Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi tìm thân phận người phụ nữ nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam về đề tài nông thôn sau đổi mới

N

ối tiếp tinh thần nhân văn của các cây bút lớp trước, thân phận người phụ nữ nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam về đề tài nông thôn sau đổi mới được soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau, nảy sinh những nhu cầu và khát vọng rất Người cần được trân trọng, tôn vinh nên trong chuyến tàu di chuyển của tiểu thuyết về đề tài nông thôn sau đổi mới đã kịp xuất hiện hình tượng người phụ nữ nông thôn với tiếng nói rất nguyên sơ của đời họ - phần lớn là từ cái nhìn về các nhà văn nam viết về giới nữ bằng sự thấu thị, trân trọng, đáp tạ tâm tình họ như một lời đồng cảm cho tiếng nói (trao lời khó trao). Hình tượng nhân vật nữ nông thôn xuất hiện trong từng trang viết với vẽ đẹp trả về đời thường đã cho thấy hơn hết mọi tuyên ngôn, hơn những bài diễn văn giải phóng phụ nữ và hơn nữa là một niềm vui khi các nghệ sĩ hành trình về chính đời họ để hiểu họ, trân trọng họ với một tấm lòng nâng niu, tái tạo những cuộc đời nhiều mặt lên trang sách một chiều nhưng vang động những nỗi đau, những khát khao hạnh phúc. Đó không những là sự bền vững của chủ nghĩa nhân văn để khẳng định sức sống của phụ nữ nông thôn mà cho cả đề tài nông thôn.

Đề cập đến vấn đề hiện thực người phụ nữ nông thôn với những thân phận và cuộc đời đầy éo le của họ trong và sau chiến tranh, các tác phẩm Thời xa vắng (Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Dòng sông Mía (Đào Thắng)… đã đi sâu vào từng số phận cá nhân, của từng gia đình với những bi kịch của đời họ. Các nhà văn đã hướng tới cuộc đời và số phận của người phụ nữ nông thôn (những người mẹ, người vợ, người chị, người em) ở chiến tuyến hoặc hậu phương, nơi mà chiến tranh đã và đang đi qua để lại cho họ những nỗi đau, mất mát, thiệt thòi và niềm ước mơ mà mọi vật chất đời thường không gì bù đắp được! Nhà văn Trần Huy Quang từng trăn trở: “Chiến tranh – người ta đo tính ác liệt của nó bằng bao nhiêu bom đạm đã đổ xuống, bao nhiêu tỷ đô la bỏ ra, bao nhiêu lít máu đổ xuống, bao nhiêu thời gian. Hết tiếng súng, người ta gọi chiến tranh đã kết thúc. Nhưng đừng hãy nhìn lại. Khi không còn tiếng súng nữa, đâu phải hết sự ác liệt của chiến tranh. Không ai tính số lượng, khối lượng nhan sắc, tinh hoa của các cô gái, của con người bị mài mòn trong chiến tranh ư?”<3;tr.149>. Những người phụ nữ nông thôn không chỉ vậy. Họ còn là nạn nhân của nhiều tập tục, tập quán và cả những quan niệm xưa cũ lạc hậu tồn tại dai dẳng trong đời sống sinh hoạt ở nông thôn. Đây là những nguyên nhân dẫn đến nỗi đau, mất mát và bất hạnh trong cuộc sống của người phụ nữ nông thôn trong và sau chiến tranh. Số phận của họ được các nhà văn tái hiện trên từng trang văn một cách mạnh dạn, sâu sắc và tràn đầy cảm thông, sẻ chia!

Khắp làng Đông (Bến không chồng), làng Đoài (Dưới chín tầng trời), làng Nguyệt Hạ (Bóng đêm và mặt trời), làng Đồng (Dòng sông Mía), làng Động (Thời của thánh thần)… sôi sục, cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh ác liệt. Quanh năm suốt tháng, quanh quẩn mãi nơi các làng quê chỉ còn lại phụ nữ và một số ít đàn ông tật nguyền, thiểu năng lực và ngớ ngẩn về trí tuệ: “Bây giờ bói cũng chả còn đứa con trai nào nhìn cho được mắt. Đứa nào không đui què, sứt môi, tai điếc thì mười bảy tuổi đã đòi khai thêm một tuổi để đi khám nghĩa vụ”<1;tr.139>. Tâm trạng chung của những người phụ nữ trải qua chiến tranh thường mang nỗi cô đơn khắc khoải vì phải sống “chốn giáp ranh giữa địa ngục và trần gian” và tiếp xúc với những người cùng giới với nhau trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Sự tàn phai cuộc đời tịnh tiến theo thời gian lúc đầu tính bằng ngày, tháng, sau tính bằng năm, rồi cả cuộc đời. Chiến tranh đã ngốn hẳn một thời gian dài dằng dặc như thế khiến tuổi trẻ bị đánh bật ra sau và với người phụ nữ đó là niềm bất hạnh, nỗi đau không lời làm tê buốt con tim họ! Người chinh phụ mà Đặng Trần Công xây dựng ngày nào sống trong trăn trở, cô quạnh chờ chồng héo hắt cả nhan sắc nhưng dẫu sao ở người chinh phụ còn le lói chút hi vọng. Những mảnh đời như Chị cả Thuần (Dòng sông Mía); Nhân, Hạnh, Cúc, Thắm (Bến không chồng), Bức (Bóng đêm và mặt trời)… Chỉ là những kiếp sống mòn, tuyệt vọng, tháng năm đã mài nhẵn cả tuổi thanh xuân khát khao hạnh phúc của họ. Họ sống trong chờ đợi, hi vọng, khi “quá lứa lỡ thì” nhiều người trong số họ trở thành góa phụ khi đương còn xuân, giấu kín đời mình và giấu kín những khao khát cháy bỏng chân chính là sứ mệnh đè nặng lên trái tim họ. Bởi “làm người đàn bà góa có muôn ngàn nỗi nhục, buộc chặt thắt lưng, thắt chặt dây yếm không dám để thiên hạ nhìn thấy bầu vú còn tròn căng; trông thấy người đàn ông khỏe mạnh, gân guốc, má bỗng ửng đỏ, người nóng bừng, phải quay mặt đi tự xỉ vả mình”<5;tr.470>. Nỗi đau âm ỉ nhưng bỏng rát hơn khi bao nhiêu ngày tháng chờ đợi chồng về bỗng dưng cánh cửa hạnh phúc càng đóng chặt bởi người về mang nỗi đau không nói thành lời! Những người chồng mặc áo lính trở về với bến bờ hạnh phúc nơi làng quê của mình, nhưng lại không còn khả năng làm “đàn ông” để giúp người vợ trẻ làm tròn thiên chức của mình, uất nghẹn bởi đắng cay không nguôi.

Những người phụ nữ thời hậu chiến trở thành những người đàn bà cô đơn khát khao được yêu thương, họ bị dày vò điên cuồng bởi ước mơ được làm vợ, làm mẹ như Thủy, Hạnh (Bến không chồng)… Chính ước mơ đời thường và nhỏ nhoi ấy khiến cuộc đời họ trở thành tấn bi hài kịch. Nỗi đau khổ, tủi nhục đẩy đến cao độ khi họ chấp nhận tất cả để đạt được ước mơ nhỏ nhoi ấy, dù họ đã phạm phải tội phi đạo đức, loạn luân hay ngoại tình. Hạnh (Bến không chồng) luôn sống trong nỗi lo sợ, ám ảnh bởi chiến tranh sẽ cướp mất đi người chồng của chị! Thế nhưng, Hạnh có sự may nắm hơn những người phụ nữ khác, sau chiến tranh Nghĩa trở về làng Đông cùng đoàn tụ gia đình. Nghĩa về lành lặn và còn lên cấp tá nữa. Những tưởng hạnh phúc sẽ tràn ngập ngôi nhà thế nhưng đau đớn, tủi hờn cho cái kiếp phù sinh của Hạnh, khi Hạnh nhận ra chiến tranh đã cướp mất đi quyền làm chồng, cha của Nghĩa: “Nỗi thất vọng của Nghĩa lộ rõ trong ánh mắt: Hạnh nhận ra hết, Hạnh thấy xót xa nhào vào lòng Nghĩa khóc rưng rức…”<1;tr.241-242>. Gần mười năm chờ đằng đẵng chờ chồng, Hạnh đã biết bao lần mộng mị về những cuộc ái ân, bao lần cô phải tự thỏa mãn tình dục, khát khao có con với Nghĩa  để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng là sinh một đứa con (mà là con trai) để nối dõi tông đường cho dòng họ Nguyễn. Sự vùng vẫy của Hạnh không thể vượt qua được lối mòn trong suy nghĩ: Đàn bà phải có con! Khuôn mặt rạng ngời niềm vui khi Hạnh hiểu hạnh phúc của người làm mẹ. Sau bao năm khát khao kiếm tìm, Hạnh thấy lòng rạo rực khi dắt con trên bờ sông: “Giây phút này là giây phút thiêng liêng nhất trong đời chị. Hạnh đã khát khao cả cuộc đời đi lấy chồng mong sao có được đứa con mà không có được”<1; tr.305>. Thiên chức làm mẹ của Hạnh không tròn, gia đình Nghĩa đẩy Hạnh đến mặc cảm “tàn phế”. Chia tay Nghĩa, Hạnh cảm thấy cô đơn, tủi phận. Trong cơn tuyệt vọng cùng cực, bất chấp cả đạo lý Hạnh đã chủ động hiến dâng cho chú Vạn, người cha nuôi của cô. Niềm hạnh phúc tuyệt vời đó cũng chính là sự bắt đầu nảy mầm cho một bi kịch mới của Vạn, cảm giác xấu hổ, tủi nhục khiến Vạn trầm mình xuống dòng sông làng Đông để chạy trốn sự thật! Ngay cả Thủy người vợ sau của Nghĩa cũng chìm ngập trong nỗi đau đớn tuyệt vọng, nỗi nhục nhã khi buộc lòng tự làm “con điếm” để kiếm đứa con: “Thủy đành phải chấp nhận lời dối chồng, lừa dối gia đình chồng và lừa dối tất cả mọi người để gây lại niềm tin cho gia tộc nhà Nghĩa”<1; tr.299>. Nỗi đau của chị đã hóa thành niềm chung để bao người phụ nữ lúc này soi mình vào, họ không thoát được vòng “cương tỏa” của chiến tranh, của những hủ tục khắc nghiệt để rồi họ trở thành những hòn vọng phu bằng máu thịt giữa đời thường với nhiều ám ảnh!

Nỗi đau càng bất hạnh hơn khi những người chồng yêu thương của các chị hy sinh ngoài chiến trường, bỏ lại nơi chốn quê nhà những người vợ, người con yêu dấu của mình. Chị Nhân (Bến không chồng) sau bao lần tiễn chồng, tiễn con đi là bấy nhiêu lần đau đớn, vật vã khi phải đứng bên quan tài chồng, con, nhưng ngay cả nỗi đau cũng vật vờ, giả tạm vì quan tài chỉ là biểu trưng còn người thân cách xa nghìn trùng thế giới. Chị thấy mình bị hẫng hụt như rơi tõm xuống cái hố sâu thăm thẳm! Nỗi đau nhấn chìm, tưởng chừng chị lại không sống nổi, nhưng cuối cùng chị vẫn phải sống. Bởi chị là vợ, là mẹ liệt sĩ, nên chị luôn phải khoác trên mình chiếc áo khoác của người phụ nữ đại diện cho mẫu người phụ nữ Việt Nam kiên trung, tiết hạnh. Chị Nhân buộc phải vượt lên trên tất cả những khát khao hạnh phúc của bản thân, chị đành để tuột mất mối tình ở tuổi xế chiều, mà chị xứng đáng được hưởng. Chính lối sống theo cái khuôn mẫu mà thời đại đã định sẵn, vô hình đã đẩy chị Nhân “trượt dài” trong những năm tháng còn lại của cuộc đời lay lắt! Chị Cả Thuần (Dòng sông Mía) cũng có nỗi đau như chị Nhân nhưng chị lại dám vượt qua búa rìu của dư luận. Sau khi chồng chết trận, chị hẳn còn trẻ nên sức sống mãnh liệt cứ âm thầm đánh thức những khao khát bùng cháy trong trái tim yếu mềm của chị để rồi chị đến với anh Đồi, và thằng Các ra đời. Những định kiến, dèm pha, dè bỉu, mạt sát, nhiếc mắng càng tăng thêm nỗi khổ đau, tủi nhục: “Gần đây nhà vợ Khuê con dâu bà đưa chuyện ấy trước bàn dân thiên hạ bêu xấu, dè bỉu một cách tàn nhẫn. Không những danh tiết thờ chồng nuôi con, cái chỗ víu vào đấy nó giúp bà gắng gỏi, sống thầm bấy lâu, bị xé rách không chút thương tiếc mà cái góc khuất cất giấu trong lòng bà bị bới tung ra để xỉ vả…” <5;tr.471-472>. Nỗi đau ấy dâng lên đến đỉnh điểm, linh hồn chị đã chết thật sự, tồn tại chỉ là một cái bóng dật dờ bởi “cái chết trong khi còn có thể sống, có cả chứa bên trong cái thâm ý chế nhạo cuộc đời”<5;tr.459>. Bước đường thăng trầm bà Thuần trải dài bằng những bất hạnh, đau đớn, tủi hờn để đẩy bà đến bàn tay của tử thần. Bà Mến đã giải bày tận cùng gan ruột về ước vọng hạnh phúc với chị Cả Thuần trước dòng đời đen bạc. Đó là tiếng nói đau đớn tủi hờn và cả sự phản kháng: “Người đàn ông chết sớm thì phải trả cho người đàn bà cái quyền có con với người khác. Cốt sao sống yêu cho thẳng, đừng lừa gạt gian dối, đừng để con bơ vơ. Lấy thêm một lần chồng, thêm một lần đời, sao nở bắt người đàn bà chồng chết rồi, chỉ mình, rồi già, rồi chết”<5;tr.486-487>. Người đọc nhận ra triết lý đắng cay khi thấy những trớ trêu của cuộc đời: “Con người ta sống trên đời cần có cái tổ ấm gia đình. Không có lý, khi ta làm cho đời này tốt đẹp hơn, lại là tội lỗi”<1;tr.308>.

Con người trong chiến tranh không thể tự do lựa chọn số phận mình. Chiến tranh có sự nghiệt ngã riêng của nó, mà ở đó “cái không bình thường đã trở nên bình thường”, ở đó “sự chém giết đã trở thành những hành động tự nhiên, tất yếu của con người”. Những ai lãng quên, suy nghĩ và hành động trái với “bình thường” của quy luật chiến tranh, thì dễ sa vào cảnh huống dằn vặt, day dứt, đau đớn, mà không thể lí giải được nguồn cơn một cách rõ ràng, minh bạch. Thương Huyền (Dưới chín tầng trời) có một mối tình đẹp với chàng trai giải phóng quân, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, Thương Huyền phải ngủ với cố vấn Bell để hoàn thành nhiệm vụ mà cách mạng giao phó. Khi hoàn thành xong nhiệm vụ, nhờ đứa con trong bụng mà Thương Huyền thoát chết, nhưng chị phải bỏ dở công việc vì sự day dứt, giằng xé trong tâm hồn khi phải giết cha của đứa con mình. Đó là “một mệnh lệnh sẽ khắc vào cuộc đời nàng một dấu ấn, một mỗi đau nhức nhối suốt đời”. Nỗi đau càng xoáy sâu hơn khi tổ chức kết tội chị buông súng giữa chừng: “Tổ chức đã theo dõi sát từng bước chân nàng trong phi trường. Giờ thì đích thị nàng là con điếm, điếm cao cấp đánh đu với cả ngài cố vấn Mỹ. Nàng không thể ngờ thân phận nàng bỗng nhiên thành con điếm có con với hai người đàn ông. Hai người đàn ông đi vào cuộc đời nàng lại là kẻ thù của nhau ở hai chiến tuyến. Nàng bỗng nhiên trở thành tội phạm của cả hai phe trong cuộc chiến”<2;tr.174>. Hòa bình lập lại, Thương Huyền cũng không nhận được sự cảm thông, sẻ chia của mọi người, mà trái lại chị nhận được những ánh mắt soi mói của những người cán bộ “kiên định lập trường” như Thu Cúc. Mặc dù chính họ là kẻ đã đẩy Thương Huyền làm vật hy sinh “dưới hai lằn đạn của cả hai phía”. Niềm trắc ẩn, tự vấn lương tâm không hề ngủ yên! Không có gì hối tiếc, ăn năn về cái hôm qua, nhưng lại không thể thanh thản về những hệ quả về cái hôm nay. Chính nghịch cảnh đó đã đẩy Thương Huyền hóa điên. Ở hoàn cảnh chiến tuyến phân định rạch ròi, xã hội còn đó những nghi kị, thì nỗi đau của Thương Huyền cũng là nỗi đau chung của những thân phận phụ nữ nơi chốn hương quê.  

Con người phải mạnh mẽ vượt qua những thành kiến, hủ tục ngặt nghèo để dành lấy hạnh phúc cho mình. Những tập tục cố hữu, lạc hậu đều bị lên án, và chiến tranh cũng là một nguyên nhân không nhỏ gây nên bi kịch bao số phận của những người phụ nữ ở nông thôn Việt Nam. Chiến tranh chẳng mang lại gì cho họ ngoài cuộc sống mỗi người mỗi cảnh, bởi “hạnh phúc thì ai cũng giống ai, nhưng bất hạnh không ai giống ai”(L.Tonstoi). Lặn vào trong tác phẩm, ta hiểu rằng không thể lấy bất cứ gì khác để bù đắp xứng đáng cho người phụ nữ, bởi có ai bù đắp được những cuộc đời dở dang, bất hạnh! Đấy là con đường “lộn trái” bộ mặt của chiến tranh, trong đó vấn đề “nhân bản”, tình yêu bị băng hoại do chiến tranh được coi là sự hi sinh đau đớn, vĩ đại nhất bên cạnh những hi sinh oanh liệt cho dân tộc trước đó. Khai thác điểm nhấn này, tiểu thuyết nông thôn sau đổi mới đã có một góc nhìn mới về thân phận người phụ nữ luôn chìm trong những đày ải, khổ đau và chung thân với nỗi đau không lời! 

B.N.H

 

 

 

 

 

___________

Tài liệu tham khảo

1. Dương Hướng (2004), Bến không chồng , Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

2. Dương Hướng (2007), Dưới chín tầng trời, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

3. Trần Huy Quang (1994), Nước mắt đỏ, Nxb Lao động, Hà Nội.

4. Lê Lựu (2005), Thời xa vắng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

5. Đào Thắng (2004), Dòng sông Mía, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

 

 
 
BÙI NHƯ HẢI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 206 tháng 11/2011

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

1 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground