1.
Để chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị, được sự đồng ý của UBND tỉnh, sự ủy quyền của Sở Văn hóa Thông tin, Hội văn học nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Cửa Việt đã tổ chức cuộc thi văn thơ: 1996-1997. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn của một vùng văn học. Đồng thời cuộc thi đã lôi cuốn được sự chú ý theo dõi và gởi tác phẩm dự thi, tác phẩm hưởng ứng cuộc thi của nhiều cây bút trẻ, của nhiều nhà thơ, nhà văn có tên tuổi khắp cả nước gửi tác phẩm về dự thi và hưởng ứng cuộc thi.
Những năm 1995- 1996, Tạp chí Văn học của thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Sông Hương, tạp chí Nha Trang, tạp chí Nhật Lệ đều liên tiếp mở những cuộc thi truyện ngắn, góp phần cho sự khởi sắc của truyện ngắn trên bình diện của cả nước. Trước các cuộc thi của các báo bạn chúng tôi tự thấy rằng, không dễ gì Cửa Việt lại có thể tổ chức thành công một cuộc thi văn học ôm đồm cả thơ, cả truyện, cả ký, nếu không đủ lòng yêu nghề và thiếu tự tin. Thực ra, đối với Cửa Việt trong thực trạng bài vở của mình, tổ chức cuộc thi cũng có nghĩa là lấy việc triển khai cuộc thi để củng cố tổ chức mở rộng mạng lưới cộng tác viên, và chủ động được nguồn bài vở có chất lượng cho mười hai số báo năm.
Cuộc thi được phát động từ ngày 01.4.1996 và kết thúc ngày 01.4.1997, nhân kỷ niệm hai mươi lăm năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị. Tháng 6 và tháng 7 năm 1996, để tạo điều kiện cho những cây bút trong tỉnh có tác phẩm dự thi, Cửa Việt đã tổ chức trại viết hơn 30 tác giả và thu hoạch được 21 bút ký, 17 truyện ngắn và 16 chùm thơ. Trong suốt 395 ngày nhận tác phẩm dự thi gởi về Tòa soạn, Cửa Việt đã nhận được 1.251 bài thơ, và 341 tác phẩm văn xuôi gồm cả truyện ngắn và ký. Trên 16 số báo, kể từ số 19 (4.1996) đến số 34 (7.1997) đã in 55 truyện ngắn, 31 bài ký và 251 bài thơ. Sau nhiều phiên họp thẩm định và chọn lọc của Ban sơ khảo, truyện ngắn vào vòng chung khảo là 54 truyện của 40 tác giả, 27 bài ký của 21 tác giả và 51 bài thơ của 30 tác giả. Nhìn từ góc độ một tờ tạp chí địa phương lưu lượng tác phẩm gởi về dự thi và tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo như trên đã đem lại cho Cửa Việt những yếu tố thành công căn bản của cuộc thi.
Văn học là nhân học. Đồng thời cũng có thể mạo muội nói người nghệ sĩ cầm bút cũng có nghĩa là người chép sử của thời đại mình. Chính vì vậy, thi pháp của văn chương đều phải được thăng hoa từ tính chân xác và trung thực của cuộc sống. Trái tim và tấm lòng của người nghệ sĩ luôn hướng thiện và hướng tới cái đẹp bất hủ của nhân dân, của cuộc sống như chính nó đang diễn ra và tồn tại với quy luật tiến bộ của nhân loại. Chính vì thế trái tim nghệ sĩ, đấy là trái cân của cán cân chân lý, luôn nhạy cảm buồn vui hưng thịnh với non sông. Phải chăng, lịch sử của dân tộc, của quê hương Quảng Trị vào những thập kỷ qua, đã đặt lên vai người dân Quảng Trị cái gánh nặng giải phóng đất nước, thống nhất sơn hà. Niềm đau chia ly và sum vầy ấy cho đến tận bây giờ, dù dân ta đã có được hai mươi lăm năm đêm trọn giấc ngủ bình yên, ngày trọn buổi cày bừa cơm áo, nhưng dễ gì 691 bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh nhà đã nguôi lệ khóc con?
