Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tôi là một giảng viên ở trường đại học, thường xuyên tiếp xúc với sách vở, chữ nghĩa. Thỉnh thoảng tôi đi “truyền cảm hứng” cho các học sinh, trong đó, không ít trường đề nghị diễn giả bàn chuyện đọc sách. Điều đó chứng tỏ hiện nay rất nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh, có lòng quan tâm đến văn hóa đọc.

Hiện giờ chúng ta đang bị vây quanh bởi công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nên mối băn khoăn về đọc sách gắn với môi trường đương đại. Văn minh nhân loại là một diễn trình tiến hóa, hết thời 4.0 sẽ đến 5.0, 6.0, rồi không biết bao nhiêu thời “chấm không” như vậy nữa. Cho dù là thời “n.0” nào đi chăng nữa, theo tôi, sách vẫn tồn tại và đọc sách vẫn là một vấn đề thiết yếu.

Thư viện Quốc gia Pháp

Hồi nhỏ, nhà tôi rất nghèo, tiền nếu có, sẽ được ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình. Rõ ràng mua sách không nằm trong danh mục ưu tiên của một gia đình nông dân đông con thiếu ăn thiếu mặc. May mắn là từ dạo ấy, tôi đã có niềm đam mê đọc sách. Rồi có đôi khi, bố tôi hứa thưởng cho tôi một món quà gì đó. Khi ấy, tôi sẽ xin được mua sách. Cuốn sách đầu tiên mà bố hào phóng mua cho tôi có tên là “Người đàn ông dát vàng”. Nó là tập truyện cổ tích thế giới. Tôi đã vô cùng hạnh phúc và đọc đi đọc lại đến mức gần như thuộc lòng cả tập truyện. Những trải nghiệm đọc tuổi thơ ấy thường ùa về mỗi khi tôi nói chuyện đọc sách với một ai đó.

Sách mở ra những chân trời kì diệu, nối lại những nhịp cầu về ký ức hôm xưa, kết những mùa hoa thiện lành vào đời bụi bặm, xoa dịu những hờn buồn từ sâu thẳm thiện căn. Sách là người bạn diệu kì, là người thầy vĩ đại. Vậy nhưng, có phải ai cũng thích đọc sách đâu. Làm sao để kích thích niềm đam mê đọc sách? Tôi nghĩ, con người có một cơ chế rất thú vị đó là thói quen, kể cả xấu lẫn tốt. Nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm “vạn sự khởi đầu... chê” từ việc đội mũ bảo hiểm đến đeo khẩu trang. Nhưng trải qua thời gian, khi đã quen thì nó lại trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống.

Thói quen đọc cũng vậy. Mỗi người có thể đặt nhiệm vụ cho mình: mỗi ngày một trang sách, mỗi ngày 15 phút đọc sách, mỗi khi nhìn thấy chữ tôi sẽ đọc cái gì đó... Nhưng như vậy chưa đủ. Thực tế cho thấy việc hạ quyết tâm dễ hơn nâng kỷ luật. Chúng ta thường nghiêm khắc với tha nhân nhưng dễ dãi với bản thân. Có muôn vàn lý do để bạn phá vỡ các nguyên tắc, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch... mà bạn xây dựng. Vậy nên, đặt nhiệm vụ đọc chưa đủ, bạn còn cần phải nghiêm khắc thực hiện nó.

Tác giả bài viết "truyền cảm hứng" đọc sách với các em nhỏ

Một cách chủ quan, tôi cho rằng, thói quen đọc sẽ dẫn đến niềm ham thích đọc. Bởi lẽ, như đã nói, sách mở ra cho độc giả muôn vạn sắc màu tri thức, tình cảm, trải nghiệm. Có thể sự thích đọc sẽ không xuất hiện ngay lần đầu tiên, nhưng trải qua thời gian, người đọc có thể bắt gặp những vỉa tầng xúc cảm phù hợp với họ, như trẻ con thích Doraemon, ai đó đọc ngôn tình, xuyên không, đam mỹ, ai đó đọc truyện lịch sử...

Tôi quan sát thấy rằng, đại thể có hai cách: đọc chủ động và đọc bị động. Cách thứ nhất thường đi kèm với sự quan tâm, yêu thích, đam mê. Người thuộc kiểu này thường chủ động lựa chọn và tìm kiếm các kênh để đọc. Và, tất nhiên, đây là kiểu đọc lý tưởng. Cách thứ hai là bị ép phải đọc. Kiểu đọc này thì không dễ chịu và lý tưởng cho lắm, nhưng cứ ép một cách hợp lý thì sẽ dẫn đến hình thành thói quen đọc sách như tôi nói ở trên.

Theo đặc trưng của học phần giảng dạy, tôi thường giới thiệu và yêu cầu sinh viên của mình phải đọc tiểu thuyết. Mỗi tuần giới thiệu hai tác phẩm, cho phép sinh viên lựa chọn một trong hai, hoặc cả hai càng tốt, để đọc. Tuần tiếp theo tôi sẽ hỏi về những cuốn tôi đã giao tuần trước. Không phải cả lớp đều đọc nhưng chỉ cần một số trong đó hoàn thành nhiệm vụ là tôi đã mãn nguyện rồi.

Để hình thành thói quen đọc, đam mê đọc hay văn hóa đọc, bạn phải đi một con đường dài.

Với cô con gái học lớp ba của mình, tôi cũng sử dụng chiến thuật đọc bị động này. Ngoài những lúc cháu chủ động đọc, tôi sẽ đề nghị cháu đọc một cái gì đó trong ít nhất năm phút. Đề nghị ấy cốt để nhắc nhở trong rất nhiều thứ cháu làm hằng ngày thì có một hoạt động mang tên “đọc sách”. Có một sự thực là bạn đừng bao giờ ảo tưởng chiến thuật của mình sẽ phát huy tác dụng ngay lập tức. Để hình thành thói quen đọc, đam mê đọc hay văn hóa đọc, bạn phải đi một con đường dài.

Không thể phủ nhận rằng, đọc sách bây giờ khác hồi xưa rất nhiều và nó sẽ khác thời tương lai nữa. Cách đây vài chục năm, chúng ta chỉ biết đến sách giấy. Bây giờ, sự đọc không chỉ có sách in mà sự ra đời của sách điện tử (ebook) đã thay đổi cách đọc, hoặc đa dạng hóa cách đọc, của độc giả. Chúng ta có thể đọc sách trên điện thoại, máy vi tính hoặc chuyên nghiệp hơn là trên máy đọc sách. Có rất nhiều thương hiệu máy đọc sách trên thị trường như Kindle, Kobo, Bibox, Onyx Boox, Xiaomi... Đây đều là các sản phẩm công nghệ chuyên dụng để đọc sách với thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng mang theo, khả năng lưu trữ tiện dụng hơn tủ sách truyền thống, cùng nhiều tính năng bổ trợ (ghi chú, tra từ, lướt web, nghe nhạc...). Bản thân tôi cũng có một chiếc Kindle Paperwhite làm bạn đồng hành trên những chuyến tàu, xe, ở sảnh chờ sân bay, trong quán café... Nó thực sự là một người bạn tuyệt vời cho những người thích xê dịch và vốn rất bận rộn như tôi.

Một trong những cách đọc khá tiện lợi khác đó là nghe-đọc. Nhiều người trong chúng ta hẳn chưa quên được những buổi nằm còng queo trên giường nghe “Kể chuyện đêm khuya” của Đài tiếng nói Việt Nam qua cái radio thỉnh thoảng lại rẹc rẹc. Với sự phát triển của công nghệ thì việc “đọc” bằng tai bây giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều. Bạn có thể truy cập vào rất nhiều địa chỉ như Youtube, Kho sách nói, Sách Nói, SachNoiViet, Nghe Sách Nói Online Hay, Radio Truyện Online, Waka, RadioToday... Bạn cũng có thể tải các phần mềm nghe sách như Fonos, Voizfm, TuneFm... Ưu điểm của các website hay phần mềm này là bạn vừa có thể đọc hoặc nghe, vừa có nội dung miễn phí, vừa có nội dung trả tiền. Bạn cũng có thể tải nội dung về, lưu lại trong thẻ nhớ, USB, ổ cứng di động... để có thể mở trên một số thiết bị loa di động có hỗ trợ khe cắm bộ nhớ ngoài. Tôi đã vận dụng cách này để hỗ trợ một số độc giả đặc biệt, trong đó có bố vợ bị mù và một người họ hàng bị tiểu đường biến chứng giảm thị lực. Hai độc giả này cho tôi thấy một hiện tượng “lạ đời”: người không nhìn thấy khao khát “đọc” hơn người sáng mắt. Ngoài ra, họ thường đề xuất nội dung cho tôi tìm kiếm chứ không phải là cái gì cũng nghe. Điều ấy chứng tỏ ai cũng có “gu” riêng, phù hợp với sở thích, nhu cầu, mục đích đọc.

Cuộc sống vẫn chảy trôi và nhân loại vẫn không ngừng tiến về phía trước. Đến một lúc nào đó, có thể sách giấy sẽ biến mất, sách thực thể vật chất sẽ bị thay thế bởi sách ảo, sách vô hình, không sờ nắn được, nhưng vẫn có thể “đọc” được. Tất nhiên, lúc ấy, cách đọc sách đã khác xa quá khứ và khác xa hiện tại. Có thể ở thời n.0, người ta cũng chẳng cần đọc, cần nghe nữa, mà “ăn” sách, “uống” sách, “ngửi” sách, “tiêm” sách... vào người. Những cách đọc này thật điên rồ nhưng biết đâu đấy!

Vậy thì điều gì còn lại bất chấp những biến đổi không ngừng của công nghệ? Tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là chủ thể hành động và tiếp nhận sự đọc, chính là con người. Sách sẽ tồn tại vĩnh viễn (ở dạng thức này hay dạng thức khác) và đọc sách, vì thế, sẽ vĩnh viễn tồn tại (chỉ là cách đọc sách sẽ thay đổi mà thôi). Nói chuyện xa xôi như vậy chi bằng quay lại một câu hỏi thiết thực hơn: Đọc sách thế nào? Thay vì lăn tăn chuyện sách giấy hay ebook “kẻ tám lạng, người nửa cân” thì hãy kết hợp chúng lại với nhau. Tùy điều kiện phù hợp mà sử dụng. Thay vì chỉ đọc bằng mắt, bằng miệng, thì hãy đọc cả bằng tai.

Đọc sách cùng con là niềm vui mỗi ngày

Nếu bạn là một phụ huynh, đừng quên rằng, việc đọc sách cho con là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, thói quen đọc sách có thể rèn luyện được. Muốn con mình có thói quen ấy, trước hết, mình phải có thói quen ấy đã. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, hãy dành ra khoảng 10 đến 15 phút đọc cho con nghe một câu chuyện nào đó. Hãy đọc bằng cả tâm hồn và “diễn” bằng tất cả khả năng mình có để làm câu chuyện thật sự sinh động. Hẳn có người sẽ nói tôi hão huyền, nhưng bất luận thế nào, tôi vẫn tin rằng: Sách sẽ tồn tại vĩnh viễn và đọc sách sẽ vĩnh viễn tồn tại.

• Nội dung: NGUYỄN ANH DÂN
Hình Ảnh: Nguyễn Anh Dân - I.T
Thiết kế: Nguyên Quý

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground