Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện "bếp núc" ở một tờ báo Văn nghệ địa phương

1. “Biên tập” theo từ điển Tiếng Việt là biên soạn, góp ý kiến với tác giả, kiểm tra những sai sót của bản thảo tài liệu đưa đi xuất bản”*.  Biên tập được chia thành hai dạng chính, biên tập nội dung và biên tập hình thức. Tuy nhiên sự phân chia này chỉ mang tính hình thức vì giữa nội dung và hình thức luôn có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời.   

Biên tập là một khâu trong dây chuyền làm báo, biên tập là người “gác cổng”,  là vai trò chủ biên rất lớn trong việc loại bỏ những sai sót về nội dung và hình thức, thậm chí những ý đồ xấu, những quan điểm sai trái lọt vào tác phẩm. Các nhà biên tập bằng vốn kiến thức sâu rộng của mình, sẽ là người giúp tác giả chỉnh đốn lại tác phẩm. Nhiều tác phẩm qua bàn tay người biên tập trở nên hoàn chỉnh, bởi  người biên tập sẽ làm đẹp, làm hay cho tác phẩm nâng cao cái vốn có của tác giả. Đó là trách nhiệm chính trị của người biên tập trước bạn đọc và tác giả.

Công việc hàng ngày của người biên tập không chỉ là sửa lỗi ngữ pháp, chính tả, cắt chỗ thừa, đắp chỗ thiếu hoặc sửa lại một đoạn nào đó cho rõ ràng với tinh thần trách nhiệm cao. Biên tập ngày nay như người vừa nấu bếp vừa chào khách, mời khách và nắm rõ thị hiếu của khách. Họ không chỉ biết nấu giỏi món của tòa soạn mà còn cả những  món công chúng ưa thích. Ranh giới giữa các loại báo chí trong nước hiện nay dưới sức ép của cơ chế thị trường dường như đang bị phá vỡ, biểu hiện rõ nhất là các chuyên mục văn hóa văn nghệ. Tờ báo  nào cũng có nội dung na ná giống nhau. Biên tập viên báo văn nghệ nếu không có sự  nhạy cảm, thiếu sự nhạy bén, không quán xuyến hết công việc sẽ rất  dễ dàng bị thủng lưới: dùng bài cũ, hoặc bài kém chất lượng. Người làm biên tập lại  càng  nên có thái độ cầu thị, công tâm và  lắng nghe ý kiến của bạn đọc, không vì  nể nang mà sử dụng bài sai về kiến thức và học thuật mất dần uy tín tờ báo  mà các thế hệ đi trước đã dày công  xây dựng. Cũng có nhiều  nguyên nhân khiến biên tập viên chưa làm tròn vai trò trách nhiệm của mình. Cũng có thể do hạn chế về năng lực, về trình độ, đó là điều đáng buồn nhưng có thể sửa chữa bằng rèn luyện, học hỏi. Điều đáng ngại nhất của người biên tập chính là biểu hiện chưa hết lòng, thiếu công tâm trong việc chọn bài và sử dụng tác phẩm. 

Người biên tập phải luôn tìm cộng tác viên mới đáp ứng được yêu cầu của tòa soạn và làm phong phú thêm cho tờ báo. Việc tìm được cộng tác viên “trung thành” với tòa soạn hiện nay rất khó, việc giữ được họ càng khó hơn. Ngoài chế độ nhuận bút, biên tập viên còn phải xây dựng được mối quan hệ lâu dài với họ. Mối quan hệ  giữa biên tập và người viết lại  hết sức tế nhị, “văn mình vợ người” là sự thừa nhận bấy lâu nay nên không dễ chịu chút nào khi  “đứa con” của mình bị “chọc ngoáy”. Bởi vậy người biên tập phải biết đồng cảm với người viết. Trong quá trình cộng tác đôi lúc giữa người biên tập và người viết cũng có những bất đồng:  về thông tin, đánh giá chất lượng….. nhưng những bất  đồng ấy là do đòi hỏi của thực tiễn, đòi hỏi sự cố gắng hơn nữa của mỗi bên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi  tờ báo, nhu cầu hưởng thụ thông tin, hưởng thụ văn hoá của bạn đọc. Bất đồng là đi đến nỗ lực và hoàn thiện.

Biên tập là  một công việc thầm lặng vì mỗi tờ báo, tạp chí  ít khi đề tên tuổi người biên tập  nhưng thực tế những tin bài có chất lượng do qua khâu biên tập ý tứ được nâng lên. Người viết sai đến đâu chịu đến đó nhưng cũng không thể phủ nhận trách nhiệm của người biên tập – người  gác cổng cuối cùng cho tờ báo.     

Báo chí từ lâu đã trở thành một ngành công nghiệp. Trong guồng máy này mỗi người với vị trí làm việc của mình đều đóng góp công sức cho thành công của tờ báo. Khó khăn vất vả mỗi người một vẻ nhưng ai cũng có niềm vui chung khi đứa con tinh thần của mình sinh ra khỏe mạnh xinh đẹp và được nhiều người đón nhận.

2.  Với những tên gọi khác nhau nhưng mỗi tạp chí văn nghệ địa phương đều mang  trong mình một hơi thở, mỗi diện mạo, mỗi dấu ấn cương thổ của vùng núi cao sông sâu địa linh nhân kiệt. Tuyên truyền tính độc đáo cho văn hóa mỗi vùng đất là thiên chức rất quan trọng của mỗi tờ tạp chí với tư cách là điểm sáng trên dọc dài đất nước.

Cũng giống như các tờ tạp chí văn nghệ địa phương, Tạp chí Cửa Việt là cơ quan ngôn luận hàng đầu về văn  hóa  văn nghệ địa phương. Tạp chí là nơi chuyển tải các đường lối chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về văn hóa văn nghệ tới các đồng nghiệp và bạn đọc. Đó là nơi công bố tác phẩm nhanh nhất cho mỗi tác giả công tác tại địa phương, đặc biệt là các tác phẩm phản ánh đời sống của chính địa phương. Đó còn là nơi thử tài của các cây bút mới, công bố các công trình nghiên cứu văn học nghệ thuật của địa phương mang tính đặc thù. Tạp chí Cửa Việt còn là nơi đào tạo, bồi dưỡng và tập hợp lực lượng sáng tác ở địa phương, thường xuyên bổ sung vào đội ngũ của văn nghệ điạ phương và văn nghệ cả nước những nhân tài mới.

Ngoài những thuận lợi về sự đông đảo của đội ngũ cộng tác viên, sự tạo điều kiện về cơ sở vật chất của các cấp nhà nước ở địa phương, sự ưu thế của Internet đem lại thì làm báo văn nghệ ở địa phương hiện nay vừa khó lại vừa khổ. Những cây bút đã được khẳng định hoặc có uy tín phần lớn gửi bài cho báo chí trung ương. Lực lượng cộng tác viên là sự trái chiều của hai thái cực, người già đi theo năm tháng sức viết chậm vốn cạn dần, người có vốn dốc hết vốn để trả nợ. Trong khi đó các cây bút trẻ lại chưa chiếm lĩnh kịp. Không phải Hội và Tạp chí không lo đào tạo, mở các cuộc thi nhưng kết quả lại rất ít các cây bút trẻ. Ở tạp chí Cửa Việt tìm người viết trẻ, biên tập trẻ khó  như tìm vàng.

Ngoài những khó khăn có tính chất chung của các tờ tạp chí văn nghệ, người làm biên tập ở Cửa Việt còn gặp những khó khăn khác trong chuyện “bếp núc”. Có thể kể đến một vài chuyên mục, ví như biên tập Thơ trên Cửa Việt. Sự “lạm phát” của  thơ cũng khiến cho toà soạn nhận các tác phẩm chất lượng thấp, khó khăn cho cho người biên tập lựa chọn. Để có những tác phẩm thơ hay biên tập viên phải tận tuỵ đọc và thẩm. Nói như Hoài Thanh: “Thơ là sự đồng cảm quảng đại và mãnh liệt” thì mới tìm ra được những bài thơ đạt tới nghệ thuật của sự giản dị và trong sáng để giới thiệu với bạn đọc. Hay như  Truyện ngắn, người viết truyện ngắn ở tỉnh  chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cộng tác viên của chuyên mục này thì lên đến con số trăm. Với những phong cách viết khác nhau, chọn truyện ngắn nào tiêu biểu cho một phong cách cũng là chuyện phải cân nhắc. Truyện hay với người này nhưng chưa chắc đã hay với người khác. Có thể tác phẩm được bạn đọc trong tỉnh hoan nghênh nhưng bạn đọc ngoài tỉnh lại thờ ơ. Mặt khác trong biển truyện ngắn cộng tác, bên cạnh những tác phẩm đặc sắc, những tác phẩm trung bình và tẻ nhạt khá nhiều. Điều này cũng khiến cho không ít độc giả lo âu cho sự phát triển về số lượng sẽ mâu thuẩn với chất lượng. Người biên tập cũng chỉ mong rằng trong cuộc sống căng thẳng và bộn bề này bạn hãy thong thả mà đọc, có một hay hai truyện ngắn hay trong một cuốn tạp chí đó cũng đã là niềm vui, không uổng phí công  của bạn.

 Biên tập chuyên mục Văn hoá thời đại lại càng khó vì tác giả viết lý luận phê bình ở địa phương rất hạn chế, phần lớn là điểm sách, ít có tác giả sáng tạo với tư cách là người viết lý luận nên không khí học thuật trên tạp chí  thường là “yếu”. Chuyên mục này ở các tỉnh và các thành phố lớn có nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và lý luận uy tín nên cộng tác viên chuyên mục dễ dàng đáp ứng được. Các vị giáo sư, các nhà lý luận chẳng ai muốn in trên tạp chí “hẻo lánh” ít người xem. Thậm chí nếu gửi bài để in thì những vấn đề đưa ra tranh luận ở tận đâu đâu, đọc giả địa phương chưa hề đọc nên rất khó nắm bắt vấn đề... Đó là một vài trong vô số khó khăn làm cho những người biên tập ở Tạp chí Cửa Việt luôn trăn trở. Làm thế nào để tạo ra một đội ngũ bạn viết gắn bó với tạp chí? Làm thế nào để có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ban biên tập và lực lượng này? Làm thế nào để chất lượng tạp chí ngày càng được nâng cao hoà nhập vào không khí văn chương cả nước  nhưng vẫn mang đậm nét riêng của không gian văn hoá Non Mai - Sông Hãn?... Đó cũng là những câu hỏi mà trả lời nó cần một  sự nỗ lực của của những người làm báo Cửa Việt.

Niềm vui của những người làm biên tập Cửa Việt cũng không ít, đó là những lúc cộng tác viên đã có bài viết kịp thời theo yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền của toà soạn, là cộng tác viên đã giúp toà soạn chỉnh lý những thông tin về sự kiện và nhân vật hay những trao đổi thảo luận, ý kiến đóng góp chân tình nhằm khắc phục những hạn chế thiếu sót về nội dung và hình thức đầy thiện chí với mục đích giúp tờ báo văn nghệ quê nhà  ngày càng phát triển.

Chúng ta đều biết rằng, tạp chí văn học không phải là thứ hàng hóa đơn thuần bán để thu lời. Đó là một sản phẩm văn hóa góp phần làm nên vóc dáng của vùng đất. Tạp chí văn nghệ địa phương nói  theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V là: Tiếng nói của tổ chức Chính trị - xã hội - nghề nghiệp trên lĩnh vực văn nghệ địa phương. Hy vọng trong hành trang đi tiếp của mình, những người làm công tác biên tập ở tạp chí tiếp tục làm tròn thiên chức “bà đỡ”, là một địa chỉ văn hoá “nhận” và “cho” ở Quảng Trị.  

 

                                                                                                            T.L 

 

Thuỳ Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 225 tháng 06/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground