Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

A.phađêep- Tư chất "điên cuồng" của người dũng cảm

T

háng hai năm 1956, tại Matxcơva, đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX khai mạc. Những tư tưởng của đại hội như những luồng gió mới, cho phép hy vọng nhìn về tương lai. A.phađêep được bầu làm đại biểu đại hội. Nhưng khi đại hội làm việc, thì nhà văn bị ốm kéo dài. Hầu như suốt cả mùa đông ông phải nằm ở bệnh viện. Tuy vậy, ông vẫn chăm chú theo dõi đại hội. Bấy giờ, tâm trạng ông như bị phân đôi: Vừa sung sướng, vừa đau buồn. Sung sướng vì thấy được sự lớn mạnh của Đảng, nhưng không ngờ rằng, con đường mà ông và hàng nghìn người cộng sản, hàng triệu nhân dân đã đi lại gập ghềnh chông gai đến vậy! Những ngày đêm ấy ông ngủ không yên. Ông bị lay động bởi những dòng thơ chát đắng của N.Chikhônôp: “Điều giả dối  đã cùng ăn và uống với chúng ta”.

Người ta chuyển cho Phađêep bức thư của nữ thi sỹ A.Akhơmatôva với yêu cầu “Xem xét lại gấp hồ sơ của con trai bà giúp bà chóng phục hồi lại danh dự. Bà cầu viện tới Phađêep với tư cách là một nhà văn và là con người trung hậu. Ngay từ năm 1953, Phađêep đã có nhận xét tốt về bản thảo của A.Akhơmatôva để đưa đến in tại nhà xuất bản “Nhà văn Xô Viết”. Sau nghị quyết của Trung ương Đảng ngày 4/8/1946, cũng như nhiều nhà văn đương thời khác, Phađêep nói đến tầm quan trọng của văn kiện này nhằm chống “sự suy đồi” và “tình trạng vụ lợi” trong văn học. Nhưng khác với nhiều  đồng nghiệp trong Hội nhà văn, Phađêep có thái độ cư xử tế nhị, lòng thương rất mực đối với M.Dôsencô và A.Akhơmatôva và bao giờ cũng tin ở họ.

Vào những năm năm mươi, A.Akhơmatôva làm việc hết sức căng thẳng. Bà đã viết, đã dịch không nghỉ. Số phận đau đớn của con trai bà: Lép Gumilép làm tâm hồn bà tan nát. Anh ta có năng khiếu khoa học mà nhiều nhà nghiên cứu phương Đông đều công nhận, Phađêep hết sức thông cảm với con trai của bà. Trong thư ngày 2/3/1956 gửi cho Viện kiểm soát quân sự tối cao, nhà văn đã nhấn mạnh đến tình cảnh đó... Không lâu sau đó, Gumilép được tha và làm việc tại Viện bảo tàng Ecmitagiơ. Năm 1960, Viện phương Đông (trực thuộc Viện hàn lâm khoa học LX) công bố công trình lớn của ông. Ông là tiến sĩ sử học, giáo sư hướng dẫn nhiều công trình khoa học xuất sắc.

Hồi còn trẻ Phađêep và M.Sôlôkhôp đã là bạn bè thân thuộc, những người bạn chân chính. Ủng hộ lẫn nhau trong những lúc khó khăn. Sôlôkhôp đánh giá cao các tiểu thuyết Chiến bại và Đội thanh niên cận vệ với lời lẽ rành rành: “Không có một ai trong chúng ta, trước nhà văn - như Phađêep, người đã nắm được các đặc điểm của văn xuôi một cách tuyệt vời và thể hiện một cách sâu sắc, xúc động khi viết về thế hệ trẻ, và trong Đội thanh niên cận vệ đặc điểm đó đã được thể hiện một cách đầy đủ qua tài năng lớn của ông”. Còn Phađêep thì rất thèm muốn một cuộc sống gắn bó với quê hương như M.Sôlôkhôp, với người vợ trẻ, một cô giáo làng - chị Maria Pêt’rôpna. Phađêep thú vị là Sôlôkhôp gọi ông là “người Mátcơva chính cống”. Trong thời gian viết Đội thanh niên cận vệ, A.Giơđanôp gọi Sôlôkhôp đến Trung ương Đoàn TNCS. Cuộc nói chuyện không lâu và để lại cho nhà văn một cảm giác dễ chịu. Sôlôkhôp để lại cuộc gặp:

A.Giơđanôp đề nghị: Mikhain Alêxăngđrơvich ạ, chúng tôi có một yêu cầu quan trọng đối với anh: Hiện Phađêep đang viết tiểu thuyết về Craxnôđông, anh ta ngồi khắp nơi để làm việc với một sự phấn chấn lạ thường. Thế đấy! Liệu anh có thể lãnh đạo Hội nhà văn một thời gian được không? Sôlôkhôp lúng túng trong chốc lát, nhưng rồi cũng tìm cách từ chối khéo:

Ăngđrây Alecxăngđrơvich, xin cám ơn lời đề nghị của đồng chí. Nhưng hiện nay tôi đã lấy vé về quê rồi, ba giờ nữa tàu chạy.

Giơđanôp lấy làm khó chịu, cười gượng và nói:

-“Tất cả đã rõ. Tôi đã hiểu được tính láu lỉnh của anh. Thôi hãy lên đường, nếu như có vé  trong tay”.

Tuy vậy giữa hai nhà văn cũng có những lúc không hiểu nhau. Vào những năm cuối đời của Phađêep, hai người  rất ít gặp nhau. Phát biểu của Sôlôkhôp đối với công việc của Phađêep, người lãnh đạo cao nhất của Hội nhà văn, không làm Phađêep bằng lòng. Đặc biệt Sôlôkhôp đã gọi ông “là tổng thư ký tham quyền cố vị”, “tự nguyện làm tù binh cho chức vụ quản lý”. Như vậy thật oan uổng cho ông! Trách nhiệm cao cả ở Hội nhà văn là do Đảng đặt, là do hội nghị toàn thể các nhà văn nhất trí bầu... Bạn bè và cả những kẻ không ưa ông đều đánh giá cao năng lực, lòng trung thành của ông đối với sự nghiệp văn học. Ông có thể có khuyết điểm, nhưng không bao giờ trốn tránh trách nhiệm, đùn  đẩy khuyết điểm cho người khác. Không biết bao nhiêu sức lực và thì giờ mà Phađêep để dành cho phong trào văn học!

Hồi còn trẻ, có lần, Sôlôkhôp đã viết thư cho Phađêep: “Tớ thèm được như cậu, bởi vì không có một móng lừa nào đá hậu cậu:. Những cú đá hậu của lũ lừa không chỉ nhằm vào tác giả Sông Đông êm đềm. Vào những năm sau chiến tranh, việc phê phán Phađêep hầu như trở thành “nếp sống” của mỗi hội nghị. Ông không giận dữ, trả đũa những kẻ phê bình mình mà coi đó là một hình thức dân chủ hoá. Nhưng khi biết được rằng, có những kẻ đã mưu toan phá rối, hằn học với động cơ cá nhân chủ nghĩa... thì toàn bọ tư chất nổi loạn, tài năng hùng biện của nhà văn xuất hiện trên diển đàn và những kẻ phá rối kia tưởng như đứng trước một quả tạc đạn nổ, chỉ còn lại là khói và mảnh vụn...

Phađêep là con người dũng cảm. K.Ximônôp kể lại rằng, có một lần, Xtalin đề nghị nâng mức giải thưởng cho một nhà văn nữ “hợp mốt” lúc bấy giờ. Lúc đó có ba mức thưởng. Hội đồng văn học xét thưởng cho chị ta loại ba. Nhưng Xtalin không đồng ý và đề nghị loại hai. Phađêep phản đối với thái độ kiên nhẫn tối đa và trong một hoàn cảnh đặc biệt. Xtalin lặp lại những lý lẽ của mình và hỏi thêm: “Thế thì chúng ta trao tặng giải nào?

Phađêep cau có trả lời: “Đó lag ý muốn của đồng chí - nhưng chị ta viết tòi quá!”.

Lần đó không phải là lần duy nhất. Tác giả Đội thanh niên cận vệ đã nhiều lần gửi thư cho Trung ương, cho Xtalin đề nghị miễn gánh vác công việc của Hội, để được sáng tác. Ông hân hoan khi được tự do sáng tác. Nhật ký ghi lại: “Suốt năm cảm thấy mình tự do tháo khỏi những công việc sự vụ, cảm thấy mình là nhà văn có nghề. Chính đó là một hạnh phúc...” “Tôi không thể viết báo cáo đọc tại hội nghị toàn thể được, tôi không thể làm việc ở Hội nhà văn hoặc ở một cơ quan nào khác, trước khi người ta thông báo cho tôi kết thúc tiểu thuyết mới: Luyện kim đen. Cấp trên cho tôi một năm để nghỉ phép... Nhưng sáu lần trong năm đó người ta đã cử tôi đi nước ngoài. Người ta đã kéo tôi một cách không thương tiếc ra khỏi Magơnhitôgork, Tsêliabinxơ , Dnheprôpetrốp, hai tuần trước khi ra đi nước ngoài để tham gia chuẩn bị những văn kiện...”

Tính cách Phađêep rất mạnh mẽ, ông đã đấu tranh bằng mọi cách cho sự thắng lợi của chân lý. Nhà văn đã viết nhiều thư cho Xo Viết tối cao, Viện kiểm soát quân sự tối cao với những lý do sắc sảo, rõ ràng bảo vệ những con người trung thực: nhà văn, nhà khoa học, những người bạn cùng chiến đấu, những số phận hẩm hiu, cay đắng dưới bàn tay trấn áp tàn bạo của Bêria và Êgiốp. Sự sụp đổ của Bêria vào mùa hè 1953 được Phađêep hoan hỷ thở phào: “Thế là hết! ...Nhưng thật đáng tiếc, con đường dẫn tới sự thật thật gian khổ...”.

Trên bàn Phađêep có một bức thư của chị Liđia Êphimôva Xiđôrencô, vợ goá của kỹ sư đầu ngành luyện kim Ivan Apriatkin, vốn là bạn học tại trường mỏ với Phađêep. Năm 1937, cũng như số phận của hàng nghìn nạn nhân của sự xuyên tạc, vu khống, hăm dọa, Apriatkin bị bắt và coi là “kẻ thù của nhân dân” và sau đó không lâu thì bị bắn. Cái chết bi thảm của ông rất lâu về sau cả vợ ông và cả Phađêep mới biết được. Liđia đề nghị với Phađêep, với tư cách là bạn học thời trẻ, cầu xin cấp xét xử cao nhất, minh oan cho chồng chị.

   Phải nói rằng, bấy giờ ở Phađêep có đầy  đủ cơ sở để không can thiệp vào công việc quá ư phức tạp này. Chỉ đến năm 1953, sau khi hoạt động tội ác của Bêria bị bóc trần, lúc bấy giờ đời sống tinh thần của xã hội được tự do hơn, đạo đức và công lý được phục hồi, thì Phađêep mới có điều kiện để đấu tranh cho sự thật. Tuy vậy, không ít người, cả trong giới trí thức vẫn sống theo trật tự cũ. Tâm lý sợ sệt, bàng quan ngự trị trong đời sống. Phađêep không giống như vậy. Trước năm 1946, tức là trước Đại hội Đảng lần thứ XX, Phađêep là nhà văn đầu tiên và đơn độc “tấn công” vào những cấp xét xử khác nhau với yêu cầu là rút ngắn việc xem xét hồ sơ của người bị tình nghi. Tinh thần của các bức thư thấm đượm  lương tâm trong sáng và sự dũng cảm của người cộng sản. Có thể nói không ngoa: Ông mang trong mình tư chất “ Sự điện cuồng của người dũng cảm”.

Phađêep thường sống theo nguyên tắc: Nếu như tin vào con người, thì tin cho đến cùng. Có nhà phê bình nói rằng, Phađêep căm thù những kẻ nói xấu con người; buồn rầu, đau đớn khi không phủ nhận được những lời nói độc ác về một người nào đó...Những tiểu thuyết của ông vừa là những bi kịch anh hùng vừa là những bài ca sư phạm.

Trong nhiều bản thảo chuẩn bị cho tiểu thuyết Luyện kim đen, chúng ta thấy được nhiều nhân vật quan trọng của Đảng và Nhà nước  Xô Viết như K.Vôrôslôp, Đecginxki, Kirôp, Mikaian, Xtalin.v.v...

Ngày 31-7-1946 ông ghi trong nhật ký của mình “Đến thăm N.X.Khơrútsôp. Sự quyến rũ của ông là ở tính cách dân dã. Trí tuệ của ông cũng dân dã, thoáng rộng, thực tiễn và tràn đầy hài hước với phong thái bên ngoài của ông. Và mặc dù ông là người Nga, thì đối với Ucraina cũng khó tìm được một nhà lãnh đạo nào khác. Những công nhân nông trường ông gọi là Nikita Xécgâyêvích...”.

Phađêep thường nói, người đứng đầu Đảng và Nhà nước phải những người xuất sắc nhất, phải là “hương hoa của nhân dân”. Lòng tin đã giúp ông trở thành  “Con người có lòng trung thành cực kỳ to lớn đối  với cuộc sống” như nhà thơ Lugôpxki đã có lần nói. Ông đau lòng khi được biết kẻ nào đó trong số những người có chức vụ cao lại có hành động như những tên bạo chúa xa xưa hoặc quân ăn thịt người kiểu Nêrôn hoặc Muxxôlini. Ông đau lòng không chỉ vì một số nhà hoạt động chính trị bị sa sút phẩm chất, tự coi mình là kẻ độc tài và tha hoá quyền lực, mà bởi vì, bằng cách này hay cách khác chính họ đã trùm bóng đen lên ánh sáng tư tưởng chung của con người, nhưng lại che đậy bằng những tư tưởng có vẻ là của Lênin.

Nhà thơ E. Đônmatôpxki kể lại theo lời nhà văn Pavlencô rằng, một lần đến thăm Xtalin, Phađêep đã nói đến những hành động có nhân đạo của Bêria, Pavlencô có mặt trong cuộc đối thoại. Biết được nội dung của cuộc đối thoại đó, Bêria bầm gan tím ruột hơn mười năm và cố tìm cách để trả thù, tuyên chiến với Phađêep và Pavlencô, mưu toan tiêu diệt họ trước mắt Xtalin.

Mùa thu năm 1945, nhà thơ Nicôlai Dabôlôxki trở về Matxcơva từ nơi đày ải. bấy giờ, vợ và những người con của nhà thơ sống tại Karaganđa. Sau khi được tự do, ông và vợ quyết định dời về sống ở Kadaxtan tại một thành phố mỏ. Bấy giờ con người bị nghi là “ Kẻ thù của nhân dân” trở về nhà hết sức nguy hiểm. Ấy thế nhưng nhiều văn nghệ sĩ bất chấp tất cả, vẫn đi lại với nhau. Trước đó Dabôlôxki chơi rất thân với nhà văn nổi tiếng N.Trucôpxki. Có lần hai người đang ngồi trò chuyện ở nhà nghỉ mát ở Pêrêđenkin ngoại ô Matxcơva, N.Trucôpxki biết rất rõ tính cách Phađêep (bởi vì ông ta chơi rất thân với bố của Phađêep). Đối với ông, Phađêep là con người có vẻ đẹp hiếm có và có sức quyến rũ; mỗi một trang viết của tác giả Đội thanh niên cận vệ thường mang chất trí tuệ và biểu lộ tài năng. Chợt Phađêep bước vào đột ngột. Cả hai đều xúc động. Thế là, giây lát sau cả ba ngồi vào bàn. Nửa chai rượu và một ít thịt rán bày lên chiếc bàn đơn sơ. Hơi men làm cho câu chuyện hội ngộ của họ thêm đầm ấm. Tuy vậy, Dabôlôxki cảm thấy mặc cảm, ông thường tỏ vẻ quan trọng hoá, nghiêm nghị nhất là khi tiếp xúc với người mà ông chưa thật quen thân. Còn Phađêep thì vui vẻ, đùa bỡn, nói về một điều gì đó không quan trọng, bâng quơ...Sau đó ông đề nghị Dabôlôxki đọc thơ mình. Nhà thơ triết lý đọc với giọng đăm chiêu, trầm tư, Phađêep, nghe một cách chăm chú, xúc động rõ rệt, rồi ông hỏi đời sống và sức khoẻ của nhà thơ vừa được tha khỏi tù. N.Dabôlôxki trả lời ngắn gọn, không phàn nàn một điều gì. Được biết Dabôlôxki đề nghị ông hoàn thành bản dịch bài ca về đạo quân Igôrép, Phađêep đề nghị ông hoàn thành tập thơ và những bài dịch. Nhà tơh băn khoăn, liệu việc đó có được tiến hành không ? Phađêep trả lời quả quyết: “Người duyệt sách đã đồng ý”. Và không lâu điều đó đã trở thành hiện thực. Đối với Phađêep, Dabôlôxki là con người cứng rắn, trong sạch. Ông không mất lòng tin, có thể hy vọng được nơi con người đó. Trong lời nhận xét về tập thơ được in tại Nhà xuất bản “Nhà văn Xô Viết “ năm 1948, Phađêep đã nói đến cá tính sáng tạo độc đáo của nhà thơ và bản chất triết lý của thơ Dabôlôxki trong thơ ca Xô Viết. Nhận xét của Phađêep đóng vai trò thúc đẩy làm cho tập thơ ra đời. Về sau trong thư viện riêng của Phađêep ta thấy có một tập thơ không dầy, bìa mỏng như một cuốn vở học trò, ngay ở trang đầu có lời đề tặng của chính nhà thơ: " Alécxăngđrơ Alécxăngđrôvich thân mến ! Hãy để cho cuốn sách nhỏ này thỉng thoảng làm chúng tôi nhớ đến anh, nhớ tác giả người đã kính trọng sâu sắc và yêu anh như một nhà văn, một con người: N.Dabôlôxki, ngày 12-9-1948, Matxcơva”.

Quan hệ của Phađêep đối với nhà thơ vừa được ra tù thật dũng cảm đến liều lĩnh. Tuy được tự do, nhưng không phải mọi thứ đều đã ổn. Thật vậy, tập thơ của Dabôlôxki vừa ra mắt thì bị phê phán dữ dội trên nhiều tờ báo. Tất nhiên, bọn cơ hội lợi dụng tình hình đục nước béo cò và quy cho Phađêep là con người “ Có tính thiển cận về chính trị” rồi những cú đấm vụng trộm tiếp theo...Nhưng Phađêep rất bình tĩnh, có kinh nghiệm. Trong những hoàn cảnh khó khăn ông không bao giờ đánh mất phẩm chất này: Hãy bảo vệ lẽ phải cho đến cùng với bất cứ giá nào, nếu anh tin là đúng. Và lần ấy, ông đã gửi thư lên các cấp có thẩm quyền với yêu cầu là: cần đánh giá rõ ràng công việc sáng tạo của nhà thơ Dabôlôxki, một nhà thơ tài năng, một con người yêu nước chân chính.

Ngày 26-11-1951, với lòng sung sướng cao độ, Dabôlôxki biên thư cho Phađêep biết : “Một lần nữa, tự đáy lòng, tôi tỏ lòng biết ơn anh về việc đã đệ đơn yêu cầu cho ông việc đó...Trong cuộc đời tôi, đó là một sự kiện to lớn và quan trọng. N.Dabôlôxki rất kính trọng của anh”.

Cuộc đấu tranh của Phađêep cho sự khôi phục sự thật và danh dự của nhiều nhà văn diễn ra vào những năm 1953-1955 có thể so sánh với việc làm của một Viện hay một cơ quan chuyên môn, mà ở đấy người ta chữa bệnh bằng sự thật. Với tư cách là Đại biểu Xô Viết tối cao, Phađêep đã viết thư cho chủ tịch K.E.Vôrôsilôp đòi thả nhà văn có tài năng L.Xôlôviep, người viết nhiều truyện, kịch bản sân khấu và điện ảnh, bị bắt ngày 5-9-1946. Bức thư có đoạn: “...Nếu như tội của L.Xôlôviep không đến nổi nặng, nếu như hiện nay ông ta có thái độ tử tế, thì theo quan điểm của tôi, ông ấy có thể được ân xá và có thể mang lại lợi ích cho xã hội Xô Viết bằng những sáng tác của mình. Xin đồng chí hãy đừng từ chối và báo cho tôi biết về quyết định của Chủ tịch”.

Năm 1937 đã có bốn đơn tố cáo A.Phađêep gửi đến Hội nhà văn Liên Xô, có trong đó đặt điều cho ông liên hệ với bọn Tơrôtxki, kết bạn với ‘kẻ thù của nhân dân”. Những lời buộc tội  đó đối với Phađêep là do Lêônit Xôlôviep, con người hiền lành, vui vẻ và buồn bã từ bản chất, ném ra một cuộc họp hội nghị các nhà văn. Báo văn học ngày 5-5-1937 đã đăng tin đó. Phađêep rùng mình ghê sợ khi đọc những dòng tin trên.

Một tháng sau, một sự chấn động mới lại đến với ông, khi  được biết các nguyên soái M.Tukhatrépxki I.E.Iakia, I.P.Ubôrêvich bị quy là “gián điệp”. Bấy giờ Phađêep đã tin. Trong thành phần toà án đặc biệt xử án những tướng lĩnh, Phađêep thấy có tên của P.E.Dưbenco, V.K.Blukha. Ngày 12-7-1937, báo “sự thật” đưa tin: Hôm qua, 11- 6...sự hiện diện của toà án tối cao Liên Xô với thành phần: Chủ tịch toà án quân sự tối cao V.V.Ilbric và các uỷ viên trong đó có: Dưbencô, tư lệnh quân khu Lêningrat, nguyên soái X.V.Blukha. Sau đó một thời gian ngắn thì cả Dưbencô và Blukha và nhiều người khác đều bị ám hại.

Theo nữ thi sĩ O.F.Bécgôn thì Phađêep là một con người tuyệt vời và kinh khủng, một con người đầy sức mạnh. Một hôm bà quở trách Phađêep là không cứu được một nhà văn mà theo bà là có thể cứu được. Phađêep trả lời bà rằng: “Olga a, chị im đi thì hơn. Chính tôi đã cứu chị khỏi tai hoạ đó”.

Sau cái chết bi thảm của Phađêep, số phận cuốn tiểu thuyết của ông cũng rơi vào vòng hiểm hoạ. Một nhân vật tích cực, dũng cảm của Đội cận thanh niên Kraxnôđông là Vichto Trêtiakêvich trở thành kẻ phạm tội không có cớ do tên cảnh sát Culêsep vu cáo trong cuộc hỏi cung. Trong tiểu thuyết không có nhân vật nào là tên Trêtiakêvich. Nhưng  hình tượng Xtakhôvich có những chi tiết trong tiểu sử giống Trêtiakêvich nghi ông xây dựng nhân vật Xtakhôvich là ám chỉ anh mình. Phađêep đã trả lời: Không đúng. Không nên đồng nhất tác phẩm nghệ thuật với mọi chuyện ở đời. Nhiều người chống lại cuốn tiểu thuyết đó và đòi rút khỏi chương trình giảng dạy của Bộ giáo dục.

Vào cuối những năm năm mươi, Phađêep là nhà cách tân táo bạo trong nhiều vấn đề lý luận văn học Xô Viết. Ông là người phá vỡ không thương tiếc mọi tảng băng của chủ nghĩa giáo điều và nhà lý luận đã tiên cảm cuộc bay mới trong sáng tác của văn học Xô Viết: “Thế mà người tà còn nguyền rủa nhà văn! Nhiều người trong chúng ta hiểu biết cuộc sống không kém những ai điều hành cuộc  sống đó!”

... Không một dấu hiệu báo trước việc ông tự bắn vào mình ở Prêđenkin. Không một ai trong số những người thân thuộc cảm thấy dấu hiệu của tấn bi kịch. Sau khi ở bệnh viên ra, người ta thấy Phađêep bề ngoài tươi trẻ, khoẻ mạnh. Ông đã bỏ uống rượu từ lâu và quyết định bỏ hẳn. Một lần nữa ông trở lại với cuốn tiểu  thuyết Luyện thép đenđể tiếp tục công việc sáng tác, nhưng công việc không tiến triển. A.Phađêep là con người sống theo tiếng gọi của lương tâm, lòng tin, tâm hồn và sự trung thực. Khi biết rõ sự thật về Xtalin, về sự chuyên quyền bạo lực, Phađêep tiếp nhận điều đó như một bi kịch, như một sai lầm tàn bạo nhất trong cuộc đời mình.

Trong những ngày tang lễ của Xtalin, Phađêep cũng như mọi người cầm bút viết về sự vĩ đại của con người quá cố, về chủ nghĩa nhân đạo của ông. Chính Phađêep cho rằng cả Egiôp (Bộ trưởng Nội vụ) cả Bêria (Chủ tịch UB an ninh quốc gia) đã bí mật không cho Xtalin tiến hành tội ác của họ. Phađêep biết rằng, “Bêria không thích thú gì khi phải sữa chữa lại những hành động thù địch của Egiôp đối với những người lương thiện”. Nhưng ông vẫn tin rằng, đó là vào tháng 7/1953, dưới triều đại Xtalin thì điều đó hoàn toàn có khả năng xảy ra. Chỉ qua một thời gian, Phađêep mới hiểu rõ ai là “lãnh tụ” của “thời kỳ khủng khiếp” đó. Và ý chí sắt thép của Phađêep như một ngọn nến cháy không bị dập tắt, không sợ bất cứ một viên đạn nào, một vết thương nào.

Ông mang những đặc điểm của chủ nghĩa anh hùng trong đạo đức. Người ta kể lại rằng, A.Tơvadôpxki, trong những ngày đớn đau nặng nề đến viếng mộ Phađêep ngồi rất lâu, đơn độc trước mộ bạn, tìm sự ủng hộ, sự thông cảm, hiểu được cuộc đấu tranh, không dễ dàng vì danh dự nghệ thuật.

Phađêep cũng không tìm thấy ngôn ngữ chung với Khơrútsốp. Ông ta thô bạo và suồng sã. Mùa xuân năm 1956, theo sáng kiến của N.X.Khơrútsốp, một cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các nhà hoạt động nghệ thuật đã diển ra. Khơrútsốp yêu cầu Phađêep phát biểu trong cuộc gặp gỡ. Phađêep đã từ chối. Bởi chính ông là người cộng sản có ý thức tổ chức kỷ luật. Nhưng cũng có những kẻ tinh quái gán cho ông nhãn hiệu “người theo chủ nghĩa Xtalin”.

Năm 1940, Phađêep đã nói với vợ Bungakốp rằng, tài năng của anh ấy không được đánh giá trong khi còn  sống, thì nay mai sẽ trở thành tài sản của nhân dân. Ông hứa sẽ làm tất cả những gì có thể làm được, cho điều ấy trở thành sự thật. Năm 1945, Phađêep lập danh sách tác phẩm xuất sắc của văn học Xô Viết. Trong số đó có Cận vệ trắng. Đối với nhiều nhà văn, Bungakốp là xa lạ, khó hiểu như một lục địa chưa hề biết tới.

Ôxip Pepdơne, bạn ông, anh hùng nội chiến chỉ huy công tác đặc biệt ở Viễn Đông (người cổ vũ nhà văn xây dựng hình tượng Lêvinxơn trong tiểu thuyết Chiến bại và nhiều hình tượng khác đã để lại trong sáng tác của ông) đã bị xử trí oan.

Epghêni Dônmatôpxki đã viết về cái chết của Phađêep... “Cái chết bí ẩn, thậm chí ngay cả bây giờ được gọi là tự nhiên. Tôi đã thấy nhiều người ngã xuống ở chiến trường trong chiến tranh. Cái chết của Phađêep làm tôi nhớ lại những người đó, cũng giống như họ... Những dòng nước mắt của tôi và A.Xurkôp dàn dụa trên gò má, rồi sau đó chúng tôi trở lại trên một chiếc xe “Pôbêđa” cũ của tôi... Dọc đường tôi và Xurkôp tìm những ý sâu sắc về con người cao thượng Phađêep cho bài điếu văn. Nhưng đến phố Vônrôpxki thì chúng tôi được biết đã muộn rồi. Bài điếu văn - khắt khe và cụt lủn - một người nào đó đã viết và đưa lên mặt báo...

Có thể Phađêep đã để lại một bức thư nào đó giải thích về  việc ra đi của mình? Nhiều người cũng khẳng định vậy. Về việc này, có lần M.A.Sôlôkhôp kể lại với các nhà báo “Sự thật thanh niên”: “Tôi hỏi N.X.Khơrútsốp khi đồng chí ấy đến ở đây, ở phố Vêsenkaia. Đồng chí nói: Không  một bức thư nào cả. Sôlôkhôp mỉm cười trong đau buồn và kết thúc: - Bí mật của cung điện Mađrít”.

Ba nhà văn số phận phức tạ khác nhau là M.Dôsencô, B.Paxtecnắc, Paven Antôcônxki (sinh năm 1896, là nhà thơ nổi tiếng đã dịch Nhật ký trong từ ra tiếng Nga, đã từng sang thăm Việt Nam, khi về đã viết xong cuốn: Sức mạnh  Việt Nam) xúc động sâu sắc trước cái chết oan uổng của Phađêep, đã nói về nhà văn trong những bức thư khác nhau nhưng cùng một ý đớn đau vô hạn: “Phađêep tội nghiệp”.

B.Paxtecnắc viết: “Tôi cảm thấy rằng, Phađêep với nụ cười tội lỗi, nụ cười mà ông có thể mang theo vào giờ phút cuối cùn trước cuộc bắn, ông có thể xin lỗi với mình bằng những lời như sau: “Tất cả thế là hết, vĩnh biệt, Xasa”.

Để thực hiện nổi đau khôn xiết trước tấn bi kịch của Phađêep, nhà thơ V.A.Lugôpxki đã viết những dòng tưởng niệm:

   Phađêep, người bạn củ hãy lấp lánh một lần nữa

   Bằng đôi mắt sâu, với sự giận dữ nhẹ nhàng

   Với lòng trung thành to lớn trước cuộc sống

   Hãy sống lại một lần nữa, những bài ca, giữa chúng ta...

H.S.V

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 157 tháng 10/2007

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

9 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

14 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground