G |
ần 40 năm nhà tù Lao Bảo đã giam cầm hàng ngàn chiến sĩ cộng sản yêu nước. Trong đó có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Trị như: Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực, Trần Hoành, Lê Thế Hiếu, Trần Ngung, Đoàn Lân, Trần Công Ái. Để các sự kiện lịch sử có giá trị tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của cha ông, gắn liền với những tên tuổi anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, với những sĩ phu yêu nước, chiến sĩ cách mạng thì cần thiết phải xây dựng hệ thống tượng đài kỷ niệm ngục tù Lao Bảo. Việc xây dựng này này có ý nghĩa sâu sắc, phần nào hình tượng hóa các giá trị xã hội truyền thống, góp phần làm phong phú không gian sống của con người. Nhóm tượng đài ngục tù Lao Bảo được xây dựng tại địa bàn thôn Duy Tân, xã Tân Phước ở phía Tây Nam đường 9, giáp sông Sê Pôn và Lào, cách thị trấn Khe Sanh khoảng 22 km theo hướng Tây là một nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã được nêu ra từ nhiều năm trước. Việc xây dựng nhóm tượng đài được tiến hành thận trọng, chắc chắn, trải qua một quá trình liên tục, liền mạch, gồm nhiều khâu, nhiều bước, với tinh thần cầu thị, khách quan và nghiêm túc. Trong đó, bước khởi đầu rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định là việc tổ chức tuyển chọn mẫu tượng đài.
Nhìn chung về mặt ý tưởng ban đầu đặt ra cho sáng tác tượng đài kỷ niệm Ngục tù Lao Bảo đã phần nào đạt được yêu cầu lịch sử. Các đồng chí lão thành cách mạng ở địa phương đã phát biểu những vấn đề quan trọng, nêu nhiều nguồn tư liệu phong phú, nội dung cụ thể, súc tích, thiết thực đối với việc xây dựng nhóm tượng đài Ngục tù Lao Bảo. Nhận thức được điều đó, ngày 10 tháng 3 năm 1999, Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao cho Sở văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc hội thảo và sơ tuyển chọn nhóm mẫu tượng đài Ngục tù Lao Bảo.
Sáng tác và duyệt chọn phác thảo bước I:
Mẫu tượng đài phác thảo bằng mô hình tìm ý và bố cục, có kích thước cao 60 cm. Bản vẽ thiết kế sơ đồ mặt bằng không gian tổng thể kiến trúc bao gồm: mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt. Tác giả nhóm tượng đài Phạm Văn Hạng và tác giả thiết kế của kiến trúc sư Lê Cảnh Hùng thuyết minh ý tưởng tạo hình, cảnh quan môi trường, không gian xác thực về mặt lịch sử. Các tác giả trình bày nội dung tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm thông qua sự sắp xếp bố cục hài hòa giữa hình khối đường nét của tượng đài gắn với bục bệ, gắn với kohong ian cảnh quan môi trường, cùng các công trình kiến trúc phụ trợ như nhà trưng bày bảo tàng. Tác giả Phạm Văn Hạng có ý tưởng dùng phần âm dưới lòng đất sử dụng vừa là bệ tượng đài, vừa là gian trưng bày những chứng tích của nhà tù. Ý tưởng này đã được Hội đồng nghệ thuật nhất trí. Kết quả bước I là mẫu nhóm tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, bản vẽ mặt bằng kiến trúc của Lê Cảnh Hùng được hội đồng góp ý kiến và tuyển chọn. Tất cả đều cho rằng quy chế tiêu chí, thể thức tuyển chọn mẫu mực, kết quả tuyển chọn là chính xác.
Sáng tác và duyệt chọn phác thảo bước II:
Sau một thời gian chuẩn bị với tinh thần lao động nghệ thuật cần mẫn, nghiêm túc, nhà điều khắc Phạm Văn Hạng đã hoàn thành việc phóng to, mẫu nhóm tượng Ngục tù Lao Bảo bằng đất sét tỉ lệ 1/1. Ngày 08 tháng 3 năm 2000, Hội đồng nghệ thuật tỉnh có các đồng chí Nguyễn Đức Chính- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đồng chí Trương Sĩ Tiến- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Xuân Đức- Giám đốc Sở VHTT, các đồng chí chuyên môn: họa sĩ, kiến trúc, xây dựng. Các đồng chí đại diện các ban ngành tuyên giáo, di tích, bảo tàng đã đến xem xét và góp ý kiến lần cuối cùng tại Đà Nẵng.
Các nhà chuyên môn đánh giá nhóm tượng phóng to này mang tính khái quát và tính tư tưởng cao. Nhóm tượng bao gồm các nội dung: phong trào sĩ phu yêu nước, kiên trung, lời thề, vượt qua thách thức, phá cùm.
Nhóm tượng “phong trào sĩ phu yêu nước” gồm 3 nhân vật: già, trung niên, trẻ bị xiềng, gông cùm chân tay ở tư thế ngồi sát vai bên nhau. Nhóm bố cục này được thể hiện hình khối ngang có chiều cao 2 mét. Tượng thứ hai biểu đạt nhân vật có gương mặt quả cảm chứa đựng tính “kiên trung” của người chiến sĩ cách mạng, tay trái giơ cao vung ra phía trước, cổ bị gông gỗ cùm, những xiềng xích trói buộc. Tượng thứ ba là nhóm tượng “Lời thề” dùng phương pháp biểu trưng và là tượng chính, đặt ở trung tâm, có chiều cao 4-5 mét, biểu đạt những tư thế nắm tay, cánh tay, bàn tay giơ lên cương quyết, chứa đựng khát vọng vĩnh hằng, hàm súc, khối lượng thô rám, rắn chắc. Tượng thứ tư có tên là “Vượt qua thách thức”, thể hiện người chiến sĩ cách mạng tay chân bị xiềng xích trói buộc, song tư thế vẫn đứng hiên ngang, bất khuất, gương mặt thách thức, ngẩng cao đầu không khuất phục.Tượng thứ năm biểu đạt hình dáng và cấu trúc khối của nhân vật “Phá cùm”. Tượng này chưa đạt yêu cầu, Hội đồng nghệ thuật góp ý kiến cần phải sửa lại tư thế của nhân vật phá tung xiềng xích theo đúng nghĩa của sự kiện lịch sử bao gồm yếu tố bằng hành động chính xác, dũng mãnh, gương mặt phải rắn rỏi, cương trực, phẫn nộ.
Qua quan sát tất cả các nhóm tượng đài Ngục tù Lao Bảo thể hiện bằng đất sét đó chính là những hình tượng mang tính khái quát của các nhân vật của sự kiện lịch sử. Vì thế ta “đọc được” những ý nghĩa mà tác giả đã gửi gắm trong đó. Các nhân vật là biểu tượng, biểu tượng bao giờ cũng là hình, song nó cũng là vô hình, vô tướng. Bởi đằng sau hình đó, hay nói đúng hơn những chiều sâu trí tuệ và chất lượng nghệ thuật biểu cảm mà nó chứa đựng, chuyển tải cho thế hệ sau là điều mà đứng trước một biểu tượng nếu chỉ với cái nhìn bằng thị giác thông thường không thể khám phá được. Vậy, vấn đề đặt ra là những khối điêu khắc nói ở trên đây mang ý nghĩa gì và tại sao tác giả lại sử dụng những hình khối đó mà không thể hiện những hình khối khác?
Đây là vấn đề mang ý nghĩa rất sâu sắc, gắn với tâm thức của nhân dân Quảng Trị, ta không thể không ngược về ngọn nguồn sự kiện lịch sử của nhà tù Lao Bảo.
Nhà tủ Lao Bảo là một trong 5 nhà tù lớn nhất của Đông Dương, không những giam cầm các nhà yêu nước, những chiến sĩ cộng sản của Quảng Trị, của miền Trung – Trung Bộ mà còn giam cầm những người yêu nước và các đồng chí lãnh đạo của Lào. Chế độ giam cầm, đày ải của bọn cai ngục ở đây rất tàn bạo, khắc nghiệt, hành hạ thể xác con người cho đến lúc tàn phế.
Để chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, ở đây đã từng nổ ra những cuộc đấu tranh quyết liệt dưới mọi hình thức của tù nhân đối với bọn cai ngục nhằm bảo vệ quyền sống tối thiểu của con người và nêu cao nghĩa khí của những người yêu nước và các chiến sĩ cộng sản. Là bài học truyền thống quý báu có tác dụng giáo dục đạo đức cách mạng cho những thế hệ kế thừa.
Như vậy là, nhóm tượng đài ngục tù Lao Bảo của tác giả Phạm Văn Hạng là tác phẩm sáng tạo, khái quát, nhằm tạo sự bất ngờ trên cơ sở tiếp thu những ý nghĩa của sự kiện cấu thành. Sự tồn tại biết chịu đựng của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, khí tiết trong ngục tù xuất phát từ lòng yêu nước, mong muốn được tự do, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, ước ao cuộc sống bình yên của dân tộc. Mặc dù nhóm tượng đài có những yếu tố chưa thật thỏa đáng, hơn nữa mẫu tượng đài tỉ lệ 1/1 đang ở dạng chất liệu bằng đất sét, không thể xác định chính xác chất lượng nghệ thuật trước khi tác giả chuyển thể tác phẩm đúc bê tông giả đá như dự định. Tuy nhiên, xét ở góc độ lịch sử thì thực sự cụm tượng đài Ngục tù Lao Bảo là một bằng chứng lịch sử về sức sống mãnh liệt chất chứa đức tính hy sinh của những chiến sĩ cách mạng. Khối tạo hình chắc nịch, khỏe khoắn, nhịp điệu bố cục nhân vật thích hợp. Tác giả đã nghiên cứu thấu đáo về đề tài, về nhân vật, về lịch sử, về tinh thần, tính tư tưởng. Nó chứng tỏ mối liên hệ giữa người sống và người chết. Tác động sâu sắc trong đời sống ngày nay của con người bởi chính 4 câu cuối trong bài thơ “Lao Bảo” của Tố Hữu viết vào tháng 6.1938 được tác giả dự định khắc chìm ở phía dưới nhóm tượng chính “Lời thề” đã nói lên điều đó:
… Cho tôi hưởng tinh thần hăng say chiến đấu
Cho da tôi dày dặn với ngày mai
Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu
Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai.
T.H.T