Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cùng suy ngẫm với

T

ôi có trong tay tập tiểu luận văn hóa - văn nghệ Suy ngẫm với thời gian của nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàn. Tập sách được phân chia thành các chủ điểm cụ thể: 1. Tìm trong lịch sử, 2. Duyên văn, 3. Nghề báo, 4. Nhạc Trịnh – những góc nhìn và phần Phụ lục. Tất cả được tác giả ấp ủ và viết trong khoảng thời gian khá dài với nhiều trở trăn, suy ngẫm. Cảm nhận chung đầu tiên của tôi đối với tập sách là tác giả đã có cái nhìn nhất quán, khách quan và khoa học trong nhận định và suy nghĩ. Ở từng vấn đề, Nguyễn Hoàn thật sự tâm huyết, cố gắng chỉ ra những chứng cứ thỏa đáng và thuyết phục, làm cho những điều tưởng giản đơn lại lấp lánh lời giải đáp trước tầm đón nhận của của con người thời hiện đại, dù có những vấn đề đã lùi về xa cũ. Đó chính là giá trị tổng thể của tập tiểu luận mà tôi muốn làm người tiếp nhận đồng sáng tạo với Nguyễn Hoàn.

Chùm bài ở phần 1 Tìm trong lịch sử, theo tôi là đáng chú ý hơn cả, bởi Nguyễn Hoàn đã dày công tìm hiểu, đánh giá từ trong di sản và lịch sử để rút ra những kết luận sắc sảo, có phát hiện bổ sung về từng con người và sự kiện của quê hương Quảng Trị dưới ánh sáng của chân lý cuộc sống và sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. Bài Thượng thư Lê Trinh - người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém đã làm hiện lên một con người, một tấm lòng nghĩa hiệp cao cả của Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh khi ông tham gia giải những “bài toán lịch sử” éo le, lúc vận nước gian nan: “Hai đóng góp sáng giá của Thượng thư Lê Trinh trong thời kỳ này, đó là việc tôn vua Duy Tân lên ngôi, sau khi thực dân Pháp phế truất vua Thành Thái và việc không xử chém Phan Châu Trinh, mặc dầu Pháp gây sức ép, nhờ vậy mà nhà yêu nước và vị vua Duy Tân nổi tiếng này có điều kiện tiếp tục hoạt động, cống hiến cho phong trào Duy Tân, cứu nước” ( tr.9 ). Với các chứng cứ và biện luận sắc sảo, Nguyễn Hoàn đã làm cho vấn đề trở nên sáng tỏ, từng mối quan hệ giữa vua Duy Tân, giữa Phan Châu Trinh với Lê Trinh cũng được minh xác, chúng tỏ rằng “Lê Trinh dẫu làm quan trong thế kẹt: vận nước ngàn cân treo sợi tóc, không ít vị quan chỉ là bù nhìn hoặc cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp, ông vẫn tìm cách lo nước, thương đời theo cách riêng của mình, trường hợp đó đã chứng tỏ phẩm chất và tiết tháo nhà Nho đáng quý, đáng trân trọng của ông”. Ông đã “không xu thời, buông xuôi, để tỏ được “lòng son” của mình qua việc tôn phò vua yêu nước, xử bênh cho nhà duy tân cứu nước” (tr. 20).

Bài “Tự chỉ trích” - Tác phẩm lý luận nổi tiếng đúc kết kinh nghiệm xây dựng Mặt trận của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừđược Nguyễn Hoàn tái hiện cụ thể qua từng hoàn cảnh, từng chi tiết để thấy sự sâu sắc của Nguyễn Văn Cừ khi “phân tích, mổ xẻ các vấn đề, nhất là chỉ ra những tư tưởng lệch lạc của một số đồng chí lúc đó và những khuyết điểm trong công tác vận động quần chúng một cách xác đáng, từ đó tìm hướng sửa chữa, làm cho Đảng thống nhất và mạnh mẽ hơn, đạt được hiệu quả đó là do tác phẩm đã nắm lấy nguyên tắc tự chỉ trích bôn-sê-vích” ( tr. 23). Nguyễn Hoàn đi đến kết luận:  “Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết Tự chỉ trích nhưng vấn đề mà tác phẩm lý luận nổi tiếng này đúc kết vẫn vừa có ý nghĩa thời sự với chúng ta hôm nay, vừa có ý nghĩa “thấu thị” sáng suốt lâu bền trong công tác vận động quần chúng của Đảng, nhất là khi Đảng đã xác định: Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân” (tr. 28). Tính thời sự - thời đại của bài viết chính là ở sự liên hệ với yêu cầu của cuộc sống và chiến lược phát triển con người hôm nay.

Tôi đặc biệt chú ý hai bài viết của Nguyễn Hoàn về Tổng Bí thư Lê Duẩn. Bài Tổng Bí thư Lê Duẩn với chân lý “Lao động, tình thương và lẽ phải” đã nêu và phân tích được hệ giá trị Chân - Thiện - Mỹ theo quan niệm mới của Lê Duẩn: “Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để cho con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống. Làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt và cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới”  (tr.29). Tác giả lần lượt phân tích bản chất của chân lý lao động, tình thương và lẽ phải. Đầu tiên là phải đặt nó trong mối quan hệ với các chỉ số AQ, EQ, IQ. Đó là chỉ số thông minh (Intelligence Quotient), tức chỉ số trí tuệ duy lý kế đến là chỉ số trí tuệ cảm xúc (Emotion Quotient), tức sự minh mẫn cảm xúc; và cuối cùng là chỉ số nghịch cảnh (Adversity Quotient), tức “nói đến năng lực phát huy trí tuệ của con người trong nghịch cảnh, năng lực tìm ra lối thoát trong nghịch cảnh, trong những tình huống khó khăn, bế tắc…”. Như vậy, mối quan hệ trên chính là sự tổng hòa biện chứng của các thước đo IQ, EQ và AQ mà con người cần phấn đấu để đạt được trên hành trình lao động, sáng tạo để xây dựng cuộc sống mới, làm chủ bản thân, làm chủ thiên nhiên. Kế đến, Nguyễn Hoàn đi sâu phân tích tư tưởng Lê Duẩn về vai trò đặc biệt quan trọng của lao động trong việc tạo ra con người và văn hóa: “Có  lao động mới có con người, và có con người là có văn hóa”. Bài viết phân tích nội hàm vấn đề lao động là nguồn lực quý báu của tích lũy xã hội chủ nghĩa, vấn đề tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, tăng năng suất lao động, vấn đề cơ chế và lực lượng sản xuất, vấn đề khoa học kỹ thuật…Những vấn đề trên được Nguyễn Hoàn phân tích tỉ mỉ và thuyết phục trên cơ sở những ý kiến và chủ trương của chính Tổng Bí thư Lê Duẩn trong từng thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nguyễn Hoàn cũng đề cập đến quan niệm tình thương rất mới mẻ qua thực tiễn cách mạng cũng như vấn đề phát huy sức mạnh tổng hợp và tinh thần làm chủ theo quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong từng giai đoạn cách mạng để giúp người đọc thấy vai trò, trí tuệ và sự uyên bác của Lê Duẩn trong từng yêu cầu của lý luận và thực tiễn mà một nhà lãnh đạo như ông đã làm được: “Đó là những bước tiến mới trong tư tưởng phát triển toàn diện và bền vững đất nước ta, tạo ra sức mạnh tổng hợp kinh tế - văn hóa - con người, sức mạnh của chân lý lao động, tình thương và lẽ phải mà Tổng Bí thư Lê Duẩn hằng nêu. Chân lý đó bắt rễ rất sâu từ trong mạch nguồn truyền thống và văn hóa của dân tộc, là chân lý độc lập, tự chủ và sáng tạo, chân lý đó chính là minh triết Lê Duẩn, minh triết Việt Nam” (tr. 58). Đó là những nhận định sâu sắc và đúng sát với tư tưởng Lê Duẩn mà Nguyễn Hoàn đã tổng kết một cách có cơ sở từ lý luận và thực tiễn.

Bài thứ hai mà Nguyễn Hoàn đề cập là bài Tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Những luận điểm mà bài viết quan tâm là Câu chuyện NEP của Lênin, Vấn đề cải tiến chế độ quản lý kinh tế, Về chuyện “khoán chui” của đồng chí Kim Ngọc đến Chỉ thị “khoán 100”, Các bước đột phá về đổi mới tư duy kinh tế từ năm 1979 đến năm 1985, Tính chuyện hợp tác kinh tế với Mỹ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ…Có thể nói, bấy nhiêu vấn đề là bấy nhiêu nan giải, phức tạp nhưng Nguyễn Hoàn đã lần vào bản chất bên trong của chúng để tường giải và thông diễn đến người đọc những tư tưởng đổi mới sâu sắc và nhạy bén của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Qua đó, tác giả muốn khẳng định chân lý vĩnh cửu và những đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo xuất sắc Lê Duẩn vào tiến trình cách mạng Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàn qua hai tiểu luận nói trên.

Phần 2 của tập sách là câu chuyện Duyên Văn mà tác giả đã duyên nợ, gắn bó và tri âm. Các bài nghiên cứu Để hiểu đúng câu Kiều về chữ “Tâm” của Nguyễn Du, Những nỗi tương tư của Thúy Kiều, Giá trị biểu cảm của từ “ai” trong thơ Tản Đà, rồi đến chùm bài bình về thơ hiện đại Bản sắc Huế qua bài thơ Tạm biệt của Thu Bồn, Tây Tiến của Quang Dũng, Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm, Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa, các bài bình về tác giả, tác phẩm như Đối thoại với những tín niệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Khúc ca miền nắng gió, Cây thơ trẻ Võ Văn Luyến, Cho một người bạn thơ đã đi xa…đều được tác giả nghiền ngẫm và gửi gắm bằng tấm lòng yêu nghệ thuật của một người ở thời điểm hiện tại gửi đến người xưa và đối thoại với người hôm nay một cách chân thành. Vì vậy, khi nhận xét những câu thơ viết về nỗi tương tư của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nguyễn Hoàn nhận định rất thâm thúy: “Nguyễn Du không đơn thuần diễn tả nỗi tương tư mà còn đi sâu phân tích tâm lý tương tư qua từng thời điểm khác nhau khiến cho người đọc hiểu được sự vận động theo thời gian của trạng thái tình cảm phong phú này của Thúy Kiều, giúp người đọc  khám phá sâu hơn những miền bí ẩn của tâm tư con người…” (tr.91). Với trường hợp từ “ai” trong thơ Tản Đà, sau khi phân tích từ góc nhìn ngôn ngữ học, Nguyễn Hoàn đã kết luận: “Chỉ với từ “ai” trong thơ Tản Đà, ta hiểu thế nào là hiệu lực nghệ thuật của một từ trong thơ. Nhưng rõ ràng, để tạo được hiệu lực này, Tản Đà đã nhỏ không biết bao nhiêu mồ hôi khổ luyện của trí não và nước mắt con tim đa cảm, đa tình cho mỗi từ “ai” (tr.101).

Viết về một bạn thơ tài năng nhưng mệnh yểu, Nguyễn Hoàn xa xót đến tận tâm can và không phải anh chỉ tiếc thương cho Nguyễn Tiến Đạt. Điều cao hơn thuộc về những gì còn dang dở mà anh không tiện nói ra, chỉ riêng thơ Đạt nói thôi cũng đủ: “Nếu được sống đến ngày bạc tóc còng lưng, với một người đa tài, đa đoan, đa mang, đa hệ lụy như anh, anh sẽ sống tiếp cái phận của một “con còng vác đất lấp dòng sông” như thơ anh đã hát. Nếu được sống đến tận ngày bạc tóc còng lưng, anh sẽ mải miết hành trình “Hòa nhập trong dòng người chống gậy - Cõng trên lưng niềm hy vọng khôn nguôi” như thơ anh mãi hát. Và như thế, Nguyễn Tiến Đạt thân yêu của chúng ta dù đoản mệnh nhưng lúc còn sống, anh đã kịp làm tròn phận sự của một con còng triết học, của một người chống gậy triết học, của một người đi nhặt cuội triết học” (tr. 147).

Tiểu luận Nghĩ về bản chất sáng tạo của nghề báo ở phần 3 của tập sách, Nguyễn Hoàn đã ngẫm suy có trách nhiệm và sáng suốt đề xuất quan điểm của mình theo tinh thần tích cực, có tính hội nhập của báo chí thế giới hiện nay theo yêu cầu của người đọc: “Đã đến lúc người đọc không chấp nhận việc các nhà báo dừng lại ở mức sao chép, minh họa cuộc sống một cách dễ dãi, người đọc có quyền đòi hỏi báo chí, với tư cách là một kênh quan trọng trong cơ chế vận hành của xã hội, cần có sự tác động tích cực vào các tiến trình xã hội làm cho chúng vận hành theo mục tiêu mà toàn Đảng và toàn dân đã định. Về mặt này, có thể thấy rất rõ vai trò của báo chí thể hiện qua việc kịp thời lên án, cảnh báo cái xấu và dự báo, phát hiện cái mới” (tr. 155). Nhưng điều quan trọng là qua từng sự việc và vấn đề, nhà báo phải đưa ra những kiến giải, giải pháp mới mẻ, hợp quy luật, bởi vì “Nghề báo là nghề chịu áp lực nặng nề nhất và chịu sự đào thải nghiệt ngã nhất của thời gian. Làm sao đừng để từng ngày trôi qua trong im lặng, làm sao phát hiện được những tin mới, tin vui từng ngày, làm sao đổi mới cách viết, nếp nghĩ từng ngày. Phải đúng, phải mới và phải hay, đấy chính là những yêu cầu sáng tạo khắt khe nhất của nghề báo đặt ra mà muốn thực hiện tốt, các nhà báo không còn cách nào khác là phải lăn lộn sâu sát với cuộc sống, với nhân dân, có như vậy mới mang được “nguồn nhựa sống của sự nghiệp đầy sức sống của giai cấp vô sản vào trong toàn bộ công tác đó” (tức công tác sách báo của Đảng) như Lênin đã dạy” (tr.156).

Phần cuối của tập tiểu luận, Nguyễn Hoàn bàn về Nhạc Trịnh – Những góc nhìn. Có thể xem đây là phần không kém phần tâm huyết và nó đã trả lại cho anh sự thành công đáng kể. Với hai bài tiểu luận Chiều kích đặc biệt của con người trong nhạc Trịnh Công Sơn  Những sai lệch, thiếu sót trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn – Vết chân dã tràng”, Nguyễn Hoàn đã thực sự có tiếng nói khoa học trong việc chỉ ra những giá trị hằng cửu của nhạc Trịnh Công Sơn khi hướng đến cõi đời và kiếp người cũng như lên tiếng bảo vệ những chân lý mọi mặt cho toàn bộ di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn. Đã có biết bao người nghiên cứu thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn về các phương diện, các cấp độ nhưng qua thời gian, qua từng tầm đón đợi và đón nhận, những người đến sau vẫn còn nhiều phát hiện bổ sung và phát hiện mới về thế giới nghệ thuật của nhạc sĩ tài ba này. Đến lượt mình, Nguyễn Hoàn đã có cách tiếp cận riêng khi cho rằng: “Trong thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, con người được đo bằng nhiều chiều kích đa dạng, đa diện; ngoài ba chiều không gian, còn có nhiều chiều đặc biệt của tâm hồn con người đầy nhạy cảm và giàu trực giác, trực nhận, trực ngộ” (tr.163). Nguyễn Hoàn còn nhận ra chiều kích đặc biệt của trục tọa độ không gian - thời gian đời người, một kiểu “không gian an nhiên và tự tại, cao sang và hướng thượng của nội tâm. Thế nên, con người trong nhạc Trịnh Công Sơn mang chiều kích hoành tráng của vũ trụ vì đã thu nhận trời đất ở trong mình” (tr.164). Tương ứng với kiểu không gian ấy, thời gian trong nhạc Trịnh cũng mang một chiều kích đặc biệt: “Trịnh Công Sơn có lúc đã phá vỡ quan niệm về tính chất hữu hạn của thời gian đời người để sáng tạo nên một thứ thời gian vô tận, vô biên của trái tim yêu tôn thờ cái đẹp lộng lẫy”, “đó là một thứ thời gian chống chọi thời gian, thời gian phi tuyến tính, phi hữu hạn, thời gian vĩnh cửu” (tr.167). Chính ca từ của Trịnh Công Sơn đã giúp ta tri nhận điều đó. Vì vậy mà con người trở thành chuẩn mực của thiên nhiên, chứ không phải thiên nhiên là thước đo của con người như văn học phương Đông trung đại đã quan niệm. Chính điều này đã làm tôn vinh tính nhân văn của nghệ thuật hiện đại, trong đó có ca từ và giai điệu nhạc Trịnh Công Sơn. Nguyễn Hoàn đã luận giải và phát hiện bổ sung nhiều điều thú vị qua tiểu luận Chiều kích đặc biệt của con người trong nhạc Trịnh Công Sơn.

Phần đóng góp của Nguyễn Hoàn trong tập tiểu luận Suy ngẫm với thời gian còn thể hiện ở bài tiểu luận Những sai lệch, thiếu sót trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng” của Ban Mainhằm đính chính những sai sót của cuốn sách do thiếu thông tin hoặc do những quan niệm chủ quan, sai lầm của một số người mà tác giả cuốn sách đã tin tưởng dùng làm tài liệu tham khảo, đã dẫn đến những nhận định thiếu thận trọng và thiếu tính khách quan, khoa học đối với nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn và đối với chiến tranh Việt Nam. Với tấm lòng yêu quý Trịnh Công Sơn, Nguyễn Hoàn đã làm được một điều minh oan cho nhạc sĩ và hẳn sẽ làm thoả lòng những ai yêu quý Trịnh Công Sơn như anh.

Khép lại tập tiểu luận Suy ngẫm với thời gian của Nguyễn Hoàn, tôi liền ghi lại những đồng cảm của mình như một lời chúc mừng thành công của một người làm báo chuyên nghiệp, chuyển qua đồng hành viết nghiên cứu, phê bình. Dù còn những điều cần bàn bạc và trao đổi với anh trong từng tiểu luận, nhưng nhìn chung, tập sách đã đạt được thành công đáng ghi nhận như tôi đã khái quát ở phần đầu. Quả là Nguyễn Hoàn có tố chất và nền tảng của một nhà phê bình, nghiên cứu chuyên nghiệp, bởi ở thao tác và phương pháp khoa học nhuần nhuyễn, ở tính cẩn trọng trong xác minh tư liệu, ở vốn triết mỹ, lý luận văn học và lịch sử chín chắn. Và có lẽ cao hơn cả là lòng say mê văn học - nghệ thuật đã làm cho trang viết của anh có chiều sâu của tình đời, tình người, lấp lánh lời sẻ chia, mời gọi đồng cảm.

 

                                                                         Vỹ Dạ, đêm 15 -  4 - 2010

                                                                                          H. T. H

* Suy ngẫm với thơi gian – Nguyễn Hoàn – Nhà xuất bản Quân đội nhân dân – tháng….năm 2010

 

 
 
Hồ Thế Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 189 tháng 06/2010

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

14 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground