LTS: Nhân dịp báo “Quân đội nhân dân” – tờ báo thân yêu của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước – đón nhận danh hiệu anh hùng LLVT và kỷ niệm 50 năm ngày ra số đầu tiên 20.10.1950 – 20.10.2000, Cửa Việt xin nhiệt liệt chúc mừng “người bạn đồng nghiệp”. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc chân dung một phóng viên chiến trường của báo QĐND đã từng gắn bó với quê hương Quảng Trị: Nghệ sĩ – Phóng viên nhiếp ảnh Đoàn Công Tính.
Dăm bảy năm trở lại đây, dù đã nghỉ hưu, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính vẫn hết sức tất bật, bận rộn trong hai phần công việc: Trở lại thăm mảnh đất chiến trường xưa tại Quảng Trị, thành phố Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Cả hai công việc đều cuốn hút rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Ví như để có hơn một trăm bức ảnh dành cho cuộc triển lãm tại thị xã Đông Hà vào tháng 6 năm qua nhân kỷ niệm 10 năm Quảng Trị đổi mới và phát triển, anh đã phải tự lục tìm trong cả trăm cuốn phim đã chụp để sau đó một mình âm thầm ngồi trong phòng tối cả tháng ròng mà in, mà phóng to lên, khi đã mãn nguyện mới đem ra hiệu ép lamina. Trở lại Quảng Trị vì Đoàn Công Tính còn nhiều bạn hữu, người quen ở Vĩnh Linh, Do Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, Thị xã Đông Hà…còn để lại nơi đó con suối La La, ngọn đồi Bùi Ngọc Đủ, đỉnh Phulơ, điểm cao 241…và bạt ngàn mộ chí trong khu nghĩa trang Trường Sơn. In ảnh, phóng ảnh, tổ chức triển lãm chẳng phải để tự khoe mình mà tự trong thâm tâm Đoàn Công Tính muốn giới thiệu gương mặt của một thế hệ - thế hệ của những năm tháng rực lửa anh hùng mà cũng biết bao mất mát, đớn đau mà anh cứ canh cánh nỗi lo là có người đang quên, sẽ quên.
Tôi bỗng nhớ tới một Đoàn Công Tính ở tuổi 25, 26 của những năm 70 -72: Vóc dáng thư sinh, ánh mắt sáng, nụ cười duyên dáng mà chúng tôi thường gặp nhau tại bếp ăn báo “Quân đội nhân dân”, quán trà chén ngay gần đó hay trong căn phòng khách tạp chí “Văn nghệ quân đội” số 4 Lý Nam Đế. Dạo ấy, chúng tôi được coi là những nhà văn trẻ khoác áo lính, anh còn là phóng viên nhiếp ảnh chiến trường vào loại trẻ nhất, xông xáo, năng nổ chất của báo Quân đội. Những vùng đất chiến sự đang kêu gọi. Với chúng tôi, mẫu hình sống và làm việc là những nhà văn trận mạc kiểu Konxtangtin Ximonv, Ilya Erenbuarg, Esnets Hemingway... Còn đối với anh đó là những nhà làm phim, viết phóng sự chiến tranh nổi tiểng kiểu như Jorit Iven, Roman Carmen, Bocset… Gặp nhau ríu ran trò chuyện, mừng rỡ vì còn lành lặn, nguyên vẹn bô bô khoe nhau vì vẫn “vườn không nhà trống” chưa hề có một mảnh tình vắt vai. Xa nhau, bỗng biết nhau ở cánh hướng nào, đi vào sư đoàn, quân đoàn nào nhờ đọc bài, xem ảnh của nhau trên mặt sách báo…
Dẫu cùng xông xáo, năng nổ, không ớn ngại hòn tên mũi đạn, nhưng dân viết bao giờ cũng nể phục dân quay phim, chụp ảnh. Chiến trường máu lửa Quảng Trị những năm 1970, 1971, 1972, bom pháo đủ loại đã ớn. Đi theo các mũi bộ binh, anh em chúng tôi đều được trang bị súng AK với 2 băng đạn 48 viên, 2 trái thủ pháo. Trong những trận chống càn, đánh phản kích, đặc biệt là những lần đánh lên các điểm cao, dân viết văn viết báo bao giờ cũng phải dừng lại ở cấp tiểu đoàn đã là sâu lắm. Lý do, các anh có bám theo những mũi xung kích cũng chẳng giải quyết được việc gì. Riêng phóng viên nhiếp ảnh, quay phim: Xin mời! Ống kính máy ảnh, máy quay thì phải bám thực địa mới mong tìm ra sức sống, độ chân thực cho mỗi mét phim, mỗi bức ảnh được. Thành thử hôm nay ngồi ngắm mỗi bức ảnh chiến sự của Đoàn Công Tính, tôi không có thói quen bình về bố cục, ánh sáng này nọ…Tôi lặng đi khi nghĩ đến cái giá máu nhà nhiếp ảnh đáng lẽ phải trả, tôi nghĩ tới phẩm cách, dũng khí của một người làm báo quân đội, bởi lẽ trong những tình huống thử thách quyết liệt trong ngày hôm qua ấy, chỉ cần một lần Đoàn Công Tính thảng thốt giật mình, một lần anh chần chừ ngẫm ngợi khi mũi xung kích xông lên mở cửa, anh đã không còn là anh tại Tòa soạn báo “Quân đội nhân dân” thuở đó anh đã không còn là anh trong ngày hôm nay.
Nhiều điều hôm nay nghe Đoàn Công Tính kể lại khiến chúng ta ngạc nhiên sửng sốt. Rằng suốt những năm tháng cầm máy xông xáo nơi trận mạc như vậy, chiếc máy ảnh của anh không hề có đèn chiếu sáng, không hề có ống kính chụp xa. Tất cả là cứ phải chạy bộ đến sát tận nơi. Giá như những ngày Đoàn Công Tính lọt được vào Thành cổ Quảng Trị anh có đèn chụp, đặc biệt là có ống kính télé như bây giờ? Bám sát một chiến dịch, chụp được vài chục cuộn phim, điều còn hệ trọng hơn là phải tìm mọi cách mang nhanh phim ra Tòa báo ở Hà Nội. Lội bộ, vẫy xe đạp nhờ, phóng xe đạp vượt qua các tọa độ bom pháo địch đánh phá ác liệt. Trong những chuyến đi như vậy, nhà nhiếp ảnh trẻ đã biết đề phòng bất trắc, rủi may. Anh viết những mẩu giấy bỏ kèm vào từng hộp phim, như những lời di chúc nhỏ: “Đây là ảnh chiến sự chụp ở mặt trận. Nếu tôi hy sinh, xin chuyển gấp về Tòa soạn tại số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội”. và bằng cung cách ấy, những bức ảnh chụp về chiến sự tại vùng Tân Lâm, Cà Tu mùa hè năm 1970, về đường 9 Nam Lào, đặc biệt loạt ảnh Đoàn Công Tính chụp ở Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 đã xuất hiện trên mặt báo “Quân đội nhân dân”, “Nhân dân” và nhiều báo khác tại Hà Nội cũng như ở nước ngoài rất kịp thời, còn nóng hổi hơi thở chiến sự.
Chị Vân Yến – vợ nhà nhiếp ảnh cho biết: Hồi cuối những năm 1970, chị là bác sỹ quân y trong một trạm điều dưỡng thương binh ở Nam Hà. Gặp anh, đem lòng thương mến anh, cũng từ đó chị tự tập thói quen chờ đợi và chịu đựng. Bao giờ cũng vậy, ở chiến trường ra chưa bao hôm, đã thấy anh lo phim lo máy để lại khoác ba lô lên đường. Sẽ vào chiến trường nào, sẽ đi với đơn vị nào – không bao giờ anh cho biết. Trên đường vào viết thư về đều đặn. Và rồi lặng ngắt cho tới ngày anh trở ra lần sau.
Chị mang thai cô con gái đầu cũng là lúc chiến sự quang vùng Thành cổ Quảng Trị nổ ra. Anh dặn sẽ về kịp để đặt tên con, nhưng anh không về và tên con do bà nội đặt. Thương binh từ mặt trận Quảng Trị ùn ùn kéo về trạm điều dưỡng do chị phụ trách. Chị rụng rời khi nghe anh em thương binh kháo nhau có một nhà báo trẻ vượt lưới lửa đột nhập vào Thành cổ đã bị trúng đạn bắn thẳng, hy sinh…
Sinh năm 1943, quê Hải Hưng, nhập ngũ, trở thành sỹ quan pháo binh, sau Đoàn Công Tính được điều về làm phóng viên ảnh báo “Quân đội nhân dân” (Tổng cục Chính trị). Thời kỳ hăng hái năng nổ, đạt hiệu suất công việc cao nhất, cũng lại là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời anh, đấy là giai đoạn anh bám theo những mặt trận quyết liệt, thử thách nhất tại mảnh đất Quảng Trị từ năm 1970 đến năm 1973. Nhiều bức ảnh phóng sự chiến tranh do anh chụp đã đoạt giải thưởng cao trong nước và ở nước ngoài: Bức “Chiếm căn cứ Đầu Mầu” giành giải thưởng lớn, Huy chương vàng của tổ chức Nhà báo Quốc tế OIJ năm 1972; bức “Trên đồi không tên” giành giải nhất Hội Nhà báo Việt Nam 1973, giải nhì Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam 1971. Đặc biệt, trong chiến dịch giành và giữ Thành cổ Quảng Trị diễn ra vào tháng 7, 8, 9 năm 1972, Đoàn Công Tính là nhà nhiếp ảnh duy nhất, kể cả phóng viên ảnh trong nước và nước ngoài đã lọt vào được khu vực Thành cổ đổ nát ghi lại hình ảnh sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sỹ E48, D808 (tức K8 Tỉnh đội Quảng Trị và F312…quyết bám trụ nơi đây một tấc không đi một ly không rời. Những bức ảnh này ngay lập tức được đăng trên các mặt báo ở Hà Nội, được chuyển qua Hội nghị hòa đàm Paris để vạch trần luận điểm giả dối của Mỹ và chính quyền Sài Gòn tung tin đã tái chiếm được Thành cổ Quảng Trị. Đoàn Công Tính, một phóng viên ảnh, một nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhưng trước hết anh là một chiến sĩ trên mũi nhọn của mặt trận báo chí nóng bỏng.
T.H