(Trích tham luận của nhà văn ĐỨC BAN
Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh)
...V |
ậy là 6 tạp chí văn nghệ: Sông Hương, Cửa Việt, Nhật Lệ, Hồng Lĩnh, Sông Lam, Xứ Thanh đã có ba lần gặp gỡ để trao đổi, bàn bạc nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật. Lần gặp gỡ này, tại Quảng Trị, diễn ra sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa. Đấy là một thuận lợi lớn cho tất cả chúng ta trong việc trao đổi tìm đường đi, nước bước cho sự phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dẫu thế, hiện nay đang có một khó khăn không riêng tạp chí nào. Đấy là thực tế văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc; là sự ghẻ lạnh của người đời đối với VHNT; là cơ chế thị trường đang ngày càng thể hiện vai trò độc đoán của nó đối với mọi hoạt động văn hóa tinh thần, trong đó có VHNT. Mỗi tạp chí, do điều kiện thực tế của mỗi địa phương có những thuận lợi và khó khăn riêng. Cái chung của 6 tạp chí Bắc miền Trung là lượng phát hành không cao, là kinh phí nước nhà hỗ trợ cho những công việc (nhiều việc lắm) của một tờ báo VHNT, ít ỏi quá...Đến đây tôi chợt nhớ một lần một phóng viên hỏi nhà thơ, thứ trưởng Bộ Y tế Nga A-lếch-xanđrơ Côrôtcô: “Vì sao vẫn còn nhiều kẻ sống nhởn nhơ ngoài vòng văn học?” A.Côrôtcô trả lời: “Điều ấy chỉ giải thích được rằng, có thể sống trong một cái chuồng và bảo, không sao cả. Lấy ví dụ một con bò, nó luôn mồm nhai và không ngẩng đầu lên trời mơ mộng bao giờ. Còn con người luôn ngẩng mặt lên trời mơ mộng. Anh ta bị hút lên phía trời cao. Từ thế giới vật chất tới thế giới tinh thần. Đấy là căn nguyên thần thánh. Không ai và không điều gì tiêu diệt được”. Cái sự chợt nhớ, nó không chỉ có mỗi nỗi buồn mà có cả kích ứng tích cực cho sự sáng tạo. Anh em văn nghệ vẫn còng lưng, rủ tóc để viết vì chúng ta, và cạnh chúng ta có một bộ phận không nhỏ hiểu sâu sắc rằng: VHNT là thần dược của tâm hồn con người. Không có gì thay thế được VHNT trong việc giúp con người nhìn sự thật của nó làm hình thành trong nó những giá trị nhân bản. Đấy là lý lẽ không thể chối cãi, đã hàng triệu năm không thể chối cãi. Và đấy chính là niềm tin của chúng ta. Tin vào sự phát triển của tạp chí văn nghệ chúng ta...
...Tôi trân trọng đề nghị, 6 tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta tới Đảng theo cách riêng của mình bằng việc nỗ lực nâng cao chất lượng tác phẩm, thiết thực đưa Nghị quyết TW5 vào đời sống.
Tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND về việc cụ thể hóa các chính sách về văn hóa nghệ thuật, nhất là chính sách đầu tư sáng tạo để có tác phẩm lớn viết về chiến tranh cách mạng, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tôi đề nghị 6 tạp chí chúng ta tăng cường sự giao lưu tiếp xúc, học hỏi giúp đỡ nhau tìm ra một tiếng nói chung cho tạp chí văn nghệ địa phương. Tiếng nói chung về tổ chức, về tài chính, về nhuận bút, về cộng tác viên, về chất lượng tác phẩm VHNT theo định hướng chính trị của Đảng. v.v.. Tôi nghĩ, đành rằng, mỗi Tạp chí của mỗi tỉnh giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của mình nhưng ta gặp nhau ở nhiều điểm lắm và vì thế, dễ có tiếng nói chung lắm.
...Tôi xin bày tỏ niềm vui mừng của Ban biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh đối với Tạp chí Cửa Việt. Cửa Việt có một mảnh đất dày dặn truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, có một nhân dân tuyệt vời, có Đảng bộ nổi tiếng hiểu biết, yêu thương trân trọng đội ngũ văn nghệ sỹ và tác phẩm VHNT. Chúng tôi mong muốn Cửa Việt luôn xứng đáng với Đảng, với nhân dân và đất đai sông núi Quảng Trị.
Đ.B