Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chế Lan Viên - Người nặng ơn vị muối của đời

Chế Lan Viên  là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại thế kỷ XX. Ông tên thật là Phan Ngọc Hoan (ghi trong gia phả là Phan Ngọc Hoan Châu), sinh năm 1920, quê làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (ngày xưa làng An Xuân thuộc tổng An Lạc, Huyện Võ xương, Phủ Triệu Phong). Theo gia phả thì ngài thế tổ của ông (đời thứ 3 tại Quảng Trị) có công lập nên làng An Xuân, ngôi làng nhỏ nép mình bên con đường Xuyên Á từ ngã tư Sòng chạy về cảng Cửa Việt.
 

Về nơi sinh của ông trong bài thơ: “Gửi Trạng Thông họ Hoàng” (Tức nhà thơ Hoàng Trung Thông) - Trích trong di cảo thơ có đoạn viết:“Tôi sinh ở Châu Hoan, chứ đâu Quảng Trị/ Lý lịch có lắm điều chưa cụ tỉ/ Rồi sau sẽ bàn/ Quảng Trị vốn là quê mẹ/ Gió Lào râm ran/ Đẻ ở Châu Hoan xứ Nghệ/ Mẹ kêu “Thằng Hoan”/ Tôi còn để lại chùm nhau/ Mẹ chôn ở Nghệ An/ Có còn không nhỉ?/ Ông ở huyện Quỳnh qua Diễn Châu mấy tí/ Trông giùm cho nhau!/ Từng trang từng trang/ Thôi khéo tôi Sài Gòn lại đi nịnh Nghệ An!/ Thằng con Quảng Trị/ Lớn lên Nghĩa Bình/ Già ở Tân Bình/ Một cây mấy rễ/ Mấy đời lang thang”.

Một thời Chế Lan Viên sống ở Nghệ An, Bình Định, nơi cha của ông làm đề lại nhiều năm. Khi lớn lên ông đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, một trong những tác phẩm nổi bật trong thi đàn tiền chiến, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường thơ loạn". Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng đánh giá tập thơ Điêu tàn ra đời như một niềm kinh dị trong thi đàn đương đại! Chế Lan Viên cùng với Hàn Mặc TửYến LanQuách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định.

Huyện An Nhơn, Bình Định - nơi có nhiều tháp Chàm cổ, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ một thời có thể xem là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên. Ông từng tâm sự:“Tôi làm thơ lúc 12-13 tuổi ở huyện lỵ An Nhơn. Lủi thủi làm và cũng không ý thức đó là thơ. Ký những cái tên chỉ là địa danh ngoài Quảng Trị: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Phải xuống Bình Định gặp Yến Lan, có bạn thơ soi vào nhau thì tôi mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ, và có danh hiệu cho mình: Lan Viên. Chắc là bị ảnh hưởng bởi tên Lan của bạn, và vườn lan của bạn... Cũng từ đấy trước chữ Lan Viên bỗng thêm chữ Chế. Vì sao có chữ Chế ấy? Chỉ biết rằng trong tập “Nắng xuân có một bài Hàn Mặc Tử tặng cho tôi. Bài “Thi sĩ Chàm” tặng Chế Bồng Hoan. À, thì ra còn cả cái tên đó nữa. Có lẽ Tử đặt cho chăng? Với chữ Chế, dù là Chế Lan Viên hay Chế Bồng Hoan tôi đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc. Thơ cũng chuyển địa bàn, đi từ một nhiệm vụ này đến một nhiệm vụ khác, gần kề lịch sử hơn, gần kề chính trị hơn”. Và cái tên Chế Lan Viên đã theo suốt cuộc đời thi sĩ họ Phan từ đấy.

Cuộc đời Chế Lan Viên gắn bó với các địa danh như: An Xuân (xã Cam An - Cam Lộ): Quê cha, quê mẹ - Nằm cạnh làng An Bình (xã Cam Thanh - Cam Lộ); An Hưng: nơi chi tộc gần nhất của ông lên lập nghiệp đã lâu (nay thuộc thị trấn Cam Lộ). Tỉnh Nghệ An, huyện An Nhơn (Bình Định): Nơi một thời ông theo cha sinh sống, lớn lên và bắt đầu những câu thơ đầu đời. Tân Bình (TP Hồ Chí Minh): nơi nâng niu cuộc sống của ông những năm tuổi già, ta vẫn thấy hình như hai chữ “An” - “Bình” vẫn luôn đồng hành cùng ông như nhằm chống lại cái hiển nhiên tồn tại một cách nghiệt ngã của đời về những buồn đau như ông đã từng viết: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!/ Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo! - (Những sợi tơ lòng); Hay trong bài thơ (Xuân): Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?/ Với tôi, tất cả đều vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!. Phải chăng đó là định mệnh.

Chế Lan Viên là một con người thông minh và hóm hỉnh, nhưng cũng rất bộc trực và có phần nóng nảy. Hầu như ông đã “đụng” rất nhiều các bạn văn, bạn thơ kể cả các đàn anh như nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, hay đại lão nhà báo Phan Khôi. Nhưng trên tất cả, đó là sự đấu tranh để tôn vinh chân lý, để nâng cao các tư tưởng, trao đổi học thuật. Âu đó cũng là cái nghiệp đã vận vào ông như là để đưa ông trở thành một chiến sĩ trên thi đàn, một đời tận tuỵ vì thơ vì cuộc sống. Cũng trong “Gửi Trạng Thông họ Hoàng” ông tâm sự: Ông thì hay say/ Tôi thì quá tỉnh/ Mà ông đằm tính/ Tôi lại hay gây/ Thiên hạ người người yêu ông/ Tôi thiên hạ ghét/.... Thế mà lạ không?/ Hai đứa thân nhau mãn kiếp... Tuy nhiên như Mai Quốc Liên đã từng nhận định: Chế Lan Viên tuy tính khí nóng nảy, song ở khía cạnh đó ông lại thể hiện một nét rất thi sĩ và đáng yêu: Cãi nhau cái gì ảnh cũng tranh phần thắng, vậy là không phải ảnh có ý xem thường, không như người khác tỏ vẻ "không chấp".Tức là ông luôn coi người đối thoại là bình đẳng...  Và đằng sau sự nóng nảy kia, Chế Lan Viên lại là người "dễ mủi lòng, dễ xúc động, dễ tha thứ".

Chế Lan Viên là một trong những con người hoài cổ, hoài hương và hoài thương. Nỗi niềm đó của ông  bắt đầu từ sự nhạy cảm hiếm có vượt ra ngoài các giới hạn thông thường nhất, cái nhạy cảm đưa ông đến với thế giới siêu hình, thế giới của vong quốc cổ xưa với những thân phận bị đoạ đày đầy tiếng rỉ rên than. Sau này khi nhìn lại cõi trừu tượng và biên giới siêu hình mà mình đã đắm mình thuở trước ông vẫn thấy “siêu hình là bi quan nhất trong mọi thứ bi quan và những nhà thơ siêu hình có lẽ là những người sốt ruột nhất trong cách giải quyết cuộc đời”. Ông luôn nhận mình và các bạn thơ tiền chiến khác “là những người từ thế giới một người đến thế giới nhiều người, từ thung lũng đau thương ra đến cánh đồng vui… Các nhà thơ của nổi khổ đau ấy đã thấy cách mạng là của họ”, đó cũng là quá trình vượt lên và đi tới cùng với dân tộc, nhân dân của mình. Sự nhạy cảm đến lạ lùng về cuộc sống mà ông có được phải chăng là từ sự kết tinh của gia đình ông, nơi người cha, một viên chức mẫn cán, một phật tử tại gia thành tâm, một người suốt đời chăm lo cho gia đình, họ tộc và người mẹ - suốt một đời lam lũ theo chồng nuôi con khôn lớn. Nên dù có ẩn sau cái tính cách bộc trực nóng nảy và thích đối diện ấy thì ở ông vẫn luôn thường trực một tâm hồn đa cảm, và đôi khi yếu đuối. Nỗi niềm đó cũng bắt nguồn từ một tình yêu có được tự đáy lòng mình về quê hương xứ sở, về mảnh đất nghèo nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông lớn lên. Cũng từ chiếc nôi làng xóm, họ tộc, từ cái quê nghèo đó đã đưa ông đến với đất nước rất đổi thiêng liêng và đến với toàn nhân loại. Ông luôn cảm thông với quê hương của mình: Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ/ Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ… Ôi gió Lào ôi! Người đừng thổi nữa/ Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người; Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười… Cũng chính vì đau đáu một niềm thương với quê cũ, nên trong dịp về Cam Lộ khi là đại biểu Quốc hội (đại diện khu vực Bình Trị Thiên) ông đã cảm động đến rưng rưng khi nhìn thấy dòng nước của trạm bơm Nam Thành (Thị trấn Cam Lộ) đã tưới mát cho Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ trong tiềm thức của mình. Cũng chính vì hệ luỵ đa đoan, một cây mấy rễ nên với  An Nhơn - nơi có thành Bình Định cũ - nơi được xem là quê hươngthứ hai của mình, ông dành một tình cảm thật dung dị trong bài “Trở lại An Nhơn”: Trở lại An Nhơn/ Tuổi lớn rồi/ Bạn chơi ngày nhỏ chả còn ai/ Nền nhà nay dựng cơ quan mới/ Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người!. Ông vẫn thường nhắc bà con họ hàng về một chi tộc từng tha phương ở Thừa Thiên- Huế, và như một điều kỳ diệu cuối năm 2008 một chi tộc gần gũi và thân thuộc sau 249 năm lưu lạc và định cư tại làng Thần Phù - Hương Phú, Thừa Thiên - Huế đã  tìm thấy được gốc gác họ tộc của mình sau thời gian kiếm tìm và đối chiếu gia phả. Âu đó cũng là nén hương thành kính nhất làm ấm lòng các thế hệ tiền nhân.

Một giai thoại về Chế Lan Viên do ông Trần Trọng Tân - nguyên Trưởng ban tư tưởng văn hoá trung ương kể lại rằng khi được tổ chức giới thiệu đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản ông đã từ chối vì vẫn băn khoăn một điều là tại những thời khắc khó khăn nhất, hùng hồn nhất của dân tộc trước và trong Cách mạng Tháng Tám ông đã  không có mặt. Điều mà đến hơn 30 năm sau  ông vẫn tâm sự: “Cách mạng làm tôi vui mà làm tôi hơi áy náy. Mình đã làm gì để hưởng đựơc cái vui này? Ngỡ như mình dự một bữa tiệc mà không phải tốn công xuống bếp... Cách mạng làm tôi vui, nhưng cũng làm tôi lo lắng: “Tôi còn có tự do? Văn học cách mạng có phải là văn học?”....Chúng tôi vào Cách mạng rồi, là người Cách mạng rồi, nhưng vẫn không ngớt làm phiền cho Cách mạng. Cả nước đi nhanh mà tôi đi chậm vì đã trót đi xa... đi tuốt ra khỏi cuộc đời, về phía tha ma, về phía siêu hình....”.  Và rồi như một định mệnh, sau dặm dài xa cách, sau bao nhiêu năm tham gia công tác kháng chiến, tháng 7 năm 1949, Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương ngay chính trên quê hương mình mà trong bài “Kết nạp Đảng trên quê Mẹ ông từng thổ lộ: Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời/ Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ!/ Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?/ Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm/ Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên. Đồng chí Tố Hữu - một người bạn về tuổi tác, một người anh về tuổi đời tham gia Cách mạng trong một bức thư cho Chế Lan Viên có viết: “Mình biết, trước sau gì Hoan cũng là đồng chí. Vì ai đã đi với dân, thì trước sau gì cũng đi với Đảng mà thôi”. Đó là tất cả những gì mà ông trăn trở, ông cảm nhận, ông trân trọng đến nao lòng về sự kiện lớn nhất của cuộc đời ông, cái đã gắn đời ông với Đảng, với Đất nước mến yêu, với nhân dân anh hùng, quê mẹ thân thương... 

Chính vốn sống, sự cảm thụ sâu sắc các nền văn hóa, thơ ca, triết học Đông, Tây, Kim, Cổ đã cho ông nhãn quan đa phương, đa diện. Với ông, thế giới luôn biến động theo những quy luật tự nhiên, xã hội đầy tính nhân văn và ông đã đắm mình trong thế giới ấy để cảm nhận, để làm thơ, để sống với tất cả hiện thực đa chiều, tất cả đã đồng hành đưa ông từ cái tôi đến với chúng ta, đưa ông từ tinh thần dân tộc đến văn hoá nhân loại, từ tính dân tộc đến tính hiện đại. Thơ ông trải rộng, phản ánh mọi sắc màu của cuộc sống, thơ ông đi vào các góc khuất sâu thẳm của những thân phận, cuộc đời.

Chế Lan Viên luôn trăn trở với chức năng, sứ mệnh của thơ và nhà thơ. Ông cho rằng thơ cần sự mê hoặc, chất tư tưởng, thể hiện được cái chung và cái riêng, có tính hùng ca mà có cả tình ca, trong thơ luôn vừa có chân vừa có ảo. Muôn mặt cuộc sống đều được ông thể hiện bằng đủ các loại hình thức nghệ thuật thơ. Ông trân trọng ngôn ngữ của nhân dân của quần chúng với một ý thức thường trực: “Phải học tiếng nói của quần chúng và học trong tất cả vẻ đa dạng của nó... Nếu ta chịu khó góp nhặt, chịu khó tìm thì ở đâu ta cũng tìm ra những ý rất hay, những chữ rất hay mà quần chúng cho ta...”. Ở một khía cạnh khác, ông lại cho ta thấy vai trò của nhà văn trong sáng tạo ngôn ngữ: “Không có quần chúng sáng tạo ra ngôn ngữ, thì không thể có, tuyệt đối không thể có các nhà văn. Nhưng thiếu đi những nhà văn thì ngôn ngữ quần chúng sẽ chậm phát triển ”.

Ở ông sự đổi mới và sự liên tục vươn lên trong các ý niệm về cái mới luôn thường trực. Từng chữ, từng câu, từng ý, từng tứ, từng vần điệu, và từng cái hình thức thể hiện thơ của ông đều toát lên từ đáy lòng ông chất chứa bao lời tự sự, toát lên từ trí tuệ ông sự sâu cao của triết học và từ tâm hồn ông sự chân thật đến nao lòng. Ông làm thơ, phê bình thơ, làm thơ về thơ, có thơ nghị luận, tư duy về thơ không một phút ngưng nghỉ. Ông luôn vật lộn với thi ca ở mọi góc độ của nó, nên những lúc trên giường bệnh, những ngày cuối đời ông vẫn thấy cần làm nhiều hơn thế nữa. Ông chạy đua với chút thời gian còn lại không nhiều của mình như ông từng trăn trở với: Tay cầm kim tay cầm sợi chỉ/ Vừa chạy vừa xâu không một phút dừng/ Chạy một đời rụng hết cả thanh xuân/ Kim run run và chỉ rung rung/ Có lúc chính là kim ngọ nguậy/ Có lúc chỉ lọt vào rồi lại sẩy/ Xâu vừa xong, gió tuột nửa chừng... Và ông vẫn đau đáu một điều rằng, thơ trên mặt giấy hai chiều kia không tải nổi cái phức tạp ba chiều và đa chiều của cuộc sống, đó cũng chính là cái triết lý “Thơ bình phương, đời lập phương ” mà ông từng đeo đuổi. 

Chế Lan Viên luôn trăn trở và cảm thấy một phần trách nhiệm của mình với vai trò là người nghệ sĩ và chiến sĩ trước vận mệnh dân tộc, cả trong chiến tranh gian khổ và cả trong những năm tháng hoà bình chưa hẵn trọn niềm vui này. Chính những gì ông trăn trở đã kết tinh trong “Di cảo thơ” mà nhà văn Vũ Thị Thường người bạn đời gắn bó, sẽ chia đã trân trọng, nâng niu, sưu tầm, giới thiệu để một lần nữa đưa ông trở lại vị trí đặc biệt trên thi đàn đương đại.

 Trên bình diện văn hoá có thể nói Chế Lan Viên thật sự là sứ giả của văn hóa Việt Nam trên các diễn đàn văn hóa quốc tế, ở đó tiếng nói của ông lay động lương tri nhân loại, là tiếng thơ reo vui, là tiếng lòng thổn thức, là sự thăng hoa của ngôn từ ở tầm triết học. Văn hoá nhân dân trong con người đã được hoá thân vào văn minh nhân loại. Ông chống lại sự nô dịch của văn minh vàng, văn minh súng đạn mà đế quốc áp đặt lên thế giới, ông thể hiện đến cùng những khát vọng hoà bình mà dân tộc của ông - một phần nhân loại - chưa tìm thấy được trong giai đoạn lịch sử oanh liệt ấy. Vị sứ giả đã mang trong mình hành trang văn hoá Việt, hoà quyện cái văn hoá dân tộc ấy vào biển văn hoá nhân loại đa sắc màu như nhịp đời và hơi thở. Ở ông một trong hai yếu tố dân tộc và nhân loại luôn tồn tại như là một phần không thể thiếu. Hai yếu tố ấy luôn song hành cùng nhau. Ông từng nói: “Phải hết sức coi trọng vốn dân gian, vốn dân tộc của mình. Và càng đi sâu vào vốn dân tộc, ta càng gặp nhân loại. Một dân tộc có một mùa riêng của nó. Nhưng chớ tưởng rằng mùa mà các dân tộc khác gặt nơi xa lại không có hạt giống của nó ở đây, dân tộc ta có cái của ta. Nhưng dân tộc ta tự hào có tất cả cái gì nhân loại có”. “Ở Việt nam chúng tôi, thơ ca không thể tách rời cuộc sống. Trước hết nó phải có ích. Thơ ca cần thiết, như mặt trời cần thiết, cần thiết ánh sáng, cần thiết hoa lá, vũ khí. Thêm vào đó trong nước tôi, nơi mà cuộc sống và cái chết đang đan nhau, chiến tranh và hoà bình đang đan nhau, thơ ca đối với chúng tôi cực kỳ cần thiết như một người cố vấn, như người yêu, người mẹ an ủi chúng tôi. Nhân dân không thể sống không có thơ ca, cũng như không có vũ khí.... Chúng tôi tìm sức mạnh của chúng tôi không chỉ ở tương lai, không chỉ ở hiện tại, mà cả ở quá khứ. Chúng tôi tìm sức mạnh của chúng tôi không chỉ trên đất nước Việt Nam mà cả ở  mọi nơi trên thế giới, những nơi hoa nở và loài người đang sinh sống. Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là: Tôn trọng cả trong lẫn ngoài, nhưng để phục vụ bên trong, có nghĩa là tôn trọng văn hoá các nước khác, để phục vụ cho đất nước mình... ”. Càng đọc về ông chúng ta càng hiểu cách ông truyền bá văn hoá Việt đến bạn bè, cách ông tiếp cận và sẻ chia trao đổi với văn hoá nhân loại đôi lúc nhẹ nhàng như khí trời và hơi thở.

Chế Lan Viên theo về cõi Phật đã 20 năm mà cuộc đời và sự nghiệp như được kết tinh từ vị muối của đất vẫn luôn mang nặng những ân tình. Xin thành kính thắp nén hương lòng đến cõi thiêng nơi linh hồn ông nương tựa, đến chùa Vĩnh Nghiêm nơi ông gửi gắm nhúm tro tàn.      

 

P.V.V   

Phan Văn Vĩnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 182 tháng 11/2009

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground