Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Đèn soi lối cho tài lộc vào nhà

Ấn Độ là đất nước của hội hè lễ tết. Có thành ngữ hẳn hoi, như đùa: mỗi tuần có tám ngày lễ. Làm sinh viên ở Ấn Độ thường có cái sướng được nghỉ học luôn luôn. Năm đầu tiên, đám sinh viên ngoại quốc hay gặp tình trạng cắp sách đến trường thấy trường sở vắng tanh. Ngơ ngác hỏi nhau, hỏi ông bảo vệ, mới biết hôm nay ngày lễ. Nghỉ học. Chẳng được ai báo trước. Muốn biết trước thì phải có trong tay tờ lịch từ đầu năm. Lễ tết triền miên. Sinh nhật các vị thần đạo Hindu, ngày lễ của các tôn giáo, ngày hội mùa, ngày hội của từng vùng trên khắp tiểu lục địa...

Dẫu sao thì vẫn có một cái tết lớn nhất, chung nhất cho mọi miền, mọi tôn giáo. Đó là tết Dipawali (thường gọi là Diwali). Chiết tự thì Dipawali xuất xứ từ chữ Dipak, nghĩa là ngọn đèn. Dipawali là Tết Đèn, không phải là “Tết ánh sáng” như một số người hiểu sai cụm từ tiếng Anh “Festival of Lights”. Đêm Diwali, trên các bậu cửa sổ, trên các ban công, dọc theo bờ tường và lối đi trong mọi nhà là vô vàn những đĩa đèn đốt bằng dầu lạc, bằng nến, thậm chí bằng bơ tinh khiết. Đĩa đèn bằng đất nung, cỡ nằm gọn trong lòng bàn tay. Nhà cửa, phố phường lung linh nghìn vạn ngôi sao sa. Người Ấn tin rằng đèn sáng như vậy soi lối cho Nữ Thần Tài Lộc Laksmi vào nhà, đem theo tài lộc cho một năm mới.

Những ngọn đèn ấy còn là để soi đường cho chàng Rama đưa nàng Sita trở về quê hương sau mười bốn năm bị lưu đày trong rừng và chiến thắng ác quỷ Ravana, giải phóng cho người vợ. Vậy nên Diwali còn là cái tết gắn với sử thi Ramayana, thiên sử thi gồm 24.000 khổ thơ hai câu, do giáo sĩ Bà La Môn Valmiki sáng tác vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên. Ramayana được coi là câu chuyện tình sâu sắc và đồ sộ bậc nhất của nhân loại.

Từ một tháng trước tết Diwali (trong khoảng tháng mười - tháng mười một hàng năm) người Ấn Độ có cái thú đi xem lại vở Ram Lila (Chuyện chàng Rama). Các phường các quận đều có diễn. Đoàn nghệ thuật của các bang các thành phố đều có diễn.

Ram Lila chính là câu chuyện rút từ sử thi Ramayana. Đúng vào ngày nhà vua Dasaratha dự định tuyên bố trước dân chúng kinh thành Ayodhya rằng sẽ truyền ngôi cho con trưởng là hoàng tử Rama thì một bà vợ yêu của nhà vua đòi ngai vàng phải trao cho con trai của bà ta là Bharata, còn Rama phải bị đẩy vào rừng sống mười bốn năm biệt xứ. Nhà vua từng hứa sẽ thực hiện hai điều ước bất kỳ của bà ta, lời hứa đã có sự chứng giám của thần linh, nay không sao rút lại được. Quá đau khổ, nhà vua lâm bệnh, nhưng Rama biết chuyện đã giải phiền cho phụ vương bằng cách tự nguyện cùng vợ là Sita đi vào rừng. Một người em trai là Laksmana tình nguyện theo anh.

Hoàng tử Bharata biết mình được phong vương thì vô cùng giận dữ trước việc làm sai trái của mẹ. Chàng tìm vào rừng, cầu xin Rama trở về trị vì đất nước, nhưng Rama từ chối, quyết tâm thực hiện lời hứa thiêng thay cho phụ vương. Bharata đành phải quay về triều, nhưng chàng đặt lên ngai vàng đôi dép của Rama, còn chàng thì ngồi sang bên cạnh, chờ cho hết mười bốn năm để người anh trở về.

Nhưng vào năm cuối cùng, Sita bị con quỷ Ravana bắt cóc về xứ Lanka. Rama cùng Laksmana, được sự giúp đỡ của viên tướng khỉ Hanuman và vương quốc khỉ, đã xây một chiếc cầu bằng đá nối sang đảo Lanka, giết được quỷ Ravana. Hai mươi ngày sau, Rama đưa Sita trở về cố hương. Cả kinh thành Ayodhya tưng bừng đón chào đức vua thực sự của mình. Người ta đốt đèn khắp nơi để soi lối cho vợ chồng Rama.

Ngày hôm ấy được lấy làm ngày tết Diwali.

Trước đó hai mươi ngày, ngày Rama tiêu diệt quỷ Ravana, được lấy làm một ngày lễ tiền Diwali, gọi là lễ Dashera, không kém phần náo nhiệt. Hình nộm của Ravana và hai tướng quỷ khác được dựng lên ở những sân chơi thuộc khắp các phường phố, làng xóm. Các hình nộm được trang trí rực rỡ, cao khoảng hơn mười mét, bên trong chất đầy pháo đùng và pháo bông. Vừa chập tối, một mũi tên lửa được bắn vào hình nộm, làm chúng bốc cháy đùng đùng. Pháo bông, pháo thăng thiên từ trong đó bay vút lên trời, tỏa muôn màu rực sáng.

Tết Đèn Diwali và sử thi Ramayana có ảnh hưởng sâu rộng ở vùng Đông Nam Á. Có khá nhiều dị bản của thiên sử thi này như chuyện Nàng Xêđa ở Campuchia, sang đến sân khấu của ta thì nó là Nàng Sita, hoặc là Chuyện Riêm Kê của người Khmer Nam Bộ... Tướng khỉ dũng mãnh Hanuman sang đến Trung Quốc đã thành Tôn Ngộ Không. Các nhà nhân chủng học cho rằng Hanuman và thần dân khỉ của ông thực ra là chủng tộc người Dravidian ở miền nam Ấn, da nâu đen, thẳng thắn, tốt bụng và quả cảm. Những người nghiên cứu địa lý thì cho rằng chiếc cầu bằng đá xây lên để nối sang đảo Lanka thực ra là một chuỗi đảo nhỏ, chứng tỏ thời đó việc thông thương trên biển giữa tiểu lục địa Ấn Độ với quần đảo Lanka đã khá phát triển.

Còn vô số điều được khoa học hiện đại giải mã từ thiên sử thi liên quan đến cái tết lớn nhất của Ấn Độ.

Sống lại ngày Tết xứ Ấn

Sau hai mươi năm, tôi chọn đúng ngày tết để trở lại Ấn Độ. Xứ Ấn nhiều lễ tết hội hè, nhưng Diwali là tết to nhất, tết năm mới, tết gắn với sử thi được ưa chuộng bậc nhất. Chàng Rama chiến thắng quỷ Ravana rồi đưa nàng Sita trở lại quê hương. Hành trình về lại cố hương từ miền nam Ấn đi lên miền Bắc. Ngày hai người về đến quê hương được lấy làm ngày tết. Dân chúng trang hoàng nhà cửa, thắp lên những ngọn đèn đất nung, lung linh như sao sa khắp phố phường xóm làng.

Lại nhớ thời trong ký túc xá sinh viên nước ngoài ở New Delhi, chúng tôi cũng thắp sáng hàng chục cái đèn bát bằng đất nung, cỡ bằng một phần ba cái bát ăn cơm. Đèn sáng như sao ấy là để soi đường cho Rama và Sita trở về, đèn sáng cũng là để soi cho thần Tài Lộc Lakshmi, thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng Ganesh biết lối mà vào nhà.

Trước khi trở lại, cứ ngại dịp tết thì đường phố tắc nghẽn, mấy ngày tết nhà hàng cửa hiệu đóng cửa. Mấy người bạn Ấn trả lời thư điện tử: đừng lo, những ngày đầu năm phố phường sẽ vắng hơn, còn dịp tết thì hiệu ăn và cửa hàng đều mở cửa, không ai muốn bỏ mất dịp buôn bán đầu năm.

Thế là quyết định đi. Tết Diwali thời tiết ở thủ đô đã dịu sau mấy tháng nắng nóng, nhiệt độ trong ngày chỉ dao động từ 20 đến 32 độ C. Đường phố mấy ngày áp tết rầm rập người và xe. Nhưng từ buổi chiều tương tự chiều ba mươi tết ở ta, lượng người và xe trên đường giảm hẳn.

Ngày tết người Ấn có thói quen đi xem lại vở diễn Ram Lila, kể sự tích Rama và Sita như trong sử thi Ramayana. Ngày trước năm nào tôi cũng đến bãi Ferozshah Kotla để xem vở kịch múa hoành tráng này, do Trung tâm nghệ thuật Shriram biểu diễn. Bây giờ tôi cũng chọn vở của trung tâm Shiram, nhưng đã hết vé, đành phải mua vé xem vào ngày hôm sau. Bây giờ không diễn ở sân bãi mênh mông ngày xưa nữa, sân khấu được dựng lên ngay trên bãi cỏ của văn phòng Trung tâm nghệ thuật, chứa được khoảng dăm trăm người. Sân khấu không hoành tráng như ngày trước, nhưng vẫn còn khá dài và rộng so với một sân khấu thông thường. Trang trí sân khấu có thêm yếu tố video art, nghệ thuật hình ảnh video, cập nhật các kỹ thuật hiện đại. Tất nhiên dàn diễn viên mới hoàn toàn, giọng ca và dàn nhạc nền cũng mới. Đạo diễn vẫn thế, nhưng biên đạo múa có thay đổi ít nhiều. Tôi chờ một vũ đạo đẹp và mạnh khi bốn anh em hoàng tử Rama lần lượt thi bắn cung nhưng không có, người ta đã cải biên và bỏ mất cảnh này. Dù một số chi tiết xưa đã thay đổi, nhưng xem lại cũng là dịp để sống lại không khí tết Ấn Độ ngày trước.

Tối giao thừa, tôi chọn điểm đến là đền Birla, hai mươi năm trước còn là khu đền lớn bậc nhất ở thủ đô. Bên cạnh đền Hindu này có một chùa Phật nho nhỏ khiêm nhường. Tôi vào chùa Phật trước, gặp một nhà sư người Sri Lanka trong chính điện, được nhà sư buộc chỉ cổ tay chúc phúc. Hơn hai chục năm trước, mỗi lần đến thăm đền Hindu, trước hết tôi vào ngôi chùa Phật ngay bên cạnh, có gì như là cám cảnh, thương cho ngôi chùa Phật hiếm hoi và nhỏ bé nép mình bên cạnh ngôi đền Hindu đồ sộ. Bây giờ cũng vậy, tôi đi một vòng xung quanh khuôn viên nhỏ của chùa, thấy ở lưng chùa vẫn còn phiến cẩm thạch trắng, khắc ghi rằng chùa được vị cha già dân tộc Mahatma Gandhi khánh thành vào ngày 18-3-1939, tám năm trước khi Ấn Độ độc lập.

Rồi đi sang đền Birla, nơi tôi đã tự chọn trước cho đêm giao thừa. Ngôi đền cao khoảng bốn mươi mét bề thế và lộng lẫy. Tôi lưu lại trong đền từ lúc chạng vạng cho đến khi đèn đuốc rực sáng, ngôi đền sáng bừng lên trong đêm. Đền này còn có tên là Lakshmi Narayan, tức là thờ thần Bảo Hộ Vishnu (còn có tên là Narayan) và vợ là nữ thần Tài Lộc Lakshmi. Người Hindu coi Đức Phật là kiếp thứ chín của Vishnu, cho nên trong chùa có cả phù điêu đắp nổi hình Đức Phật. Không như tôi sớm lo, đêm giao thừa trong đền không hề chen chúc. Lượng người đến chùa vừa phải, vẫn còn chỗ cho tôi ngồi ở một khoảng sân yên tĩnh, trên một chiếc ghế băng cẩm thạch màu trắng. Cứ ngồi đấy mà thụ hưởng không khí bình yên thanh tịnh. Khoảng 20 giờ 30 là thời khắc giao thừa, khi ấy khắp xung quanh mới rộ lên tiếng pháo. Chắc giờ này ở bãi Ferozshah Kotla và ở sân bãi của các phường, người ta đang đốt những hình nộm khổng lồ của vua quỷ Ravana. Pháo bông, pháo sáng, pháo thăng thiên tung tóe rợp trời, pháo đùng thì rộn ràng dưới đất.

Ngày tết có mừng tuổi? Có chứ, người Ấn cũng mừng tuổi lì xì cho trẻ con và người già. Không lấy đâu ra mấy đối tượng ấy trong khách sạn nho nhỏ ở trung tâm, tôi mừng tuổi cho anh chàng lái xe và mấy ông phục vụ, cỡ trung niên cả. Ngày tết mà họ vẫn phải đi làm.

Ngày tết may mắn? Thì tôi là người gặp may, những hai lần. Chuyến bay xuống đất Phật Boddhgaya và bay trở lại Delhi, lần nào cũng bắt được phiếu trúng thưởng trên máy bay của Hàng không Ấn Độ. Được một hộp hai cái đồng hồ đeo tay cỡ to và cỡ nhỏ hiệu Light Swiss của Thụy Sĩ và một cái cặp đựng laptop cũng của Thụy Sĩ. Mấy vật dụng này không phải loại xa xỉ, chỉ cỡ gần 100 USD một món. Nhưng may mắn ngày tết thì nhỏ to đều quý.

Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 3 (12.2021)

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Thực hiện toàn diện, hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương

12 Giờ trước

LTS: Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) là sự kiện chính trị lớn của đất nước, quân đội và toàn dân. Nhân dịp này, Đại tá Nguyễn Hữu Đàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Cửa Việt (Đầu đề do tòa soạn đặt)...

Đại hội Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030

21/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Chiều nay 21/12, Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị tổ chức đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Dự đại hội có NSND Huỳnh Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị - Nguyễn Văn Dùng, đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị.

"Tiết học Biên cương" giáo dục lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ

21/12/2024 lúc 11:00

Ngày 19/12/2024, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cùng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức Chương trình “Tiết học Biên cương”...

Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavan

20/12/2024 lúc 19:49

Ngày 16/12, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT)Lao Bảo (Bộ đội biên phòng Quảng Trị) và Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Đensavan (Công an Savannakhet - Lào) tổ chức Hội đàm 6 tháng cuối năm 2024.

Hai nhạc sĩ Quảng Trị đoạt Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024

17/12/2024 lúc 14:38

TCCVO - Tối 15/12, Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/12

25° - 27°

Mưa

25/12

24° - 26°

Mưa

26/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground