Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chủ tịch Hồ Chí Minh với những mùa thu lịch sử

Trong văn học nghệ thuật, dưới ngòi bút tài tình của các nhà thơ, nhà văn, mùa thu hiện lên với nhiều sắc thái, nhưng màu sắc chủ đạo vẫn là nét u sầu, buồn rơi. Mùa thu thường gắn liền với những quy luật của tự nhiên như lá rụng, cây tàn... đó cũng là sự lặng lẽ, cô đơn. Nhưng sự xuất hiện của một mùa thu khác đã làm thay đổi quan niệm của các nhà thơ và nhà văn đương thời, đó là mùa thu năm 1945. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để có mùa thu lịch sử năm 1945 và gìn giữ nền độc lập dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Người đã trải qua nhiều mùa thu, để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Mùa thu năm 1920 - tìm ra ánh sáng cho con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam

Mùa thu năm 1920, Hồ Chí Minh (khi đó mang tên là Nguyễn Ái Quốc) trên hành trình tìm đường cứu nước đã được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo L. Humanites (Nhân đạo) tại Pháp. Bản Luận cương chiếu rọi tư tưởng, đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới. Từ đây, Người đã lựa chọn con đường cứu nước là cách mạng vô sản. Người đã từng nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Sự kiện này đánh dấu Hồ Chí Minh đã tiếp cận, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tin tưởng vào con đường cách mạng vô sản.

Trong tập sách “Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng lỗi lạc” của Giáo sư Song Thành, ông nhận định: “Muốn mưu cầu độc lập bền vững cho Tổ quốc, tự do, cơm áo, hạnh phúc cho nhân dân thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường đi tới chủ nghĩa Mác - Lênin… Đó là sự lựa chọn của lịch sử mà Nguyễn Ái Quốc là đại diện tiêu biểu nhất”. Có thể nói, ánh sáng của mùa thu năm 1920 đã soi sáng con đường cách mạng của Hồ Chí Minh và giúp dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Mùa thu năm 1945 - thắng lợi Cách mạng tháng Tám, mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc

Nhận định thời cơ đã chín muồi khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng (15/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Đại hội Quốc dân, bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc, ra Lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc và kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Lời kêu gọi của Người cũng chính là ý chí của Đảng, quyết tâm của dân tộc, hiệu triệu toàn dân ra trận, để “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (“Đất nước” của Nguyễn Đình Thi). Hơn năm nghìn đảng viên, 20 triệu đồng bào từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam đều vùng lên khỏi nghĩa. Liên tiếp giành thắng lợi, từ 4 tỉnh đầu tiên Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam (18/8); Hà Nội (19/8); Thừa Thiên Huế (23/8); Sài Gòn (25/8) đến ngày 30/8 vua Bảo Đại thoái vị, Cách mạng tháng Tám thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) - Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) - Ảnh: Tư liệu

Ngày 2/9/1945, giữa “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Có thể nói, mùa thu tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, mở ra một trang sử mới, trang sử hào hùng suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Nhớ về sự kiện trọng đại này, nhà thơ Tố Hữu dâng trào cảm xúc: Bác đã về đây, Tổ quốc ơi! / Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người / Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ / Mà đến bây giờ mới tới nơi. Từ dấu mốc chói lọi của Cách mạng tháng Tám, tiếp bước con đường đã chọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân bước vào một cuộc trường chinh mới, đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước.

Mùa thu năm 1950 - chiến thắng Thu Đông, khai thông biên giới phía Bắc

Nếu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào mùa thu năm 1945 để lại nhiều cảm xúc đầy tự hào và kiêu hãnh thì hình ảnh Người trực tiếp ra chiến dịch vào mùa thu năm 1950 thể hiện ý chí, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng để bảo vệ nền độc lập ấy. Trước tình thế bị thực dân Pháp dồn ép, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Thường vụ Trung ương Đảng thành lập Đảng ủy Mặt trận biên giới, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định mở chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng. Ngày 2/9/1950, sau khi họp Hội đồng Chính phủ, Người lên đường ra mặt trận cùng đoàn chiến dịch mang mật danh “Thắng Lợi”. Người dặn: “Chuyến đi này rất quan trọng nhưng ước khoảng trên dưới một tháng. Đường đi rất vất vả, các chú phải cố gắng để làm tròn nhiệm vụ. Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu làm lộ ra sẽ hại tới việc lớn, từ việc chọn đường đi, tới nơi ăn, chốn ở, giao thiệp với dân đều phải biết cách giữ gìn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận địa ở mặt trận Đông Khê năm 1950 - Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận địa ở mặt trận Đông Khê năm 1950 - Ảnh: Tư liệu

Ngày 13/9/1950, Người rời Sở chỉ huy chiến dịch để đến mặt trận Đông Khê, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo đánh trận mở màn. Người chỉ thị cho bộ đội: “Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu”. Trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt của chiến trường nhưng phong thái của Người vẫn ung dung tự tại, niềm tin vào chiến thắng của quân và dân ta. Người viết: Chống gậy lên non xem trận địa / Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây / Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu / Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

Không những trực tiếp ra chiến trường mà Người còn gửi nhiều thư kêu gọi đồng bào các tỉnh Cao - Bắc - Lạng; thư kêu gọi kháng chiến gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, bộ đội địa phương và dân quân du kích quyết tâm đánh thắng trận của các chiến dịch. Với những chiến thắng liên tiếp, chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950 kết thúc, quân và dân ta thu được những thắng lợi bước đầu, đó là tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, khai thông biên giới và bảo vệ vững chắc “thủ đô gió ngàn” Việt Bắc. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vẽ lên một mùa thu đẹp bằng chiến thắng Thu Đông, khởi đầu cho trang sử hào hùng: “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Mùa thu năm 1966 - khơi dậy ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù

Giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ngày càng cam go, khốc liệt, nhất là khi quân viễn chinh đưa vào miền Nam Việt Nam (3/1965) và leo thang chiến tranh, ném bom ra miền Bắc. Xuất hiện những bất hòa gay gắt giữa các Đảng trong khối nước xã hội chủ nghĩa, làm xuất hiện tư tưởng, tâm lý sợ Mỹ, đánh Mỹ là “phiêu lưu”, “lấy trứng chọi đá” trong một bộ phận đảng viên và nhân dân. Trong bối cảnh đó, tiếp nối ý chí “thà hi sinh tất cả, chứ không chịu mất nước”, “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ nền độc lập”, mùa thu năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thiêng liêng, bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, khơi dậy khát vọng, phát huy nguồn sức mạnh vô địch để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Với tinh thần đó, Người đã hiệu triệu được muôn dân nhất tề đứng lên: “Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.

Với niềm tin tuyệt đối vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Đến nay, 55 mùa thu đã qua (1966 - 2021) nhưng lời của Người vẫn còn vang vọng non sông, khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí tự lực, tự cường để chúng ta xây dựng “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc trong thời đại mới.

Mùa thu năm 1969 - Người về thế giới người hiền

Sau bao nhiêu năm hết lòng vì vận mệnh của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào mùa thu năm 1969, để lại sự tiếc thương vô hạn đối với nhân dân cả nước và quốc tế. Khi Người về với thế giới người hiền, nhà thơ Tố Hữu từng viết: Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa / Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa... Câu thơ đã nói lên những cảm xúc tiếc thương của lòng người và đất trời mùa thu. Nếu di chúc của người thường hay viết về quá khứ thì Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là một “bản thiết kế tương lai”, mang tầm vóc cương lĩnh xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam. Di chúc của Người là văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Chủ tịch Cuba, nhà cách mạng lỗi lạc Fidel Castro là người bạn, là đồng chí thân thiết đã viết về sự ra đi của Người: “Hồ Chí Minh thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết đã gieo mầm cho sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn với 79 mùa thu của đất trời và lòng người. Trong đó, có những mùa thu để lại dấu ấn tạo ra những bước ngoặt lớn cho cách mạng Việt Nam. Những ký ức mùa thu tươi đẹp đó sẽ còn sống mãi với thời gian, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn để xây dựng và phát triển đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PHẠM VĂN HÒA
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 324

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground