Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cảm nhận khi đọc Nhặt lên từ bùn

Với bút danh Hoài Chung, thơ Nguyễn Hữu Thắng xuất hiện khá nhiều trên báo, tạp chí những năm tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy anh thường làm thơ cho thiếu nhi.

Một thầy giáo hiền hậu có tâm hồn trong sáng, lối sống giản dị khá hợp với tạng thơ viết cho tuổi nhỏ. Nhưng cuộc đời anh có những bước ngoặt, Nguyễn Hữu Thắng rời bục giảng và dần dà được đặt vào các vị trí công tác mới như Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị khi nhà văn nổi tiếng Xuân Đức về hưu. Có một dạo lâu lâu, tôi thấy vắng thơ Hoài Chung - Nguyễn Hữu Thắng trên báo, cứ tưởng rằng anh đã vơi nhạt với thi ca. Nhưng không phải thế, cái tình thơ trong anh vẫn đầy đặn, bằng chứng là tập thơ Nhặt lên từ bùn (NXB Hội Nhà văn, 2021) khá dày dặn của Nguyễn Hữu Thắng.

Đọc kỹ, thấy Nguyễn Hữu Thắng vẫn chung thủy với lối viết truyền thống, thơ có nhiều chất đời sống, nặng về tình. Tình cảm dành cho đất nước, quê hương, Bác Hồ là điểm nổi bật trong tập thơ này của anh.

Vùng đất Vĩnh Linh lịch sử, nơi có dòng sông Bến Hải đi qua, từng là vết đau chia cắt của non sông Việt Nam… trong trái tim người dân, không gì có thể thay thế được hình ảnh Bác Hồ. Trong tập thơ này, Nguyễn Hữu Thắng có các tác phẩm trực tiếp viết về Bác như Nhớ câu thơ Bác tặngThăm nhà Bác Hồ ở Bản Mạy, Thái Lan… Lòng thương dân của Bác Hồ được khắc tạc trong những câu thơ hết sức chân mộc: Bác khóc vụ sập địa đạo Vĩnh Quang / Bác gửi thư còn kèm theo bồ kết / Tuyến lửa ngày đêm ác liệt / Cháu gái dân quân tranh thủ gội đầu… (Nhớ câu thơ Bác tặng). Bản Mạy là nơi Bác Hồ từng sống để hoạt động cách mạng trên đất nước Thái Lan với bí danh Thầu Chín. Cái sự bình dị góp phần làm nên Con Người Hồ Chí Minh đã được Nguyễn Hữu Thắng đưa vào thơ một cách tự nhiên đẹp đẽ: Ngày xưa Thầu Chín ở đây / Sớm hôm đi cuốc, đi cày với dân / Đơn sơ một mái nhà tranh / Hai gian hai chái mà thành quê hương / Trúc tre kết lại thành giường / Cối xay, rổ rá, giần sàng cũng tre (Thăm nhà Bác Hồ ở Bản Mạy, Thái Lan). Câu chuyện của quá khứ vẫn còn sinh động và tiếp thêm năng lượng cho dân tộc hôm nay, bởi Hồ Chí Minh không chỉ là con người của lịch sử mà còn là con người của hiện tại và tương lai. Tôi nghĩ, bằng thơ, Nguyễn Hữu Thắng đã góp phần làm sáng tỏ và khẳng định thêm điều đó.

Đất nước, quê hương là mảng đề tài quan trọng trong tập thơ Nhặt lên từ bùn. Chiến tranh và hòa bình, khi yên ổn lúc thiên tai, đất nước quê hương hiện lên trong thơ anh những góc cạnh, âm hưởng, màu sắc khác nhau nhưng đều chan chứa ân tình người viết. Nhà thơ nhận ra được vị quê từ chiếc bánh chưng xanh có từ bao đời nay trong ngày Tết nơi trập trùng mây nước Trường Sa: Bánh chưng xanh ở Trường Sa / Lá bàng vuông gói đầm đà vị quê. Tôi đã hai lần được đặt chân đến quần đảo phong ba ấy nên thấm thía được cái phong vị trong hai câu lục bát này của anh. Có lẽ, Trường Sa là nơi ta cảm nhất đầy đủ nhất, rõ ràng nhất, mặn mòi nhất tình yêu đất nước, quê hương. Có những cái bình thường bỗng nhiên trở nên quá đỗi thiêng liêng, thương mến. Đất nước, quê hương trong thơ anh là những cái, những điều thật gần gũi, cụ thể. Đó có thể là hình ảnh một con sông quê nhà: Ai đi xa còn nhớ / Ai ở gần còn thương / Một thời sông Hồ Xá / Soi bóng mình trong gương (Sông Hồ Xá); có thể là chiếc quạt mo cau thời gian khó của mẹ: Hoa cau thơm suốt đêm hè / Mo cau làm gió mà nghe mát lòng (Quạt mo cau); hay chỉ là nết người nhà quê của miền cửa gió khắc bạc: Dù năm dù tháng bao nhiêu / Nhà quê mộc mạc vẫn neo chữ tình / Vá may bao cuộc rách lành / Chắt chiu năm tháng mới thành nét quê… (Nhà quê). Và, Nguyễn Hữu Thắng minh giác luôn, chẳng chút mảy may đắn đo phân tính: Nhà quê không bán, không mua / Mỗi người một cõi xa xưa để dành

Tôi hình dung trái tim đa cảm của Nguyễn Hữu Thắng luôn hòa nhịp với thiên nhiên, cây cỏ quanh mình. Đọc những câu thơ man mác của anh về hoa dẻ bỗng nhiên ta cũng bâng khuâng nhiều đến thế: Ngày xưa… nhớ lại mà thương / Có những mối tình hoa dẻ / Rú rậm, truông dài lặng lẽ / Lối mòn ai tiễn đưa nhau (Hoa dẻ). Loài hoa như giọt nắng mai về ấy trong cảm thức của Nguyễn Hữu Thắng ôm chứa thật nhiều hoài niệm đẹp, bao nỗi chung riêng trộn hòa trong hương thơm dịu dàng của những cánh vàng lấp ló trong vầng lá xanh giữa nắng gió mùa hè. Đẹp sâu và lắng gợi ở hai chiều thời gian, dĩ vãng và hiện tại nâng dìu nhau lên bát ngát.

Thật xúc động khi anh kể lại câu chuyện về một buổi chiếu phim cho các liệt sĩ xem ở Thành Cổ Quảng Trị. Đây không chỉ là thơ mà là cuộc chiến chưa nguôi trong tâm tưởng nhiều người, là máu và mồ hôi của một thời khói lửa, là ánh sáng và bóng tối của hôm qua và hôm nay, là nước mắt trôi chảy cùng Thạch Hãn, cùng Quảng Trị, cùng đất nước yêu thương: Buổi xem phim góp mặt mấy sư đoàn / Hàng ghế này chốt thép Long Quang / Hàng ghế này Nhan Biều, Bến Vượt / Hàng ghế này… tên không nhớ được / Lính vào thành chưa kịp nhận mặt nhau / Đồng đội ơi, ở đâu / Sư 320 hay Trung đoàn 27 / K10 đặc công hay mật danh Triệu Hải / Lính sinh viên mới được tăng cường…/ Tất cả hướng lên màn hình / Bộ phim Mùi cỏ cháy / Nhân vật trong phim cũng là lính đấy / Những binh nhì đang tuổi mộng mơ / Bom rơi dày như mưa / Đạn nhiều như vãi trấu / Gạch Cổ thành đỏ bầm như máu / Thạch Hãn trôi áo mũ bập bềnh / Những linh hồn xem phim / Thấy bóng mình lao trên màn ảnh / 81 ngày đêm, hàng trăm trận đánh…(Xem phim cùng liệt sĩ). Những chi tiết trong hiện thực quá khứ biến thành thơ, không cần thêm thắt, trau chuốt; trần trụi đến cùng, chân thật đến cùng và ta thấy cuộc chiến bi tráng chưa hề bị mờ nhòe chút nào cả. Đất nước là thế đấy, quê hương là thế đấy, Quảng Trị là thế đấy, sau chiến tranh còn đó những nỗi đau khôn xiết: Mênh mông mộ, mênh mông điệp khúc / Chưa biết tên…/ Chưa biết tên…/ Chưa biết tên…/ Tháng mười hai, ai nhớ, ai quên / Hồn liệt sĩ hát quân hành lặng lẽ / Đếm mỏi mắt, đi mỏi chân, mộ chí / Những hàng bia chung một dòng tên / Chưa biết tên / Đọc lên thấy quen quen / Mà đau đến tận cùng xương tủy (Chưa biết tên). Chưa hết, màu hoa, màu mây, màu sông nơi Thành Cổ Quảng Trị hình như mang nỗi ưu tư của bao thân phận lính và dân: Bằng lăng tím bức thư anh / Mây trắng tóc người chờ đợi / Nhang thơm quyện màu như khói / Sông chiều đỏ ráng hoàng hôn (Màu Thành Cổ).

Và thiên tai, đã bao phen chà đi xát lại mảnh đất này. Lại mất mát, xót đau. Và bù đắp, ấm áp. Từ bùn đất sau cơn đại hồng thủy nhà thơ thấy được vẻ đẹp của tình người Việt Nam: Nhặt lên từ bùn dấu những bàn chân / Ùn ùn người đi cứu nạn / Vết xe lăn Cà Mau, Bắc Cạn / Tiếng chào nhau hòa giọng ba miền, và cũng như muôn đời nay vậy vẫn Mọc lên từ bùn những đóa sen thơm (Nhặt lên từ bùn). Quảng Trị là vùng đất nắng cháy, mưa dầm. Cái nắng Quảng Trị dữ dằn mấy nơi so nổi, lo toan hạn hán đồng khô cùng nỗi day dứt, khao khát như thơ anh là có thật: Sông quê, mương hói cạn khô / Đồi quê cỏ cháy trâu nhô sừng gầy / Tôi ngồi thả thính lên phây / Khoe bức ảnh cũ những ngày mưa ngâu / Hôm qua đi chợ mua trầu / Hôm nay tựa cửa mong cầu cơn mưa (Đợi mưa).

Mẹ, trong hàm nghĩa chung, vừa là người sinh ra mình vừa là biểu tượng của quê làng, đất nước. Nguyễn Hữu Thắng có những câu thơ viết về mẹ thật chân chất và xúc động, ví như: Mẹ ngồi phơi lá mùng năm / Hôm nay mười bốn, mai rằm còn phơi / Lá rừng hong nắng vàng tươi / Mẹ đem gói lại, nhờ người gửi đi… (Lá mùng năm) hay: Tôi quỳ trên vạt cỏ xanh / Người nằm dưới cỏ sinh thành ra tôi / Tháng ba về đó mẹ ơi / Nén hương con thắp tàn rơi nắng chiều (Tháng ba nhớ mẹ)… Và đây nữa: Giọt mưa đọng dưới mái tranh / Sân rêu dáng mẹ đội vành nón mê… (Ngày xưa)

Thảng hoặc, ta lại bắt gặp Nguyễn Hữu Thắng lãng đãng và thăng hoa trong những ý thơ về em, về tình yêu đôi lứa khá xao xuyến. Nhìn chiếc lá Em vô tình nhặt được / Đem ép vào trang thơ, anh viết: Rồi một ngày đông lạnh / Em về trong cơn mưa / Chiếc lá nhen lửa ấm / Run rẩy bàn tay hơ… (Chiếc lá). Rõ ràng, thơ như thế sẽ chiếm được cảm tình của bạn đọc rất nhiều.

Thơ Nguyễn Hữu Thắng mang những nét, những mảng tươi ròng, nguyên chất của đời sống và chan chứa tình cảm nồng ấm. Tuy vậy, tôi vẫn thấy thiếu cái sự mới mẻ trong thơ, anh quá chú tâm vào hiện thực mà có phần quên đi sự chăm chút cho nghệ thuật. Thơ anh còn sa đà vào kể lể dông dài, ít dụng công vào cấu tứ, thi ảnh, ngôn từ. Lao động sáng tạo cần nhiều hơn, khổ công hơn với những gì anh đã có. Thơ không chỉ là nhặt được từ cuộc sống mà phải được chọn lựa, tinh luyện từ vỉa đời bề bộn, ngổn ngang. Thơ là rượu của đời, muốn rượu ngon không thể không nhọc công chưng cất. Và, điều tôi muốn nói là thơ trước hết phải biết vượt qua những gì mình đã có. Ta có thể lựa chọn cách viết, truyền thống hay cách tân cũng được nhưng đừng bao giờ quên tính sáng tạo, liên tục sáng tạo như một đặc trưng cốt tử của người làm thơ.

Mừng cho Nguyễn Hữu Thắng với tập thơ dày dặn này nhưng cũng hy vọng vào anh ở hành trình sáng tạo thi ca sắp tới với những đổi thay mới mẻ hơn. Là bạn viết của anh từ thời ăn bo bo, uống rượu sắn, đọc thơ như lên đồng trên miền đất Quảng Trị, tôi tin Nguyễn Hữu Thắng còn gắn bó lâu dài với thi ca trong ý thức tìm tòi, vượt lên. Chất đời sẽ được thăng hoa trong thơ, sâu hơn, lắng hơn, nhiều ánh sáng hơn.

N.H.Q

 

NGUYỄN HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 323

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground