Tập thơ như một tự sự với bằng hữu, với cuộc đời, với đủ cung bậc trải nghiệm đời người, lời lẽ thiết tha và ân cần cùng những chiêm nghiệm lắng sâu được giãi bày, cởi mở…
Bắt đầu là một cơn mưa. Mưa thu. Mưa bất chợt và tác giả chợt nhớ đã từng quen nhau từ một mưa thu, tóc vương hương bồ kết, nay thu giật mình lặng lẽ tóc vương, man mác mưa nào đổ bóng chờ.
Đó là mưa tình. Nhưng còn mưa đời? Đêm lắng nghe, tiếng mưa tỏ / long bong từng hạt rơi / nỗi niềm chi lắm mưa ơi / thị trường mua đi bán lại - mưu tanh / niềm thương không chỗ / nhờ con chữ tạc thành tâm” (Có không).
Với tâm thức này, quê hương hẳn luôn sâu nặng. Xuân Lợi yêu Quảng Trị và dải đất miền Trung hết lòng:
Quê tôi bão tố liên miên / số 9 chưa qua, số 10 ập tới /… Quê tôi biết chắt lọc / khơi trong gạn cạn / khó nhọc / đức hy sinh” (Nông nỗi).
Nên trong cái nhìn thi sĩ, quê nhà đẹp vô ngần, Tết quê thân thương biết bao qua những dòng thơ rất đẹp:
Hoa chanh chúm chím hương bòng / khế xanh ổi mọng nụ hồng chờ trao / ngày xuân chua ngọt nồng nàn / tình quê chan chứa mênh mang đất trời” (Tết quê).
Dĩ nhiên sự quan tâm nhất của bạn đọc sẽ dành cho bài thơ làm tựa đề chính của tập thơ Lời rêu hồn đá. Sự đối trọng, cân xứng của hai thực thể, hai thi ảnh đó biểu đạt điều gì? Đá và rêu đều mang những chỉ dấu của thời gian, có linh hồn, có tiếng nói, đặt trong bốn khổ thơ và kết bằng 4 từ: Đời-người-chơi-vơi. Một cách chơi chữ có dụng ý, khéo léo chuyển tải những thông điệp về đời sống, cả sự kết tinh (rêu), cả sự mỏi mòn (đá), bên bờ cát, bên dấu địa đàng, rồi như chiếc lá bay đi: Nếp nhăn chùng dang dở / day dứt hồn lá / vờn phảng phất / khoảnh khắc/ rơi.
Tương tự với kết cấu này là Trời đất tương tư với nắng-mưa-trời-đất. Những tính chất đặc trưng theo từng thành tố đem đến thông điệp về đời sống: Nắng ngàn ngạt, mưa rủ rỉ, trời nồng nàn, đất gió ngợp. Cùng với đó là những xúc cảm rất nên thơ, đúng nghĩa là tương tư như tâm hồn thi sĩ: bẽn lẽn bóng xa xưa / bên thềm tí tách rơi / thủy triều khao khát tràn / nỗi niềm gánh tương tư…
Tác giả Xuân Lợi (thứ 3 từ trái) nhận Giải B Giải thưởng VHNT tỉnh Quảng Trị năm 2021 - Ảnh: X.L
Thêm điều đáng khen ở Xuân Lợi là làm thơ một cách mạnh bạo, không phụ thuộc tiết tấu, vần điệu mà lúc thả tràn cảm xúc, khi gói ý như nhiên. Chính những điều này tạo nên chất riêng của anh, làm cho những câu thơ mang sắc thái khác, lạ, sâu, đó là những điều thơ ca cần có. Chẳng hạn anh viết:
Nhợt nhạt / đong đưa / Ngột ngạt / cuồng say / xoay mình khao khát đáy sông vò võ / thăm thẳm vỡ toang dáng hình vật vờ… như một phác thảo nhẹ nhàng. Song đến: Sương mỏng chân chất dậm dật bước mê / con tim loạn nhịp vu vơ ngây ngất (Samba) thì đúng là một vũ điệu của nhân loại đắm say.
Viết về Đà Lạt thì hầu như nhiều vô kể, song Xuân Lợi cũng có giọng riêng mình: Giữa ngàn hoa / mắt xanh lòng tím ngắt / lặng lẽ một mình bóng núi chao / nhắm ngày dài nắng chấm / thung lũng tình ray rứt vòng tay (Ngàn thông lêu nghêu).
Cái cách anh đặt tựa cho bài thơ này cũng đã khác người, cũng như anh dùng thi ảnh bóng núi chao, nắng chấm thì quả là độc đáo.
Những người thân với Xuân Lợi đều biết anh là người sống chân thành, tình cảm. Anh yêu quê hương, thương quý những người thân. Những câu thơ anh viết về gia đình luôn da diết:
Bao năm nuôi cháu mồ côi / tiếng ru Nội đẫm vành nôi tròng trành / trên đầu đội mấy vòng tang / nỗi nhà nỗi nước chẹn ngang cuộc đời (Lời Nội ru).
Tàu cau hiu hắt gió đưa / mái tranh khói tỏa rộng mùa lớn khôn / mẹ già tóc trắng đường thôn / thủy chung quanh mảnh vườn con nuôi đời (Mẹ yêu).
Xuân Lợi, cũng như nhiều bạn bè cùng thế hệ, cũng rời mái trường vào bộ đội, nên những vần thơ về người lính luôn có sự vang vọng, tự hào.
Vô tình chạm phải bàn tay / bìa rừng hoa Champa lẻ loi nở / đôi dòng ký ức người lính tâm tình (Về miền ký ức).
Ngày về âm ấm bàn tay / nghĩa tình đồng đội vần xoay cả đời / giảng đường ngày cũ xa rồi / thanh xuân hiến trọn với lời nước non (Kỷ niệm sao quên).
Lời rêu hồn đá còn nhiều bài thơ viết về tình yêu, về những hành trình trên những dặm dài đất nước với rất nhiều cảm xúc cùng ngôn ngữ biểu đạt khá biến hóa. Nhưng phía sau con chữ, người đọc vẫn nhận ra ở nhà thơ một tấm lòng:
Lỗi mùa hẹn chờ mong / đường về ai nhặt lá / khoan dung nơi xứ lạ / thơ lòng tiễn sang sông (Mùa gió trớ).
Không biết từ bữa đó, thơ lòng đã trở về chưa? Có lẽ đã lặn vào lời rêu hồn đá mà thành.
B.P.T
----------------------------------
* Tập thơ đoạt Giải B Giải thưởng VHNT tỉnh Quảng Trị năm 2021.