Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Cao Hạnh - Gửi thương nhớ vào giấc mơ"

Tôi bước vào văn chương một cách tự nhiên như định mệnh’’ Nhà văn Cao Hạnh đã từng tâm sự như thế. Trong suốt thời gian dài cầm bút Cao Hạnh viết rất nhiều thể loại khác nhau và sớm có được những tác phẩm thành công đặt dấu ấn riêng trên mỗi chặng đường sáng tác, hòa chung vào dòng chảy văn học nước nhà thời kì đổi mới.

Với Cao Hạnh cuộc sống và sự chiêm nghiệm những khoảnh khắc con người đang trải qua nỗi đau, hạnh phúc, nụ cười đã trở thành mạch nguồn cho quá trình sáng tạo. Đồng thời, thiên nhiên cảnh sắc đất trời cũng là động lực thôi thúc nhà thơ đi và viết. Những yếu tố ấy như vị xúc tác hòa trộn cho thơ  Cao Hạnh bay bổng tuôn trào. Đặc biệt khi đọc những bài thơ trong tập “Giấc mơ màu cỏ’’  bắt gặp lời lẽ giản dị, chân thành tạo nên sợi chỉ xuyên suốt các sáng tác của nhà thơ. Nó góp phần đưa tác giả và người đọc xích lại gần nhau hơn. Họ cảm nhận những gì tác giả viết đang hiện hữu bên cạnh họ mỗi ngày. Bởi vì nhà thơ viết ra với chính những xúc cảm của mình mà không quá huyễn hoặc hay lý tưởng. Tất cả đều gần gũi thiết tha. Giấc mơ màu cỏ là những cung bậc tình cảm khác nhau. Nó in dấu tuổi thơ, kỉ niệm, tình yêu, quê hương, những triết lý về cuộc sống cùng đan quyện lắng lại trong tim thi nhân đến khi cảm xúc ùa về sẽ thăng hoa rung bật thành thơ. Dẫu rằng, những gì tác giả viết ra có thể chỉ tồn tại trong mơ nhưng giấc mơ ấy đầy thơ và nhạc tươi mát hiền hòa như màu xanh hoa cỏ. Vì Cao Hạnh sống và mong muốn cống hiến hết mình cho văn chương, dù cho:

Cuộc đời lắm nỗi đa mang

Ta như chiếc lá nửa vàng nửa xanh

Nửa vàng thì cứ vàng dần

Chút xanh còn lại vẫn xanh hết mình

                                                  ( Ngẫm )

Bên trong nhà thơ luôn  đau đáu một nỗi niềm cho nghiệp viết:

Thơ hay tự nó sống .Thơ dở tự nó chết

Riêng nhà thơ dở sống dở chết

                      (Khai từ cho tập thơ)

Khi một tác phẩm văn chương ra đời sẽ tự tách ra khỏi chủ thể sáng tạo. Người phán quyết cuối cùng cho sự tồn tại một tác phẩm chính ở người đọc chứ không ở tác giả của nó. Đồng thời, cùng với sự sàng lọc giá trị tác phẩm qua thời gian. Vì vậy người viết phải có tâm, không nguôi trăn trở trước hiện thực muôn màu. Và càng cần hơn trong xã hội ngày nay vốn  có quá nhiều biến động, đổi thay. Nó thôi thúc người nghệ sĩ phải suy nghiệm, phải Tự vấn chính mình để từ đó có thái độ sống đúng mực trước cuộc đời. Xứng đáng là nguời cầm bút của thời đại:

Tôi là ai?

Mỗi lần tự vấn

Nỗi dày vò xoáy riết tâm tư

....................

Tôi  là ai?

Một nửa tôi bay ở phía chân trời

Một nửa tôi neo vào trong cát bụi

Hai nửa cuộc đời nhập lại

Để thành tôi trong một kiếp CON - NGƯỜI .

                                         (Tự vấn )

Trước sự phân vân ấy nhà thơ lãng du tìm kiếm trên mọi nẻo đường mình đến và đặt chân qua. Nhưng chỉ thấy:

Trên trời cánh chim đơn lẻ

Biết bầy hạ cánh về đâu

Con cá say đời đớp mảnh trăng ngâu

Ngọn sóng mang giấc mơ ném vào bờ cạn

                                                              ( Đi )

Cái cô đơn, lẻ loi dường như đã trở thành tâm trạng thường trực trong tâm hồn nhà thơ. Vì khi đối diện với chính mình, với vũ trụ bao la, vô tận cái tôi cảm thấy bé nhỏ vô cùng trước sự chơi vơi không định cứ bám riết lấy tâm hồn người thi sĩ đa tình. Lúc ấy khiến cho người ta có một cảm giác hẫng hụt, đường đột hơn trước sự ra đi của  người thân. Đó là cha, là mẹ, là chị...

Cha đã đi rồi

Ba mươi năm....

Khi tóc con còn xanh

Đến bây giờ bạc trắng

Con neo hồn mình vào trong im lặng

Lặn vào câu thơ tìm ẩn số cuộc đời

                                                    (Cha)

Hay:

       ................................................

Đêm nay mưa to con nằm không ngủ được

Giọt nước mưa rơi vào ký ức

Buốt lòng con thương nhớ mẹ vô cùng

Mẹ đã đi rồi mười lăm năm chẵn

Biết mấy cơn mưa, biết bao ngày nắng

                                             ( Nhớ mẹ)

Tác giả sử dụng những số đếm chẵn Ba mươi năm...., mười lăm năm chẵn hay bốn mươi năm ( Ngày chị đi lấy chồng) dường như nhà thơ luôn bị thời gian ám ảnh trước sự mất mát của người thân. Tận sâu trong tâm khảm nhà thơ hình ảnh cái chết mãi in đậm trong trí nhớ khó phai mờ theo năm tháng mặc dầu chuyện xảy ra đã rất lâu rồi. Nó khiến hồn thơ thi nhân đa cảm day dứt dày vò thổn thức một nỗi niềm như có tội với mẹ. Bởi mẹ cứ tần tảo sớm hôm lo cho các con khôn lớn mà chưa bao giờ mong lấy một điều gì đền đáp từ các con cho dù là điều nhỏ nhặt nhất :

Mẹ như con tằm nhả kén

Cho đời sau những sợi tơ vàng

Con một đời mê mãi giữa đồng văn

Bới gió lật trăng tìm tương lai con trẻ

Con cá câu lên cho mẹ

Chần chừ... lại thả xuống ao

Để nỗi buồn mắc mãi ở lưỡi câu

Mà mẹ ơi... suốt đời con không sao gỡ được

                                                       ( Nhớ mẹ)

Mất mát và đớn đau khi em phải chứng kiến sự ra đi của người chị dù ngày vui còn dang dở:

Rồi một ngày con quạ bay ngang

Để lại tiếng kêu lạnh núi

Cả nhà nhìn nhau không nói

Ba ngày sau tin chị mất bay về

              (Ngày chị đi lấy chồng)

 Niềm đau cứ chôn chặt đầy vơi qua ngày tháng trong niềm thương nhớ quê nhà. Hình ảnh dòng sông, bến nước, mái tranh, vườn cây, đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ lớn dần cùng cảm xúc. Bởi nơi ấy đã nuôi dưỡng bồi đắp, cất giấu bao kỉ niệm êm đềm ăn sâu vào miền sâu tâm thức. Hơn thế, quê hương còn là bến đổ bình lặng nhất cho ta quay về tìm thấy sự an lành mỗi khi vấp ngã giữa chốn phồn hoa xa lạ. Khi ấy ta cất tiếng gọi thân thương:

Hiếu Giang ơi... tôi thầm gọi thiết tha

Dòng sông nhỏ sao tôi yêu đến vậy

Mái chèo ai khua trên dòng êm ái

Con thuyền trôi lả lướt dưới sông  trăng

                              (Dòng sông quê tôi )

Khi gọi tên Người- Hiếu Giang lòng ta như nhẹ hơn, bình lặng hơn. Một khoảng trống chơi vơi dâng đầy. Bởi chỉ có sông mới hiểu lúc nào ta buồn, ta vui. Dù lòng sông có sâu rộng dặm trường thì đáy sông luôn trân trọng cất giữ giùm ta nhưng mãnh kí ức rơi vải của quá khứ xa xôi mà do những lúc vô tình  hời hợt ta đánh mất lúc nào không hề hay biết. Cho đến một lúc nhận ra sự vô tận của dòng sông trong niềm khát vọng được cùng sông sẻ chia :

Dẫu uống cạn nguồn vẫn không thôi cơn khát

Ôi dòng sông trong như nước mắt

Vẽ một nét huyền qua sỏi đá đời tôi.

                          (Dòng sông quê tôi )

Phải chăng khi đứng trước không gian mênh mông man mác của dòng sông con người cảm thấy được thoả thích trút bỏ nỗi niềm tâm sự. Đặc biệt, trong những lúc gặp chuyện gì đấy khiến lòng ta buồn và cần suy nghĩ nhiều. Vì thế, sông có màu của nước mắt trong vắt đến vô ngần. Để mỗi lúc nhìn sông ta như được soi  vào chính mình. Hơn nữa, Hiếu Giang còn được chứng kiến những bước thăng trầm nơi mảnh đất có quá nhiều đau thương mất mát, và nơi bến sông còn khắc dấu  tình yêu thuở xa xưa vụng dại đầy ngây ngô, khờ khạo thật đáng trân trọng và thiêng liêng biết bao:

Tôi như đứa trẻ thơ đứng ngắm mơ màng

Em đến sau lưng lúc nào chẳng biết

Em vô tình xếp với tôi hàng dọc

Tôi cũng vô tình quay lại kết hàng ngang

                                 (Nghĩ về vườn cây)

Tình yêu trong thơ Cao Hạnh như cung đàn muôn điệu sẵn sàng hòa âm với bất kể dàn nhạc nào để tấu lên cho đời những bản tình ca du dương đưa ta vào cõi mộng. Nó giúp thanh lọc những trái tim vị kỷ, khơi dậy niềm tin yêu trong sáng:

Cho tôi làm hạt mưa

Lăn xuống bóng hồng em

Cho tôi làm hoàng hôn tan trong gió biếc

Và người ơi cho tôi  tan nát

                              dẫu chỉ một lần

                                         tôi được

                                               yêu em

Dù rằng tình ấy không trọn vẹn nhưng tác giả vẫn dành một khung trời thương nhớ gói ghém bao kỉ niệm. Dẫu cho mối duyên mà thi sĩ xây đắp đành dở dang:

Mai xa rồi nhớ biển nhớ em

Và nhớ cả cơn mưa màu tím

Cơn mưa ấy đã trở thành kỉ niệm

Tím biển tím trời và tím cả hồn tôi.

                        (Cơn mưa màu tím)

Mỗi lần nếm trải sự ra đi của người tình. Cái nỗi niềm đau nhói ấy tác giả đành gửi gắm vào thiên nhiên. Ở đó, nhà thơ tìm thấy cho mình chốn nương tựa bình yên và sự đồng cảm đến tuyệt đích.

Vì thế, cho thấy rằng nhà thơ không lấy sự chia ly trong tình yêu để đi quy về bế tắc. Ngược lại, thi nhân yêu với những mối tình trong sáng, thanh cao hòng chỉ để ngước nhìn ngưỡng vọng. Dẫu vậy tận trong sâu thẳm tác giả vẫn luôn cầu mong người tình mãi mãi được bình an, hạnh phúc:

Mùa thu em đến với tôi

Chiếc lá trao tay thay lời hẹn ước

Tôi đem thu về ép trong trang sách

Đợi ngày hai đứa đính hôn

              ( Có một mùa thu)

 Chính những cuộc tình đẹp không lời kết đã trở thành nguồn sáng tạo cho thi ca:

Thảo nguyên....thảo nguyên

Anh không ngờ từ đó xa em

Xa mãi mãi, khi đầu xanh đã bạc

Nhớ một nụ hôn chưa bao giờ trao được

Nên cuộc đời thảm cỏ cứ xanh non.

                                  (  Thảo nguyên )

Nhà thơ gọi tên người yêu hay tiếng lòng đồng vọng từ thảo nguyên đại ngàn. Nơi đó chất chứa bao kỉ niệm êm đềm với thảm cỏ xanh non ngút ngàn sóng sánh dập dờn vờn đuổi theo gió thành tầng tầng lớp lớp thật nên thơ nó hoà trộn cùng tâm hồn thi nhân trải qua những khoảnh khắc khó quên với  người tình đến khi xa rồi hồn thi sĩ mới thiết tha gọi tên “ Thảo Nguyên…. Thảo Nguyên”.

Đành dẫu phải trải qua nỗi đau chia xa mất mát hẫng hụt nhưng dường như nhà thơ không bị bỏ rơi trong đơn côi, lạc lỏng:

     Lá trầu khô gói nỗi buồn

Chỉ mời được ánh trăng suông trên đầu

     Ta còn một trái tim đau

Yêu em cho đến nát nhàu người ơi

                                     ( Người ơi )

Đọc thơ tình Cao Hạnh ta thấy sự chia ly không ngắn liền với nước mắt, cảm giác tuyệt vọng. Trái lại, tác giả xây đắp nên những tình yêu cao thượng, hồn nhiên như cây cỏ. Bởi chính nhà thơ hiểu rất rõ quy luật triết lý sống về cuộc đời:

Anh đã qua nhiều sông dài biển rộng

Nhưng không thể nào đi hết giọt nước mắt em

Khi em khóc

               Em có biết đâu

                         Trái đất cũng mang hình giọt lệ

Có những lúc nỗi buồn nhân thế

Nở huy hoàng thành hạnh phúc em ơi.

                            ( Khi em khóc )

Trải nghiệm cuộc sống đã giúp nhà thơ viết nên những câu thơ đầy những suy nghiệm:

Mỗi cơn mưa có một bộ mặt riêng

Nhưng đều đi theo một con đường xưa cổ

Là từ kiếp trong veo, rớt xuống phận bọt bèo.

                                                                    ( Mưa )

Cao Hạnh đến với thơ từ cảm xúc đông đầy trên mỗi chặng đường cuộc sống có vui buồn, hạnh phúc, mất mát, yêu thương và cả khát vọng sống mãnh liệt, sẵn sàng dâng hiến hết mình cho thơ ví như nhành phong lan rừng mảnh mai yếu ớt. Tuy vậy, lại có sức sống rất mực phi thuờng chỉ bám vào thân cây mục nhưng luôn ban  tặng cho đời cái sắc tím đến kiêu sa hoà vào màu hoàng hôn buồn bảng lãng:

Hoa phong lan treo ngược mình vách đá

Thả vào chiều sắc tím hoàng hôn

                             (Các loài hoa)

Màu tím diễn tả cho trước sau trọn vẹn, đã phần nào nói lên tâm sự thầm kín của tác giả luôn muốn dành cho thơ và đời những nét vẽ mới trên bức tranh đa chiều của văn chương nước nhà. Đến một lúc không còn hơi thở để viết và yêu thì nhà thơ xin đời:

Mai tôi chết hãy đưa tôi về đó

Để được gần bên mẹ cha tôi

Cho tôi xin làng nhát cỏ làng ơi.

                     (Giấc mơ màu cỏ)

Vẫn biết có những giấc mơ sẽ ở lại trong tâm khảm của tiềm thức chứ không có ngày thoát ra cùng hiện thực nhưng cuộc sống vốn dễ chịu hơn nếu con người nuôi dưỡng bao giấc mơ ngọt ngào. Tác giả của tập thơ Giấc mơ màu cỏ đã sống và viết trên nền của sự thăng hoa cảm xúc chính bởi những trải nghiệm về cuộc sống, tình yêu, lướt qua hay say đắm vào những đê mê trong cõi đời vốn dễ không như một giấc mơ. Dẫu vậy, tác giả vẫn say sưa ca, say sưa dâng cho đời những vần thơ cháy bỏng về những điều mất mát đã vô tình hay hữu ý trôi qua cuộc đời mình để cho những phút lắng lại càng ngọt ngào hoặc cay đắng hơn. Đó là những kỉ niệm quê nhà, người thân, hay hình bóng người thương không cùng ông đi đến tận cùng phía cuối của giấc mơ cuộc đời. Với Cao Hạnh thơ như người bạn đưa ông qua những khó khăn, giúp ông giãi bày tâm sự trên từng vần điệu câu chữ  trở thành thiên đường của cõi đi về  những lúc thấy lòng trống vắng. Tác giả không ngần ngại  giãi bày điều giản dị đời mình với ước mơ muốn tìm vào cõi thiên thu để chỉ xin cho mình một nhát cỏ mà thôi. Đó phải chăng là giấc mơ cuộc đời nhưng đồng thời cũng chính là giấc mơ văn chương. Yêu người, yêu mình, viết cho nguời, cho mình bằng lối viết mộc mạc, giản dị, chân thành, dân dã nhưng vẫn diễn tả được chiều sâu tâm trạng bằng cảm xúc thật, không bóng bẩy phô trương, vì thế nó đọng lại trong lòng người đọc một cách lâu bền.  Hơn thế, nó còn lớn dần lên khi gặp được sự đồng cảm.

      P.T.N.H

 

 

 

 
 
Phan Thị Như Hòa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 188 tháng 05/2010

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

17 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground