Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một thời họ đã sống và yêu như thế

Đ

ã có người sau khi đọc Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc (“Mãi mãi tuổi hai mươi”) và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đã nói: “Họ có điều kiện ghi lại và may mắn giữ được nhật ký, chứ thời ấy, hàng triệu thanh niên ra mặt trận đều sống như thế”. Điều đó chỉ đúng một phần. Vì đã có những cuốn nhật ký chiến tranh khác được xuất bản trước và sau hai cuốn sách vừa kể, nhưng không gây được tiếng vang, không trở thành “sự kiện” như với Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm. Không phải hai chiến sĩ “mãi mãi tuổi hai mươi” này đã lập được chiến công hơn người. Vậy thì vì sao Nguyễn Văn Thạc, một chiến sĩ chưa đầy một tuổi quân, chưa bắn hạ được chiếc trực thăng, chưa phá được chiếc xe tăng Mỹ nào và hình như chưa diệt được kẻ địch nào, lại có thể khiến hàng triệu độc giả xúc động chỉ với những trang nhật ký qua mấy tháng hành quân?

Hẳn sẽ có nhiều cách giải thích. Riêng tôi, sau khi đọc “Hạnh phúc là gì?” chợt hiểu ra những trang nhật ký của Thạc có sức lay động người đọc vì trong cuộc đời ngắn ngủi của mình anh đã biết làm giàu tâm hồn mình, tích tụ năng lượng, phẩm chất từ nhiều cuộc đời khác - trong đó có rất nhiều nhân vật trong những tác phẩm văn học nổi tiếng và tất nhiên, người bạn đời đầu tiên - duy nhất của anh là Phạm Như Anh đã đóng một vai trò quan trọng.

Phải nói là may mắn Thạc đã có người bạn đời đầu tiên là Như Anh. Có lẽ cũng nên biết qua “sơ yếu li lịch” người con gái mà Thạc, “bằng tất cả tâm hồn, trái tim, thể xác, quý yêu trọn vẹn”. (Thư ngày 2/8/1971) Thân phụ Như Anh là luật sư Phạm Thành Vinh, từng là Chủ tịch Hội Học sinh sinh viên yêu nước, Chánh văn phòng đầu tiên của Bộ Quốc phòng và ông nội của Như Anh là em ruột anh hùng liệt sĩ Phạm Hồng Thái, thân mẫu Như Anh là con cụ Hồ Đắc Điềm, từng là Tổng đốc Hà Đông, sau Cách mạng Tháng Tám là Phó Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội. “Hồ Đắc” là một dòng họ nổi tiếng ở Huế. Điều thú vị là lúc mới quen nhau, Thạc chưa biết cô bạn là “con nhà dòng dõi”. Có phải nhờ con mắt “tinh đời” của cậu học sinh giỏi văn nhất miền Bắc hồi đó, hay tính cách cô gái đã thể hiện những tư chất đẹp đẽ của dòng họ gia đình cô?

Trong nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, mối tình đẹp đẽ mà lại quá ngắn ngủi của hai người hẳn đã là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của cuốn sách. Mối tình ấy qua cả ngàn trang thư và thơ của hai người lần đầu được công bố trong “Hạnh phúc là gì?” đã có thể gọi là một “thiên tình sử” mang tầm vóc mới có ý nghĩa về nhiều mặt. Cho dù họ chỉ gặp nhau 5 lần và chỉ trao cho nhau duy nhất cái hôn đầu tiên của đời mình trước ngày chia xa vĩnh viễn, mối tình ấy vẫn làm độc giả nhiều lần rơi nước mắt, nhất là từ khi họ “ở hai đầu trái đất” - cô gái lên tàu du học ở Liên Xô, còn chàng trai lên đường vào mặt trân Quảng Trị rực lửa.

“Tối 26/7/1971. Lần gặp nhau cuối cùng của đôi bạn. Chia tay nhau ở con đường nhỏ bên Văn Miếu, gốc cây thứ ba. Khoảnh khắc thứ 5 của hai con đom đóm gặp nhau. Nụ hôn đầu tiên và duy nhất. Như Anh lên tàu đi Liên Xô rạng ngày 28/7/1971. Thạc đi tiễn, tìm bạn trong biển người, nhưng họ đã không gặp được nhau.”

Sau những “thông tin” vắn tắt cuối Tập 1 “Hạnh phúc là gì”, đầu Tập 2, chúng ta gặp ngay lá thư dài đẫm nước mắt của Nguyễn Văn Thạc:

“Đêm ấy, Thạc không sao ngủ được, 1 giờ sáng, 2 giờ sáng, 3 giờ, rồi 4 giờ... Thạc đếm, như đếm chặng đường Như Anh đang đi xa Thạc; lần đầu tiên trong đời. Thạc ấn vào người một viên thuốc ngủ - Mà không sao ngủ được. Ôi, Như Anh... Thạc như vỡ ra từng mảnh, như tan ra khi nghĩ rằng không bao giờ còn gặp Như Anh nữa...” (Thư ngày 2/8/1971)

Như chúng ta đã biết, sau đó, Thạc lên đường vào Nam và đã hy sinh ngày 30/7/1972 tại Thành Cổ Quảng Trị. Cho mãi đến những dòng viết ghi ngày 18/4/1974, Như Anh vẫn không muốn tin là Thạc đã chết, và chị đã kêu lên, đã thét lên những lời đau đớn khiến mọi trái tim phải thổn thức:

“... Hãy bắn vào tôi, kẻ thù của tôi, nếu các người đã bắn vào anh. Trời ơi, tôi không còn có thể nghĩ về điều gì khác. Một khoảng trống thế này, một nỗi đau thế này. Tôi không muốn sống nữa, không muốn nữa... Hãy cho phép tôi đến với anh, với anh.

Trời ơi, anh không thể chết, trời ơi! Anh vẫn còn sống, anh phải sống! Hãy giết tôi đi, còn anh, hãy để anh sống!...”

Liệu có ai nói rằng đôi bạn trẻ đã quá hèn yếu chăng? Không! Những lá thư viết riêng cho nhau, họ chẳng cần giấu diếm, bộc lộ mọi cung bậc tình cảm của mình, đắm đuối yêu nhau mà vẫn sẵn sàng chia xa vì sự nghiệp, sẵn sàng chết vì Tổ Quốc. Vì thế, đó là một mối tình lớn, một nhân cách lớn.

Những lá thư và thơ trong “Hạnh phúc là gì?” không chỉ làm người đọc bùi ngùi vì những nhớ thương thường tình của đôi lứa khi cách chia và đau đớn khi họ phải vĩnh biệt nhau lúc tuổi chưa đầy đôi mươi, mà còn đem đến những bài học quý giá về lẽ sống, về phương châm xử thế với một ngôn ngữ giàu chất văn học. Cả ngàn trang thư đó được viết ra lúc cả hai đều đang bận rộn việc học hành thi cử và mọi hoạt động xã hội của học sinh sinh viên thời chiến. Phải là người có tâm hồn, trí tuệ phong phú, có năng lượng đặc biệt mới làm được thế. Chính là họ đã làm giàu cho nhau, đã cho nhau năng lượng mỗi người ít ra là được nhân đôi nhờ những lá thư tình không phải để ve vãn nhau một cách tầm thường, mà họ luôn tự vấn, tự chỉ trích và thẳng thắn phê bình nhau. “...Thạc muốn trong những giây phút khó khăn, chúng mình an ủi, động viên lẫn nhau, cổ vũ và chia sẽ niềm vui, nỗi khổ với nhau...”(Thư ngày 1/4/1971)

Chính là với tinh thần ấy, ngày 7/4/1971, sau khi dự thi kỳ thi học sinh giỏi, Như Anh đã Viết: “... Như Anh xấu hổ với Thạc lắm. Thạc thi tốt thế mà Như Anh cũng là của Yên Hoà B đấy mà sao tồi thế. Thạc tha lỗi cho Như Anh nhé! Cứ trách đi, phê phán thẳng cánh vào, Như Anh muốn nghe những lời ấy ở Thạc hơn ai hết... Như Anh thì vô vàn là lúc “say mà không tỉnh”. Thật tệ hại. Rồi Như Anh sẽ còn bị trừng phạt nhiều...”

Còn Nguyễn Văn Thạc, trong thư ngày 18/4/1971 đã viết: “... Thạc nói điều này, Như Anh tha lỗi nhé, đừng trách nhé. Bỗng dưng Thạc cảm thấy Như Anh là một bạn thân của riêng mình, riêng mình thôi, ích kỷ ghê! Thạc biết thế là xấu, là không tốt mà vẫn muốn thế.”

Tháng 5/1971, khi nhận tin Thạc có thể sẽ đi bộ đội, Như Anh không ngại thốt lộ nỗi niềm riêng yếu đuối, nhưng rồi lý trí đã thắng: “... Trái tim Như Anh se thắt lại bởi một linh cảm đen tối... Như Anh nổi cơn ích kỷ lên rồi không muốn Thạc đi đâu cả. Nhưng mà thôi, Tổ Quốc gọi, Thạc phải đi thôi!” (Thư ngày 8/5/1971)

Trả lời lá thư này, Thạc đã viết: “Như Anh đừng lo gì khi Thạc đi bộ đội. Thạc nói rồi đấy, không muốn sống cuộc sống tẻ lạnh, tầm thường. Sống cho ra sống...” Thạc biết rất rõ cuộc sống mà anh sắp dấn thân vào là đầy hiểm nguy. Sau khi nhắc hai nhà văn Nguyễn Thi và Lê Anh Xuân vừa hy sinh trên chiến trường miền Nam, anh viết: “... Hai hạt ngọc của văn nghệ miền Nam đã ngã xuống. Đau xót biết chừng nào... Để đi đến thắng lợi, để giành lại cuộc sống mà hôm nay Thạc và Như Anh đang được hưởng, bao nhiêu tài năng đã bị hy sinh... Vậy thì Thạc, một sinh viên tầm thường, một người công dân mới của nước Cộng hoà tại sao lại có quyền “tiếc” cuộc đời sinh viên của mình. Không, không tiếc, không được tiếc, cả Như Anh nữa...”

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đằng sau các điệp từ: “Không, không tiếc, không được tiếc” là sự vật vã, là một cuộc đấu tranh không hề đơn giản để chàng sinh viên trẻ chiến thắng chính mình. Nguyễn Văn Thạc, không hề che giấu những phút mềm yếu. Ngày 28/7/1971, khi biết chắc mình sẽ đi bộ đội, còn Như Anh sắp đi học ở Liên Xô, Thạc đã viết: “... Sao Như Anh không trách Thạc vì những cảm xúc ấy. Thạc, trong cơn mê sảng, đã thốt ra những câu nói mà Thạc sẽ hối hận suốt đời.” Thiếu Như Anh, Thạc không sống nổi, Thạc chết mất!” Không, Như Anh ạ, nói điều ấy là Thạc đã lừa dối Như Anh, đã coi thường Như Anh... Như Anh như một tấm gương, một mặt sông để Thạc nhìn rõ hơn bóng mình, nhìn rõ hơn chỗ mà mình đang đứng và nhìn được xa hơn vào tương lai.”

Thực ra, nói cho thật đầy đủ, “tấm gương” của Thạc còn là rất nhiều nhân vật trong hầu hết những tác phẩm văn học nổi tiếng xuất bản thời đó. Tôi thật không ngờ, họ có thể đọc nhiều đến thế và các nhân vật văn học đẹp đẽ đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn và trí tuệ của họ đến như thế.

Nhà thơ Bằng Việt, trong “Lời bạt” cuốn sách “Hạnh phúc là gì?” đã viết:

“Đọc tập “Mãi mãi tuổi hai mươi”, tôi thấy anh hình như giản dị hơn, dễ hiểu hơn. Đọc đến tập thư riêng này của anh, mới thấy những đường dây gồ ghề, khúc khuỷu, phức tạp hơn nhiều trong suy tư của một tri thức trẻ. Tập thư này, chừng mực nào đó, bộc lộ ra anh đa diện hơn, sắc cạnh hơn. Nhưng chính vì thế mà tôi thích! Anh đâu có định viết cho chúng ta đọc! Đây là tự sự, là tự bạch của chính anh... Nhưng sau hơn 30 năm, chúng ta có may mắn được khám phá lại những góc tâm tư ẩn khuất sâu kín của tâm hồn anh, không đánh bóng, không tô vẽ, trái lại có lúc tự diễu cợt, tự xỉ vả mình, thậm chí hoài nghi cả bản thân mình! Nhưng lại chính vì thế mà chúng ta thấy đầy đủ hơn, toàn vẹn hơn, chất vàng ròng trong phẩm chất của lớp thanh niên thời ấy...”

Phải! Thời ấy, họ đã sống và yêu như thế. Tôi chợt nghĩ, không biết thời đại “a còng” này các đôi lứa “chát” với nhau những gì? Chỉ xin được nhắc lại những dòng chữ như là lời trăn trối của người chiến sĩ đã bỏ mình dưới chân Thành Cổ Quảng Trị năm xưa.

“Chỉ mong Như Anh nhớ dưới chân mình là đất, đất, mảnh đất thấm máu bao bạn bè cha anh và biết đâu còn có một chút xương thịt của Thạc ở trong đó...”

Thiết nghĩ, đó không chỉ là lời nhắc Như Anh và các bạn trẻ, Lớp người cùng lứa với Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc - trong đó, có không ít vị đang giữ những cương vị quan trọng trong nhiều đơn vị, cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp, hàng ngày phải đối đầu với “quốc nạn” tham nhũng, hẳn cũng cần nghe lại những lời nhắc nhở của các anh hùng đã hy sinh thân mình vì Tổ Quốc, để thêm quyết tâm giữ cho được lối sống trong sạch, để nhân dân sớm được hưởng cuộc sống “công bằng dân chủ văn minh”.

 

N.K.P

 

 

Nguyễn Khắc Phê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground