Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một dòng văn chương về đề tài Thăng Long-Hà Nội (*)

Đ

ó là dòng văn chương Tây Sơn, được hình thành và phát triển dưới triều đại minh quân Quang Trung – Nguyễn Huệ vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 (1788 - 1802). Nhờ đường lối sáng suốt “dân vi bản”, chính sách cầu hiền nên nhà vua đã thu phục được lòng người, nhất là những kẻ sĩ có học vấn cao, những bậc hiền nhân, kẻ sĩ Bắc Hà. Chính họ là chủ thể sáng tạo nên dòng văn chương phong phú, bất tử trong một thời đại rực rỡ của nền văn hóa đậm chất nhân văn dân tộc ta.

Dòng văn chương này gồm nhiều thể loại: Hịch, chiếu, biểu, tiểu thuyết lịch sử, văn tế, thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm, thơ đi sứ v.v… Trong dòng văn chương thời Tây Sơn trước hết phải kể đến Hoàng Lê nhất thống chí, bộ tiểu thuyết lịch sử 17 hồi của các tác giả Ngô gia văn phái, ghi lại sự kiện nước ta trong ba mươi năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, mà nổi bật là chiến công của phong trào Tây Sơn và hình tượng người anh hùng “áo vải” Quang Trung. Ngoài ra còn có thơ chữ Hán của Nguyễn Thiếp, Ngô Thế Lân, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tấn, Ngô Ngọc Du, Nguyễn Đề, Ngô Thì Điển, Cao Huy Diệu, Ninh Tốn, Bùi Dương Lịch, Ngô Thì Trí v.v… Thể loại văn tế viết bằng chữ Nôm cũng phát triển như Ai Tư Vãn, Văn tế vua Quang Trung của Lê Ngọc Hân, Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh. Thơ trữ tình châm biếm của Hồ Xuân Hương phần lớn được viết dưới thời Tây Sơn tại thành Thăng Long.

Trong nhiều tác phẩm của các văn gia đại bút thời Tây Sơn về Thăng Long Hà Nội, chúng ta thấy có tập thơ Tụng Tây Hồ phú, Cung oán thi của Nguyễn Huy Lượng. Lượng người làng Phú Thị huyện Gia Lâm, giữ chức Hữu Thị lang Bộ Hộ được phong tước Chương Linh hầu. Tụng Tây Hồ phú viết mùa hè năm Tân Dậu (1801) nhân lễ Tế Trời Đất, tác giả mượn việc cảnh tả Hồ Tây để ca ngợi công trạng nhà Tây Sơn đối với Đất Nước. Bài phú khá dài. Ở đây, nhà thơ vẽ lên nhiều yên cảnh của mùa xuân: bãi cỏ non, làn nước phẳng, mặt nước chảy, sen chùa nọ, nhóm cây tùng, cây bách v.v… để nói tâm trạng: Cảnh xưa nay vẫn chiều người, vì người gặp buổi loạn ly, nên cảnh Hồ Tây cũng thay đổi. Trời đất sinh ra cảnh vật để con người thưởng ngoạn, vậy con người phải hành động xoay chuyển vũ trụ cho khỏi phụ lòng với cảnh. Sau khi tả cảnh, tả người, tả địa danh và vùng đất của nhiều di tích như quán Trấn Vũ, tòa Kim Liên, dấu Bố Cái, cảnh Bà Đanh, hồ Cổ Ngựa (trúc bạch), lưới Nghi Tàm, gò Châu Long, chầy Yên Thái, non Phục Tượng (đền Voi phục)v.v… nhà thơ ghi lại cảm hứng hào sảng một thời của minh vương Quang Trung: Vầng trăng nọ buổi tròn, buổi khuyết/ Ngọn nước kia, nơi hoắn, nơi nhô/ Tới Mậu Thân từ rỡ vẻ tường vân sông núi khắp nhớ công đãng địch/ Qua Canh Tuất lại tới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu…

Mậu Thân là năm Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn xưng làm Hoàng đế trong đám mây đẹp (tường vân) tức là cảnh thái bình khi đã dẹp yên giặc giả.

Năm Canh Tuất là năm đại vương dẹp yên hết các loại giặc giả trong nước như thế chẻ tre, như đi đánh đến đâu như mưa đúng lúc làm cho thiên hạ vui lòng. Vì thế mà dân ngấm triêm nhu (ngấm nước mưa), tức là ngấm ơn trạch nhà vua.

Viết về chiến công của Thăng Long – Hà Nội thời nhà Tây Sơn, vị tiến sĩ Ninh Tốn quê gốc Ninh Bình (1743), là công thần của thời Lê Trịnh viết những vần thơ đầy hào khí Thăng Long. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ban đầu ông còn dè dặt, nhưng về sau hiểu được đường lối chính nghĩa của Quang Trung ông cộng tác đắc lực, giữ chức Hàn lâm trực học sĩ, rồi chức Thượng thư bộ binh. Ông có nhiều bài thơ hay, chúng tôi xin giới thiệu bài Chương Dương mộ bạc (Chiều tối đậu thuyền ở bến Chương Dương). Tác giả nói rõ ý tưởng bài thơ 20 câu: Thuyền Long Bát đậu ở bến Chương Dương (thuộc huyện Thượng Phúc – nay là ngoại thành Hà Nội). Bỗng dưng ta đọc câu thơ Đoạt sáo (Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan/ Thái bình ta nỗ lực/ Vạn cổ thử giang san); Nhân đó nhớ lại khoảng niên hiệu Trùng Hưng đời nhà Trần, quân Nguyên sang cướp nước ta, chỉ có một Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là hết lòng vì nước, xướng lên nghĩa trung phẫn, nhờ đó quét sạch được vết nhơ quân Nguyên, khôi phục được đất nước. Ta thấm thía nghĩ rằng, xưa nay hưng hay suy hoàn toàn do ở việc dùng người… Thi hứng của nhiều nhà thơ, có khi trở thành cảm hứng hào sảng của một công dân tự hào trước chiến công oai hùng của Tổ quốc. Ngô Ngọc Du (hiệu Đào Khê, người quê gốc ở Hải Dương, nhưng nhà ở Cửa sông Tô Lịch) là một trong những người ghi lại những sự kiện xảy ra dưới thời Tây Sơn, mà nhà thơ được chứng kiến qua bài: Long Thành quang phục kỷ thực (Ghi chép việc khôi phục thành Thăng Long): Lũ giặc vì sao sang cắn càn?/ Quân ta nổi giận, trổ oai thần./ Ruỗi dài thắng lợi bao thần tốc/ Như trên trời xuống, khôn cản ngăn./ Một trận “Rồng lửa” giặc tan tác./ Bỏ thành, cướp đò dành lối thoát… Mưa tạnh, mù tan, thấy mặt trời,/ Khắp thành, già, trẻ, mặt bừng tươi,/ Chen vai thích cánh cùng nhau nói: / - “Cố đô nay lại của ta rồi!”.

Trong làng văn chương, thơ ca thời Tây Sơn có một chùm thơ ca ngợi thiên nhiên, non sông đất nước linh thiêng, nhắc người thời nay phải biết giữ gìn lấy biên cương. Ngô Thì Nhậm có Nhuệ giang phiếm tịch (Buổi chiều, thả thuyền trên sông Nhuệ); Giang thiên văn diễn (Buổi chiều nhìn trời, sông); Ngô Thì Điển có Tây phương sơn tự (Chùa núi Tây Phương), Trung thu dạ ngộ vũ (Đêm trung thu gặp mưa); Cao Huy Diệu (Quê Phú Thị, huyện Gia Lâm, được vua Quang Trung mời vào Phú Xuân) có Bát Tràng ngọ bạc (Buổi trưa đậu thuyền ở Bát Tràng). Hồ Xuân Hương cũng tả cảnh, viết bằng chữ Nôm, phần lớn thơ bà được sáng tác dưới thời Tây Sơn, trong đó có bài Đề đền Sầm Nghi Đống, với văn phong châm biếm: Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo/ Kìa đền Thái thú đứng cheo leo!/ Ví đây đổi phận làm trai được / Thì sự anh hùng há bấy nhiêu! Sầm Nghi Đống là tướng của Tôn Sĩ Nghị cầm đầu một đạo quân sang xâm lược nước ta năm 1789, bị quân đội Nguyễn Huệ tấn công, tháo chạy không thoát được phải thắt cổ tự tử. Về sau, khi hai nước lập lại quan hệ bang giao, vua Quang Trung cho phép những Hoa Kiều ở Thăng Long lập đền thờ Sầm Nghi Đống ở ngõ Sầm Công, phía sau phố Hàng Buồm (Hà Nội).

Trong văn chương thời Tây Sơn còn có một số bài thơ câu thơ bắt nguồn từ cảm hứng giữ gìn bờ cõi nước Nam mà sách trời đã định sẵn. Bài thơ Vọng đồng trụ cảm hoài – cổ phong nhất thủ (trông chỗ cột đồng, cảm xúc bằng một bài cổ phong) của Vũ Huy Tấn, người làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương. Dưới thời Tây Sơn ông hai lần đi sứ Trung Quốc, về nước được thăng Thượng Bộ Công. Đời Cảnh Thịnh được đặc cách thăng lên Thượng trụ quốc, Thi trung đãi chiêu Thượng thư. Bài thơ có đoạn:

Than ôi! Cột đồng kia/ Cõi nước ta xưa đó/ Từ thuở Trưng Nữ Vương/ Mã Viện bày ra nó!/ Son phấn thật anh hùng/ Ngàn năm còn rạng vẻ/ Khá giận đứa gian tà,/ Cắt, dâng không tiếc rẻ/ Ranh giới bị phai nhòa/ Tới nay bao thế kỷ!/ … Nam Bắc chia rãnh rẽ/ Mất mãi phải thu về/ Dấu lạ quên sao nhỉ?

Vũ Huy Tấn còn có bài thơ tứ tuyệt: Biện “di”:

Chữ di hợp bởi chữ cung, qua/ Nước ta văn hiến như Trung Hoa/ Từ xưa đã gọi An Nam Quốc/ Viết thế mà nghe cũng được à!

Tác giả chiết tự: chữ di trong Hán tự gồm chữ cung và bộ phận còn lại gần giống chữ qua (chứ không phải chữqua). Nhưng tác giả nói gồm chữ cung và chữ qua (nghĩa là gần những chữ chỉ vũ khí, có ngầm ý thách thức, nếu Trung Quốc coi thường các nước nhỏ xung quanh, thì các nước nhỏ sẽ cầm vũ khí chống lại. Tự nhiên chúng ta bỗng nhớ lại bài thơ truyền tụng của Lý Thường Kiệt (cũng có ý kiến nói không phải….) Nam quốc sơn hà nam đế cư…

Cảm hứng bảo vệ cương vực thiêng liêng của đất nước do cha ông để lại cũng dấy lên trong tập ký sự lịch sửHoàng Lê nhất thống chí của ba tác giả Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du, Ngô Thì Thiên (Có thuyết nói là của Ngô Thì Nhậm). Tác phẩm nhiều hồi, trong hồi 14 và 15 nói về chiến thắng quân Thanh năm 1789 của Quang Trung dưới thời Tây Sơn. Hồi 14 có đoạn: “Vua Quang Trung truyền cho quân lính và dụ họ rằng:” Quân Thanh sang xấm lấn nước ta, các người đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ v.v…

Các người điều là những kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực để dựng nên công lớn… Các quân lính đều nói: “Xin vâng lệnh không dám hai lòng”. Trong dòng văn học Tây Sơn, chữ Nôm đóng vai trò hết sức quan trọng trong sáng tạo, là công cụ chính thống trong các văn kiện của Nhà nước và trên nhiều lĩnh vực khoa học. Đây là biểu tượng văn hóa rực rỡ, độc đáo nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc, bảo tồn bản sắc dân tộc, chống chính sách đồng hóa của thế lực phương Bắc. Nếu không khôi phục chữ Nôm dưới thời Quang Trung thì làm sao ở thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX xuất hiện nhiều đại gia văn bút với những tước tác như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm?!

Sức sống của văn hóa, văn chương thời Quang Trung không dễ bị nhà Nguyễn hủy diệt hoàn toàn. Trái lại, những bậc thức giả, dù là hàng vua quan hay sĩ phu Bắc Hà đều có những thái độ tôn trọng đúng mức. Năm Minh Mạng thứ 8, nhà vua ra lệnh sưu tầm các văn kiện, sách, bia ký của triều đình Tây Sơn, bởi ông cho rằng, “đó là dấu tích một đời, chứa cất không nên thiếu sót”. Đủ biết giá trị trường tồn, nhân văn, bao dung của văn hóa thời Tây Sơn, đủ biết nguồn lực danh nhân, tài cao, trí sâu đã tạo nên cơ sở thăng tiến của một thời kỳ lịch sử bùng nổ sự cải cách, đưa lịch sử nước ta bước sang trang mới.

Nhân vật trung tâm của dòng văn chương Tây Sơn là anh hùng dân tộc Quang Trung (tên tục là Hồ Thơm) là con người vĩ đại với bản chất “đạo cao năm đời đế, đức vượt ba khí thiêng”, một anh hùng dân tộc gồm tài văn, võ, với chính sách thân dân, “oai vũ mà nhân hậu”, với chính sách ngoại giao hòa hiếu với chiến lược lấy “ngọn bút thay giáp binh” đã cứu được hàng chục vạn người dân vô tội của cả hai nước. Khi sống thì “giúp dân dựng nước….”, mọi sự làm theo lẽ trời, thuận lòng người, là “bậc Thánh hiền bậc Thánh thông minh” (Ngô Thì Nhậm); lúc qua đời thì để lại nỗi đau côi cút của con, “nỗi mình bơ vơ” của công chúa Ngọc Hân. Ngay cả đối với triều đình nhà Thanh, cái chết đột ngột của tiên vương cũng để lại niềm thương tiếc vô hạn, thái độ trọng thị, sự khâm phục tài ba lỗi lạc, uy danh lừng lẫy. Nhiều câu thơ trong bài Vũ hành (Đi trong mưa) nói rõ điều đó: Sảnh tào tòng sự các gia ngạnh/ Cá cá bất vong ngã tiên vương (nghĩa là: Tất cả các vị quan to ở thiên triều đều cúi đầu làm lễ/ Ai ai cũng không quên tiên vương của chúng ta).

Một trong nhiều công trạng vĩ đại của người anh hùng “áo vải” là kế sách dùng người, thu phục kẽ sĩ Bắc Hà. Tôn vinh xứng đáng những danh nhân, danh sĩ có công với nước. Có nhà văn hóa nói, đối với người tài, Nguyễn Huệ có cái nhìn “biệt nhãn” hiếm thấy: tôn trọng, tin cậy, yêu quý chân thành tận đáy lòng. Hầu hết các sĩ phu thành danh ở Bắc Hà đều lọt vào con mắt xanh của Quang Trung. Bởi minh vương biết đó là nguồn nhân lực hết sức quan trọng, thậm chí quyết định cho việc chống ngoại xâm và kiến thiết đất nước – La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp lúc đầu còn do dự với đại quân Quang Trung nhưng qua thực tế quan hệ, danh nhân văn hóa này đã thấy được đạo cao đức trọng, tài ba thao lược trong việc dùng người. Chính ông đã được cử làm Viện trưởng Viện Sùng Chính dưới triều Tây Sơn. Vũ Huy Tấn (1749) hai lần đi sứ Trung Quốc, lúc về nước được thăng Thượng thư Bộ Công. Đời Cảnh Thịnh được đặc cách thăng lên hàng Thượng trụ quốc, thị trung đãi chiếu Thượng thư. Ngô Thì Nhậm là danh nhân đắc lực cộng sự với nhà Tây Sơn, được Quang Trung tín nhiệm giao cho ông và Phan Huy Ích toàn quyền trong bang giao với nhà Thanh. Có thể coi Ngô Thì Nhậm có vai trò vị đại thần, tổng tham mưu trưởng của Quang Trung không khác gì vị thế của Nguyễn Trãi đối với Lê Lợi. Phan Huy Ích, sau chiến thắng 1789, được vua Quang Trung cử cùng với Ngô Văn Sở đi bộ tháp tùng “vua giả” sang Trung Quốc chúc thọ vua Thanh. Về nước được thăng Thị trung ngự sử ở tòa Nội các. Thời Cảnh Thịnh được thăng Thượng Thư Bộ Lễ. Đó là chưa kể hàng chục tên tuổi nổi tiếng khác trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Trong Tờ biểu của đình thân văn võ xin vua Quang Trung ngự giá ra Thăng Long mở đầu: “Chúng tôi phụng y theo nguyện vọng thần dân Bắc Hành tâu xin nước xa giá ra Thăng Long, theo kinh đô cũ của các nhà Lý, Trần, Lê mà vĩnh viễn đặt kinh kỳ ở đây để thỏa lòng dân trông ngóng. Chúng tôi được thấy Thánh thiên tử, thuận ý trời, mở vận nước, thống nhất cõi bờ, rộng xa trời đất đều được bao dung, trăm vật yêu nuôi cũng cùng che chở”…

“Trộm nghĩ: đặt đô dựng nước là kế lớn kinh bang ở trong trị ngoài là mưu hay giữ pháp. Có đức, có lực, có hiểm, gốc ngọn bao gồm: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa, phạm vi không vượt”. Đức, lực, hiểm thì đức là gốc. Quang Trung có cả ba điều ấy bao gồm cả gốc lẫn ngọn: trong ba điều kiện nói trên thì nhân hòa là cơ bản. Tất cả những hiện tượng lịch sử nói trên đều được phản ánh dù đậm, nhạt khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp làm cho nhiều búp pháp dòng văn chương Tây Sơn thêm bề thế, rạng rỡ.

H.S.V

 

________

(*) Để viết bài này, tôi có tham khảo cuốn Văn học Tây Sơn (do Gs. Nguyễn Lộc tuyển chọn, giới thiệu); Sở VH-TT Nghĩa Đình, 1986. Xin cảm ơn người biên soạn và các dịch giả trong tập sách.

 

Gs.Vs. Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 191 tháng 08/2010

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

10 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground