Chèo thuyền vào thăm thắng cảnh Tràng An. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Đương nhiên, một địa phương muốn thực sự cất cánh phải nghiêm túc trả lời chính xác ba câu hỏi chính: mình có gì, mình cần gì và mình phải làm gì, làm như thế nào để tiến nhanh đến đích. Hai câu hỏi đầu đáp án không khó, nhưng câu hỏi cuối cùng thì đáp án không dễ, vì nó quyết định việc thành bại của đường lối phát triển.
Công bằng mà nói, sau khi có chủ trương phát triển kinh tế từ Thủ tướng Chính phủ cho vùng duyên hải miền Trung, trong đó có Bắc Trung Bộ, cũng như định hướng liên kết vùng, các tỉnh đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế địa phương, mà dễ thấy nhất là dựa vào tiềm năng, thế mạnh của mình. Nếu đi dọc các tỉnh này, sẽ chứng kiến những đổi thay đáng mừng trên các địa phương vốn thuộc “vùng trũng” trong phát triển kinh tế của cả nước, nhiều tín hiệu cho thấy sự khởi sắc của các vùng quê dù trải qua nhiều thử thách, đặc biệt là dịch bệnh, thiên tai.
Nhiều vùng trọng điểm kinh tế của các tỉnh như Khu kinh tế Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình), Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, Dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa)... đã mở ra những triển vọng mới cho các địa phương. Nhưng dù vậy, câu chuyện đẩy mạnh tốc độ phát triển một cách bền vững của các địa phương này vẫn là một bài toán khó, nhiều khi đặt ra những nan đề chưa dễ giải quyết, chưa kể khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế là không nhỏ khiến cho đáp án càng không đơn giản.
Khi nói về viễn cảnh bức tranh kinh tế của một địa phương, người ta thường hay dẫn số liệu là có bao nhiêu dự án đầu tư, tổng kinh phí là nhiều đến mức nào, có dự án nào tầm cỡ... tất nhiên cách nhìn như vậy là không hề sai, có điều nó đúng nhưng chưa đủ. Bởi nếu theo dõi chuyện đầu tư là một quá trình, nhiều mặt khác nhau và có khi phải tìm hiểu cả chiều sâu, vì không chỉ là những con số ban đầu, cho dù đó là những thống kê hấp dẫn.
Đặt ra phản đề này là muốn nhấn mạnh đến chất lượng đầu tư, là muốn đề cao sự tăng trưởng bền vững, không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn về chất lượng sống, môi trường xã hội và nhân văn... nghĩa là phải tăng trưởng về nhiều mặt, tăng trưởng thực chất và lâu dài. Mục đích cuối cùng vẫn là hướng đến con người, hướng đến cộng đồng. Còn nếu dự án thì nhiều, khởi công rầm rộ nhưng rồi đầu voi đuôi chuột thành dự án treo, hoặc bị làm biến dạng, tiến thoái lưỡng nan, hoặc ảnh hưởng đến môi trường, chưa thành hình mà dân tình ta than, hoặc chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm… thì đó là thu hút đầu tư thất bại ngay cả khi các dự án chưa đi vào hoạt động. Lấy vài ví dụ không nói là dẫn chứng trực tiếp mà mang tính chất minh họa để tham khảo, chẳng hạn thông tin năm 2021 tại các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... có hàng chục dự án điện gió khởi động, đi vào hoạt động.
Đương nhiên, đó là thông tin vui nhìn từ góc độ năng lượng sạch, nhưng phải tìm hiểu xem các dự án này có xâm hại rừng hay không, liệu có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của người dân? Nếu không có vấn đề gì thì đúng là rất hoan nghênh, còn nếu có thì nhiều khi lợi bất cập hại. Hay những ngày cận tết cổ truyền rồi mà hay tin Bộ GTVT phê duyệt chi tiết cảng hàng không Quảng Trị, rồi thì tỉnh Ninh Bình đề xuất bổ sung quy hoạch xây dựng sân bay. Việc có thêm sân bay nhưng có thực sự phát huy hiệu quả hay phải chờ đợi thời gian và thực tế kiểm nghiệm. Bởi nguồn lực xã hội cần phải được đầu tư đúng hướng mới phát huy tác dụng, nếu không sẽ làm chậm bước tiến của một tỉnh, một vùng, thậm chí cả một quốc gia.
Tiềm năng, lợi thế các tỉnh Bắc Trung Bộ thì có nhiều như có biển, có rừng, quỹ đất khá lớn, có quốc lộ 1.A chạy qua, thông thương với nước bạn Lào với quan hệ hữu nghị đặc biệt, có hành lang kinh tế Đông-Tây... nhưng cái khó cũng không ít. Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bắc Trung Bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng doanh nghiệp chỉ chiếm 5,5 % của cả nước, mặc dù có dự án khá lớn như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nhưng trình độ phát triển của doanh nghiệp bằng 1/3 mức phát triển trung bình của cả nước, chứng tỏ công nghiệp khu vực này vẫn chưa phát triển và tạo nên điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng khu vực Bắc Trung Bộ.
Mặt khác như chúng ta đã thấy, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông của hầu hết các địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo Ts Lộc thì cần thành lập Hội đồng liên kết vùng để vạch ra chiến lược phát triển kinh tế của cả khu vực Bắc Trung Bộ.
Còn theo một chuyên gia khác là bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp công tác tại Viện Chiến lược phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì muốn tháo gỡ những những ách tắc trên đường phát triển phải giải quyết 4 vấn đề then chốt: Một là phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung cho giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết vùng; hai là thúc đẩy du lịch biển kết hợp với du lịch nhân văn, thế mạnh của Bắc Trung Bộ, hình thành các cụm du lịch; ba là phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, chú trọng các cảng biển nước sâu tại Vũng Áng và các dịch vụ logictics; bốn là phát triển công nghiệp công nghệ cao, chế biến thủy sản.
Điện gió ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thiên Sơn.
Phải nhìn nhận rằng vẫn còn tình trạng lãnh đạo tỉnh lúng túng trong việc định hướng phát triển cho địa phương của mình, nên có khi dẫn đến sai lầm. Còn nhớ cách đây chưa lâu, có tỉnh cứ đưa vào chương trình kinh tế trọng điểm là mỗi năm phải trồng mới cho được 1000ha cao su. Và như thực tế cho thấy, việc phát triển ồ ạt cây cao su đã dẫn đến hậu quả không nhỏ như một bài học nhãn tiền. Hay chẳng hạn chúng ta suy nghĩ về cây hồ tiêu, mấy năm trở lại đây rớt giá.
Tiêu của ta xuất thô vẫn không được giá nhưng ở thị trường nước ngoài thì tiêu sạch vẫn giá cao. Phải tìm hướng khác. Và có địa phương đã bắt đầu chuyển động. Năm 2019 Quảng Trị xuất khẩu 18 tấn tiêu sạch với giá cao mỗi kg cao hơn thị trường trong nước 20.000 đồng, đó là tín hiệu đáng mừng. Cần phải đầu tư cho sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nếu muốn tăng thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững. Còn như Thanh Hóa, được xem là “Vương quốc tre”. Nếu chỉ trồng tre lấy măng và làm nhà theo kiểu cổ truyền chắc khó có thể làm tăng giá trị sản phẩm, nhưng nếu tìm hướng phát triển thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây tre tạo nên thương phẩm và thị trường ổn định thì người trồng tre chắc chắn có đời sống ngày càng khấm khá.
Tất nhiên đây là chuyện khó nhưng rất đáng làm, đáng quan tâm nếu muốn cây tre vươn mình hơn nữa. Hay tour du lịch “Một ngày ăn cơm ba nước” Việt Nam-Lào-Thái Lan chỉ mới nghe tên gọi đã thấy hấp dẫn nhưng vì sao vẫn chưa cất cánh đúng nghĩa, là điều cần trăn trở. Hay việc một lần tuột tay với Khu Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) trong phát triển kinh tế cửa khẩu là học phí không hề rẻ cho những ai thực tâm muốn thay đổi diện mạo một vùng quê, như Quảng Trị.
Về liên kết vùng ở Bắc Trung Bộ thì dễ thấy là hợp tác trong du lịch. Việc khảo sát du lịch tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để mở ra sự hợp tác với các tỉnh phía Bắc và Trung Trung Bộ. Mặt khác, phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch, ngoài du lịch biển cần mở rộng các loại hình du lịch khác để thu hút du khách, tăng chất lượng, giữ nguyên hoặc giảm giá để kích cầu du lịch nội địa. Cũng như liên kết du lịch giữa các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Quảng Bình cần linh hoạt, năng động hơn nữa để phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Nói về phát triển du lịch hoài niệm như với Quảng Trị mà sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, nói về thăm chiến trường xưa mà không gian chiến địa được phục dựng khá hiếm hoi, phương tiện chiến tranh cũng thiếu vắng là chuyện cần suy ngẫm. Kêu gọi đầu tư cho dù trải thảm nhưng nếu thiếu sự chia sẻ thực tâm dọc hành trình với nhà đầu tư thì câu chuyện dễ đầu voi đuôi chuột. Lại nữa hội chứng phải có giống nhau, chẳng hạn: tôi sân bay, anh sân bay và bạn ấy cũng sân bay như có thời tôi nhà máy đường, anh nhà máy đường, bạn ấy nhà máy đường... đại loại như thế cần phải thực sự cân nhắc lợi hại trước sau.
Bây giờ là thế giới phẳng, là sự tồn tại thông qua liên kết, các địa phương của Bắc Trung Bộ cũng thế, phải tạo nên sức manh tổng lực của liên kết vùng bên cạnh nội lực của từng tỉnh. Đây không còn là thời giành giật dự án với nhau mà phải dựa vào nhau, đồng hành với nhau, ngay cả cạnh tranh lành mạnh cũng phải tính đến chuyện hợp tác mới có thể tồn tại bền vững, phát triển lâu dài. Slogan chung là: Tôi phát triển, anh phát triển và bạn ấy cùng phát triển.
Thiếu một sự liên kết và phát triển tương hỗ sẽ không thể có một tương lai chắc chắn. Và nữa mọi sự phát triển, kể cả những trường phái kinh tế tân tiến nhất cũng phải có sự hiện diện của con người một cách nhân văn, của môi trường sống trong lành và bền vững, không thể chỉ tính đến tăng trưởng thuần túy, đến lợi nhuận lạnh lùng, đến những giải pháp kỹ trị đơn lập. Và đó phải là tương lai không xa khi dự phóng về Bắc Trung Bộ.
Có hai yếu tố mấu chốt đối với từng địa phương: Một là tìm được định hướng đúng và giải pháp phù hợp; hai là cải cách hành chính, đặc biệt là phải tạo dựng được đội ngũ công chức tận tụy với công vụ. Đây là điều kiện cần và đủ để vượt thoát nghèo nàn, lạc hậu và phát triển.
Nói cho cùng mọi sự chỉ có thể chuyển biến tích cực từ một chính quyền, một hệ thống công quyền thực sự kiến tạo và đổi mới.
Đó chính là “chìa khóa vàng” để các tỉnh Bắc Miền Trung có thể mạnh dạn và tự tin dõng dạc, như trong truyện cổ tích, mà rằng: “Vừng ơi, mở cửa” để thực sự tìm thấy vận hội mới cho mình.
PHẠM XUÂN DŨNG