Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

5 giờ chiều ngày 31/7/2023, chỉ còn 12 giờ đồng hồ nữa là đưa tiễn tro cốt vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, chúng tôi ghé lại quán cà phê Gác Trịnh ở tầng hai số nhà 19 phòng 203 khu tập thể đường Nguyễn Trường Tộ, Huế. Nơi đây nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sống từ những năm 1960 - 1970, khi nhạc sĩ chuyển vào Sài Gòn thì căn gác giao lại cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Gia đình Hoàng Phủ đã sống ở đây ngót hai chục năm và hiện tại vẫn thuộc sở hữu gia đình ông (do con gái Hoàng Dạ Thư đứng tên).

Gác Trịnh trên tầng hai một khu nhà tập thể cũ ở Huế

Thời trẻ, Hoàng Phủ Ngọc Tường thường đến đây vào giờ nghỉ để dạy thêm cho các em của Trịnh Công Sơn. Đây cũng là nơi Trịnh thường tụ tập bạn bè và Hoàng Phủ gọi là "Căn nhà của những gã lang thang". Cảnh sắc, không khí miêu tả trong bút ký ấy chúng tôi cũng gặp lại trong buổi chiều hôm nay, một khung cảnh cổ độ, man mác. Hình như trong mỗi góc đầy bóng tối của căn nhà này, trên chiếc bàn bằng gỗ mộc của Sơn để lại, và trong chiếc ghế làm bằng sợi mây heo to mà Cường thường ngày vẫn ngồi vẽ, đều dậy lên mùi hương lặng lẽ của tuổi trẻ chúng tôi [...] Tấm kính nơi chiếc cửa lớn nhìn ra mặt tiền nhà Sơn đã vỡ từ lâu, Sơn cũng lười không gắn lại; gió heo may bên ngoài cứ thổi thẳng vào nhà, nghe văng vẳng như tiếng người. Sau này về sống trong căn nhà của Sơn, tôi ngồi viết ở phòng sau, cứ nghe tiếng người ta gọi tên mình ở trước cửa.

Gác Trịnh còn lưu giữ những kỷ vật của Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường và những người bạn cùng thời

Từ hành lang căn gác nhìn qua sẽ thấy ngay cây cầu Phú Cam bắc qua sông An Cựu, một con phố yên bình mà Hoàng Phủ khiêm cung gọi là "Địa chỉ buồn": Nhà tôi ở phố Đạm Tiên / "Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu" / Có mùi hương cỏ đêm sâu / Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm.

Rồi đây, căn gác ấy sẽ càng được nhiều người biết đến và càng đầy đặn hơn về mặt văn hóa, bởi nơi đây đã lưu dấu đậm đà một phần đời quan trọng của đôi bạn tài hoa.

Bóng tối tràn nhanh, chúng tôi vội đến sân trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế (số 1 đường Phan Bội Châu, cách Gác Trịnh một quãng ngắn đi bộ), ban tổ chức và gia đình đã sẵn sàng để thực hiện một chương trình văn nghệ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Khi ấy, tro cốt của đôi vợ chồng tài hoa đang được quàn bên trong hội trường, chờ sớm ngày mai đưa đi an táng.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc phát biểu tri ân, khai mạc đêm tưởng nhớ

Khung cửa chính phong cách vintage sơn trắng thay phông nền sân khấu, trên đó treo lên hai bức bướm in hình Hoàng Phủ - Mỹ Dạ, khi ghép lại vô tình như hai người đang tựa lưng vào nhau. Chương trình bắt đầu bằng phát biểu tri ân của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế, có đoạn: "Trong vòng 18 ngày (6/7 và 24/7/2023), nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lần lượt rủ nhau về thế giới hồn đầy hoa cúc dại như nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết, và đi về phía con đường cỏ lau như lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng đoán trước. Nhiều người trong những ngày qua chia sẻ tin tức về sự ra đi của hai người với lời chia buồn, lời tiếc thương sâu sắc. Điều đó cho thấy công chúng bạn đọc đã ghi nhận những vẻ đẹp mà các tác phẩm văn học của hai vợ chồng thi nhân đã đem lại cho tâm hồn người đọc - một sự ghi nhận hết sức sâu sắc, đầy tri mộ, đầy biết ơn. [...] Những bút ký lộng lẫy của Hoàng Phủ Ngọc Tường và tạp chí Cửa Việt do ông sáng lập đã có những đóng góp quan trọng cho văn học nghệ thuật nước nhà. Những đóng góp cho văn hóa Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là rất quan trọng. Hoàng Phủ Ngọc Tường xứng đáng với danh xưng người lập ngôn cho văn hóa Huế."

Chương trình văn nghệ diễn ngâm những tác phẩm thơ: Mẹ ngày xưa (LTMD), Một ngày bỗng nhớ một ngày (HPNT)... cùng những ca khúc nổi tiếng: Khúc hát ru những người mẹ trẻ (Phạm Tuyên phổ từ bài thơ Trắng trong của LTMD); Tình ca mặt trời (An Thuyên phổ từ bài thơ Bềnh bồng cho tới mai sau của HPNT); Cho dù năm tháng (Phạm Trọng Cầu Phổ từ bài thơ Dù năm dù tháng của HPNT)…

Con gái Hoàng Dạ Thư thể hiện ca khúc "Cho dù năm tháng" (Phạm Trọng Cầu phổ từ bài thơ "Dù năm dù tháng" của Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Chúng tôi cảm nhận được sự có mặt của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đêm văn nghệ này, giống như lời thơ ông từng hẹn hứa: Tôi nghe từ trong lửa đỏ hôm nay / Đang trỗi dậy những ngày mai ca hát / Tôi sẽ đến với bạn bè trong đêm hòa nhạc / Tâm hồn tôi thành giọt nước trong ngần (Bản giao hưởng một ngày đang tới).

Chia sẻ trong đêm tưởng niệm, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ là những tài năng của nền văn học mà sức chứa không chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Thị Thiên, phạm vi Việt Nam mà vượt ra cả bên ngoài Việt Nam. Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức yêu nước, có tên tuổi trong đời sống các đô thị ở Việt Nam. Về mặt văn học, Hoàng Phủ là một hiện tượng đặc biệt, ông nằm trong số những người lớn lên từ đô thị nhưng sau đó đã hội nhập với nền văn hóa văn nghệ và trở thành tác giả của cả nước. Cho nên cả nước yêu mến những bản ký sự của ông Tường. Sau này ông Tường làm thơ thì người ta yêu mến những bài thơ tình độc đáo ấy, về mặt giọng điệu thì rất khó bắt chước.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ những kỷ niệm thời ở rừng

Nhắc lại những năm cùng sống ở chiến trường, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhận định Hoàng Phủ Ngọc Tường là người giản dị, chân thành. "Anh cùng đi hái rau rừng, thậm chí những ngày mưa anh ướt lóp ngóp. Đi nương rẫy bao giờ cũng chịu khó gùi cõng như mọi người. Anh bảo các chị nuôi giao cho anh một cái soong rất to, và anh gùi trên lưng như một con rùa. Năm 1968, sau đại hội thành lập Hội Văn nghệ Trị Thiên-Huế, quân khu và ban Tuyên huấn khu tổ chức một trại viết rất quan trọng. Anh Tường được phân công viết về mặt trận Cột Cờ, và tác phẩm của anh có tên Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu. Đó là tác phẩm anh Tường viết đầu tiên ở mặt trận chiến khu dưới danh hiệu văn nghệ giải phóng". Sau đó khi chia tay, Nguyễn Khoa Điềm có làm bài thơ Tiễn bạn cuối mùa đông gửi Hoàng Phủ Ngọc Tường và bạn bè: Tiễn bạn ngày cuối đông / Tôi về trong nắng chói / Trên vai ngàn đồng đội / Mang mùa xuân đi cùng / Mang ngày về thắng lợi / Hóa trời xanh mênh mông...

Trong niềm xúc động, nhà văn Tô Nhuận Vỹ xin không phát biểu để dành thời gian ấy để đọc bức thư của giáo sư Cao Huy Thuần vừa gửi từ Pháp về chiều hôm nay: "Anh Tô Nhuận Vỹ thân mến. Mấy ngày nay tôi rất nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường - một nhà văn, nhà thơ tài hoa của Huế, một thầy giáo dạy văn mà học trò yêu thích, một người bạn... Tôi chỉ có câu kinh gửi Tường: Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha".

Nhà thơ Võ Quê kể rằng mình may mắn gặp nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường năm 1973, khi dòng sông Thạch Hãn thành dòng sông chia cắt thay cho sông Bến Hải. Bấy giờ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Trưởng ty Văn hóa thông tin Quảng Trị. Sau ngày Đất nước thống nhất, khi gặp lại thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã giúp Võ Quê chuyển mạch văn thơ, bởi trước 1975 Võ Quê làm thơ khẩu hiệu. "Sau 1975 ông Tường bảo phải chuyển tâm thức của mình, làm cho mềm mại lại để được hòa nhịp với đời sống hòa bình, cố gắng làm thế nào để chất Huế đằm trong thơ mình."

Chị Võ Thị Kim Thanh (vợ cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - biên tập thơ và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt những số đầu tiên) là người từng gắn bó thân thiết với vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chị Kim Thanh chia sẻ về tình bạn và những kỷ niệm thân ái. Năm 1976, khi ấy chị mười tám tuổi và lần đầu tiên được đi bầu cử. Khi đi bỏ phiếu về thì ba chị (ông Vũ Soạn, từng là Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị) hỏi con bầu cho ai, chị nói con bầu cho Hoàng Phủ Ngọc Tường mặc dù chưa biết ông là ai. Tại sao? Tại vì cái tên hay quá nên con bầu. Khi ấy ba chị gõ đầu bảo: Hắn là người Bích Khê đó (là ngôi làng bên cạnh làng Đâu Kênh quê chị ở Quảng Trị). Đến khi chị Kim Thanh và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kết duyên với nhau thì: "Anh Tường chị Dạ đã trở thành hai người rất thân với gia đình vì hầu như hôm nào chúng tôi cũng gặp nhau. Tất cả các sự kiện của gia đình chị đều có sự chia sẻ, dặn dò của anh Tường chị Dạ. Khi tôi trở dạ sinh đứa con đầu lòng rất khó khăn, anh Tường và một số văn nghệ sĩ cùng đến ngồi suốt đêm trước sân bệnh viện chờ đợi. Ngày hôm sau chị phải đi cấp cứu ở bệnh viện Trung ương rồi sinh con ở đó, và anh Tường đã đến tận bàn sinh để chúc mừng. Tới đứa con thứ hai thì chính anh Tường đã đặt tên cho bé là Bảo Chi. Anh Tường thường hay nói đùa nhà tôi là "quán bò húc ôm" vì mỗi lần anh đến thì bé Bảo Chi ngồi vào lòng anh và đòi uống bò húc". Sau này vợ chồng Hoàng Phủ chuyển vào Sài Gòn thì chị đều đến thăm mỗi lần có dịp và đều được ông Tường hỏi thăm chu đáo. Có một lần ông Tường nắm tay chị Kim Thanh rất chặt, và theo chị Dạ Thư (con gái Hoàng Phủ) thì đó là lần cuối cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường còn nắm được tay người khác.

Đêm tưởng nhớ ấm áp với sự tham gia của những người bạn văn nghệ cùng thời, bạn văn và bạn đọc

Một người từng sát vai sát cánh với Hoàng Phủ Ngọc Tường để làm nên 17 số đầu tiên tạp chí Cửa Việt là nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng có mặt trong đêm nay. Nguyễn Quang Lập chống gậy đi tập tễnh nhưng rảo hoạt lên phát biểu ngắn gọn: "Tôi là em nuôi của chị Dạ từ năm 1975, và từ năm 1978 tôi là học trò thầy Tường. Cho đến bây giờ tôi thấy tôi rất tự hào. Nhờ em chị Dạ và học trò thầy Tường mới có một người tên là Nguyễn Quang Lập, dù có người thích, có người không thích. Tôi xin nói một câu vậy thôi."

Trong chương trình nhà văn Nguyễn Quang Lập chỉ nói chừng đó thôi, nhưng đến khuya, khi một nhóm mấy văn nghệ sĩ ngồi với nhau thêm chút nữa, ông đã kể về thời cùng nhà văn Hoàng Phủ làm nên tờ Cửa Việt lừng lẫy. "Thời điểm chia tỉnh, ông Tường về Quảng Trị muốn làm một tạp chí văn nghệ nhưng không biết lấy tên gì. Lúc đó có anh Lê Bá Tạo, giám đốc ngân hàng, đặt ra tên Cửa Việt. Và người vẽ măng-sét là họa sĩ nổi tiếng Hoàng Ngọc Biên, chú của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Khi ấy lẽ ra tôi về Quảng Bình, vì tôi là người Quảng Bình mà. Nhưng anh Tường bảo tôi về làm với anh, nên tôi về Quảng Trị, vì anh Tường là thầy tôi mà. Tôi làm phó cho anh Tường, tôi băn khoăn không biết làm phó thế nào, ông có cho mình làm không, thế mới đặt ra ba điều kiện: một là anh cho em làm hoàn toàn tự túc, hai là cái gì khó hiểu thì anh giải thích cho em, cái gì khó nữa thì anh giải quyết cho em. Mình chưa kịp nói thì anh Tường đã nói đúng ba điều đó. Thế là anh em làm Cửa Việt rất vui vẻ, rất nhàn, rất hiểu nhau. Ngày đó ông Tường chỉ giao cho tôi một nhiệm vụ là: Em phải đưa Cửa Việt thành tờ số một, số một thì sẽ có bạn đọc số một, có cộng tác viên số một."

Nói về cảm xúc ngày tờ Cửa Việt đầu tiên in xong, nhà văn Nguyễn Quang Lập bồi hồi: "Khi ấy anh Tường và anh Nguyễn Trọng Tạo ở Huế, báo in ở Huế. Từ hai giờ đến bốn giờ chiều xe từ Huế chở báo ra Quảng Trị, tôi không thể làm sao mà chờ đợi nổi. Mở báo ra thì muốn khóc luôn."

Đêm đã khuya, hình như đã sang ngày mới, nghĩa là chỉ còn chưa đầy năm tiếng đồng hồ nữa phải tiễn tro cốt ông Hoàng Phủ lên đồi. Lúc ấy thì nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mới nhập cuộc: "Cửa Việt lúc mới ra đời là tờ tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị, là của địa phương, mà lại là địa phương rất nhỏ, nhưng đã trở thành một tờ tạp chí nổi tiếng cả nước, nó như là một tiếng nói văn chương cả nước. Ở đó kêu gọi được rất nhiều anh em viết, họ chưa biết Cửa Việt là gì, nhưng họ tin vào những nhà văn tên tuổi làm ở đó. Họ cộng tác, và khi thấy đường hướng của tạp chí này là đổi mới, là dân chủ, thì họ gửi nhiều bài tâm huyết. Từ hồi ấy người ta háo hức chờ đợi mỗi số tạp chí Cửa Việt ra, ngoài để đọc những sáng tác hay, còn để đọc thư tòa soạn viết bằng lời lẽ giọng điệu dí dỏm. Tôi hồi ấy ở Hà Nội, anh Tường ra nhờ tôi hai việc: một là gom bài vở của bạn bè, hai là phát hành Cửa Việt."

Câu đối của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tưởng nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ: Bản Di chúc cỏ lau còn đó còn thấu lòng Người hái phù dung / Bài thơ không năm tháng vẫn đây vẫn rung nhịp Trái tim sinh nở.

Trong vai trò là đại diện Cửa Việt buổi đầu tại thủ đô, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ lại: "Tôi đi bảo với bạn bè gửi cho Cửa Việt những bài mới, hay, tâm huyết và nói thật rằng: nhuận bút Cửa Việt không bao nhiêu đâu, nhưng các anh chị đóng góp cho Cửa Việt cũng là đóng góp cho tên tuổi các anh chị. Vì thế mỗi số Cửa Việt ra bạn bè cả nước náo nức chờ và nhiều người nói với tôi rằng: ông làm sao cho tôi được đăng ở Cửa Việt. Đấy chính là công của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm nên Cửa Việt, ngoài những tác phẩm bút ký xuất sắc của anh."

Đã sang ngày mới, mọi người tạm chia tay nhau để nghỉ ngơi chút chuẩn bị tiễn đưa vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ. Nhưng có lẽ đêm quá ngắn, nên ai cũng thao thức bởi còn rất nhiều điều muốn nói mà chưa nói được.

Nhoáng cái đã năm giờ sáng ngày 1/8/2023, xứ Huế mấy hôm nay khá nực, suốt đêm qua cũng hanh khô, thế mà bỗng dưng lại lắc rắc mưa vào đúng thời khắc hai bình tro cốt ra khỏi cửa.

Đưa tro cốt vợ chồng nhà văn ra cửa, mưa bắt đầu rơi

Mưa vẫn rỉ rả lúc xe đi qua cầu Dã Viên bắc qua sông Hương, con sông đã đi vào áng văn trác tuyệt: Ai đã đặt tên cho dòng sông? Dường như sông cũng vừa thức giấc và mưa trời rải xuống tạo nên không gian mịt mù đẫm lệ. Xe đi qua trước cổng nhà vườn An Hiên, nơi từng được nhà văn Hoàng Phủ "đánh thức" trong bút ký Hoa trái quanh tôi: Vườn có một cây ngọc lan già năm chục tuổi, đứng sát cổng, cây cao bóng cả, đồ sộ như một áng thơ dân gian. Thu tàn đông lạnh, nó chỉ rụng lác đác ít lá vàng, vẫn giữ một mầu lục tươi nguyên khối không hề biết đến năm tháng; cây già mà hoa trẻ, những cánh mầu ngà thon thon dáng ngón tay thiếu nữ, cầm hoa như giữ trong tay một kỷ niệm xao xuyến.

Mà chẳng nơi đâu ở xứ Huế này lại không có mặt trong bút ký Hoàng Phủ, thế nên mưa cứ rơi suốt những chặng đường xe tiễn đưa như những tiếng kinh hộ niệm đều đặn. Chợt nhớ một bài thơ Kinh cầu trong mưa của Hoàng Phủ từng viết để tưởng nhớ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ: Hai cánh chim bay về / Một tinh cầu đã tắt / Hai ánh sao sa mạc / Tan thành một cơn mưa / Trên tài hoa nhầu nát / Trên trần gian khói sương / Trên mặt người biến sắc / Mưa in dấu vô thường.

Có ai ngờ những vần thơ ấy như thể chính Hoàng Phủ đang dự cảm và tiên tri về ngày ra đi của mình cùng người vợ hiền yêu dấu.

Nghĩa trang phía Bắc thành phố Huế nằm trên một ngọn đồi. Chỉ còn ít phút nữa thôi hai bình tro cốt sẽ được an táng trong lòng đất. Gia đình thân hữu, bạn văn cùng thời, những bạn đọc mến mộ đang ở đây. Nghi lễ nhẹ nhàng, những nắm cát trắng, những đóa hoa bạch hương được gửi theo tiễn đôi vợ chồng nhà thơ.

Gia đình, thân hữu, bạn văn và bạn đọc rải hoa tiễn người "về chơi với cỏ"

Thôi thế từ đây ông Hoàng Phủ đã "Về chơi với cỏ" như một bài thơ ông từng viết:

Mai kia rồi cũng xa người

Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa

Có nàng xõa tóc tiên nga

Quỳ hôn cát bụi khóc òa như mưa.

• Nội dung: CỬA VIỆT thực hiện
Hình Ảnh: H.C.D
Thiết kế: NGUYÊN QUÝ

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

4 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

18 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground