Mèo trong dân gian
Hẳn ai cũng đều biết bài đồng dao: Con mèo mà trèo cây cau / Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Nếu như con chó được nuôi giữ nhà, chống kẻ trộm và báo có khách, thì mèo chỉ nuôi để bắt nội gian là chuột. Mèo khắc chuột, và khắc luôn cả chó. Thế mới có thành ngữ: Như mèo với chó, để chỉ sự không hòa thuận.
Quan niệm dân gian thường bắt nguồn từ quan sát tinh tế những sự vật gần gũi, nên các loài vật nuôi thường dùng làm đối tượng hoán dụ trong văn học truyền miệng. Con mèo xuất hiện khá nhiều trong tục ngữ, ca dao, dân ca và có nhiều kiến giải thú vị. Tục ngữ nói: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. Có phải dân ta ghét mèo yêu chó, hay đây là một quan niệm tâm linh? Có thể vì tiếng kêu của mèo là: meo, ngheo, nghèo, có tính đồng âm chỉ sự nghèo khó. Về mặt sinh học, hệ tiêu hóa của mèo yếu, mèo ăn rất ít: Thực như miêu. Ăn ít thì chứng tỏ trong nhà đó không cần phải dư dả thừa mứa. Ngược lại, chó lại ăn rất nhiều, người Quảng Trị có câu: Cơm mô no bụng chó, ló (lúa) mô no bụng gà.
Mèo trong bức tranh Đông Hồ
Nói là vậy, nhưng mèo không phải loài yếu thế. Bằng chứng dân ta vẫn gọi mèo là loài tiểu hổ, gan dạ dũng mãnh sau hổ. Và nó cũng có thể làm bề trên trong bức tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột. Tranh vẽ một bầy chuột tổ chức lễ rước dâu nhưng phải mang theo nào cá, nào chim đến biếu ông mèo.
Mèo cũng có quyền lực
Con mèo quyền lực nhất có lẽ là mèo Larry tại số 10 phố Downing nước Anh. Từ một con mèo hoang ra đời năm 2007, Larry đã trở thành "Trưởng quan bắt chuột tại Văn phòng Nội các Anh Quốc", được thủ tướng Anh David Cameron xác nhận là công chức. Hiện nay Larry đã được 15 năm tuổi và vẫn giữ chức "Tổng quản bắt chuột".
Người Nhật thì xem mèo là một biểu tượng của may mắn, trí thông minh sáng tạo và những con mèo biểu tượng của nước này được cả thế giới biết đến. Đó là con mèo Maneki-Neko vẫy tay ngày nay được mọi người dùng làm vật tâm linh, còn gọi mèo thần tài. Mèo thần tài, mang tài lộc đến chứ không phải... mèo đến nhà thì khó. Mèo Hello Kitty và Doraemon là hai con vật trong phim, truyện thiếu nhi của Nhật được trẻ em khắp nơi yêu mến. Doraemon có biệt danh là "chú mèo máy thông minh" với túi thần kỳ biến những mong mỏi của con người thành hiện thực, kể cả chuyện đi ngược về quá khứ thông qua cỗ máy thời gian. Dù mèo Nhật nổi tiếng đến vậy, nhưng ở đất nước này mèo lại không được đưa vào trong bộ 12 con giáp mà thay bằng con thỏ. Tương truyền người Nhật cho rằng vì bị chuột lừa nên mèo không đến được thiên đình điểm danh, thế là mèo vắng mặt trong bộ lịch.
Ở Paris có một đường phố rất ngắn, rộng 1,8 mét, dài 29 mét nhưng rất nổi tiếng là Phố con mèo câu cá. Tên của con phố gần 500 tuổi này xuất phát từ một thành ngữ Pháp "đi xem những con mèo câu cá", hàm ý là chuyện khó tin. Danh họa người Quảng Trị Lê Bá Đảng đã từng sống ở gần con phố này, trong tự thuật kể lại, ông cho biết lúc lấy vợ sinh con hoàn cảnh còn khó khăn. Một hôm đi qua Phố con mèo câu cá ông liền nảy ý định vẽ tranh mèo bán. Thế là ông vẽ ngay mấy bức tranh mèo đem đến ký gửi ở một hiệu sách trên phố. Chỉ đến chiều, chủ hiệu sách đã giục ông rằng còn bao nhiêu con mèo thì đem đến đây. Thế là ông vẽ liên tục tranh mèo, có tháng bán hơn một trăm rưỡi bức.
Tranh mèo của danh họa Lê Bá Đảng
Nhà văn Nguyễn Đình Thi có tác phẩm Cái tết của mèo con, đây là truyện dành cho thiếu nhi duy nhất của ông. Tuy chỉ được viết trong mấy ngày về phép ăn tết năm 1961, song câu chuyện này đã cuốn hút biết bao thế hệ, cho đến hôm nay vẫn là một câu chuyện đồng thoại dễ thương, có tính giáo dục.
Con mèo gây tranh cãi
Trong cơ học lượng tử, nhà vật lý người Áo Schrödinger (giải Nobel Vật lý năm 1933) từng đưa ra một thí nghiệm tưởng tượng gây tranh cãi. Ấy là đặt một con mèo vào trong hộp kín, cùng với các thiết bị và máy quan sát, nếu có một tia phóng xạ, cây búa trong hộp sẽ tự động đập bể lọ thuốc độc. Trạng thái của con mèo khi ấy là sự chồng chập của các hàm sóng, thế nên con mèo... vừa sống vừa chết. Đây là một thí nghiệm tưởng tượng để diễn giải về thuyết lượng tử, và nó gây nên những tranh cãi hàng chục năm trời vì khác biệt với lý thuyết của nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ của thuyết lượng tử. Nhà vật lý Stephen Hawking từng nói: "Khi tôi nghe kể về con mèo của Schrödinger, tôi vội tìm súng của mình."
Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, người ta quan niệm nếu con mèo đen nhảy qua xác chết thì tử thi sống lại, gọi là hiện tượng quỷ nhập tràng. Khoa học lý giải rằng trong xác người mới chết có điện tích âm, con mèo đen mang điện tích dương nên khi nó đến gần thì tạo nên từ trường làm tử thi động đậy, tương tự việc hút nam châm trái cực. Dù có nhiều ý kiến rằng đây là một tín điều dân gian, song đến nay ở nhiều nơi ở vùng nông thôn Quảng Trị vẫn còn đặt một cái liềm ngang bụng xác người mới chết để ngăn ngừa hiện tượng quỷ nhập tràng.
Lại có chuyện vui, một nhà khoa học đãng trí đã khoét hai cái lỗ làm lối ra vào cho vật nuôi, một lỗ to để cho con chó, một lỗ nhỏ để cho con mèo. Nhà khoa học ấy chính là Albert Einstein (!?). Nhưng cứ lấy thành ngữ Việt ra ướm thử thì thấy nó cũng có lý, ghét nhau như mèo với chó, đời nào chúng chịu đi chung một lỗ.
Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 7 (12.2022)