trên hai đề tài lớn: chiến tranh và nông thôn. Trong đó, đề tài nông thôn “có chiều dài lịch sử ngót một thế kỷ mà công lao tạo dựng đầu tiên là hơn một thế hệ người viết, kể từ Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn… đến Ngô Tất Tố, Nam Cao… và cuộc tìm kiếm kéo dài hơn 20 năm, nhằm xác định một mô hình thích hợp cho sự phát triển của đất nước trong tương ứng với thời đại của những cuộc cách mạng xã hội và khoa học – kỹ thuật” <9;tr.21>. Trong bài Các nhà tiểu thuyết nông thôn trong cơ chế thị trường, Hoàng Minh Tường cũng khẳng định: mảng văn xuôi viết về nông thôn có lịch sử của nó, từ Hồ Biểu Chánh, Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… Những nhà văn này đã giữ lại vốn văn hóa, đời sống tâm hồn người Việt ở thời đại họ và cho hậu thế, tạo một dòng chảy liên tục đến hôm nay. Ông nhận định sâu về mặt chuyển biến của “mảng tiểu thuyết nông thôn đã phần nào làm được một công việc là ghi lại những biến động ở nông thôn cùng những đổi thay, những vật vã của một thời. Hai chủ đề khá nổi bật được phản ánh trong hầu hết các tác phẩm, là những xung đột âm ỉ quyết liệt về dòng họ, và cuộc vật vã thoát khỏi thời kỳ quan niệm bao cấp, xác lập một cơ chế làm ăn mới” <14;tr.64>. Góp lời nhận xét, trong bài Hiện trạng tiểu thuyết, Bùi Việt Thắng đã khẳng định: “Các nhà tiểu thuyết hôm nay đã từ bỏ được lối nhìn dễ dãi về đời sống con người… Họ đã thôi nhìn nông thôn với cảnh điền viên, trống dong cờ mở. Nông thôn đích thực hiện ra trong tiểu thuyết của các anh trong khung cảnh “long trời lở đất” rối rắm và cũng nhìn vào nông thôn ấy ta sẽ thấy cả xã hội Việt Nam mấy chục năm qua” <15;tr.9>.

Tôn Phương Lan đi vào xác định ranh giới khác biệt của tiểu thuyết nông thôn trước và sau đổi mới. Trong bài Về hướng tiếp cận mới đối với hiện thực trong văn xuôi sau 1975, Tôn Phương Lan cho rằng: “Lâu nay vấn đề người nông dân hầu như chỉ được nhìn nhận qua vấn đề ruộng đất, vấn đề vào ra hợp tác xã, giờ đây vấn đề đó được nhà văn nhìn vào số phận lịch sử của họ. Và lịch sử đất nước được hiện ra qua lịch sử cuộc đời nhân vật trong cuộc mưu sinh, trong sự duy trì đóng góp để làm nghĩa vụ cho Tổ quốc, với phần trách nhiệm của từng hoàn cảnh gia đình”<8;tr.50>. Từ góc độ đó, tác giả chỉ ra rằng “đã có một cách soát xét lại một thời đã qua, thông qua những số phận cá nhân và những vấn đề của một làng xã, một dòng họ” <8;tr.48>, trong đó “nổi bật lên là mối mâu thuẫn về quyền lợi cá nhân nấp dưới vấn đề họ tộc” <8;tr.40>. Nhân dịp Cuộc thi tiểu thuyết lần 2 (2002-2004) kết thúc, báo Sài Gòn giải phóng có cuộc trao đổi với nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông khẳng định: có mùa gặt mới của tiểu thuyết nông thôn đầu thế kỷ XXI. Nét mới của cuộc thi tiểu thuyết lần 2 là các nhà văn đã có sự mở rộng biên độ khi viết về nông thôn. Họ “đặt nông thôn Việt Nam trong những biến cố của dân tộc đầy bão táp theo chiều dài lịch sử”, “với độ mở và góc khuất mà trước đó nhiều nhà văn chưa có điều kiện để truyền tải tới bạn đọc. Những yếu tố đó tạo nên bộ mặt và sức bền của nông thôn Việt Nam. Qua Dòng Sông MíaCánh đồng lưu lạc… đã chứng tỏ được “sức sống của dân tộc, cốt cách của người nông dân được phác họa thật sắc sảo”.

Trong bài viết Tìm kiếm những trang viết về nông thôn, Đỗ Kim Cuông đã tập hợp những ý kiến tham luận của các nhà văn tham gia Hội nghị nhà văn các tỉnh phía Bắc tại thành phố Hải Phòng diễn ra vào ngày 10/10/2003. Nhiều nhà văn nói lên những suy nghĩ, tâm tư tình cảm rất chân thành, giàu tâm huyết và sâu sắc về nông thôn và nông dân trong thời đại mới. Họ cùng chung quan điểm: sau đổi mới, bộ mặt đời sống nông thôn, cuộc sống nông dân đang từng ngày thay da đổi thịt, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, cạm bẫy. Do đó, mảng sáng tác“về nông thôn và nhân dân vẫn là một đề tài lớn”, “vẫn có sức lôi cuốn bạn đọc, vẫn kích thích các nhà văn sáng tạo”. Phạm Ngọc Tiến trong bài Đề tài nông thôn không bao giờ mòn cũng có cái nhìn lạc quan. Tác giả khẳng định đề tài nông thôn không hề “bạc màu”,“không bao giờ mòn”. Bởi, nông thôn Việt Nam đang từng bước chuyển mình, đáng được ghi nhận. Quá trình nông thôn hóa, sự tác động của công nghiệp vào nông nghiệp, sự lai căng về văn hóa… cũng có mặt tích cực và tiêu cực nên đáng để các nhà văn suy ngẫm, trăn trở. Cùng quan điểm, trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Đăng Điệp đánh giá rất xác đáng: “Văn học về nông dân và nông thôn tuy ít người theo đuổi nhưng vẫn chưa đến mức đoản mệnh”, “số lượng người viết về nông thôn nhiều hay ít không phải là quá quan trọng mà quan trọng hơn nhiều là làm sao để có được nhiều tác phẩm hay”. Bùi Ngọc Tấn cũng rất tin tưởng, lạc quan khi cho rằng: trong thời gian gần đây, mảng văn học nói chung, tiểu thuyết nông thôn nói riêng có những tác phẩm hay, đáp ứng được tầm đón đợi của bạn đọc: “Chúng ta sẽ viết được những cuốn tiểu thuyết như chúng ta hằng mong ước, cũng như tôi luôn tin mỗi giọt máu của chúng ta đều cháy lên lòng yêu nhân dân, yêu đất nước; một nhân dân, một đất nước đã đổ máu, đổ mồ hôi, đang vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống mới và đang chờ đón những tác phẩm của chúng ta”.

Trong công trình nghiên cứu Tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 – 2005: Diện mạo và đặc điểm, Lê Thị Hường đã chỉ ra được những đặc điểm chính của tiểu thuyết giai đoạn này là sự đa dạng về hệ đề tài, trong đó đề tài nông thôn là một trong những đề tài có lực hút đối với các nhà tiểu thuyết đương đại: tiểu thuyết về đề tài nông thôn sau 1986 đã gây được ấn tượng. Các nhà văn đã gặp gỡ nhau ở vấn đề cốt lõi của nông thôn: gia đình và dòng tộc, phong tục, nếp nghĩ, nếp sống của những con người sống trên những mảnh đất phần lớn còn chịu sức đè của những thói tục cũ. Năm 2000, trong Luận án TS. Ngữ văn, Nguyễn Mạnh Hùng đã khảo sát Sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975 một cách có hệ thống và có những đóng góp đáng kể. Trên phương diện đề tài, tác giả nhận xét rất xác đáng về vị trí của đề tài nông thôn trong dòng chảy văn học: “Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bây giờ là nhiệm vụ trung tâm của thời đại, nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu và phần lớn số dân là nông dân, vai trò to lớn của nông dân và nông nghiệp đối với đất nước, lối sống và tâm lý nông dân cũng như ảnh hưởng của chúng đối với đời sống xã hội, cảnh sắc làng quê và hấp dẫn của nó đối với nghệ thuật, và cao hơn hết là sự hiểu biết cũng như tình cảm của nhà văn đối với người nông dân với những bước đường đi theo cách mạng”. Và đề tài nông thôn đã, đang và sẽ rất hấp dẫn đối với tiểu thuyết gia đương đại.

Như vậy, nhiều bài viết khẳng định văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn đã thực sự phục sinh, để lại dấu ấn qua mỗi giai đoạn, mỗi tác giả và tác phẩm, tuy nhiên vẫn chưa có những đỉnh cao, gây được tiếng vang lớn như một số tác phẩm giai đoạn 1932-1945. Trên thực tế, nó đã không đi theo những lối mòn quen thuộc, mà đã có những bước chuyển mình, hứa hẹn những thành tựu trong tương lai.

2. Những ý kiến quan ngại về dấu hiệu chững lại của đề tài nông thôn

Những năm trở lại đây, một số nhà văn, nhà nghiên cứu băn khoăn trước thực trạng ngày càng thưa dần, thiếu vắng các tác phẩm viết về nông thôn. Trong bài Đề tài về người nông dân, làm sao cho xứng tầm, Đào Thái Tuấn cho rằng: nông thôn Việt Nam đang “đứng trước công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước hiện nay rất nhiều vấn đề về Nông nghiệp – Nông thôn đã nảy sinh”, do đó“mảng về văn học nông thôn rất quan trọng”. Nhưng thời gian gần đây “chỉ lẻ tẻ một vài tác phẩm viết về nông thôn”, “các nhà văn chưa đi sâu vào để tiếp tục khai thác”, vì vậy“đây là một thiếu sót của giới sáng tác văn học nghệ thuật”. Đây chính là dấu hiệu của sự chững lại của văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn và nó còn kéo dài sang thập niên đầu của thế kỷ XXI. Trong bài Tiểu thuyết 2009 trong chuyển động của tiểu thuyết Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI, Đỗ Hải Ninh cho rằng: đời sống của tiểu thuyết nông thôn sau đổi mới, đặc biệt thập niên đầu thế kỷ XXI khá bình lặng, mặc dù có những cuộc thảo luận, trao đổi: “Với một quốc gia có hơn bảy mươi phần trăm dân số sống ở nông thôn như Việt Nam, trong quá khứ đã từng có những tác phẩm xuất sắc về nông thôn thì hiện nay sáng tác hay về đề tài này lại không nhiều… vẫn chưa dành sự quan tâm đích đáng mặc dù cách đây mấy năm đã có vài ba tác phẩm gây được sự quan tâm của người đọc như Dòng sông Mía (Đào Thắng), Trăm năm thoáng chốc (Vũ Huy Anh), Cách đồng lưu lạc (Hoàng Đình Quang). Số tác phẩm xuất bản năm nay lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết lần 3 rất ít như Cách trở âm dương (Vũ Huy Anh), Họ vẫn chưa về (Nguyễn Thế Hùng), Thần thánh và bươm bướm (Đỗ Minh Tuấn)”. Trong bài Nhà quê, nông thôn: Tự nó và về nó, Mai Anh Tuấn cho rằng: dẫu có hẳn một hội thảo mang tên “Văn học với đề tài Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn”, nhưng “văn học chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về tam nông như “tầm” của nó”. Trong bài Nhà văn với đời sống nông thôn và nông dân ngày nay, Nguyễn Bính Hồng Cầu cũng khẳng định: văn học Việt Nam có “bề dày lịch sử, có thành tựu”, nhưng thẳng thắn mà nói “còn thiếu vắng về đề tài nông thôn, nhất là nông thôn ngày nay đang trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

Một số người còn dự báo đề tài nông thôn hiện tại và tương lai sẽ trở nên vắng bóng, nhạt nhòa trong giới sáng tác trẻ. Đỗ Hải Ninh gióng lên hồi chuông báo động về mảng đề tài nông thôn ngày càng ít ỏi hơn, vắng bóng hơn đối với thế hệ viết văn trẻ. Những cây bút trẻ chuyên sáng tác đề tài nông thôn “có thể đếm trên đầu ngón tay”. Hồ Huy Sơn cũng đã chỉ ra sự thật đau lòng là giới sáng tác trẻ hiện nay đang hào hứng, chạy đua với đề tài “hót” (sex, les, gay, ma, kinh dị, trinh thám), còn  đề tài nông thôn họ lại “xa lánh”. Do đó, hiện nay nhà văn trẻ viết về mảng đề tài này rất “ít ỏi”. Trong bài Những trang viết trẻ thiếu chất nông thôn, Hồ Quỳnh Yên có cái nhìn đối sánh giữa hai thế hệ sáng tác, sau đó khẳng định: thế hệ trước 1986 (Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Minh Châu, Đào Thắng, Nguyễn Huy Thiệp) chuyên tâm hơn và có những tác phẩm xuất sắc (Thời xa vắngBến không chồngMảnh đất lắm người nhiều maKhách ở quê ra,Dòng sông Mía). Ngược lại, thật khó khăn khi kể tên các tác giả trẻ nổi lên trong những năm gần đây viết về nông thôn. Đây đó, bắt gặp Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy (miền Bắc), Ngô Phan Lưu (miền Trung), Nguyễn Ngọc Tư (miền Nam). Tác giả còn chỉ ra một thực tế đau lòng: “Chúng ta thử đi vào một tiệm sách tìm sáng tác của những nhà văn trẻ, nhìn vào từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, thấy nổi lên: 48h yêu nhauLạc giớiĐường còn dài còn dàiDị bảnKhi nào anh thuộc về em,Giường…”. Cuối cùng tác giả đi đến kết luận: “Xã hội nông thôn đang dần bị thu hẹp trong những trang viết trẻ. Đây là thực trạng có thật và đang trở thành mối quan tâm lớn trong thời gian vừa qua… Những tác giả trở về sau càng thể hiện rõ điều đó”. Cùng quan điểm, trong cuộc phỏng vấn ngắn với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Đăng Điệp cũng đã khẳng định: trong lịch sử văn học dân tộc có rất nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài nông thôn (Tắt đènChí PhèoVợ nhặtVỡ đê). Thời đổi mới cũng có một số tác phẩm gây được sự chú ý bạn đọc, nghiên cứu (Khách ở quê raPhiên chợ GiátMảnh đất lắm người nhiều maBài học nông thôn), nhưng thuộc về các nhà văn lớp trước. Còn thực tế hiện nay đang diễn ra là các nhà văn trẻ không mấy mặn mà với đề tài nông thôn: “Nhìn vào văn học trẻ hiện nay, không chỉ tôi mà nhiều người điều thấy chuyện đó… Ngay cả những cuộc tọa đàm về văn học gần đây Hội Nhà văn tổ chức cũng không có tác phẩm nào thật sự chuyên chú về người nông dân”. Ngay lĩnh vực nghệ thuật khác như truyền hình, sâu khấu cũng cùng chung số phận. Hồ Ngọc Xung trăn trở, băn khoăn trước thực trạng đề tài nông thôn và nông dân ngày càng ít đi, lép vế so với các đề tài khác: “Trong mấy năm gần đây, số đầu phim Việt Nam được phát sóng lên tới hàng trăm… Nhưng trong số đó, phim có đề tài nông thôn, nông dân thực sự không nhiều. Gây tiếng vang nhất của đề tài này trong thời gian qua là hai bộ phim Ma làng vàGió làng Kình… Lĩnh vực sân khấu (tuồng, chèo, cải lương), hiện tượng hiếm vở diễn về người nông dân và nông thôn cũng đang diễn ra… hình ảnh người nông dân cũng mờ nhạt dần và đến gần đây thì vắng bóng hoàn toàn trên sân khấu dân tộc”. Như vậy, sự băn khoăn, lo lắng của bạn đọc, giới nghiên cứu cũng như từ chính  giới sáng tác về sự giảm sút chất lượng và số lượng các tác phẩm viết về đề tài nông thôn là có cơ sở, đúng với tình hình hiện nay. Thực tế đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho văn giới và đặt ra cho họ trách nhiệm khi viết về nông thôn và nông dân.

Các nhà nghiên cứu đi trước đã khẳng định đề tài nông thôn có chiều dài lịch sử, trong đó tiểu thuyết nông thôn có những đóng góp nhất định trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Họ tỏ ra tin tưởng, lạc quan, hi vọng vào sự hồi sinh và tương lai của đề tài nông thôn nói chung và tiểu thuyết viết về nông thôn nói riêng sẽ gặt hái nhiều thành công hơn. Tiểu thuyết viết về nông thôn sau 1986 đã có sự bứt phá trong việc mở rộng biên độ hiện thực trong bức tranh nông thôn và đi sâu khám phá số phận người nông dân trong cơn bão tố lịch sử và cơn lốc của cơ chế thị trường; có sự cách tân, đổi mới trong nghệ thuật tự sự như cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, không gian – thời gian… Tuy nhiên, đó mới chỉ những nét chấm phá tản mạn chứ chưa bàn sâu, bàn kĩ, vì vậy nó vẫn còn ẩn số, chứa đựng nhiều vấn đề mới mẻ, thú vị cần khám phá. Chúng tôi kế thừa thành tựu của những người đi trước để nghiên cứu toàn diện và đầy đủ hơn, nhằm khẳng định thành công và chỉ ra một cách có hệ thống những thành tựu đó trên các bình diện nội dung và nghệ thuật.

B.N.H

------

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Bính Hồng Cầu (2012), “Nhà văn với đời sống nông thôn và nông dân ngày nay”,Phongdiep.net.

2. Đỗ Kim Cuông (2003), “Tìm kiếm những trang viết về nông thôn”, Vietbao.vn.

3. Trần Cương (1995), “Văn xuôi viết về nông thôn từ nửa sau những năm 80”,Văn học, (4).

4. Hải Giám (2010), “Nhà văn trẻ không mấy mặn mà với đề tài nông thôn”, Baomoi.com.

5. Thu Hiền (2010), “Nghệ thuật “quên” đề tài nông thôn?”,Suckhoedoisong.vn.

6. Nguyễn Mạnh Hùng (2000), Sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975 (qua đề tài và nhân vật), Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Tp. HCM.

7. Lê Thị Hường (2008), Tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2005 diện mạo và đặc điểm, Đề tài khoa học cônnghệ cấp Bộ, Đại học Sư phạm Huế.

8. Tôn Phương Lan (2005), “Về hướng tiếp cận mới đối với hiện thực trong văn xuôi sau 1975” in trong sáchVăn chương và cảm nhận, Khoa học Xã hội, Hà Nội.

9. Phong Lê (2005),“Tiểu thuyết mở đầu thế kỉ XXI trong tiến trình Văn học Việt Nam từ tháng Tám -1945”, Nghiên cứu Văn học, (9).

10. Hồ Huy Sơn (2009), “Nhà văn trẻ quên quê mình?”, Tienphongonline.

11. Phạm Ngọc Tiến (2007), “Đề tài nông thôn không bao giờ mòn”, Tuoitre.vn.

12. Đào Thái Tuấn (2008), “Đề tài về người nông dân, làm sao cho xứng tầm?”, Văn nghệ, (8).

13. Mai Anh Tuấn (2005), “Nhà quê, nông thôn: Tự nó và về nó”, Phongdiep.net.

14. Hoàng Minh Tường (2002), “Các nhà tiểu thuyết về nông thôn cơ chế thị trường”, Nhà văn, (3).

15. Bùi Việt Thắng (2005), “Hiện trạng tiểu thuyết” in trong sách Tiểu thuyết đương đại, Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

16. Thủy Vân (2005), “Bước đột phá của tiểu thuyết Việt Nam”, Saigongiaiphong online.

17. Đỗ Hải Ninh (2010), “Tiểu thuyết 2009 trong chuyển động của tiểu thuyết Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI”, Vannghequandoi.com.vn.

18. Hồ Quỳnh Yên (2009), “Những trang viết trẻ thiếu chất nông thôn”, Tienphongonline. 

 

Bùi Như Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 225 tháng 06/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground