Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cảm thức tâm linh trong tiểu thuyết chiến tranh sau thời kỳ đổi mới

T

rong hành trình tìm hiểu, khám phá bản thân dường như con người chưa bao giờ thoả mãn những gì đã có. Thể hiện sự trăn trở, day dứt, băn khoăn đó, tiểu thuyết chiến tranh sau thời kỳ đổi mới đã có ý thức đi sâu vào thế giới nội tâm để khai vỡ chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện con người đích thực: “Các cây bút từ sau thời kỳ đổi mới đã đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con người đích thực. Sự xuất hiện con người tâm linh biểu hiện sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học” (Nguyễn Minh Châu). Với quan niệm nghệ thuật mới, tiểu thuyết chiến tranh đương đại dần thoát ra khỏi kiểu “phản ánh hiện thực” một cách “thông tục” như trước kia. Vì thế, nó đã trở thành một mảng hiện thực đặc sắc trong quan niệm về hiện thực của một số nhà văn hôm nay như Bảo Ninh, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Trí Huân...

            Hiện nay, có rất nhiều ý kiến khác nhau về “tâm linh”. Theo Từ điển tiếng Việt: “Tâm linh là khả năng đoán trước những điều sắp xảy ra theo quan niệm duy tâm”. Nguyễn Đăng Dung trong cuốn Văn hoá tâm linh cho rằng: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong tín ngưỡng tôn giáo”. Và một số tác giả nghiên cứu khác cho rằng tâm linh “thường được hiểu như đời sống tinh thần đầy bí ẩn của con người, đối lập với ý thức kiểu lý tính thuần tuý. Nó bao gồm cái phi lí tính, cái tiềm thức, vô thức, bản năng thiên phú có thể nhấn mạnh phần trực cảm, linh cảm, những khả năng bí ẩn” (nhưng vẫn có ý thức của con người). Nhìn chung, các ý kiến trên điều giống nhau ở chỗ coi tâm linh là một thế giới mở với những biểu hiện đa dạng của nó, là một tầng văn hoá trong đời sống tinh thần của con người. Nó tham gia kiến tạo ý thức ngầm và có thể là vô thức. Nhưng thường tâm linh gắn liền với những tín ngưỡng, những niềm tin vào lực lượng siêu hình cùng các quan hệ bí ẩn của con người, những sức mạnh thuộc về “trực giác”, “linh giác”, những khả năng kỳ lạ mà cho đến nay vẫn là điều khó lý giải của con người.

            Trước hết, thế giới tâm linh được thể hiện qua những trạng thái bất thường của nhân vật. Đó là những người lính từng sống sót lại qua hai cuộc chiến, họ bị khủng hoảng, bất an về tinh thần nên khiến họ không thể giữ nổi trạng thái tâm lý bình thường, và họ đã hướng về quá khứ như Quy (Chim én bay), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), Ông Dần (Góc tăm tối cuối cùng), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh)...  Với họ, quá khứ luôn là cõi thiêng liêng, được hòa trộn bằng máu, nước mắt, hạnh phúc, khổ đau và bằng cả những kỷ niệm yêu thương. Quá khứ ấy luôn gọi họ tìm về, không phải để ru mình trong tháp ngà của những vinh quang, chiến thắng, mà để chiêm nghiệm, để dằn vặt, trăn trở về cuộc sống, lẽ đời. Bởi, với họ cái còn lại trong hiện tại không đủ để đem lại niềm vui, hạnh phúc, thanh bình cho những người lính đã từng “trở về từ cõi chết”. Và vì thế, người lính luôn sống với những gì đã mất bằng đời sống tâm linh. Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) trở về sau cuộc chiến, phần nhiều chỉ sống bằng kí ức, tâm hồn “bị chấn thương” do “hội chứng chiến tranh” nên anh đã không thể tìm thấy được “phép an trú trong hiện tại”. Kiên không thể “sống tỉnh thức trong từng giây phút, biết quý trọng trong từng giây phút của đời sống” (Nhất Hạnh). Chiến tranh đâu phải chỉ gói gọn trong nguyên nhân - diễn biến - kết quả, mà nó còn gắn với bao mảnh đời, bao số phận, là tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc, nỗi buồn... tất cả bị đưa ra để thử thách, nếm trải. Ký ức chưa xa, nó luôn ám ảnh, vò xé tâm hồn Kiên: “Cuộc đời tôi kì thực có khác nào con thuyền bơi ngược về dòng sông không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng. Đối với tôi tương lai nằm lại phía sau kia rồi... những tấm thảm bi kịch quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay”<4,tr.53>. Sống với thế giới tâm linh, cuộc đời anh cứ trĩu nặng một nỗi buồn đau, cứ lầm lũi tiến vào thế giới bên trong không tài nào thoát ra được!. Trạng thái tinh thần của Kiên bị khủng hoảng một cách trầm trọng, ứ đọng một cảm giác “buồn nôn” khi phải đối diện với cuộc sống hiện tại. Kiên không thể hiểu nổi tại sao mình lại có thể sống sót qua cuộc chiến tranh tưởng như không có cơ hội thoát chết. Với Kiên có lẽ là một thiên mệnh nào đó: “Cũng vì mang trong mình một thiên mệnh huyền cơ nào đấy mà anh có thể sống sót qua cuộc chiến tranh với hoàn cảnh mà bình thường ra không thể có cơ hội thoát chết”<4,tr.64>. Vì vậy, Kiên chỉ còn cách rút vào thế giới tâm linh, sống với quá khứ.

