Hình ảnh Bác Hồ trong lòng người dân Việt rất đỗi thân thương, trìu mến nhưng vẽ về Bác thì thật là khó. Vẽ như thế nào, thể hiện ra sao cho người xem thấy được chân dung một vị lãnh tụ vĩ đại, tài ba mà thật gần gũi? Đó luôn là những trăn trở của những họa sĩ vẽ về Bác.
Vào thập kỷ 40, những họa sĩ lớp trước như Phan Kế An đã có điều kiện gần gũi Bác để ký họa qua nhiều khoảnh khắc, sau đó ông đã thực hiện được hơn 20 bức tranh về Bác và báo Sự Thật số tháng 12 năm 1948 có nhiều tranh được in với số lượng lớn để phát hành khắp các chiến khu trong nước. Tháng 5 năm 1946, với sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đình Thi, Hội Văn hoá cứu quốc đã cử nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, họa sĩ Tô Ngọc Vân và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vào Bắc Bộ Phủ để vẽ và làm tượng chân dung Bác Hồ.
Người vẽ và làm tượng Bác khá nhiều là họa sĩ - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, ông may mắn được sống cạnh Bác tại chiến khu Việt Bắc từ năm 1950 đến 1951, sau đó được vào phủ Chủ tịch năm 1956 để làm công việc này, ông đã vẽ rất nhiều tranh với nhiều góc độ về diện mạo và tâm hồn vị lãnh tụ tài tình của dân tộc như: Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc, Bác câu cá bên bờ suối, Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác, Nhà Bác trên đồi Việt Bắc, Chân dung Bác, Bác đi tìm đường cứu nước, Bác dịch sử Đảng, Bác Hồ bên suối Lênin, Bác Hồ - Lênin và Các Mác…
Càng về sau này, công việc của Bác quá nhiều và điều kiện sức khoẻ cũng không còn cho phép nên ít có điều kiện để các họa sĩ trực tiếp vẽ Bác nữa mà phải nghiên cứu qua hình ảnh tư liệu để hình dung thêm khuôn mặt, vóc dáng và phong cách làm việc của Bác. Giai đoạn này cũng có nhiều họa sĩ thể hiện khá thành công như Vi Quốc Hiệp, Vũ Tư Khang, Đặng Đình Nguyễn, Đào Thế Am, Xuân Phúc, Lê Huy Tiếp, Đỗ Chung, Lê Thị Thanh, Minh Thịnh…
Sáng tác về Bác hiện nay chủ yếu phải dựa vào các tư liệu có sẵn, tuy nhiên cũng không phải dễ tìm. Ảnh trên mạng (internet) có nhiều nhưng không được nét và độ phân giải thấp cho nên phải sưu tầm ở những sách ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, phải lựa chọn ảnh sao cho phù hợp, rồi lại phải tìm cách thể hiện thế nào cho riêng biệt để tránh trùng lặp với ý tưởng và cách làm của những họa sĩ đi trước, không phải ai cũng thực hiện thành công theo ý muốn của mình.
Các họa sĩ Quảng Trị trong những năm gần đây đã có một số tác phẩm vẽ Bác Hồ để tham gia triển lãm cấp khu vực, toàn quốc, đồng thời để hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học Nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương và của tỉnh Quảng Trị phát động. Một số tác phẩm của các tác giả đã đứng vững và khẳng định được tài năng của mình ở mảng đề tài này. Thành công trên lĩnh vực này, có thể nhắc đến một số họa sĩ sau:
Đến với hội họa từ khá sớm, họa sĩ Thế Hà có thế mạnh về thể hiện chất liệu sơn dầu truyền thống trên toan vải. Năm 2009 ông đã vẽ tác phẩm Người Vân Kiều – Pa Kô mang họ Hồ của Bác. Hình tượng những thanh niên nam nữ dân tộc thiểu số đang nhảy múa với những loại nhạc cụ như cồng, chiêng, trống, đàn… Bác Hồ cùng hoà nhịp và vui cùng các cháu ở nơi bản làng xa xôi của núi rừng xa thẳm. Năm 2015, ông tiếp tục vẽ tranh sơn dầu khác Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, với bố cục chặt chẽ của bốn kỹ sư và công nhân đang xem lại đồ án để chuẩn bị thi công một công trình lớn, phía sau là hình ảnh Bác Hồ đang vẫy chào để động viên tinh thần hăng say làm việc của những người thầy, người thợ sắp sửa tiến ra công trường xây dựng những nhà máy.
Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân, một người chuyên vẽ tranh sơn mài truyền thống nhưng thỉnh thoảng anh cũng vẽ sơn dầu để thay đổi phong cách. Năm 2009 anh cho ra đời tác phẩm Vinh dự bên Bác với bố cục và cách vẽ khá lạ, những thiếu nữ với nhiều loại trang phục khác nhau, đại diện cho các dân tộc trên đất nước cùng được sum vầy bên Bác trong ngày hội thống nhất non sông, một cuộc gặp gỡ khá thú vị của Bác với Nhân dân nhiều vùng miền. Để chuyển tải từ ý tưởng trở thành hình ảnh là một điều rất khó, nhưng tác giả đã vận dụng để đưa vào tranh của mình một cách hài hoà, hợp lý.
“Tình Bác với nông dân” - Tranh của Hoạ sĩ Trương Minh Dự
Còn đối với họa sĩ Trương Minh Dự, thường vẽ tranh siêu thực và trải qua khá nhiều chất liệu như đồ họa, lụa và sơn dầu. Năm 1985 anh vẽ tranh hiện thực bằng chất liệu sơn dầu với tác phẩm Bác Hồ với Tây nguyên. Bức tranh đã diễn tả được phong cảnh Tây nguyên với những mái nhà rông cao vút bên đồi núi chập chùng, những cô gái Gia Rai, Ê Đê, M’nông, K’ho cùng nhau múa hát vây quanh Bác Hồ vào lúc chiều xuống, màn sương mỏng lãng đãng trên những đỉnh núi rất nên thơ tạo được hình ảnh thanh bình và ấm cúng. Năm 2009 anh đã vẽ bằng chất liệu acrylic tác phẩm Tình Bác với nông dân, với cách diễn tả rất bình dị của một vị lãnh tụ luôn gần gũi với bà con nơi miền thôn dã. Bác đang xem các sản vật được chính người nông dân sản xuất với bao nhiêu công lao vun trồng, chăm bón. Bởi Bác cũng từng được sinh ra và lớn lên từ nông thôn nên Bác rất hiểu nổi vất vả của những người luôn luôn chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức để làm ra vụ nông sản. Ngoài những tác phẩm trên, anh còn vẽ rất nhiều chân dung của Bác được đặt ở các cơ quan, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.
Họa sĩ Hồ Thanh Thoan chủ yếu thể hiện chân dung Bác Hồ với thể loại tranh đồ họa: Khắc gỗ màu, khắc thạch cao và in đá, bên cạnh đó còn vẽ tranh sơn dầu. Năm 2009 tác phẩm Chúng cháu xin nhận họ của Bác được hoàn thiện để cùng tham dự triển lãm toàn quốc với đề tài: Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học Nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng các tác giả Thế Hà, Trịnh Hoàng Tân và Trương Minh Dự tại thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chủ đề bức tranh đã diễn tả về một sự mong muốn của đồng bào dân tộc Pa Kô – Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị, mặc dù đã được mang họ của Bác từ lâu nhưng chưa một lần được gặp người. Họ tưởng tượng sẽ có một ngày Bác đi công tác và sẽ đến thăm bà con dân tộc miền núi ở nơi quê hương mình đang sinh sống. Năm 2011, tác phẩm Bác vui cùng các cháu ra đời, nội dung rất bình dị, các cháu miền xuôi cùng miền ngược đã nắm tay Bác Hồ xếp thành một vòng tròn trước sân trường nơi miền quê yên ả, Bác trìu mến với các cháu và các cháu cũng rất mong muốn được ở bên Bác thời gian dài hơn, vui hơn mãi mãi. Năm 2015, tác phẩm Bác đến thăm bản cháu được hoàn thành, cũng thể hiện đề tài ước muốn của đồng bào các dân tộc miền Tây tỉnh nhà mong Bác về thăm vào một ngày gần nhất.
“Chân dung Hồ Chủ tịch” - tranh khắc thạch cao của Hồ Thanh Thoan
Đầu năm 2009, họa sĩ Phạm Phi Trường đã thể hiện bằng chất liệu sơn dầu với hai tác phẩm Bác Hồ bên ao cá, đã diễn tả được khung cảnh Bác rất yêu thiên nhiên, dân dã và tình thương đối với trẻ em trên khắp mọi miền đất nước. Tranh thứ hai Bác Hồ với lực lượng vũ trang đã diễn tả được sự nhắc nhở của người đối với binh chủng Hải quân và Bộ đội Biên phòng luôn bảo vệ, gìn giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, Bác căn dặn rất chu đáo đến từng người với nhiệm vụ cao cả này.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Thái trong năm 2009 cũng dùng chất liệu sơn dầu để thực hiện tác phẩm Bác Hồ với thiếu nhi, nét vẽ mềm mại như chất lụa, Bác yêu mến trẻ thơ nơi miền thôn dã như đang ở cùng trong một gia đình, và các cháu cũng không muốn rời xa Bác khi được gặp gỡ, tranh rất hồn nhiên và đầy tình cảm trìu mến.
“Bác Hồ với thiếu nhi” - Tranh của hoạ sĩ Thanh Thái
Bên cạnh đó, Họa sĩ Hồ Thanh Thọ thì lại có hướng đi khác, luôn thể hiện bằng phương pháp tranh đồ họa tổng hợp. Năm 2015 tác phẩm Mừng vui bên Bác ra đời, thể hiện sự mến mộ, yêu thích của Bác với những làn điệu dân ca của dân tộc Pa Kô - Vân Kiều hòa chung với âm thanh của tiếng kèn bè, tiếng cồng chiêng cùng tiếng tù và được các nghệ nhân tìm tòi, nghiên cứu để sáng tạo ra những âm hưởng với bản sắc riêng.
Hầu hết các họa sĩ Quảng Trị đã khai thác đề tài Bác Hồ quan tâm đến đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bởi Quảng Trị có đồng bào Pa Kô, Vân Kiều tự nguyện mang theo họ của Bác, đồng thời thể hiện sự tri ân của người miền núi đối với công ơn của Đảng và Bác Hồ đã mang lại cho dân tộc mình một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Họa sĩ Hồ Thanh Thoan chia sẻ: "Để đạt được mục đích và thành công trong việc sáng tác về Bác, các họa sĩ phải cần dựa trên một tư liệu lịch sử nào đó của Bác là có thể khắc họa ra ngay được chân dung Bác Hồ với nhiều tư thế đứng, ngồi và thần thái khác nhau, đặc biệt là phải chú trọng vào ánh mắt của Bác, cố gắng vẽ sao cho đôi mắt ấy chuyển tải được thông điệp đó là vị lãnh tụ trí tuệ và anh minh, một người có tư tưởng rộng lớn, nhưng cũng rất gần gũi, giản dị như đời thường của Người. Chúng ta càng trân trọng và kính yêu Bác bao nhiêu thì càng chuyển hóa được cái thần, cái hồn và cảm xúc chân thực của mình vào mỗi bức tranh được hoàn thiện. Đó chính là mốc quan trọng tích lũy tư liệu và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo trong tác phẩm của các họa sĩ".
G.H