Chiến tranh đi qua đã trọn hai mươi lăm năm nhưng đối với người nghệ sĩ cái bóng của nó chưa nguôi khuất và sẽ còn mãi mãi đổ bóng lên trang văn như là thước đo giá trị cho mỗi ngày ta sống. Với 10 truyện ngắn của 9 tác giả vào giải của cuộc thi này, có đến hơn một phần nửa lấy chiến tranh cách mạng nhân dân làm đề tài trọng tâm.
Điều trên cũng lặp lại ở thế ký và có phần đặc biệt hơn. Nghĩa là hầu hết các trang ký vào chung khảo, cái bóng chiến tranh ấy cứ lồ lộ hơn, nóng hổi hơn bởi phần chứng nhân lịch sử lại chính là tác giả đang cầm bút để ghi lại dòng hồi ức chìm sâu ấy chứ không ai khác.
Và cũng không ngẫu nhiên đâu, khi cả ngàn bài thơ gửi về dự thi cũng có một tỉ lệ hai phần mười trong số ấy là những bài thơ ca ngợi, cảm thông và thiêng liêng hóa hình tượng NGƯỜI MẸ, NGƯỜI VỢ, NGƯỜI YÊU khi ra khỏi chiến tranh muôn trái tim đều mang nặng mất mát với bao chia ly, sum vầy khắc khoải. Và càng xúc động hơn cũng có đến hai phần mười trong ngàn bài thơ ấy là những bài thơ tưởng nhớ, tôn vinh đồng đội đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp. Âm vang chiến tranh vệ quốc mãi mãi là tiếng sóng không một phút nguôi dứt trong lòng ta. Những cảm hứng cội nguồn ấy chính là phần chìm của tảng băng kỳ vĩ và vĩnh hằng của văn chương tài nhân.
2.
Về truyện ngắn xin cho chúng tôi bắt đầu từ các tác giả nữ của Quảng Trị. Đấy là Khánh Hà, Trần Thu Hòa, Đông Hà và Trần Thanh Hà. Ngoài ra còn có cả Trịnh Thị Hà Bắc, Bội Nhiên nữa. Các tác giả nữ ngoài tỉnh có tác phẩm dự thi đấy là chị Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Nguyệt Cầm, Nguyễn Thị Thúy Liên, Trần Thị Thắng…
Khánh Hà với hai truyện ngắn “Cô tôi” và “Cỏ tranh”. Truyện của Khánh Hà viết gắn, văn khúc chiết lại vừa dung dị cuốn hút người đọc và thân phận của nhân vật. Họ là những người đàn bà góa bụa sau chiến tranh. Nhân vật Dịu ở cuối truyện được tác giả khái quát: “Chị ta quá đẹp, lại hiều dịu quá đỗi!”. Chị quá nhẫn nhịn và âm thầm cô độc giữ lòng thủy chung nên như thể tự mình đánh rơi hạnh phúc! Bom đạn và sự bất hạnh đã cướp đi đứa con duy nhất của chị. Từ sự mất mát đó, chị mất luôn cả tỉnh yêu của chồng! Đọc truyện của Khánh Hà có cảm giác giọng văn “tỉnh”, ít tình tiết, nhưng lại lắng vào lòng người đọc một nỗi đau đáu. Một niềm cảm thông muốn chia sẻ với thân phận nhân vật.
Khác với giọng văn của Khánh Hà, giọng văn của Trần Thanh Hà vừa hoạt, vừa ám ảnh một vẻ gì đó mông lung không đầu không cuối nhưng lại được nhấn mạnh ở những chi tiết, tình tiết liên tưởng xen với văn tả chân khá bạo liệt lồ lộ chất đê mê nữ tính. Phải chăng chị đã dùng lối viết tự thoại với nhân vật đẩy được độc giả nhập vai vào nhân vật trong cảm hứng sáng tạo của tác giả. Đúng hơn, với Trần Thanh Hà, lối viết ấy là ưu thế mạnh nhưng tất cả những thứ đó cần phải có một giá đỡ vững chải của cốt truyện và ý tưởng nhân văn sâu sắc. Ba truyện “Quà cưới”, “Sông ơi”, “Ơi đò Ca cút” đều ở trong một mạch truyện đơn tuyến, hoạt về văn và chuyển tải được những dấu ấn của một vùng quê Quảng Trị, chất người Quảng Trị. Chất người, chất hồn ấy trong biến thiên của lịch sử, trong sự kỳ vĩ của núi sông, trong sự khắc nghiệt của bốn mùa mưa nắng, lụt bão của thiên nhiên lại may mắn làm nên sự huyền hoặc bi hùng.
Chất này ta còn gặp ở các truyện “Đêm mù sương”, “Sông hoa”, “Nấm”, “Chuyện không lời dẫn”, “Món quà bất tử” của các tác giả: Phan Trung Hiếu, Phan Kim Việt, Bội Hoàn.
Từ sự bi hùng huyễn hoặc của cái bóng chiến tranh, trong các truyện ấy ít nhiều nó lại còn vãng vất một nỗi LIÊU TRAI, tụ đấy mà biến đấy. Chỉ trái tim người đọc, khi gấp trang sách lại thì hệt như chúng ta vừa ý thức được rằng, chúng ta chưa hề ra khỏi chiến tranh, tay ta chưa hề rời khỏi cây súng vệ quốc, những mất còn, những nỗi niềm sống chết của đồng đội về tình yêu, về khát vọng tự do đã đốt thành lửa thiêng trong lòng người đọc.
“Nấm” của Bội Hoàn là chuyện di chứng về chất độc màu da cam. Đề tài không mới. Nhưng truyện lại gây được nhiều ấn tượng mạnh nhờ những chi tiết thực, gây xúc động và buộc ta phải suy nghĩ. Đặc biệt là các chi tiết một con mắt ở giữa trán đứa trẻ dẫn trới chi tiết kết thúc của tuyện là hai con măt của đứa trẻ không biết khóc, khiến câu chuyện mở ra.
“Đất lề” của Huỳnh Thạch Thảo, về sự tha hóa, qua một truyện giản dị, có nhận xét tinh tế, sinh động tạo được cảm giác gần gũi như những cảnh sống nào đó, ta thường gặp khiến ta đau lòng.
“Lời nguyền” của Tạ Nghi Lễ xoáy sâu vào cái bi kịch cuối đời của viên sĩ quan ngụy là do chính y tạo ra. Thái độ của cô con gái với cha cô được miêu tả uyển chuyển, thức thời và đầy cảm thông, hiếu thảo với người cha trong bi kịch đoạn tình của người mẹ.
Các truyện “Lúc đợi tàu”, “Tình riêng”, Tình xưa“ của Nguyễn Ngọc Chiến, viết có cốt truyện, có số phận nhân vật nhưng cuối truyện lại đuối sức khái quát. Văn của anh nghiêng tả thật, dễ dàn trải nhưng đồng thời ở những đoạn viết đạt thì rất sinh động và chân thật.
“Khúc hát ngày xưa” của Đức Ban viết có kết cấu, có tình huống truyện, về bi kịch của một gia đình với tình yêu của con gái họ. Thực ra truyện không mới, không gây ấn tượng mạnh, nhưng nó lại thấm đượm một nỗi buồn không dứt. Cái hậu ở cuối truyện vợi được nỗi thương xót mà tác giả muốn tri âm, muốn nhắc nhở người đời.
Trong nhiều mảng đề tài tác phẩm gửi về dự thi, các tác giả: Bùi Thanh Minh, Việt Hùng, Quý Thể, Bội Nhiên… lại đưa người đọc đến trước những đam mê trữ tình lẫn cùng những phê phán thói hư tật xấu của con người trong cuộc sống hàng ngày.
“Chuyện đời thường” Bùi Thanh Minh viết về một con chó nhỏ lạc chủ lại là con chó không có tiếng, nên ai cũng muốn nhìn nhận, chiếm đoạt. Thế mới hay lòng tham của kẻ hám lợi, vàng bạc châu báu kẻ tranh người cướp đã đành, đến cả một con chó khôn họ cũng cảm thấy thiệt nếu họ không vơ vào! Các tình tiết chuyện ỡm ờ mà thật xót lòng và nực cười.
Việt Hùng với “Cô gái hoàng hôn” một kiểu truyện luận đề về nghệ thuật và cuộc sống. Nó có vẻ “phù phiếm và phi lý” đối với cô gái làm mẫu tranh, như cô nghĩ ở cuối truyện, nhưng qua đó lại thấy được cái ý nghĩa của sáng tạo nghệ thuật. Việt Hùng là tác giả có nhiều truyện ngắn in ở Cửa Việt từ vài năm lại đây. Ở cuộc thi này anh gửi về Tòa soạn năm truyện, trong đó có một truyện không dự thi. Nhưng truyện không dự thi này lại là truyện hay và có tính khái quát sâu sắc không kém gì “Cô gái hoàng hôn’. Thật đáng tiếc.
“Con đò chở nỗi đam mê” của Quý Thể viết có nghề về một chuyện tình xứ quê, tình huống nửa thật nửa giả định. Kiểu viết ngào ngạt mà gây cười tủm, thương cảm cho các nhân vật được tác giả khéo nặn dựng ra họ như nhuốm màu thôn dã cổ tích, nhưng loại là tâm trạng phổ biến của bao kẻ si tình, mộng mị.
Chúng tôi trở lại với các tác giả nữ: Trần Thu Hòa, Đông Hà, Phạm Nguyệt Cầm, Phạm Thị Ngọc Liên, Bội Nhiên… các tác giả này góp với cuộc thi những truyện gan ruột về thân phận đàn bà lỡ duyên thì đầy tâm trạng trước những kiếm tìm hạnh phúc. “Bến bờ” của Bội Nhiên mạch văn chậm nhưng rất riêng về lối tả và lối khai thác những tâm tư lãng mạn ẩn kín của phái đẹp. Tuy thế, kết cấu cốt truyện còn chưa được chú trọng.
Thực ra, có thể nói nhược điểm này đã hạn chế rất lớn cho sự thành công của nhiều tác giả. Điều này cũng dễ lý giải, bởi ngoài những tác giả có tên tuổi đa phần các cây bút trong tỉnh có tác phẩm dự thi của Cửa Việt lần này cũng chỉ mới viết dăm mười chuyện đầu tay. Sự cố gắng để có tác phẩm dự thi là cả một thành công lớn của từng cây viết.
3.
Nhìn chung, phần bút ký dự thi kết quả có phần hạn chế hơn phần truyện ngắn. Ít bài có chất văn học. Phần lớn mạnh về phần báo chí. Tuy thế, đối với một tờ tạp chí địa phương nhất là đối với Cửa Việt, đội ngũ viết ký đã có một bước trưởng thành, trở nên một thế mạnh, để tờ báo bám địa bàn, bám các chủ đề thời sự, chính trị của tỉnh nhà. Với hai lăm số báo kể từ số mười hai (9/1995) đến số ba mươi lăm (8/1997), tạp chí Cửa Việt nhờ đội ngũ viết ký sung sức, đã thực hiện được hơn sáu mươi “chủ đề nóng” với gần một trăm trang phóng sự ảnh.
Từ sự nhìn lại này, chúng tôi tin tưởng qua cuộc thi văn học 1996-1997 đầu tiên này, Cửa Việt là nơi, là sự khởi điểm để nhiều cây bút, đặc biệt là những cây bút trong tỉnh thử sức bắt đầu từ thể ký, để trưởng thành một đội ngũ tác giả xông xáo đầy trách nhiệm với nhân dân, với cuộc sống và sự nghiệp văn chương của chính mỗi người.
Trần Biên là một tác gỉa, đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc chú ý. Như bút ký “Đi tìm đồng đội”, tập ký “Làng hầm Vĩnh Mốc”… lần này anh tham gia cuộc thi với những trang viết gan ruột, tưởng phải dấu nhẹm mãi trong lòng. Thế mà, với một tháng trại viết, hòa nhập vào tâm tình cảm xúc của các bạn đồng nghiệp trẻ, lòng anh đã rớm lệ, ứa thành dòng văn dung dị, nóng hổi. Đấy vừa là lời tự thú nặng trĩu tâm nguyện, ơn nợ với người mẹ Vĩnh Linh. Vừa là những dòng hồi ức miêu tả tưởng nhớ đến đồng đội đầy xúc động nhờ vào các chi tiết chân thực, đã trải qua. Và thiêng liêng hơn trong huyết quản anh. Tự bao giờ đã có một quê hương Vĩnh Linh, Lần thứ hai đã sinh ra anh làm người chiến sĩ trung kiên. Trong đất đỏ bazan ấy, máu bao người đã ngã sẽ mãi mãi tiếp sức cho chúng ta. Thế mới hay, văn Trần Biên thật thà không có gì lấp lánh nhưng chi tiết đời thật bấy lâu nay gói ghém trong lòng, nay được lấy ra với sự nghiền ngẫm nhìn lại vết thương lòng, nó lại có sức mạnh thuyết phục chói sáng lên trang văn.
Đinh Như Hoan có ba bút ký dự thi. Cả ba đều đã in trên Cửa Việt. Qua ba bút ký dự thi này có thể nói Đinh Như Hoan đã có những gặt hái đáng ghi nhận chuyển từ lối viết ký báo chí sang viết ký văn học và anh đã thành công xuất sắc ở bút ký “Ông lão dưới chân núi Linh Sơn”. Đinh Như Hoan là người viết ký mạnh về cách lấy tư liệu chịu khó cần mẫn của người làm báo. Các chi tiết được sử dụng mang tính thông tin báo, nhưng anh lại biết tìm cho mình những đối tượng nhân vật ký đắt giá, có địa chỉ. Do vậy, sức thuyết phục của bài ký thường đẩy được độc giả đến trước một mơ tưởng mong được gặp họ.., hiểu kỹ thêm về họ. Ví như ông lão dưới chân núi Linh Sơn ấy. Cụ là một gười anh hùng, không có huân huy chương của Nhà nước ban tặng, nhưng cụ là một vị anh hùng chân đất chìm khuất vào trong muôn dân đã làm nên cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh.
Thật ra cần đánh giá cao mảng ký tư liệu với những dòng hồi ức tuôn chảy như dòng nham thạch của những mạch nguồn tâm tư sâu kín trong lòng người kháng chiến, mà ngày ấy chưa một lần trong tất cả chúng ta đem phô bày thổ lộ! Mạch ký này trỗi lên với giọng ký của Trần Đình Phùng, Nguyễn Thị Thúy Liên, Phan Thiện Quốc, Sĩ Sô, Tấn Hoài… Những bài bút ký này chính là những trang sử có ngày tháng, bám chắc vào cái mình đã trãi qua, đã sống, đã biết giữ lại, lắng lại trong đáy lòng như là ngọc. Các anh chị trên dã đóng góp những tác phẩm đoạt giải rất xứng đáng cho cuộc thi. Những tác phẩm này phác dựng nên một chất văn hoành tráng, vừa kỳ vĩ lại vừa có cả phần chìm của tảng băng tư liệu vô giá không dễ thời đại nào cũng có thể tích lũy được. Những bút ký vào chung khảo tranh giải còn có thể kể đến chùm ký của Nguyễn Thành Phú, Đào Tâm Thanh, Thế Cư, Hải Hiền, Văn Tuyên, Phạm Giáp Phê.
Qua tác phẩm ký dự thi, một đội ngũ tác giả xuất hiện, khẳng định sức bút của mình bằng hơi thở nóng hổi và đầy ắp sự kiện của cuộc sống. Quảng Trị qua chiến tranh đã được hồi sinh. Những tên đất, tên làng: Vịnh Mốc, bến đò Bê, Cồn Tiên, Dốc Miếu … lẫy lừng chiến công nay lại thầm lặng vươn mình trong nhịp điệu xây dựng khẩn thiết và đổi mới của quê hương đất nước trong từng chỉ tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năng suất lúa, nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp… các tác giả ký có thể chưa sung sức.
4.
Có lẽ, chọn trao giải cho thơ là một việc làm khó nhất cho bất kỳ một cuộc thi thơ nào. Chọn thơ hay có khác gì nghe con chim hót giữa trời xanh rồi bình giá chọn lọc. Thơ là khó thế, huyền diệu không nhân ảnh là thế, vậy mà phải “cân đo đong đếm” để trao giải, hỏi sao không khó.
Hơn một ngàn bài thơ gửi về dự thi nói chung và với 51 bài thơ của 30 tác giả vào chung khảo nói riêng đã đem đến cho người đọc những cảm xúc chân thật, những lắng đọng gợi mở trữ tình, những âm vang trầm hùng về người lính Trường Sơn. Mạch cảm hứng chủ đạo của từng tác giả lại có sự dẫn nối thăng hoa vào từng mạch chủ đề lớn. Cái tôi hòa nhập vào cái chủ đề lớn của dân tộc và thời đại. Phản ánh khá phong phú về cuộc sống nhiều mặt đang diễn ra. Trong đó đặc biệt chú ý đến cuộc sống và con nguời ở mảnh đất Quảng Trị trong chiến tranh vừa qua. Đề tài về “Trường Sơn” và “mẹ” là hai mảng nhiều tác giả quan tâm khai thác. Đây cũng là nói lên đặc trưng, nét riêng của thơ Quảng Trị. Phần lớn các tác phẩm chuyên chở được ý tình chủ đạo của các tác giả đối với những vấn đề bức thiết đặt ra hôm nay. Biểu lộ được khá rõ trách nhiệm công dân của người cầm bút là gắn liền với đời sống xã hội. Đồng thời với chức năng của chủ thể sáng tạo, các tác giả đã góp phần làm hay làm đẹp thêm cho con người.
Những chùm thơ của Nguyễn Hữu Quý đậm chất người lính, một số bài gây ấn tượng, tạo được sức vóc chiến sĩ Trường Sơn. Các anh là hào khí bất tử của một Việt Nam mới, thời đại Hồ Chí Minh. Mạch thơ của Nguyễn Hữu Quý khỏe. Nhiều đoạn nhiều câu hay, mở ra cảm xúc liên tưởng sâu lắng, xúc động như: “Ngọn cỏ cuối cùng trút cho anh hơi thở, chuyển hồn quê vào khúc lữ trình đêm”, “Đêm thao thức trắng tận cùng thao thức, đêm lẻ loi chạy đáy lẻ loi, đêm chảy xiết đôi bờ sụt lở”… (Viết từ Thành Cổ), “Trối trăng đã mọc thành cây/ Hạt gieo đêm bão trổ đầy bình yên” (Nén nhang thắp ở Trường Sơn), “Hóa thành đất cái gia tài người lính/ Vóc dáng mẹ cho cũng đỏ đất rồi/ Thành đất cả dòng tên cha mẹ gọi/ Đã khai sinh ngọn lửa dưới mưa trời” (Cơn mưa rừng chiều nay). Riêng bài “Tiếng quê” có tìm tòi thú vị, dân giã: “Chạc là để gọi thay dây/ tơ hồng trời buộc đó đây một miền”, “Thương anh thì bảo thương eng/ Út ơi tiếng chị gọi em ngọt ngào”… “Con sông ngăn cách hóa rào? Lịp là chiếc nón dội vào chung chiêng…”
Những câu thơ của Lê Đình Cánh sâu đậm tình cảm của những gì đã chín muồi, đã được gạn lọc qua năm tháng hồi ức “Qua cầu Hiền Lương” làm người đọc bồi hồi nhớ lại thời đất nước bị chia cắt, một mỗi nhớ đang có máu chảy như đang có những đối thoại day dứt, sâu xa buộc người ta tự đặt câu hỏi giờ đây phải làm gì, làm sao cho quê hương trong xây dựng CNXH? Bài “Trời dịu” với thể lục bát truyền thống ngắn gọn mà súc tích “Cây dương kể tuổi nắng tà/ Gặp cơn gió trẻ cành già lao xao”, “Quê mình nắng dịu trời xanh/ Mưa là mưa nhuận gió thành gió tươi”.
Viết như vậy gợi mở được nhiều điều
Trần Vinh Khâm đến với cuộc thi bằng những bài thơ về người lính không quân. Thơ của anh giản dị, mộc mạc mà giàu liên tưởng. “Qua cửa sổ máy bay”. Tác giả nhìn thấy MẸ ! “Người đang phơi những nong ớt đỏ/ Vị ớt nồng cay ở mắt tôi/ Tôi bật gọi mẹ ơi lúc đó/ Người ngước lên thoáng nở nụ cười…”. Thật là một bức tranh đẹp, vừa bình dị dịu dàng như tình yêu của người mẹ Việt
Tác giả đã khá thành công bằng lối thơ năm chữ bình dị, về đề tài NGƯỜI MẸ mà người ta đã khai thác quá nhiều. Đó là một đề tài khó, rất khó, vì dễ viết mà khó hay.
“Đường biên” của Hoài Quang Phương lại hướng cảm xúc của mình về phía khác với các tác giả trên: Triết lý về mặt trái mặt phải, thiện ác trong cuộc đời “bằng 16 câu thơ 5, 7 bảy chữ rất ngắn tác giả gợi lên cho chúng ta những suy ngẫm về cả cuộc đời rất dài mà ai cũng phải trải qua, với những đường biên rất nhỏ: bước qua bên kia là sai lầm, tội lỗi, tham vọng, đen tối.. dừng lại bên này là đúng đắn, sáng trong, thành công, hạnh phúc.
Lại nữa, có thể nhặt ra rất nhiều câu thơ hay, đoạn thơ hay trong những chùm thơ của nhiều tác giả khác: “Gió chiều xanh lại anh và em’ (Nguyễn Lãnh), “Anh ôm một chiếc vĩ cầm/ Xót xa tiếng nhạc âm thầm nỗi đau/ Bây giờ ta cách xa nhau/ ta mang một nửa nỗi sầu thiên thu” (Hồ Chư) … “Làng tôi cháy tan hoang và nhiều người ngã xuống. Người làng cứ vơi dần” (Nguyễn Văn Dùng)… Nói chung, thơ TTCV chân chất, thiên về tình cảm hơn là trí tuệ. Điều này vừa là một ưu điểm, nhưng cũng là chỗ cần suy nghĩ. Bởi ít nhiều nó hạn chế sự thành công về sự sáng tạo nghệ thuật của thơ, cũng như cả ở truyện ngắn và ký.
5.
Những tác phẩm được giải cao đều hội được những cảm xúc và tình yêu của tác giả đối với mảnh đất và con người Quảng Trị trong cộng đồng Việt
Đối với người nghệ sĩ, không gì hạnh phúc bằng phải sống và viết cho quê hương. Sống và viết bằng những điều cật ruột, bằng chính cả cuộc đời cầm bút. Chúng tôi tin tưởng rằng, cuộc thi tuy đã kết thúc nhưng sự khởi sắc của một vùng văn học quê hương Quảng Trị hứa hẹn sẽ có những tác phẩm mới xứng đáng với lòng tin yêu của đông đảo bạn đọc gần xa khắp cả nước.
L.T.M.