Trong Ăn mày dĩ vãng, thế giới tâm linh trở thành nơi “trú ngụ” cho những người lính trở về với cuộc sống thời bình. Cũng như Kiên, Hai Hùng “không nguôi hướng về dĩ vãng”. Anh chưa kịp chuẩn bị tâm thế sống cho hòa bình, thì lại bị hút theo tiếng gọi bi thương, da diết của quá khứ nên tâm hồn phải “nương” vào cõi tâm linh. Bởi với anh chỉ sống trong cõi ấy anh mới lắng nghe được mọi tiếng nói vang lên trong cõi lòng mình. Đó là tiếng oán thương, trách móc, mỉa mai... của đồng đội anh vang lên từ những nấm mồ ngoài nghĩa địa. Đó là sự oán trách của Viên, sự lên án nặng nề của Bảo, sự an ủi của Khiển, và cả sự thương hại của những vong hồn đã khuất khi trông thấy dáng vẻ tiều tụy của anh... Hoá ra cái cõi tưởng như mông lung, chập chờn, hư huyền ấy lại nói được bao điều đang ngày đêm giày vò trái tim những người lính khi được sống sót trên sự hi sinh của đồng đội mình.

            Chính nỗi đau, mất mát đã khiến cho tâm hồn những người lính chìm sâu vào cõi vô thức, tâm linh, và không thể trở lại với chính mình trong hiện tại. Lát cắt của nỗi đau, cô đơn khiến họ tin vào những điều siêu hình, thần bí. Họ nhìn thấy có một cõi khác ngoài cõi hữu hạn, bởi ở đó có sự tương thông, thấu hiểu, thần giao cách cảm giữa con người với con người. Lạc vào thế giới tâm linh là cách đào thoát mà ở đó họ tìm thấy sự trú ngụ và an ủi.

            Theo Freud, giấc mơ là con đường giải tỏa ẩn ức và những chấn thương tâm lí từ trong quá khứ của con người. Mở rộng hơn quan niệm này, tiểu thuyết chiến tranh đã sử dụng mô típ giấc mơ để phản ánh hiện thực cuộc sống, mà ở đó những nỗi đau, sự mất mát, hay độc ác của chiến tranh đã ám ảnh và trở thành ác mộng đối với những người lính trở về sau chiến tranh. Quy (Chim én bay) trở về sau chiến tranh luôn bị ám ảnh bởi những vong hồn chết trận: “Những ngày này không hiểu sao chị hay nằm nhớ lại những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình. Nhưng trở qua trở lại nhiều nhất vẫn là ấn tượng về những cái chết”<2,tr.126>.

            Người xưa quan niệm chết không phải là hết, mà chỉ tiếp tục một cuộc sống ở thế giới bên kia. Cái chết gắn liền với các quan niệm về văn hoá tâm linh. Nói đến chiến tranh là nói đến chết chóc đau thương, nhiều người lính đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trận bơ vơ, phiêu bồng giữa đất trời, núi rừng. Đến với Nỗi buồn chiến tranh ta bắt gặp một thế giới ma - những oan hồn binh sĩ ở truông Gọi Hồn, đồi Xáo Thịt, làng Hủi, làm cho chúng ta nao lòng về sự tàn khốc của chiến tranh: “Vô khối hồn ma ra đời trong trận bại vong ấy hiện vẫn lang thang khắp xó xỉnh bụi bờ ven rừng, dọc suối chưa chịu chầu trời... , những linh hồn lở loét không manh áo che mình”<4,tr.8-9>. Như vậy, thế giới của các linh hồn chết trận chính là thế giới tâm linh mãi mãi bí ẩn, nhằm khẳng định cái giá của cuộc chiến tranh chính nghĩa, của hoà bình ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, tiểu thuyết chiến tranh sau thời kỳ đổi mới còn xây dựng những con người – nhân vật người lính “xuất quỷ nhập thần”, có khả năng phát ra những tia sáng bất ngờ, mà khoa học ngày nay rất quan tâm, chú ý. Đó là những năng khiếu đặc biệt, tinh quái, đáo để trong việc xét đoán người và khả năng thông hội với một cơ cấu siêu hình nào đó bên ngoài như Nỗi buồn chiến tranhChim én bayTàn đen đốm đỏ... Có không ít trường hợp, con người có “linh tính” trước khi xảy ra những việc hệ trọng hoặc cảm nhận được những “điềm báo” kì lạ nằm ngoài sự kiểm soát lí trí của mình. Mẹ Phương (Thân phận tình yêu) đã từng tiên đoán số phận của con gái mình. Theo bà, thì Phương có một thiên hướng hoàn hảo kì lạ, nhưng sự hoàn mỹ này lại mong manh vô cùng, vì là “sự hoàn mỹ do bẩm sinh chứ không phải do trường đời... trượt ra khỏi cây đàn những tâm hồn như con gái bác sẽ bị trường đời vò nát”<4,tr.257>. Liền sau đó, lời tiên đoán của mẹ Phương đã ứng nghiệm. Chuyến tàu vào Vinh như một định mệnh. Cuộc đời Phương đã thay đổi. Và ngay chính Phương nữa, cũng tiên đoán trước bi kịch tình yêu của chính mình: “Em nhìn thấy tương lai – Phương nói - Đấy là sự đổ nát. Sự thiêu huỷ”<4,tr.158>. Mặc dù Kiên và Phương rất yêu nhau, nhưng kể từ khi Kiên dấn thân vào cuộc chiến thì tình yêu giữa họ có một thân phận thật bi thương. Ở Quy, Dũng (Chim én bay) cũng có những linh cảm thật kì lạ. Mỗi khi Quy quyết định làm việc gì thì trong con người chị lại xuất hiện những linh tính báo cho biết đó là đúng hay sai. Ví như lần cha chị bị tên giám Tuân giết hại, trên đường trở về nhà chị có cảm giác “một cái gì đó giống như linh cảm không lành giật nhoi nhói trong tim” <2,tr.36>. Trên đường đi thực hiện nhiệm vụ là giết tên ác ôn Hai Đích, Dũng đã tranh thủ lao xuống biển tắm một cách mải mê, tắm như chưa bao giờ được tắm với lời giải thích: “Nóng quá, phải tắm một cái, kẻo chẳng bao giờ được tắm nữa”<2,tr.97>. Thế là, chỉ ít phút sau, Dũng đã trúng pháo và anh đã chết một cách thật thảm thương. Quy sau này nhớ lại và chị cứ ngạc nhiên mãi: “Hình như lúc đó, Dũng đã linh cảm trước một điều gì và việc Dũng đột ngột bỏ xuống tắm giống như một sự từ giã” <2,tr.97>. Viên (Ăn mày dĩ vãng) - cậu bé liên lạc có một trực giác, linh cảm đến kỳ lạ. Cậu ta thường “có một linh cảm hoặc trực giác trận chiến gì đó rất kỳ quái”. Sau nhiều lần sống với Viên, Hùng thấy rằng: “Trận nào mà hắn tươi tỉnh, thích nói thích cười thì trận đó sẽ xuôi chèo mát mái. Ngược lại, hôm nào hắn tỏ ra lầm lì, hỏi không nói, gọi không thưa, động một tí cũng gắt gỏng là y như rằng hôm đó không gặp trục trặc này cũng đụng tình huống khác, có khi cha con ôm đầu máu trở về”<3,tr.37>. Trong một lần cùng đồng đội đi tải gạo. Viên như lờ mờ biết trước trận ấy sẽ có người ngã xuống mặc dù công việc trót lọt. Và điều linh cảm của Viên đã ứng nghiệm. Trước đó, bằng dự cảm mơ hồ về sự gắn kết số phận giữa Ba Sương và Hai Hùng cũng là điều khó lý giải bằng lí trí thông thường: “Rồi đây số phận anh và chị Sương sẽ ràng buộc với nhau nhiều lắm đấy. Hai người sẽ gặp vô số hoạn nạn nhưng vẫn không xa rời nhau, vẫn bù đắp cho nhau. Chị ấy sẽ chết trước anh”<3,tr.38-39>. Lời nói của Viên như một ẩn số mà suốt cuộc đời Hai Hùng phải đi tìm lời giải. Thế là, cuối cuộc hành trình tìm về dĩ vãng anh mới tìm ra giải đáp cho ẩn số của mình.

Ngoài ra, linh cảm của con người trong Tàn đen đốm đỏ cũng là biểu hiện của con người tâm linh. Năm bảy hai, tại rừng cao su Bù Đốp, lúc cả tiểu đội trinh sát đang còn ngủ ngon giấc thì Thắng vịt đã giục giã gọi mọi người dậy, bắt phải di chuyển ngay, và quả thực sau đó cây “cao su đổ gục đè nghiến” đúng chỗ cả tiểu đội vừa nằm. Một sự linh ứng với thần giao cách cảm.

Rõ ràng, xây dựng kiểu con người tâm linh, các nhà văn đã thể hiện một cách sâu sắc nỗi đau bị ám ảnh của người lính và chính nỗi đau đó đã làm cho họ không thể nào sống bình thường được nữa. Đây là hướng thể hiện sự riêng khác, mới mẻ, không thể tìm thấy trong tiểu thuyết chiến tranh ở giai đoạn trước

Tuy nhiên, năng lực tâm linh không phải xuất hiện ở bất cứ ai. Theo các nhà khoa học, cấu trúc di truyền ADN của mỗi sinh vật hoàn toàn khác nhau nên “trường không gian tâm linh” rộng hẹp của chúng cũng khác nhau. Và theo quan niệm của Phật giáo, điều này còn phụ thuộc vào cái “tâm” và “nghiệp báo” của mỗi con người. Những “hạnh nghiệp” này đã đưa đến kết quả kỳ diệu cho cuộc đời và cho đời sống tâm linh của con người.

Có thể nói, với việc khai thác và khám phá sâu vào lĩnh vực tâm linh đã mở ra những miền phong phú và đầy bí ẩn khôn cùng của con người, do đó nó có ý nghĩa nhân bản. Nhà văn Xuân Cang trong bài viết Cho một hành trình văn học trở về nguồn đã khẳng định: “Con người tâm linh chính là một hiện thực, nguồn gốc mọi sự sáng tạo của con người hành tinh. Tôi rất tâm đắc với dự báo rằng cơ chế tâm linh sẽ tạo ra sự phục hưng nghệ thuật thế kỷ sắp đến, cả ở Việt Nam”. Và tác giả đã khuyến khích văn học “trở về với cơ chế tâm linh. Vì đó, chính là một hành trình văn học về nguồn, một cuộc về nguồn đầy hứa hẹn”. Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều tiểu thuyết chiến tranh viết hay hơn, sâu sắc hơn về “cõi mông lung bí ẩn” của con người. Đó không phải là những tác phẩm dẫn dắt con người vào cõi “tù mù” của vô thức để rồi lạc bước, không tìm thấy lối ra. Ngược lại, nó có khả năng soi sáng cõi tâm linh con người, giúp họ điều tiết mọi hành động và hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Với hướng đi này, hiện thực tâm linh trong hành trình sáng tạo của tiểu thuyết chiến tranh sau thời kỳ đổi mới tiến thêm một bước gần hơn trong nổ lực tiếp cận con người một cách đa chiều, vẹn toàn, góp phần đưa tiểu thuyết chiến tranh ra khỏi lối mòn quen thuộc để đến với thế giới đầy bí ẩn của con người, để văn chương trở về với giá trị đích thực của nó.

        B.N.H

 

 

 

 

    Tài liệu tham khảo

    1. Trung Trung Đỉnh (1999), Lạc rừng, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

    2. Nguyễn Trí Huân (2003), Chim én bay, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

    3. Chu Lai (2003), Ăn mày dĩ vãng, NXB Văn học, Hà Nội.

    4. Bảo Ninh (2005), Thân phận tình yêu, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

    5. Phạm Ngọc Tiến (2006), Tàn đen đốm đỏ, NXB Văn học, Hà Nội.

 

Bùi Như Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 176 tháng 05/2009

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground