L.T.S: Nhà báo Phan Quang sinh năm 1928 ở Hải Thượng - Hải Lăng - Quảng Trị. Hiện ông là Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam. Nhân tuổi 70 của ông, Nhà xuất bản Văn học sẽ xuất bản tuyển tập bài viết của ông dự kiến ba tập gần 3.000 trang. Đây là bài viết cuối sách của người chọn bài, là nhà phê bình văn học Ngô Thảo (quê ở Vĩnh Nam ,Vĩnh Linh ) hiện là Phó Tống thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Nhận thấy bài viết có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn công việc của một người con Quảng Trị, Cửa Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc.
T |
ính từ buổi đầu công nguyên, thế kỷ XX, hành tinh chúng ta, mà đặc biệt là nước Việt Nam ta có nhiều biến động lớn lao, ở mức phi thường nhất. Làm nên sự thay đổi lịch sử ấy không phải là những thánh nhân, những thế lực siêu nhiên mà chính là những con người cụ thể, đã sinh ra, đã lớn lên, đã góp sức, góp trí làm nên những bước đi cụ thể của thời đại, của đất nước: Từ một nước An Nam nô lệ, thành một nước Việt Nam độc lập. Từ một đất nước liên miên chiến tranh thành một xứ sở thanh bình. Từ một quốc gia bị bao vây thành một nước được bạn bè quốc tế yêu mến quý trọng. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bước đi thần kỳ ấy, là do cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, mà người sáng lập và tổ chức là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã thực hiện được trong nửa thế kỷ qua.
Điều đặc biệt quý hiếm: Bao nhiêu biến động phi thường ấy lại là sự nghiệp của một đời người. Cả một thế hệ người Việt Nam đã làm nên sự nghiệp ấy từ vị trí khác nhau. Người nông dân một nắng hai sương, gánh trên vai mình nhân lực, lương thực của mấy cuộc trường kỳ kháng chiến. Người công nhân với vị trí nhà tổ chức, người sáng tạo và chế tạo vũ khí, trang bị cho cuộc chiến đấu. Và con em công nông, được tạo thành một thế hệ trí thức mới đã phát huy cao nhất truyền thống nhân nghĩa, ý chí tự cường của tổ tiên; cùng toàn dân tìm đường, mở đường, giành đường tới thắng lợi, bất chấp mọi chông gai, lực cản. Có thể tìm thấy gốc tích của các lãnh tụ, các tướng lĩnh, các anh hùng, các chiến sĩ, các văn nghệ sĩ trí thức từ trong những lực lượng cơ bản của xã hội ấy. Và đó mới thật là sự thay đổi quan trọng nhất, sự biến động từ chiều sâu xã hội lớn nhất, thành tựu lịch sử có ý nghĩa nhất của cuộc cách mạng mà Đảng cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc ta trong thế kỷ sắp đi qua.
Ở thời điểm sắp khép lại thiên niên kỷ thứ hai, thế kỷ thứ XX, trong tâm tưỏng, với ý tưởng, biết ơn, tri ân những con người cụ thể, đã tới, đã sinh ra, đã vận động, đã trưởng thành, đã biến thành những số phận cụ thể, đã đóng góp những phần việc cụ thể vào sự nghiệp lớn lao ấy, chúng ta những muốn tìm về tìm hiểu giới thiệu sự nghiệp từng con người trong đó.
Tác giả tập sách này là một trong những người như thế. Sinh ra trên đất Quảng Trị khắc khổ, tham gia cách mạng khi tuổi chưa tới đôi mươi, ông từng ở trong Ban lãnh đạo Báo Nhân Dân, làm Vụ trưởng Vụ Báo Chí Ban Tư Tưởng - Văn hóa Trung ương, Tổng biên tập tạp chí Người làm báo, Thứ trưỏng Bộ Thông tin, Tổng giám đốc, kiêm Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Tổng thư ký và hiện là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa 8 đến khóa 10.
Tập sách này là tập hợp một phần những bài viết khác nhau trong suốt 50 năm liên tục của nhà báo Phan Quang dưới nhiều bút danh khác nhau. Một nửa thế kỷ viết báo không phải là thời gian quá dài, nhưng bên ông, trước ông, sau ông, bao nhiêu đồng nghiệp, bạn bè đã ngã xuống, đã đi vào vĩnh hằng trong nhiều vị trí, trường hợp khác nhau, ở tuổi 70 còn sung súc, còn viết được như ông đã là điều đáng khâm phục.
Không chỉ viết, ông còn là nhà hoạt động xã hội, giữ nhiều vị trí công tác, tổ chức cho nhiều thế hệ người làm báo khác nhau tham gia vào công cuộc chiến đấu và xây dựng đất nước bằng ngôn ngữ báo chí của mình. Báo chí - đúng hơn là các kênh truyền thông hiện đại - đã phát triển trên nhiều hệ thống kỹ thuật khác nhau. Nhưng 50 năm qua, trên đất nước ta, làm nhà báo chỉ có một vũ khí là cây bút. Với tư cách là một nhà báo, ông không chỉ làm người đưa tin mà trong nhiều thời điểm, ông nổi bật ở khả năng phát hiện vấn đề, tạo dựng hệ thống và đưa nó tác động vào cuộc sống, Mà đó là thành tựu nổi bật hàng đầu của Báo chí Việt Nam hiện đại. Đã từng có khẩu hiệu Nói - Viết - Làm theo báo, Các phong trào thi đua, đặc biệt trong nông nghiệp từ thời Gió Đại Phong 1960 đến các vấn đề miền núi, tổ chức đời sống nông thôn, vấn đề lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái từng được ông phát hiện và cảnh báo rất sớm.
Phần đặc sắc nhất ở ông là loại bài bút ký viết về quê hương, đất nước, con người Việt Nam với một tình yêu nồng nàn, sâu nặng trong những năm đất nước còn chiến tranh, chia cắt. Khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ hậu chiến là hàng loạt bút ký viết theo những chặng đường ông đi khắp đất nước - được gọi là bút ký kinh tế vì tính tổng kết và phát hiện của nó.
Tự học, bằng con đường tự trang bị kiến thức, kỹ năng qua thực tiễn để có thể sử dụng thành thạo mọi thể loại báo chí, từ bản tin tới bài xã luận, từ bài phân tích sự kiện đến tổng kết tình hình, từ ghi nhanh đến bút ký, tù phát hiện đến nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, ông là con dao phay mà nghề báo rất cần, luôn cần.
Thái độ cẩn trọng, nghiêm túc với các vấn đề, các đề tài lớn đã đành, ông còn thận trọng với từng bài viết nhỏ của mình, Một bài viết có nhiều dị bản là kết quả sự sửa chữa, cân nhắc của tác giả. Có một điều đáng chú ý là làm báo, viết báo trong một nửa thế kỷ, bản đồ chính trị thế giới luôn thay đổi màu sắc, các mối quan hệ luôn biến động, nhiều giá trị thay bậc đổi ngôi mà nhà báo chính trị Phan Quang vẫn giữ được bản lĩnh vững vàng, tính cách nhất quán, không có những bài bị coi là xu phụ.
Trong nhiều bài viết về cùng một đề tài ghi dấu khá rõ quá trình vận động của tư duy: Các vấn đề mỗi lần trở lại là được mở rộng, xới lật, đào sâu, phát triển dẫn đến những ý tưởng mới mẻ hơn. Loạt bài về môi trường sinh thái, về hoạt động nội lực và tiềm năng đồng bằng sông Cửu Long là một minh chứng.
Tất cả đó được nẩy sinh và phát triển trên một tinh thần tự tôn dân tộc mà hòa hợp vói sự giao lưu quốc tế - thời đại, không che dấu tình yêu với quê hương Quảng Trị của mình mà vẫn nhiệt tình ngợi ca những vẻ đẹp khác nhau của các vùng miền trên giang sơn Việt Nam thống nhất một dải - thành quả lớn nhất, quý nhất của cuộc đấu tranh ngàn đời.
Chất hào hoa Phan Quang cộng với sự lịch lãm uyên bác còn được thể hiện trong loạt bài, loạt sách giới thiệu các tác phẩm nước ngoài, phóng tác, dịch thuật. Nhiều thế hệ người Việt tương lai sẽ còn biết ơn ông, gặp ông qua bản dịch tài hoa, hấp dẫn của nghìn lẻ một đêm?
Là một người từng trải, quảng giao, biết nhiều ngoại ngữ, do yệu cầu nghề nghiệp, đi nhiều, quen rộng (tất còn lắm người đi nhiều, biết rộng hơn ông) nhưng bằng phương tiện nghiệp vụ của mình, đã ghi dấụ trong từng bài viết, thì chỉ có cái máu báo chí mới làm được, là nhà báo bẩm sinh mới có được, vẫn có một khoảng cách xác định giữa báo chí và văn chương. Nhưng, ở phần việc báo chí, văn chương giúp diễn đạt mềm mại hơn những vấn đề khô khan. Đến lượt mình, những dữ kiện báo chí làm cho văn chương thêm sức lôi cuốn của sự thật Và ở những tác phẩm hay, người đọc dễ quên phương tiện ngôn ngữ, thể loại mà cảm xúc trực tiếp với nội dung đời sống. Bên trong nhà báo Phan Quang tự tin và xông xáo luôn thấp thoáng bóng dáng một nhà văn từng trải, khiêm nhường.
Trước khối lượng bài viết đồ sộ của ông, mà xem ra mỗi bài, ngoài giá trị tự thân với tư cách một bài viết độc lập, còn là dấu tích, một thời điểm lịch sử, vì là của lịch sử, vì chúng ta đã vượt qua, đã khác đi từ phía chủ thể và khách thể là người đọc, cho nên đưa vào hay gạt ra là việc dễ mà không dễ. Tập hợp những bài viết nhiều thể loại, tròn một nửa thế kỷ với quá nhiều biến động, chuyển cực, ngoài ý nghĩa, kỷ niệm một đời người lao động báo chí chuyên cần vì sự nghiệp lớn của dân tộc, đất nước, tự nó, chúng tôi hy vọng tập sách còn là kỷ niệm chung cho cả một thế hệ có cùng ký ức về những năm tháng đã qua, là bằng chứng lịch sử cả về sự chín chắn, trưởng thành, cả những ngây thơ, ấu trĩ một thời đã có thật.
Trên hết đó là bài học của một đời người.
Chợt nhớ một câu nói của nhà văn Nga nhân hậu Antôn Tsêkhốp: Không bao giờ là quá muộn nếu ta tự hỏi mình đang theo đuổi một sự nghiệp lớn lao hay chỉ làm những việc nhỏ nhặt không đâu. Bằng những bài viết có khi là "nhỏ nhặt", người anh trong làng báo Việt Nam hiện đại đã hướng chúng ta tới một con đường lớn: Sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.
50 năm qua, nước Việt Nam là một mắt bão của thế kỷ, của thời đại.
Tập sách tới với các bạn hôm nay là lao động, là tâm huyết của một trong hàng triệu người Việt đã có mặt trong thời điểm mắt bão đó và thật may mắn ông còn có mặt với chúng ta bước vào thiên niên kỷ mới.
N.T