Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con người và văn hóa qua lăng kính của Tổng Bí thư Lê Duẩn

I.

V

ào thế kỷ XIX, một nhà văn vĩ đại vừa là nhà triết học người Nga có nói rằng, “Con người là một bí ẩn”. Có thật vậy không? nếu hết bí ẩn, liệu con người có còn là con người nữa không? Tất cả những câu hỏi đó đặt ra cho các nhà triết học thời đại chúng ta đối mặt với những vấn đề có tính toàn cầu: Cái tự nhiên và cái phi tự nhiên, lý trí và tình cảm, trí tuệ và bản năng, lý tưởng và tính dục, nhân vị và siêu nhiên, thân phận con người và giá trị con người v.v... Trong dòng chảy triết học văn hoá đó, tôi bắt gặp nhiều luận điểm của Lê Duẩn giúp chúng ta biện giải con người, con người là ai?

Trong bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo toàn miền Bắc tháng 4 năm 1962, đồng chí nói “Con người luôn luôn là con người lịch sử, con người xã hội. Nó là sản phẩm lịch sử của một xã hội nhất đụnh”(1). Như vậy, con người không phải thần thánh đã đành, nhưng cũng không phải là siêu nhân, đứng bên lề lịch sử, thiếu cội nguồn lịch sử, không phải là con người siêu hình, mà tổng hoà những yếu tố biện chứng: Có tố chất tích cực và hành vi tiêu cực, có cái bất biến và cái vạn biến, có đóng và mở, có cái cộng đồng và cái cá nhân, có lịch đại và đồng đại. Đồng chí Lê Duẩn nói tiếp: “Ta là người Việt Nam, nhưng ta hiểu rõ ta không phải dễ, hiện nay chúng ta chưa hiểu rõ người Việt Nam lắm đâu.. Muốn hiểu rõ thì phải đối chiếu người khác, nếu không thì mình không hiểu được mình”. (Tr 157). Đối chiếu với người khác và so sánh với các nước, ít nhất là trong khu vực. Tại sao vào những năm 50, xuất phát điểm của Việt Nam không khác mấy so với Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á nhưng đến nay nước ta vẫn nghèo, nhất là về kinh tế? GDP đầu người chỉ bằng 1/14 Malaixia, 1/30 Hàn Quốc, 1/50 Singapo. Tất cả đều vì con người. Người Việt Nam thông minh, nhưng mới ở từng cá nhân, chưa đến độ thông minh cộng đồng; tài năng bị ràng buộc bởi cơ chế, chất xám bị chảy ra nước ngoài, hiền tài được đào tạo bài bản không muốn làm việc cho các cơ quan nhà nước (lương giáo sư đại học trung bình khoảng 150 USD), thậm chí có những tiến sĩ xuất sắc hẳn hoi được đào tạo ở các trường đại học danh tiếng nước ngoài, mà phải chờ việc vài, ba năm. Cơ chế, chính sách là do con người làm ra, đừng đổ lỗi cho ai cả. Singapo, Hồng Công đóng vai trò Con Rồng Châu Á không hoàn toàn do họ thông minh hơn người Việt, mà chủ yếu là do cách quản lý tốt. Khoảng cách công nghệ giữa Mỹ và Tây Âu không phải do người Mỹ tài giỏi hơn người Pháp và người Đức, mà chủ yếu là do có hệ thống chính sách, cơ chế quản lý của người Mỹ giỏi. Quản lý vĩ mô vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Trong quản lý vĩ mô thì quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý tài chính, tiền tệ, quản lý hành chính là những dây thần kinh hệ trọng và nhạy cảm của nền kinh tế quốc dân. Quản lý chỉ thuyết phục thôi chưa đủ, cần phải biết tổ chức về mặt thực tiễn, trong xã hội nông nghiệp, quản lý đồng nghĩa với việc cai trị, chỉ có quan hệ trên dưới. Trong xã hội tin học, nền kinh tế trí thức, quản lý là tri thức tổng quát và tri thức chuyên sâu, là sự phối hợp với nhiều đối tác, điều hành theo dự án, chối bỏ lối quản lý kinh nghiệm chủ nghĩa. Một trong những thành tựu của khoa học quản lý là dùng phương pháp não công (Brainstorming) để kích thích óc sáng tạo. Ví dụ: (Ở Nhật số nhà kỹ thuật, công nhân có tay nghề đưa đăng ký sáng kiến trong một ngày bằng số đăng ký sáng kiến của công dân Việt Nam trong 13 năm 1981 - 1993) (theo Tạp chí Cộng sản số 14/1998). Ở Hàn Quốc 1997, hãng Sam Sung suýt phá sản do khủng hoảng kinh tế Châu Á, vốn kinh doanh khoảng 34 tỷ USD bằng nửa hãng Sony. Nhưng chỉ sau một vài năm lãi gấp sáu lần Sony. Vì sao vậy? đó là nhờ trí tuệ thông minh cộng đồng, không chịu đầu hàng, không chịu sản xuất hàng kém phẩm chất, bán hạ giá, mà dựa vào trí tuệ của 17.000 kỹ sư/ 75.000 công nhân - một tỷ lệ vàng. Đó là 17.000 bộ óc sáng tạo đối thủ đáng gớm của Panasonic, Sony, IBM. Sam Sung luôn luôn sáng tạo ra mẫu mã, sản xuất cả tủ lạnh truy cập Internet, tủ lạnh, tivi, màn hình của điện thoại di động. Thế mới biết!

Bàn về con người, Lê Duẩn còn có một luận điểm đề xướng vào những năm 60 thật táo bạo, đầy chất thông tuệ, liên quan tới cái cá nhân và cái cộng đồng: “Muốn xây dựng tư tưởng làm chủ tập thể, thì phải phá bỏ làm ăn cá thể, nhưng phá như thế nào, phá cái gì và giữ cái gì. Phá bỏ tư tưởng làm ăn cá thể không có nghĩa là phá tất cả thuộc về cá thể. Chủ nghĩa xã hội không bao giờ chủ trương phá bỏ quyền lợi cá nhân mà chỉ làm cho quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể nhất trí với nhau... Trong kinh tế phần cá thể vẫn là một nguồn sống của con người, trong xã hội nguyện vọng chính đáng của cá nhân là một sự thật khách quan, là sự sống tự nhiên của con người”. (tr 152). Bấy giờ, tôi còn nhớ không phải ai ai cũng nghĩ như vậy.

Nhưng rồi cánh cửa Đại hội VI của Đảng mở rộng chân trời sáng tạo, trong đó có kinh nghiệm khoán 10 trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc do Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc có sáng kiến về khoán sản phẩm cho từng hộ, chứng minh cho sự phát minh vai trò của cá thể trong đời sống của Lê Duẩn. Phải thừa nhận rằng, do nhiều điều kiện lịch sử chưa cho phép, nhất là lịch sử chống xâm lược, giữ gìn biên ải, nên trong nhiều thời kỳ lịch sử cái cá nhân, cái cá tính bị mờ nhạt nhường chỗ cho cái cộng đồng, tinh thần tập thể là cần thiết âu cũng là chuyện bất đắc dĩ. Vả lại, văn hoá quốc gia lấy gia tộc làm cơ sở xã hội. Nhà nước không biết đến cá nhân, chưa thật sự coi trọng cá tính sáng tạo, cách tổ chức công nghệ, thương mại không vượt ra ngoài ranh giới mỗi họ, mỗi làng thậm chí giấu nghề v.v... Có thấy đặc điểm của dân tộc mới thấm thía những điều nhìn xa, trông rộng được ghi ở các văn kiện Đại hội IX. Tháng 3-2004, trong lần gặp gỡ các nhà doanh nghiệp trẻ, Thủ tướng Chính phủ coi họ là “Trí tuệ Việt Nam”, “Những người luôn luôn đổi mới, sáng tạo nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những điều chưa có tiền lệ, vượt qua khỏi lối mòn tư duy, phải có tinh thần vươn ra thế giới, tiếp cận những đỉnh cao trí tuệ của loài người” (Báo Nhân dân số 17754 ngày 9-3-2004). Đó là ý Đảng, lòng Dân và hoài vọng của từng nhà sáng tạo.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, đồng chí Lê Duẩn với tư duy có tầm chiến lược đã hé mở cho giới khoa học xã hội và nhân văn việc nghiên cứu con người là không đơn giản, nhưng đầy triển vọng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, do chưa có những tiền tệ lý luận, nên những luận điểm của Lê Duẩn về con người mới dừng lại con người xã hội và một phần nào đó bàn về xác tín niềm tin tôn giáo của một số giáo phái ở Nam Bộ với mục tiêu đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay, chúng ta đều biết, nói đến con người là nói đến một đối tượng vừa công khai vừa bí ẩn, vừa dễ hiểu vừa phức tạp, bởi con người tồn tại trong nhiều mối quan hệ. Nhiệm vụ của những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, các nhà khoa học là phải nghiên cứu sâu hơn con người xã hội, con người với nguồn nhân lực khi đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá, kinh tế tri thức và toàn cầu hoá, con người sinh học (những đặc điểm sinh thể, chiều cao trọng lượng, tầm vóc, dục vọng, sinh lý, tính dục); con người tâm lý (vô thức,hữu thức); con người tâm linh (niềm tin, tôn giáo, tín ngưỡng v.v...).

 

II.

Đồng chí Lê Duẩn viết về văn hoá không nhiều, nhưng đối với tôi, có ba quan niệm đọc đi đọc lại vẫn thấy lấp lánh ánh sáng trí tuệ tài ba và tâm hồn khoáng đạt của một nhà văn hoá lớn. Đó là: Công tác tư tưởng phải biết gắn tình cảm với lý luận; nói đến nghệ thuật là nói đến quy luật của tình cảm và chân dung người mẹ Việt Nam - một dáng nét văn hoá Việt Nam.

Mở đầu bài tạo một biến chuyển mạnh mẽ về công tác tư tưởng (1962), Lê Duẩn nói: “Chúng ta biết rằng, tự nhiên có quy luật của tự nhiên, xã hội có quy luật riêng của xã hội, tư tưởng có quy luật riêng của tư tưởng”. “Công tác tư tưởng không chỉ nắm lý luận, phải biết gắn tình cảm với lý luận”. “Vấn đề nhân sinh quan là vấn đề lý trí, đồng thời là vấn đề tình cảm”. Để hiểu rõ một việc gì thì con người dùng lý lẽ, lý trí, nhưng khi hành động thì phải có tình cảm”. Tất cả ý niệm đó là quy luật của tư tưởng. Lý trí và tình cảm là hai phạm trù triết học đồng thời là hai thuộc tính thiêng liêng của con người. Thông qua chính trị, triết học, đạo đức học, khoa học nhân văn nghệ thuật, con người xây dựng nhân cách văn hoá, bồi dưỡng tinh thần. Từ đó đồng chí nêu đặc thù của phương thức hành động trong công tác tư tưởng và văn hoá là không dùng bạo lực, hành chính mà dựa vào tự nguyện. Bạo lực cưỡng bức chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Trừ những kẻ lợi dụng sự tự do tín ngưỡng để chính trị hoá tôn giáo với mục đích phá hoại tuyệt đối hoá những đặc thù, bản sắc của dân tộc thiểu số để phá hoại chính sách đại đoàn kết thì phải có những kế sách cưỡng chế hoặc sự can thiệp của pháp luật; còn nói chung quy luật của tư tưởng và văn hoá là tự nhận thức, là phê bình và tự phê bình, phá cái cũ, xây cái mới, chống cái cổ hủ lạc hậu, xây cái tiên tiến, khoa học. Nó là một quá trình hết sức lâu dài, phức tạp, tế nhị, có trường hợp có lúc phải “nghiến răng mà chịu”. Văn hoá xét về bản chất của nó là hoà giải, hoà hiếu. Ở các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới từ Nguyễn Trãi, Quang Trung đến Hồ Chí Minh ta thấy điều này: Hoạt động chính trị là phương tiện, văn hoá mới là mục đích của hành động. Bản chất nhân văn, hoà hiếu cách mạng luôn luôn tồn tại thống nhất, biện chứng tự nhiên trong con người của các vĩ nhân.

Một luận điểm khác của Lê Duẩn cũng có giá trị lâu dài và đầy sức thuyết phục “Nói nghệ thuật tức là nói quy luật riêng của tình cảm nghệ thuật vận dụng quy luật riêng của tình cảm”. Trước Lê Duẩn, nhiều nhà văn hoá của thế giới đã coi đời sống cảm xúc cá nhân là “Chiến khu chính của văn nghệ” “Cái ánh sáng bên trong sự vận động rất biện chứng của tâm hồn con người” (Lep Tônxtôi) (tr.154). Nói quy luật riêng của tình cảm là nói đến tính khách quan, tính độc lập tương đối so với lý trí, với ý thức. Tình cảm của chủ thể sáng tạo (nhà văn) và chủ thể tiếp nhận (người đọc) bao giờ cũng sâu sắc và đậm đà hơn ở những người khác. Nhận thức của nghệ sĩ về một đối tượng lúc đầu bằng lôgic, suy lý. Quá trình này chỉ đưa lại một số thông tin, số liệu, chân lý trong tác phẩm. Tác phẩm văn nghệ đòi hỏi tác giả nhận thức bằng trực giác, vô thức, thậm chí có những giây phút thăng hoa điều mà nhận thức lý tính bất lực. Sáng tác nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ tĩnh mà còn phải say, không chỉ suy lý mà còn tưởng tượng, liên tưởng, linh cảm, vô thức v.v... Sự lý giải tương tự như trên cũng xảy ra với người đọc, người nghe, người xem. Chính vì thừa nhận vai trò của tình cảm, của trực giác, của yếu tố phi lý trong thơ mà chúng ta dễ chấp nhận những câu thơ tưởng như phi lý:

- Màu thời gian xanh xanh

Màu thời gian tím ngắt (Trần Huyền Trân)

- Đưa người, ta không đưa sang sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng (Thâm Tâm)

- Ta cùng nàng nhìn nhau không tiếng nói

Sợ lời than lay đổ cả đêm thâu (Chế Lan Viên)

Người ta nói: Chỉ có nghệ thuật mới phá bỏ được độc quyền của nhận thức lôgíc là vì vậy.

Viết về người phụ nữ Việt Nam, về truyền thống gia đình Việt Nam, đồng chí có những kiến giải sâu sắc của nhà văn hoá lớn vừa mang nặng tình nghĩa của người làm con, làm chồng. Dưới lăng kính của Lê Duẩn, người mẹ là một dáng nét văn hoá Việt Nam: “Ngay cả việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái, những công việc của người vợ trong gia đình cũng mang tính xã hội sâu sắc...” (Tr. 252); “Người mẹ sinh con, nuôi con, dạy con, duy trì nòi giống, bảo đảm cho xã hội phát triển..” (Tr. 263) và đặt người mẹ vào địa vị tôn quý: “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng”, “Người mẹ còn dưỡng vừa là nuôi vừa là dục”(Tr. 263). Còn bây giờ thì người mẹ còn phải lo cho con ăn học bằng người, có việc làm, có hạnh phúc lứa đôi v.v... Những lập luận này của đồng chí cũng không dừng lại ở những con chữ khô khan, những tuyên ngôn to tát, mà thường gắn lý trí với tình cảm, lẽ phải và tình thương.

Ngày nay chúng ta coi gia đình là tế bào của xã hội, văn hoá gia đình đã trở thành giá trị chân chính của đạo đức, nhân phẩm và những giá trị nhân văn truyền thống mà đặc điểm nổi trội là tính huyết thống, truyền thống hiếu học, truyền thống gia phong, gia lễ... cho dù trong điều kiện kinh tế thị trường không phải không có bộ phận người chao đảo, chạy theo xu hướng tiêu dùng, coi trọng đồng tiền hơn nhân nghĩa, thì giá trị văn hoá gia đình vẫn được giữ bền vững vì nó được bảo đảm bằng vàng: Chân, Thiện, Mĩ. Cách đây hơn 40 năm, Lê Duẩn đã viết những dòng mà thời đó tôi thấy ít người quan tâm: “Gia đình là tế bào tự nhiên của xã hội, là một hình thức tồn tại của đời sống con người. Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được” (Tr. 257). Sau khi dẫn lại lời Hồ Chủ tịch “Quan tâm đến gia đình là đúng... vì gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, đồng chí nêu cao sự đồng thuận của vợ chồng trên cơ sở tình sâu, nghĩa nặng, tôn trọng nhau không chỉ lý tưởng chính kiến mà cả cách sống, cá tính, thị hiếu, sở thích... Đồng chí viết: “Người cách mạng không coi nhẹ gia đình, không phải là vô gia đình”, như luận điệu của kẻ xấu. Nói như vậy vào những năm 60 đã là mới, nhưng vẫn không hề cũ trong tình hình hiện nay, khi một bộ phận bậc cha mẹ do nhiều lẽ chối bỏ vai trò thiêng liêng của gia đình, lơ đãng chuyện giáo dục lớp trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Rất tiếc là ở một số gia đình vấn đề gia phong, gia lễ bị chi phối bởi lối sống tiêu dùng; chữ hiếu không được coi trọng, “Già không được nuôi, trẻ không được dạy”. Lớp trẻ vừa xa rời truyền thống tốt đẹp của cha ông, vừa sùng ngoại, phục ngoại một cách vô cớ: Một con người bất hiếu với cha mẹ thì mong gì trở thành một công dân tốt, một cán bộ lãnh đạo không đủ sức giải quyết chuyện rắc rối trong gia đình vợ buôn gian bán lận, các con dính dáng đến tệ nạn xã hội, thì mong gì anh ta toàn tâm toàn ý với công sở, cơ quan. Ở đây có hai vấn đề: Văn hoá hiểu biết văn hoá giáo dục. Cái trước là trình độ học vấn, còn cái sau là lối sống, trách nhiệm, nhân cách, đạo lý làm người, ứng xử với mọi người.

Lê Duẩn là một tư duy sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Riêng trong khoa học về con người văn hoá học, tôi rút ra một điều: Đó là những luận điểm minh triết của đồng chí đều lấy con người làm trung tâm, lấy văn hoá làm động lực, ngày càng hướng nội hơn, tự chủ hơn, bản lĩnh hơn, có thể giúp người đọc, trước hết là những nhà khoa học xã hội và nhân văn một phương pháp nghiên cứu luôn luôn sáng tạo, luôn luôn mới, luôn luôn mở, phù hợp với xu thế tiến bộ của loài người thế kỷ chúng ta.

          

        Tháng 12-2005 - Năm Ất Dậu

                                           H.S.V

 

 

 

___________

 

(1) Dẫn theo bài: Tạo một biến chuyển mạnh mẽ về công tác tư tưởng trong cuốn: Xây dựng nền văn hoá mới, Nxb Văn hoá, Hà Nội 1977, và cuốn Lê Duẩn về văn hoá - văn nghệ, Nxb Văn hoá - thông tin, Hà Nội, 1977, Tr 157. Từ đây trở đi các đoạn trích dẫn chỉ ghi số trang của cuốn sách thứ hai.

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 139 tháng 04/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground