Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chất trữ tình trong cầu vồng Hiền Lương

K

ý dễ viết mà khó hay bởi đó là thể loại với đặc trưng ghi chép người thật việc thật một cách trung thực khách quan, không hư cấu nên hoặc dễ sa vào khô khan hoặc dễ sa vào đơn điệu, nhàm và nhạt nếu người viết không chọn được những chi tiết gợi nên cái nét độc đáo của đối tượng viết. Có một tập truyện ký gần đây - tập Cầu Vồng Hiền Lương của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý vừa giữ được hạt nhân bản chất vừa biết vượt ra ngoài cái khung hình thức hạn hẹp của đặc điểm thể loại ký nên đã tạo ra được một vẻ riêng mà biểu hiện dễ thấy là tác giả đã đưa vào trang viết của mình chất trữ tình cảm động, đằm lắng, gợi nghĩ

Kỳ thường có ''cái tôi'' để trình bày sự việc, để dẫn dắt hướng bạn đọc chiếm lĩnh cái thực chất của sự vật hiệng tượng. Nếu “cái tôi” về lý trí sẽ đưa bài viết đi về địa hạt văn xuôi, còn khi ''cái tôi'' ngả sang bộc lộ cảm xúc tâm trạng thì tác phẩm sẽ hướng về cái trữ tình. ''Cái tôi'' trong Cầu Vồng Hiền Lương  thuộc loại sau. Khi ''cái tôi'' vừa là người trực tiếp chứng kiến, là người trong cuộc vừa là người kể chuyện thì sẽ tạo ra hiệu quả nghệ thuật lưỡng tính: bài viết trung thực và giàu cảm xúc. Trung thực vì đó là câu chuyện còn mới mẻ, tươi nguyên, đậm tính thời sự; giàu cảm xúc vì mang đậm yếu tố đời tư, chủ quan của người kể. Một số bài viết trong tập được viết theo cách này đã tái hiện lại vùng đất sông Linh Giang thời máu lửa đánh Mỹ anh hùng và đau thương. ở thế kỷ XX đầy bão tố ấy có dân tộc nào anh hùng hơn dân tộc  Việt Nam, có vùng đất nào anh hùng hơn vùng đất Quảng Trị, Quảng Bình đã đánh thắng Mỹ - một đế quốc hung bạo, hiếu chiến, lắm bom nhiều đạn? Có lẽ là không! Khi đứa con còn nhỏ dại thì có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất mẹ? Thế mà chính tác giả phải chịu nỗi đau ấy. Đọc những trang ký viết về  vùng đất Linh Giang quê anh tôi thấy có những dòng được anh viết bằng nước mắt. Nước mắt của nỗi đau ở ngày hôm qua (Quê tôi ở cuối sông Gianh), có cả nước mắt cảm thông ở ngày hôm nay vì quê còn nghèo quá, lam lũ quá (Em gái ở quê) và nước mắt của lòng tự hào quê hương đang thay da đổi thịt (Cầu Vồng Hiền Lương),. . . Bài ký Em gái ở quê đã được giải thưởng bút ký hay của Báo Văn Nghệ năm 2002 - 2003. Nhưng theo tôi Quê tôi ở cuối sông Gianh (đã được in trên Nhân dân Chủ nhật ngày 12/03/2006) là một trong những bài ký hay nhất được đăng tải trong năm 2006 và là bài hay nhất trong tập về chủ đề quê hương. Viết về một địa danh khác, một vùng đất khác thì ''cái tôi'' lúc này là nhiệm vụ quan sát ghi chép. Người viết ký phải đứng trước sự lựa chọn viết về cái gì để gây ấn tượng với bạn đọc. Không thể là một địa danh, một sự kiện, một con người quen thuộc, bình thường. Phải là đối tượng được bạn đọc quan tâm, vừa có cái mới, cái lạ cái dễ gây sự tò mò gợi sự suy ngẫm, hô ứng sự đồng cảm. Tác giả Cầu Vồng Hiền Lương đã làm được điều đó. Anh viết về nghĩa trang Trường Sơn (Dưới tán cây bồ đề), về miền biên giới xa xôi (Bên dòng Khuổi áp), về địa danh lịch sử (Cảm nhận Mường Thanh) về phong cảnh nổi tiếng (ấn tượng Phong Nha) về hải đảo nơi ngàn trùng khơi (Gặp gỡ Trường Sa),. . . Lúc này nếu trần thuật bằng ''cái tôi" của người viết ký sẽ không tránh khỏi sự hời hợt, phiến diện nên tác giả đã trao điểm nhìn sang một nhân vật khác là người trong cuộc. Là người trong cuộc bao giờ kể lại cũng thật hơn, chính xác hơn, dĩ nhiên bạn đọc sẽ tin hơn. Do vậy để cho các anh chị quản trang ở nghĩa trang Trường Sơn kể lại những câu chuyện lạ đầy màu sắc tâm linh nên lời kể vừa thật hơn đồng thời nỗi đau như được vơi bớt đi sự bi lụy vì người đọc có cảm giác người chết như đang sống cùng với người sống. Các anh chị đã hy sinh vì Tổ quốc chỉ ra đi về thể xác còn linh hồn như vẫn còn trên cõi dương gian (Dưới tán cây bồ đê). Hay kể chuyện Mường Thanh lịch sử là lời kể của vị Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu lại là người dân tộc Thái nên đã hiện lên thật sinh động một thời chưa xa ''nai hươu lạc ra ruộng ăn cỏ'' rồi ''có đêm hổ về bắt lợn cõng đi”… ở trường hợp này cái khéo của người viết ký là trong những câu chuyện có khi không đầu không đuôi của người kể chuyện phải chọn ra được những chi tiết điển hình, nổi bật nói lên được cái thần thái của đối tượng viết. Chắc ai cũng cảm động khi đọc đến cảnh  người mẹ già đi thăm mộ con là liệt sĩ gặp cơn mưa mẹ lấy luôn chiếc nón đang che đầu che cho mộ con.

Âm hưởng chủ đạo toát ra từ tập sách là giọng trữ tình day dứt. ''Cái tôi'' của người viết ký luôn đầy những trăn trở, đầy những băn khoăn và âu lo. Nó biểu hiện ra ở những câu văn chứa chất tâm trạng, khi thì dùng những hình ảnh giàu sức gợi: ''Nghèo vì cây lúa cắm xuống cát pha bùn cứ còi cọc, ốm o, cây lúa chín không uống được bông câu cứ ngơ ngơ ngác ngác đâm thẳng lên trời, hạt thóc đã bé lại mỏng'' (Em gái ở quê ) khi dùng những sự đối lập: ''Nghèo vì khoan môn hành tỏi người trồng thì nhiều kẻ mua lại ít, chưa chiều chợ Ba Đồn xanh ngợp rau làng Long và giá rẻ hơn bèo'' (Em gái ở quê ); khi lại trùng điệp những mệnh đề tạo độ nhấn về một địa danh xa xôi: ''Thương lắm vùng Lìa, thương lắm biên cương, thương lắm những người “có tấm lòng trong trắng” của trùng điệp Trường Sơn đông nắng tây mưa. Thương lắm Sê Pôn. . . '' (Một phía Sê Pôn). Và nhất là có rất nhiều những câu hỏi, có khi tự hỏi chính mình có khi hỏi bạn đọc: '' Tết này, tôi tự hỏi không biết các anh ở trên ấy ai được về đón năm mới với xóm mạc, gia đình'' (Hoa đào Bạch Đích); ''Đến bao giờ người lính đảo Trường Sa mới có rau tươi dùng thỏa thích?'' (Gặp gỡ Trường Sa); ''Các anh có nghe người ta nói: Đến Quảng Trị mà chưa đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là coi như chưa đến không?'' (Dưới tán cây bồ đề). . . Đó là những câu hỏi đồng vọng, ai cũng có thể là chủ thể của câu hỏi ấy: người viết, người được viết và bạn đọc. Điều này góp phần tạo ra một đặc điểm của sự tiếp nhận là người đọc luôn có cảm giác không yên ổn khi đọc những trang ký này. Phải chăng là như thế mà có người đã dùng cách nói độ dư ba của câu chữ để chỉ đặc điểm ấy. Nhưng có lẽ cách nói đúng nhất về Cầu Vồng Hiền Lương, đó là những trang ký có sức gợi. Tôi nghĩ thế…

N.T.T

 

Nguyễn Thanh Tú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 154 tháng 07/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground