A |
i đó đã nói rằng: là phụ nữ, phái đẹp nói chung, ai cũng có một thời con gái để yêu và nhớ - cái nồng nàn, thanh xuân, đau đáu khát vọng, đẹp như tơ trời và mong manh như sương… (bởi cái đẹp nào lại không mong manh, dễ vỡ bao giờ). Ai đã đi qua mà không ngoái lại với một chút ngẩn ngơ, xót xa, tiếc nuối? Và ai, cũng có một ngày, bất chợt xòe bàn tay đếm tuổi, bỗng thấy khóe mắt mình cay…
Phải chăng, với Lê Thị Mây, những chuỗi ngày chị đã sống, đã yêu trọn vẹn và đích thực là mình ở cái thuở “Tiếng cười giòn vỡ chân trời cỏ xanh”, cùng bao chiêm nghiệm, nếm trải qua bao mùa nắng mưa giông bão khi ôm tuổi mẹ cho đi hết ngày con gái đã làm nên một vẻ đẹp vừa lung linh, vừa trĩu nặng của “Giấc mơ thiếu phụ”- những câu thơ đồng hành cùng chị bao mùa xuân hạ thu đông, qua trần ai thân phận để đi hết dốc đời…
“Giấc mơ thiếu phụ” là tập thơ chị viết cho riêng mình khi đã đến thì “cài liếp cửa nắng gần đầy tay”, sau những “Tuổi mười ba”, “Những mùa trăng mong chờ”, “Tặng riêng một người”…nồng nàn, đầy khao khát. Đặt tên tập thơ là “Giấc mơ thiếu phụ”, chị đã gói trọn đời mình vào đó, chiếc giỏ trái tim bé nhỏ mà theo chị, nó “ôm chứa tuổi chiến tranh” với những mất mát, lở dở, chia ly… nhưng không ngăn được bước chân đi tìm “ga về hạnh phúc”. Đối diện với “Giấc mơ thiếu phụ” người đọc nhận ra, trong khoảnh khắc bóng dáng người phụ nữ tự dìu mình qua những buồn vui - là chị, với những chuỗi ngày sống bền vững với những giá trị thiêng liêng, lặng lẽ gom nhặt từng niềm vui nhỏ nhoi, dám dấn thân và chia sẻ:
Phố giờ đông người bán mua tấp nập
Chỉ riêng em nhớ ai cầm nón lỡ quên chào
Trái tim đập nghiêng theo vườn trĩu quả
Em biết mình yêu vừa phóng túng xanh xao
Khi ra chợ một mình mua một giá…
Những câu thơ thật và đẹp - đẹp đến nhói đau, làm ta thấm thía hơn những chông chênh số phận. Ai cũng có thể yêu nồng nàn, tha thiết, mãnh liệt, nhưng phải đâu ai cũng đủ nghị lực như chị, để nhận hết thảy về mình khi “ra chợ một mình mua một giá”? Dám chấp nhận không bao giờ chạy trốn, chị có một tình yêu vừa dịu dàng vừa bạo liệt, vừa ngây thơ, vừa xót xa…
Nhưng cũng chính tình yêu ấy đã cho chị một cuộc đời và những câu thơ trọn vẹn, trọn vẹn theo nghĩa riêng của người làm thơ, bất chấp những lở dở số phận trong mọi cuộc ba đào dâu bể. Đem chân thành để đổi lấy những nỗi đau, đôi khi cả thất vọng, chị vẫn có một cái được về mình, như chị từng tự sự:
Em dành lấy gì đã mất đã muộn
Bằng rung cảm hoài nghi nhưng đích thực là em
Điều chị lựa chọn đau đớn đấy, nhưng có hề chi, bởi chị biết rũ bỏ ảo tưởng để tự vượt mình. Thì chính chị đấy thôi, đã tự mình đi hết những thăng trầm số phận, khi chị biết “Chiến tranh đã dự phần cản trở tiếng gõ cửa chứa đựng âm thanh hạnh phúc” mà đời dành cho chị từ thời “mười bảy áp phong thanh”. Đã qua cái tuổi “chiếc hôn của suốt nắng hanh rừng già”, vẫn rười rượi xanh trong chị một bờ ký ức với “chiếc hôn của người ra trận” với “đồng tiền một lúm giận hờn còn riêng” để nuôi dưỡng mãi trong chị một niềm yêu, dẫu chị biết “nỗi em chờ hạnh phúc - qua chiến tranh há chẳng dễ dàng hơn”
Năm tháng qua rồi, nhưng “xòa bàn tay vẫn bàn tay con gái”. Cho nên, ám ảnh khôn nguôi trong chị là giấc mơ thiếu phụ với ngồn ngộn kỷ niệm và khát khao. Đến với tình yêu, tự nhiên là thế, người phụ nữ đi cùng “bi khúc thời gian” này vẫn “ngập ngừng em hỏi muộn không?” vẫn da diết một niềm tiếc nuối:
Em mười tám tuổi nết na
Ước chi đổi được hôm qua mấy lần
Để em gánh nước qua sân
Một tao anh níu tuổi xuân ước đường.
Bởi lẽ là giấc mơ, nên ở đó chị phân thân, bắt gặp mình trăm nẻo. Chị ở đấy, một đám cỏ ở ngã ba, một góc Trường Sơn bạt ngàn sim tím, một ngày “anh khoác ba lô về - đất trời dồn chật lại”, “một đồi trăng thiếu nữ” và hằng đêm lặng lẽ tìm về kim chỉ khi “đâu chỉ mình tôi anh ấy không trở về”… chị bắt gặp mình và mọi ngã đường số phận, để rồi:
Là đôi cánh cho nỗi buồn tin cậy
Trước một chiều giã biệt một ngày đi
Tôi can đảm biết cười trong nước mắt
Gặp dưới chân cỏ mộ xanh rì
Có lúc chị:
Tôi riêng cầu hết trời xanh
Giấu vào tay áo để giành nắng lên
Cũng có lúc chị khắc khoải hằng đêm với giấc mơ làm mẹ của những đứa con trai như “chú gà nòi kiêu hãnh”, con gái “như những hoa đồng tiền bí ẩn” nhờ nắng lung linh…Đó chính là “giấc mơ thiếu phụ” của chị chăng, chân thành và chẳng bao giờ đánh mất. Chị hiểu không phải chưa tới ngày làm mẹ mà “Chiến tranh vừa chấm dứt đây thôi”.
Ôi tôi hiểu không phải chưa tới ngày làm mẹ
Mà tim tôi ghi bia mộ một người
Những đứa trẻ không nhà đi chân đất
Là con tôi con bé bỏng của anh
Dù mồ côi hay thiếu cha để sinh thành da thịt
Tất cả là con tôi con bé bỏng của anh.
Hóa ra, chị “ra chợ một mình mua một giá” là vì thế. Chị tìm ghi bia mộ một người, để “nỗi đợi chờ làm tố dắt em qua”, chị mơ mình trong giấc mơ long lanh ký ức, một mình mình hay, nên có lúc “em bước đi tìm hẹn đến anh”, người thiếu phụ vẫn mong “đừng ai hiểu về em rành rọt thế” cũng có lúc chị giật mình tự hỏi:
Sông nghìn tuổi dậy thì bên kia phố
Lẫn tuổi em đon đả buổi mình yêu
Nắng đục mưa trong ai hiểu được bao nhiêu?
Sóng ngơ ngác lở bồi thảng thốt…
Thế nhưng vẫn còn trong chị một nỗi chờ mong về “một ngày cho em hy vọng”, để chị thấy tất thảy vẫn hồn nhiên như cây cỏ, và tình yêu đi qua thì con gái vẫn bừng lên trả cho chị những gì đã mất:
Khi tất cả hồn nhiên như cây cỏ
Em biết ngày vui hy vọng gần kề
Mây cổ tích với lời ru của mẹ
Khoác dịu dàng màu áo cưới cho em
Em sẽ làm dâu, mẹ sẽ đón bên thềm…
Và như thế, niềm yêu không tuổi vẫn tươi xanh cùng chị, bất chấp những bão giông số phận, những chông chênh kiếp người, để chị mãi là người đi đãi cát, nhặt chút bụi vàng làm lấp lánh nẻo người qua.
Và những giấc mơ, chị chẳng bao giờ đánh đổi để lấy một điều gì khác.
T.L