Vì anh một thí
Vì em một thí
Cho nên chỉ lỡ dĩ ra rồi
Cha đánh mắng, chú bác đòi đan rọ thả trôi
Có thả trôi thì thả, thiếp cũng không thôi nghĩa chàng (1)
Người con gái tỏ ra công bằng khi nêu lý do “lỡ dĩ”. Sự thể không chỉ làm nát một đời hoa của mình mà còn bị gia đình đánh mắng, ruồng rẫy thậm tệ. Cô cũng có thái độ cương quyết bảo vệ tình yêu của mình cho dù bị “thả trôi”, tức bảo vệ chàng đến cùng.
Nhưng chàng là kẻ ngoài vòng hoặc người đã bị cha mẹ cô từ chối lời cầu hôn, hoặc kẻ vô lại: nếu không phải hạnh Sở Khanh cũng phương “tham đó bỏ đăng”. Chàng có thể phủi tay, xem như vô can trong chuyện “lỡ dĩ” này. Cả pháp luật lẫn tập quán cũng bất lực. Vấn đề sau, cô gái ý thức rất rõ cho nên dù bất kể người tình của mình thuộc đối tượng nào dù có yêu thương chàng ta đến mấy cô cũng phải hạ mình van vỉ: Thẻ nghe lời cô nói ra điều ấy:
Biển Tây hồ thường ngày thường cạn
Núi Lâm Sơn thường tháng thường cao
Gái thuyền quyên ướm hỏi trai anh hào
Sự tình thâm nhiễm, chàng tính làm sao cho thiếp nhờ (2)
Lời lẽ của cô thoạt nghe qua hết sức lạ lùng. “Biển Tây Hồ”, “Núi Lâm Sơn” là hai hình ảnh có tính chất tượng trưng ước lệ, dùng khi cần nói đến biển rộng núi sâu trong ca dao (Ví dụ: Núi Lâm Sơn nuôi nhơn đào tản, Biển Tây Hồ trợ kẻ lâm nguy. Thương nhau dắt lấy nhau đi. Ơn thầy nghĩa mẹ lo chi trả đền (3). “Thâm nhiễm” thường nói dưới dạng thành ngữ “thâm thâm chi nhiễm” nghĩa là hao mòn dần “Dù cho biển cạn non mòn…” là một lời ví khi thề nguyện, ngụ ý đó là hai sự vật trong tự nhiên rất ổn định, vững bền (ít ra cũng so được với đời người). vậy mà ở đây từng ngày từng tháng, biển và núi đều diễn biến theo chiều cạn dần, cao dần lên, cơ hồ trái đất như quả bóng được thổi từ từ lên vậy.
Thì ra cô gái đã nói theo lỗi ẩn dụ. Và ta có thể liên tưởng đến chuyện “lỡ dĩ” mà diễn đạt lại này cho dễ hiểu hơn là: “Em lỡ có thai, bụng và vú (4) đang ngày mỗi nhô lên đây nè. Mong anh sớm liệu cho em được cậy nhờ!”. Diễn đạt chính xác như vậy, càng khiến ta cảm phục lối nói năng kín đáo, tế nhị của cô gái qua bài ca dao. Vì rất có thể lúc cô nói ra điều ấy không chỉ có hai người với nhau và cô không hề lo ngại việc đối tượng của mình hiểu nhầm.
Sau khi cô gái đã buông lời khẩn thiết này có mấy tình huống xảy ra:
+ Nếu bố của thai nhi là một chàng trai hiền lành, tử tế nhưng vì một lý do gì đó mà không cưới được cô, anh ta nhận ngay trách nhiệm:
Em ơi đôi ta đã lỡ dĩ ra rồi
Lo cắn bông tha trái để lần hồi nuôi con (5)
Và chàng (hay nàng) sẽ trách cứ cha mẹ đã không chịu hợp tác duyên con mới ra nông nỗi:
Sjw tình trọng đại, đây chẳng phải buồn chi
Buồn thời một phận sầu bi
Trai tài gái sắc, thầy mẹ không tính phương chi con nhờ (6)
Đôi trai gái trọn tình này hẵn sẽ thu xếp ổn thỏa mọi chuyện sau đó:
+ Nếu bố thai nhi là một chàng trai vị kỷ, ăn ở hai lòng, chàng ta sẽ tạo ngay cho mình một bộ mặt thờ ơ, lạ lẫm:
Ơ hời, thiếp nói răng ri?
Chốn phượng rồng còn dứt đặng, huống chi nghĩa chàng (7)
Rồi giải quyết bằng cách phân biệt “chuối bứng lấy con”:
Nói rứa cho có thiên hạ chứ anh cũng không tham
Một mai sinh ba nở ngụy, anh anh thì anh bắt, mẹ nàng anh giao lui (8)
Trước vẻ bàng quan, lạnh nhạt, trước sự tráo trở trắng trợn như vậy của chàng trai, cô gái đã nổi tam bành, thốt lên lời thách thức dữ dội:
Cá mắc câu cá vùng cá vẫy
Chuột mắc bẫy cắn ống tre khô
Đố anh lấy vợ nơi mô
Núi Lâm Sơn em cũng phá thành mồ anh coi (9)
Cô tự xác nhận mình đã ở thế cùng (thế “mắc câu”, “mắc bẫy”). Như tục ngữ nói “chó vùng rứt giậu”, cô sẵn sàng quấy phá không cho chàng ta lấy vợ (“Núi Lâm Sơn…phá thành mồ” cũng hàm nghĩa cô sẽ phá thai. Theo quan niệm dân gian ngày trước, phá thai là một trọng tội mà kẻ chịu trách nhiệm nặng nhất là người bố, và oan hồn thai nhi sẽ gây đau đớn cho anh ta bằng cách tạo chết chóc với anh em của nó). Trừ trường hợp chàng ta làm lành, nếu không, bi kịch sẽ còn tiếp diễn…
+ Nếu bố thai nhi là một anh chàng khôn khéo, câu trả lời sẽ mang vẻ thăm dò, thận trọng:
Khi anh ra đi biển hồ lai láng
Chừ anh viếng lại mần răng biển lại thành gò
Sự tình thạm nhiễm, để anh so tháng ngày (10)
Anh chàng nói hàng hai, không chối, không nhận, ý rằng: Sao lại như vậy được? Hãy đợi anh tính toán xem cái mốc thụ thai có trúng với thời điểm mà hai ta chung đụng không đã!
Cô gái lập tức đưa “bằng chứng” ra:
Dấu ngồi dằm đất còn tươi
Đó than đây thở ngọn hơi còn nồng (11)
“Dằm đất’, “ngọn hơi” dù rất thật, vẫn chỉ đậm nét trong tâm tưởng có nhiều hơn trên thực địa,lại chẳng thể nói năng, nên sức thuyết phục với chàng ta rất thấp. Vả lại, chàng có chạy trốn trách nhiệm đâu, chỉ “so tháng ngày” cho yên tâm thôi mà. Vậy là dù bất bình, cô gái cũng đành phải đợi chờ.
Sự chờ đợi ấy có thể sẽ chẳng phí hoài một khi chàng trai hiểu ra sự chung tình của cô. Ngoài điều ấy ra, cô sẽ trở thành kẻ vọng phu hóa đá, nếu chàng ta vì ghen tuông, nghi hoặc mà đi biệt tích hay chỉ là hạng Sở Khanh tầm thường đã quất ngựa truy phong.
Trong các tình huống vừa trình bày, cô gái đều ở vào thế yếu, thế bị động, dù cô có gào thét phẫn nộ hay năn nỉ ỉ ôi cũng khó bề xoay chuyển được. Vì với các chàng, mấy ai thú vị khi phải cưới một cô mang bầu. Chưa nói đến chuyện, dù được giải quyết êm đẹp hay phải chịu lỡ làng một kiếp, cái cảnh không chồng mà chửa, có mang trước khi kết hôn cũng để rước lấy tiếng cười chê. Sự lỡ dĩ được trình bày qua ca dao, về ý nghĩa giáo dục hôn nhân, theo đó, vẫn chưa phải đã mất đi giá trị.
T.N
(1) và (7) Phan Ngọc Thu (chủ biên): Thơ ca dân gian Bến Hải, Sở VHTT Bình Trị Thiên, 1985, tr 163 và tr 72.
(2) (9) (10) và (11) Trần Hoàng (chủ biên): Ca dao dân ca Bình Trị Thiên, NXB Thuận Hóa, Huế, 1988, tr 107, tr 101, tr 107 và tr 143.
(3) Triều Nguyên: Văn học dân gian Hương Phú, Sở VHTT Bình Trị Thiên, 1988, tr 180.
(40 Cũng có thể hiểu biển, núi ám chỉ hai bộ phận khác là của mình và vú (hay bụng). Dị bản dưới đây tả rõ hơn điều ấy:
Sông kia càng ngày càng rộng
Núi nọ càng ngày càng cao
Gái thuyền quyên mong mỏi anh hào
Sự tình thâm nhiễm, tính làm sao cho thiếp nhờ
(Phan Hứa Thụy, Tôn Thất Bình (chủ biên), Văn học dân gian Quảng Trị, Sở VHTT, Thư viện Quảng Trị, 1992, tr 329).
(5) và (6) Trần Việt Ngữ; Thành Dung, dân ca Bình Trị Thiên. NXB Văn học, H, 1967, tr 205 và tr 206.
(8) Phan Hứa Thụy, Tôn Thất Bình (chủ biên), Văn học dân gian Quảng Trị, Sở VHTT và Thư viện Quảng Trị, 1992, tr 343.